Nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn: Xử trí như thế nào?
Nhiễm khuẩn, nhiễm độc ăn uống là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hoá, thường do vi khuẩn gây ra trong quá trình cầm nắm, lưu trữ, bảo quản, chế biến.
Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Có nhiều loại vi khuẩn gây nên tình trạng này như độc tố có tụ cầu vàng, E.coli, phẩy khuẩn tả, E.coli 0157 - H7, Salmonela, Rotavirus… Trong đó nguyên nhân thường xuyên và hay gặp nhất là do Salmonela (thương hàn) và độc tố của tụ cầu vàng.
Thời tiết chuyển mùa, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng của phong tục tập quán,... là những điều kiện hết sức thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển gây ra nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn. Điều đáng lo ngại là phần lớn người bệnh do sự chủ quan, không biết cách xử trí, tự ý sử dụng thuốc không đúng cách làm cho bệnh cảnh lâm sàng trở nên phức tạp hơn.Triệu chứng nhận biết
Sau bữa ăn 6 - 12 giờ, tình trạng ngộ độc xuất hiện đột ngột với các triệu chứng: Sốt cao 38 - 390c, rét run, đau mỏi toàn thân; Đầy bụng, đau quặn bụng, đau thượng vị rồi đi ngoài, phân lỏng, nhiều nước lổn nhổn thức ăn chưa tiêu, ngày đi 3 - 10 lần hoặc hơn; Nôn sau 1 - 2 lần ỉa lỏng; nôn thốc, nôn tháo những thức ăn chưa xuống ruột, chua, nhiều nước, ngày 2 - 3 lần hoặc hơn làm bệnh nhân càng bị mất nước và điện giải. Có thể chỉ có nôn mà không có ỉa lỏng.
Với thể nặng, mất nước nhiều: Huyết áp thấp, mạch nhanh, dễ có truỵ tim mạch.
Tại nhà: Cần phải xử trí ngay như sau:
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ em, phải cho trẻ uống bù nước ngay vì ở trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải. Ngay tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrit.
Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Nếu không có Oresol, có thể pha nước gạo rang với muối ăn.
Thường bù từ 1 - 2 lít/ngày. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Dùng thuốc tại cơ sở y tế
Thuốc kháng tiết ở ruột non: Thuốc có tác dụng ức chế men encephalinase (là men phụ trách thoái hóa encephalin nội sinh ở não và ruột) làm giảm tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác.
Thuốc hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, đạt đỉnh điểm sau khi uống 1 giờ, thời gian tác dụng khoảng 8 giờ. Thuốc đôi khi gây buồn ngủ, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Các chất hấp phụ: là những silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacryl có khả năng hút nước rất nhiều làm tăng độ đặc của phân. Thuốc không được hấp thu vào máu và được đào thải theo phân mang theo các chất mà chúng đã hấp phụ, do đó không dùng chung với nhóm làm giảm nhu động ruột.
Ngoài ra, cần chú ý dùng các thuốc khác cách xa thuốc này khoảng 2 tiếng. Một số thuốc hay dùng của nhóm này như gelopectose (gồm có pectin, cellulose, silice, dextrin - maltose, natri clorit), sacolen (thành phần có lactoprotein methylelic)...
Những thuốc không được dùng
Thuốc làm giảm nhu động ruột: Đây là sai lầm hay mắc phải nhất do sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân cũng như sự thiếu ý thức của nhân viên y tế, đặc biệt là các dược tá nhà thuốc.
Thuốc làm giảm nhu động ruột như loperamid, diphenoxynat có tác dụng làm giảm sự co bóp của ruột nên nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột vì thế làm tăng độ đặc của phân.
Trong trường hợp nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, sử dụng nhóm thuốc này sẽ làm chậm quá trình đào thải chất độc ra khỏi cơ thể và do đó càng làm cho tình trạng nhiễm độc nặng nề hơn.
Kháng sinh - Hầu như không cần sử dụng: Trong nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, hầu hết là các trường hợp ở thể nhẹ và trung bình, do vậy không có chỉ định dùng kháng sinh. Chỉ cân nhắc sử dụng kháng sinh ở thể nặng hoặc ở những người có suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ và người có bệnh mạn tính kèm theo.
Trong trường hợp này, bác sĩ là người cuối cùng có quyền quyết định nên sử dụng loại kháng sinh nào và dùng trong bao lâu. Người bệnh không nên tự ý sử dụng chỉ làm tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn thêm trầm trọng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình