Hotline 24/7
08983-08983

Mang thai hộ: Khó về pháp lý, không khó về chuyên môn

Chủ trương cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ được triển khai tại TPHCM sau khi thông tư hướng dẫn được ban hành.

Sáng 31/3, GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì cuộc hội thảo tại TPHCM phổ biến Nghị định số 10/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Vụ Pháp chế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) và 22 đơn vị có khả năng thực hiện kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) trên cả nước.

Phải có ràng buộc về pháp luật

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM, cho rằng vấn đề mang thai hộ không khó về mặt chuyên môn nhưng có nhiều cái khó về mặt pháp lý.

Cụ thể, luật quy định người mang thai hộ phải là thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ nhưng không nêu rõ ai sẽ là người thẩm định điều này. BV đã gửi công văn đến Sở Tư pháp TP xin ý kiến nhưng chưa nhận được phản hồi.

Luật cũng đề cập "tiêu chuẩn sức khỏe" đối với người mang thai hộ. Tiêu chuẩn này có bao gồm các yếu tố đặc thù riêng nào đó (như tuổi tác) hay chỉ cần tờ giấy khám sức khỏe bình thường như khi đi xin việc làm vốn khá sơ sài?

Việc mang thai hộ cần nhờ đến kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng làm nảy ra một vấn đề vốn là vướng mắc khá lâu trong BV: Nhiều cặp vợ chồng sau khi điều trị thành công, các phôi chưa chuyển vẫn để lại BV nhưng BV lại mất liên lạc với họ hoặc nhiều năm họ không chịu trở lại đóng phí lưu trữ phôi.

Hiện không có quy định cụ thể nào về việc xử lý những phôi bị "bỏ rơi" này (hủy, hiến tặng cho các cặp hiếm muộn khác hay dùng vào mục đích nghiên cứu khoa học?).

Tư vấn cho một đôi vợ chồng hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ
Tư vấn cho một đôi vợ chồng hiếm muộn tại BV Từ Dũ

Theo GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến, việc xác nhận thân thích trước hết phải do cơ quan hành chính thực hiện, có dấu đỏ của địa phương (phường, xã, thị trấn…).

BV nên có yêu cầu, hướng dẫn cụ thể về các giấy tờ này để người bệnh không mất thời gian tới lui nhiều lần và BV cũng có cơ sở pháp lý để thực hiện vì chính người ký giấy xác nhận ở địa phương sẽ chịu trách nhiệm về điều này.

Về tiêu chuẩn sức khỏe, có thể căn cứ trên các giấy khám sức khỏe tổng quát hiện hành. Về những phôi dư và không có người nhận, tạm thời vẫn chưa có quy định cụ thể.

Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, đề xuất nên có hợp đồng ràng buộc trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm để các cặp vợ chồng đến làm thủ thuật lựa chọn cách xử lý phôi (hủy, tặng người khác, hiến tặng cho BV để nghiên cứu…) trong trường hợp họ ngừng đóng phí lưu trữ phôi.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết để việc mang thai hộ được tiến hành đúng mục đích nhân đạo, luật chưa cho phép các BV thực hiện mang thai hộ đối với khách hàng là người nước ngoài nhằm tránh bị lợi dụng vào mục đích thương mại, trong đó người mang thai hộ trở thành công cụ và đứa trẻ là một món hàng như từng xảy ra ở Thái Lan.

Cũng liên quan đến vấn đề pháp lý, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, cho biết sẽ liên hệ Bộ Công Thương về thủ tục đăng ký mẫu hợp đồng thống nhất và điều kiện giao dịch chung đối với trường hợp này để giúp các cơ sở y tế có thể yên tâm hơn khi thực hiện. Ông Hải cũng cho biết đã có nhiều ý kiến đề xuất đưa các trường hợp tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại vào nhóm các tội hình sự.

Xin noãn, tinh trùng: Chưa được phép

BS Diễm Tuyết đã nêu lên băn khoăn về việc luật yêu cầu noãn và tinh trùng khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ phải là của vợ chồng người nhờ mang thai hộ sẽ khiến những người vì lý do bệnh lý cần xin noãn/tinh trùng sẽ không có cơ hội thực hiện.

Ngoài ra, BS Diễm Tuyết đặt vấn đề luật yêu cầu mang thai hộ chỉ áp dụng đối với các cặp vợ chồng chưa có con chung, vậy trong trường hợp đã có một con chung nhưng lại mắc bệnh lý bẩm sinh (như bệnh Down), người vợ lại bị tai biến sản khoa (như bị cắt tử cung) không thể mang thai nữa thì có nên giải quyết cho họ được nhờ người mang thai hộ?

Theo GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến, luật hiện chưa cho phép xin noãn/tinh trùng trong các trường hợp mang thai hộ nên chưa thể thực hiện. Đối với trường hợp có một con chung nhưng bị bệnh lý bẩm sinh, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Đây là vấn đề đã được đưa ra thảo luận nhưng quyết định cuối cùng là trường hợp này không được áp dụng mang thai hộ. Bởi lẽ, nhiều người e ngại số phận đứa trẻ bị bệnh lý bẩm sinh sẽ gặp khó khăn, cần rất nhiều sự chăm sóc từ cha mẹ".

Sau 1 năm có thể triển khai mở rộng

Khoản 2 điều 13 Nghị định số 10/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nêu rõ 3 cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản trung ương, BVĐK Trung ương Huế và BV Từ Dũ (TPHCM).

Khoản 3 của điều 13 cũng quy định: "Sau một năm triển khai thực hiện nghị định này, căn cứ các điều kiện quy định tại khoản 1, giao bộ trưởng Bộ Y tế quyết định bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (đã được Bộ Y tế công nhận đủ khả năng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm) được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ngoài 3 BV quy định tại khoản 2 điều này".

Hiện cả nước có 22 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế công nhận. Trong đó, TPHCM có 6 cơ sở, gồm các BV: Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Vạn Hạnh, An Sinh, Mỹ Đức.


Theo Anh Thư - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X