Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ cháu luôn lo sợ bệnh tật, làm sao giúp mẹ thoát khỏi ám ảnh đó?

Câu hỏi

Chào các bác sĩ! Cháu viết thư này mong nhận được sự tư vấn của các bác sĩ cho trường hợp mẹ cháu. Mẹ cháu năm nay 54 tuổi, mắc bệnh kinh niên khoảng 20 năm nay như: rong kinh, nhức mỏi, đau lưng, mất ngủ, đau đại tràng, đau bao tử... nói chung là bệnh này hết thì bệnh khác lại đến. Đến nay sức khỏe của mẹ cháu đã cải thiện đáng kể: ăn được, ngủ được, da dẻ hồng hào, nhìn mẹ trẻ hơn nhiều so với những người cùng tuổi. Nhưng dường như mẹ luôn cảm thấy không khỏe, một ngày mẹ không uống thuốc thì sẽ không thấy khỏe. Mỗi lần mẹ nghe ai đó nói về bệnh nào đó, thì y như thể mẹ sắp bị bệnh đó vậy. Hễ mẹ bị nhức tay, nhức lưng 1 chút thì phải đi chụp hình, siêu âm để coi sao? Ăn uống không hợp, bị tiêu chảy thì ngay lập tức phải đi bác sĩ... mặc dù cháu đưa mẹ đi khám tổng quát thi kết quả đều tốt, không có vấn đề gì. Cháu cũng đã khuyên mẹ là thư giãn, không nên lạm dụng thuốc quá nhiều, sẽ không tốt cho sức khỏe về sau nhưng mà mẹ vẫn không nhận thức được điều đó, hễ đau một chút là đòi đi bệnh viện. Cháu nghĩ thời gian qua, sở dĩ mẹ bệnh liên tục như vậy có thể là do tâm lý của mẹ không ổn định. Cháu có ý định đưa mẹ đi điều trị về tâm lý, cháu suy nghĩ vậy có đúng không? và nếu điều trị thì cháu có thể đưa mẹ đi khám và điều trị ở đâu? Cháu rất mong nhận được sự tư vấn của các bác sĩ! Chúc các bác sĩ luôn khỏe mạnh và hạnh phúc! (Pham Thao - ngocthao...@gmail.com)

Trả lời
Ảnh minh họa: internet
 
Chào Pham Thao,

 

Các miêu tả trong thư của em gợi ý rơi vào các khả năng sau: hoặc mẹ em bị rối loạn cơ thể hóa (somatisation disorder), loại rối loạn này thường khởi phát ở độ tuổi 20-30 tuổi, người bệnh luôn than phiền về các biểu hiện khó chịu về mặt cơ thể, hầu như không lúc nào khỏe khoắn và luôn luôn có nhu cầu đi khám kiểm tra.

 

Đáng chú ý là các than phiền này thay đổi theo thời gian, khi thì triệu chứng này, khi thì triệu chứng khác, đi kèm theo là các phiền muộn về tâm lý và tình trạng lo âu trường diễn liên quan mật thiết với các khó chịu về mặt cơ thể.

 

Tình trạng này giảm hoặc hết khi các khám nghiệm cho kết quả bình thường hoặc chỉ có rối loạn về mặt chức năng (rối loạn thần kinh tim, rối loạn thần kinh thực vật…), nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn lại xuất hiện các triệu chứng khác, gây ra các ảnh hưởng đến công việc, đời sống xã hội và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân ở mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng.

 

Trường hợp thứ hai, có thể mẹ em bị rối loạn nghi bệnh. Đối với trường hợp này, mẹ em thường rất dễ bị ám thị, hay có cảm giác mình có một bệnh lý cơ thể nào đó khi nghe các thông tin liên quan và đòi hỏi phải khám kiểm tra đúng chuyên khoa (đòi đi khám tim mạch vì nghĩ bị bệnh tim, đi khám hô hấp vì nghĩ bị bệnh phổi…).

 

Tuy nhiên, khác với trường hợp trên, việc khám kiểm tra ít khi trấn an và thuyết phục được người bệnh, họ luôn nghi ngờ các kết quả khám nghiệm và đòi hỏi phải được khám bệnh, xét nghiệm thường xuyên liên tục. Đi kèm với tình trạng trên là trạng thái lo âu trường diễn hoặc đôi khi có trầm cảm.

 

Ngoài ra, đôi khi các than phiền trên cũng có thể bắt nguồn từ một tình trạng trầm cảm và/hoặc lo âu không điển hình, do không được phát hiện và can thiệp nên biểu hiện ra bằng các than phiền về mặt cơ thể.

 

Do trong thư không có các chi tiết cho biết rõ mẹ em đòi đi khám vì các khó chịu cơ thể hay vì nghi ngờ mình có bệnh lý cụ thể gì đó, cũng như thái độ tâm lý của bác như thế nào khi có kết quả kiểm tra nên khó có thể kết luận bác thuộc trường hợp nào. Đồng thời cũng thiếu các thông tin để xác định có hay không tình trạng trầm cảm và/hoặc lo âu nên việc đưa ra một kết luận chẩn đoán sẽ mang tính phỏng đoán, không khoa học.

 

Và đúng như em nghĩ, bác cần được khám và điều trị về chuyên khoa Tâm thần để có hướng xử trí phù hợp.

 

Thân chào! 

 

  BS-CK2 Phạm Quỳnh Diệp
 
  

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X