Những ai cần xét nghiệm đường huyết khi mang thai?
Các chuyên gia sức khỏe đều chỉ định xét nghiệm thử glucose trong tuần thai thứ 24 đến 28 để giúp các mẹ bầu sớm phát hiện bệnh.
Có đến gần 5% phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ vì chế độ dinh dưỡng không cân đối. Chính vì thế xét nghiệm đường huyết là một việc vô cùng quan trọng mà các mẹ bầu cần lưu tâm. Các chuyên gia sức khỏe đều chỉ định xét nghiệm thử glucose trong tuần thai thứ 24 đến 28 để giúp các mẹ sớm phát hiện bệnh và xử lý kịp thời những vấn đề có thể xảy ra.
Xét nghiệm đường huyết khi mang thai
Nếu thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với tiểu đường hoặc đang có những dấu hiệu như có đường trong nước tiểu, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm xét nghiệm thử glucose trước tuần thứ 24 của thai kỳ. Nếu kết quả là bình thường, bạn sẽ được tầm soát một lần nữa vào tuần 24 đến 28.
- Xét nghiệm thử glucose
Trước khi tiến hành xét nghiệm thử glucose, mẹ bầu sẽ được cho uống hết một dung dịch ngọt có chứa 50g glucose trong vòng 5 phút. Sau đó một tiếng, các bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để đem đi kiểm tra mức đường huyết. Mẹ sẽ biết kết quả sau một vài ngày. Nếu kết quả cao, mẹ bầu sẽ được yêu cầu làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose.
- Xét nghiệm dung nạp glucose
Khác với xét nghiệm ở trên, lần này các mẹ sẽ không được ăn bất cứ thứ gì trước khi tiến hành. Theo các bác sĩ, thời điểm tốt nhất để xét nghiệm dung nạp glucose là vào sáng sớm để tránh tình trạng mẹ bầu phải nhịn đói quá lâu.
Khi đến kiểm tra, bác sẽ tiến hành lấy mẫu máu để kiểm tra đường huyết lúc đói. Sau đó, mẹ bầu sẽ được cho uống một lượng dung dịch glucose. Cách một giờ, mẹ bầu sẽ được lấy mẫu máu. Sau 3 lần lấy máu, nếu có 2 kết quả dương tính trở lên, bác sĩ có thể kết luận bạn đã mắc tiểu đường thai kỳ.
Những phụ nữ có nguy cơ bị mắc tiểu đường thai kì
Bất cứ phụ nữ nào cũng có thể bị mắc tiểu đường thai kỳ nhưng phụ nữ có nguy cơ cao mắc phải nếu như:
- Chỉ số cơ thể BMI trên 30 – sử dụng cách tính chỉ số cân nặng để cho ra kết quả BMI.
- Các mẹ đã từng sinh con nặng khoảng 4,5kg hoặc nặng hơn.
- Bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
- Phụ nữ bị quá cân, béo phì cả trước và khi đang mang thai.
Dấu hiệu mẹ bị tiểu đường thai kì
- Luôn khát nước đến khô họng
Nếu mẹ bầu nhận thấy mình có cảm giác khô miệng và muốn uống nước nhiều hơn bình thuờng thì cần phải đi kiểm tra ngay bởi đây là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang có nguy cơ bị tiểu đường thai kì.
- Buồn tiểu liên tục
Đi tiểu liên tục là một hiện tượng bình thường xảy ra trong suốt thời kì mang thai nên nhiều mẹ bầu không mấy để tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tiểu đường thai kỳ cũng có thể gây nên tình trạng đi tiểu thường xuyên bởi khi lượng glucose không được chuyển hóa hết và tồn đọng trong máu, thận sẽ “phản ứng” bằng cách xả vào nước tiểu. Vì thế mẹ bầu cần chia sẻ thông tin này với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
- Mệt mỏi đến kiệt sức
Nếu trong thời gian mang thai, mẹ bầu nhận thấy tình trạng mệt mỏi của mình ngày càng gia tăng, đồng thời luôn thở dốc sau mỗi bữa ăn thì cần nghĩ ngay đến bệnh tiểu đường thai kì.
- Xuất hiện nhiều tưa lưỡi
Tưa lưỡi xuất hiện dày, liên tục là biểu hiện của việc cơ thể thừa đường. Khi mắc tiểu đường thai kỳ, lượng đường thừa trong cơ thể là nguồn nuôi dưỡng cho nấm candida sinh sôi, dẫn tới hình thành tưa.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình