Livestream: Vai trò của nội soi trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa
Nội soi có giúp phát hiện vi trùng HP hay ung thư không? Tính chính xác đến đâu? Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ ống nội soi? Những triệu chứng bất thường sau khi nội soi đại tràng?... Tất cả những thắc mắc này được TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng và BS.CK1 Nguyễn Anh Đoàn đến từ Bệnh viện Gia An 115 giải đáp trong chương trình livestream lúc 14g00, ngày 17/12/2019.
PHẦN 1: ĐỐI THOẠI MC & KHÁCH MỜI
[HOI]MC Ngọc Hương: Nội soi dạ dày, nội soi đại tràng giúp phát hiện những bệnh gì? Với vai trò là BS điều trị, nội soi đã hỗ trợ BS như thế nào trong việc phát hiện và đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân, thưa TS Lê Thị Tuyết Phượng?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Từ năm 1950 trước khi có nội soi, đúng là việc chẩn đoán cũng như điều trị về bệnh lý của ống tiêu hóa thì có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 1950 có sự ra đời của ống nội soi mềm, phải nói là mở ra một trang mới trong việc chẩn đoán, điều trị và tầm soát bệnh ở bệnh lý về ống tiêu hóa.
Cụ thể, khi chúng ta có chỉ định nội soi thì nội soi giúp chúng ta các phương diện:
- Phương diện thứ 1 là để chẩn đoán bệnh lý của ống tiêu hóa.
- Phương diện thứ 2 là qua nội soi chúng ta có thể can thiệp để điều trị các bệnh lý và quan trọng là chúng ta có thể tầm soát được một số bệnh ở một số nhóm có nguy cao.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Có phải ai cũng cần được nội soi dạ dày, đại tràng? Khi có những triệu chứng nào thì nên đến bệnh viện nội soi? Độ tuổi nào cần nội soi tiêu hóa định kỳ?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Nội soi là phương pháp chẩn đoán có can thiệp, vì vậy phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cụ thể, thứ nhất, khi bệnh nhân có triệu chứng bệnh lý liên quan đến ống tiêu hóa thì có chỉ định nội soi. Thứ hai, bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ và có khả năng có những bệnh lý ở ống tiêu hóa thì có chỉ định nội soi. Thứ ba, bệnh nhân có triệu chứng, biểu hiện bệnh cần can thiệp qua nội soi thì có chỉ định nội soi.
Không phải tất cả bệnh nhân cảm thấy khó chịu là đi nội soi. Bởi thực chất, nội soi là biện pháp can thiệp, mà một biện pháp can thiệp ít nhiễu vẫn có nguy cơ và chống chỉ định riêng mặc dù nội soi có tỷ lệ an toàn rất cao. Vì vậy, khi có những triệu chứng bất thường, hoặc có những yếu tố nghi ngờ, hoặc trong gia đình có vấn đề nào đó liên quan đến ống tiêu hóa thì mới cần nội soi.
Trong ống tiêu hóa được chia làm hai, ống tiêu hóa trên là từ miệng đến dạ dày; ống tiêu hóa dưới liên quan đến đại tràng và hậu môn trực tràng. Khi có những biểu hiện liên quan, chúng ta nên đến bác sĩ khám và tư vấn. Từ những triệu chứng của người bệnh cùng sự khảo sát chuyên khoa của bác sĩ mới đưa ra chỉ định nội soi. Khi bác sĩ đưa ra chỉ định nội soi thì bệnh nhân sẽ được tư vấn luôn phương pháp, cách thức cần thiết trước và sau khi nội soi.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Khi nội soi tiêu hóa, các BS có thể nhìn thấy những gì ạ? Những trường hợp nào vừa nội soi vừa can thiệp luôn, thưa BS?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Trong nội soi dùng ống soi mỏng, đầu ống có gắn camera, và có thể nhìn được trực tiếp bề mặt của lòng ống tiêu hóa và được phóng đại rất nhiều lần và thấy rất rõ, quan sát tốt hơn bằng mắt thường. Chính vì vậy, có thể xác định được các thương tổn từ đại thể đến vi thể (ví dụ: dùng công nghệ NBI để chẩn đoán, khảo sát ung thư đường tiêu hóa sớm). Rất nhiều triệu chứng, biểu hiện được phát hiện bằng nội soi.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Tỉ lệ các ca ung thư dạ dày, ung thư đại tràng ở Việt Nam rất cao, xin BS cho biết phương pháp nào giúp phát hiện nhanh và chính xác nhất các khối u ác tính trong hệ tiêu hóa? Vai trò của nội soi trong việc phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý nguy hiểm này?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Nội soi có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa, đặc biệt là chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa. Cụ thể, trong những trường hợp ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, thường bệnh nhân đã có triệu chứng: đau bụng, rối loạn đi cầu, đi tiêu ra máu… mới đi khám. Khi ung thư đã có biểu hiện triệu chứng thường ở giai đoạn trễ. Chúng ta đều biết rằng, nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn trễ thì hiệu quả điều trị giảm rất nhiều lần.
Ngày nay, người ta khuyến cáo phải tầm soát ung thư ở giai đoạn sớm. Chẳng hạn ung thư dạ dày, nếu phát hiện sớm với phương pháp nội soi NBI thì có thể điều trị khỏi 100%. Nhưng nếu trễ hơn một chút, thì tỷ lệ điều trị thất bại khá cao. Chính vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý:
- Thứ nhất, khi có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, rối loạn đi cầu, bệnh nhân cần tầm soát qua nội soi. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ sẽ nhìn thấy những tổn thương mà mắt thường không thể nhìn thấy. Và qua những chẩn đoán của bác sĩ, bệnh nhân sẽ được điều trị sớm, khỏi bệnh hoàn toàn trong trường hợp ung thư được phát hiện sớm.
- Thứ hai, những yếu tố nguy cơ. Ví dụ, ngày nay người ta thường nghe nói nhiễm vi trùng Hp sẽ bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, điều này thực sự có mối liên quan. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định vi trùng Hp là nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sớm của ung thư dạ dày. Nói như vậy không có nghĩa ai nhiễm Hp cũng bị ung thư dạ dày. Giả sử qua nội soi dạ dày, chúng ta vừa nhìn được tổn thương dạ dày, vừa tầm soát được có nhiễm vi trùng Hp hay không? Và khi chúng ta điều trị Hp tốt thì những yếu tố nguy cơ khác giảm rất nhiều.
- Thứ ba, một số người chỉ có triệu chứng đơn thuần, không liên quan đến tiêu hóa như sụt cân, chóng mặt do thiếu máu, đó cũng dấu hiệu báo động của bệnh lý tiêu hóa mà không biết. Chính vì vậy, khi thấy cơ thể là một khối thống nhất, thông minh, chỉ cần một dấu hiệu nhỏ thay đổi, không giống ngày thường thì nên đi khám để có những chỉ định thích hợp phát hiện bệnh lý sớm. Dĩ nhiên, phát hiện sớm thì việc điều trị hiệu quả hơn.[/DAP]
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115 đồng thời là bác sĩ khám ở Bệnh viện Gia An 115.
[HOI]MC Ngọc Hương: Nói đến nội soi tiêu hóa, nhiều người thấy lo sợ vì mường tượng ra một cái ống đi từ họng xuống đến bụng. Xin BS cho biết, thực tế những cảm giác người bệnh trải qua là gì? Bệnh nhân được làm những gì, được chuẩn bị thế nào để giảm bớt những khó chịu này?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Đặc điểm của nội soi tiêu hóa trên là dùng 1 ống mềm để đưa vào, bắt đầu từ khoang miệng vào hầu họng và thực quản. Vấn đề ở đây đó là gây khó chịu cho người bệnh, kích thích ở vùng đáy lưỡi và lưỡi gà. Ví dụ đơn giản nhất, đó là muốn nôn ói, chỉ cần lấy ngón tay móc nhẹ vào vùng đáy lưỡi và lưỡi gà là có thể nôn ngay được.
Chúng ta có thể tưởng tượng nội soi đó là dùng ống kích thích liên tục. Một cuộc nội soi kéo dài từ 3-5 phút gọi là nhanh nhất. Trong thời điểm đấy có nhiều người không thể chịu nổi, nôn thốc nôn tháo. Thuốc tê cũng chỉ có tác dụng giảm đau do trầy xước, phản xạ nôn ói là khác biệt, không phải là phản xạ đau, đó là phản xạ kích thích gây nôn, thành ra nó rất khó chịu. Hơn nữa, khi ống soi vào đến thực quản, nhiều bệnh nhân mô tả có cảm giác chèn ép như bị bóp cổ. Vì vậy đây là những triệu chứng rất khó chịu.
Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ nội soi và phẫu thuật viên trước khi thực hiện thủ thuật cần tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân, để người bệnh hiểu rằng hiện tượng nôn ói chỉ gây khó chịu, không gây đau. Cảm giác đau có thể do bác sĩ làm trầy xước vùng họng, một số bệnh nhân có thể khạc ra máu, nhưng đây là những trường hợp rất hy hữu. Đa phần bệnh nhân thường không có cảm giác đau.
BS.CK1 Nguyễn Anh Đoàn là bác sĩ nội soi tiêu hoá của Bệnh viện Gia An 115.
Trong quá trình làm việc, các bác sĩ cũng thường dặn dò các bạn kỹ thuật viên tư vấn cho bệnh nhân để họ hiểu và hợp tác tốt. Bởi có nhiều bệnh nhân không chịu đựng được, giật ống soi từ kỹ thuật viên ngay lập tức; ống soi đã nằm trong dạ dày mà giật ra thì rất nguy hiểm, vừa nguy hiểm cho bệnh nhân, vừa không an toàn cho sợi dây soi. Sợi dây soi khi bệnh nhân giật ra gây hư hỏng, sửa chữa rất tốn kém. Đây là một trong những vấn đề đáng lưu tâm của những người làm chuyên môn nội soi lẫn người bệnh đi soi.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Phương pháp nội soi thường và nội soi gây mê có những ưu - nhược điểm gì ạ? Những ai nên và không nên nội soi gây mê?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Chính vì nội soi là công cụ chẩn đoán tốt, nhưng trong quá trình thực hiện sẽ gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Đối với những nước phát triển gần như thường không nội soi “sống” cho bệnh nhân, có nghĩa là chỉ gây tê vùng hầu họng. Một số bác sĩ quan niệm soi sống là một cách “tra tấn” bệnh nhân dã man. Thành ra về sau rất nhiều bệnh nhân được chỉ định soi nhưng bác sĩ không dám soi, mà trước đó sẽ tư vấn cho bệnh nhân nên nội soi sống hay gây mê. Bởi thực sự nội soi gây mê chi phí và dịch vụ tương đối mắc tiền. Trường hợp bệnh nhân có điều kiện kinh tế eo hẹp cũng cần chấp nhận phương pháp nội soi gây tê.
Thực chất, nội soi gây mê chỉ là sử dụng thuốc tiền mê đường tĩnh mạch có tác dụng tốt, thời gian tỉnh ngủ nhanh. Sự khác biệt so với ngày xưa là những thuốc mê thế hệ cũ sau khi bệnh nhân làm nội soi xong thì mệt mỏi, choáng váng; những thuốc đời mới cải thiện rất nhiều những nhược điểm này. Về sau cũng có nhiều khuyến cáo khi bệnh nhân nội soi tiêu hóa trên nên sử dụng phương pháp gây mê.
Đa phần nội soi gây mê là phương pháp tốt, bác sĩ rất thoải mái trong việc tiếp cận và làm thủ thuật trên bệnh nhân. Bệnh nhân không bị kích ứng nhiều, nên cách tiếp cận giữa bác sĩ và bệnh nhân rất tốt để làm thủ thuật, thậm chí là những thao tác can thiệp rất lâu. Tuy nhiên, có những bệnh lý chống chỉ định với bệnh nhân sử dụng nội soi gây mê. Chẳng hạn một số bệnh lý về tim mạch, hô hấp nặng, tùy theo bệnh nhân có chống chỉ định thì bác sĩ sẽ cân nhắc có nên nội soi hay không?[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Khi bị xuất huyết tiêu hóa, nếu đi cầu ra máu đỏ hay máu đen thì màu sắc này có ý nghĩa gì với việc sẽ làm nội soi nào (dạ dày hay đại tràng), thưa BS?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Khi chúng ta có bất kỳ triệu chứng bất thường nào về rối loạn đi cầu, nghĩa là đường tiêu hóa có vấn đề.
Khi đường tiêu hóa bị xuất huyết sẽ được biểu hiện bằng triệu chứng đi cầu ra máu. Đi cầu ra máu tùy thuộc vào lượng máu ra nhiều hay ít, vị trí và mức độ chảy máu. Thông thường nếu bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa trên, cụ thể là thực quản và dạ dày sẽ được biểu hiện bằng 2 triệu chứng ói ra máu hoặc đi cầu ra máu. Nhưng do bị xuất huyết đường tiêu hóa trên, ở vị trí cao nên khi đi ra máu sẽ thường có màu đen. Hoặc bệnh nhân vừa ói ra máu, vừa đi cầu ra phân đen. Tuy nhiên, nếu xuất huyết tiêu hóa dưới, ở vị trí thấp bệnh nhân đi cầu ra máu tươi ở những vị trí gần. Nhưng nếu bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên ào ạt cũng có thể ra máu tươi.
Chính vì vậy, trong những trường hợp này, với triệu chứng rối loạn về đi tiêu và với triệu chứng toàn thân khác, cùng với những thăm khám, bác sĩ sẽ sơ bộ dự đoán bệnh nhân đó sẽ là biểu hiện của bệnh đường tiêu hóa trên hay đường tiêu hóa dưới, thậm chí có nhiều bệnh nhân có cả biểu hiện của bệnh đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới. Do đó, việc thăm khám và chỉ định của bác sĩ vô cùng quan trọng.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân cần chuẩn bị như thế nào, và thủ thuật này thực hiện trong bao lâu? Nếu bệnh nhân ở xa đến nội soi đại tràng thì có thể đi về trong ngày được không ạ?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Câu hỏi này đặt vấn đề bệnh nhân cần sửa soạn trước khi thực hiện nội soi đại tràng, nếu sửa soạn có bài bản thì sẽ chuẩn bị đồ từ chiều trước ngày đi soi. Lúc này bệnh nhân được ăn nhẹ, tránh ăn chất xơ, các loại hạt (hạt dưa hấu, hạt ổi, hạt ớt…), buổi tối trước khi đi ngủ (9-10h) bệnh nhân được dùng thuốc. Có rất nhiều loại thuốc như Fritran, phospho soda... Đến sáng hôm sau bệnh nhân được sửa soạn thêm lần nữa. Điều quan trọng ở đây là bệnh nhân cần đưa một lượng nước lớn vào cơ thể. Chính vì lý do đó, bệnh nhân cần uống nhiều nước. Bởi một số trường hợp, bệnh nhân không thể uống nước nhiều (như bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn muộn), đưa một lượng nước nhiều vào cơ thể là không được. Vì vậy việc sửa soạn cần phải kỹ lưỡng.
Đối với các bệnh nhân nội soi trong ngày, bác sĩ sẽ cho chỉ định khám và bác sĩ nội soi sẽ khám lại lần nữa, lý do là bác sĩ nội soi mới biết được bệnh nhân có tiền căn táo bón trước đó hay không. Về nguyên tắc, một số bệnh nhân táo bón cần dùng thuốc xổ vài ba ngày trước khi làm nội soi. Việc nội soi trong ngày ở những đối tượng này là không thể được. Nhưng nếu kẹt cùng quá, bác sĩ nội soi khám trực tiếp nhận định rằng ca này có khả năng làm được, bệnh nhân hợp tác tốt, uống nhiều nước (chưa kể nước đó có pha thuốc vào rất khó uống. Một số người uống một ngụm là ói ngay). Bác sĩ cũng phải đánh giá bệnh nhân này có thật sự hợp tác đúng hay không? Bởi có nhiều bệnh nhân không uống đủ lượng nước bác sĩ yêu cầu và không đủ để đẩy lượng phân ra khỏi đường tiêu hóa.
Vì vậy chúng tôi cần bệnh nhân sửa soạn đường tiêu hóa tương đối sạch sẽ như đi mổ ruột. Do đó, trước khi bệnh nhân muốn nội soi trong ngày, bác sĩ nội soi sẽ khám lại để xem liệu có kẹt lịch, hay bệnh nhân có thực sự cần phải soi trong ngày hay không? Ví dụ, bệnh nhân ở xa quá, không thể di chuyển nhiều để thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ cân nhắc và thăm khám kỹ lưỡng từ phía nội soi.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Một số người lo ngại ống nội soi có thể làm lây bệnh từ người này qua người khác, điều đó thể không ạ?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Nội soi là biện pháp can thiệp và sẽ phơi nhiễm với một số yếu tố từ người này qua người khác. Những nghiên cứu tại Mỹ đã ghi nhận có lây nhiễm bệnh qua ống nội soi. Qua một số khảo sát người ta thấy khoảng vài chục trường hợp trong nhiều năm có lây nhiễm bệnh qua đường nội soi.
Tuy nhiên, nếu tuân thủ quy trình nội soi, từ việc xử lý trước - trong - sau nội soi như dụng cụ nội soi được bảo quản như thế nào, quá trình làm sạch, khử trùng, tiệt trùng ra sao thì chúng ta tương đối an tâm thực hiện kỹ thuật này, chuyện lây nhiễm hầu như là không có. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua quy trình nào hoặc thay thế bằng một quy trình, phương pháp khác mà chưa được kiểm định thì chuyện lây nhiễm là có.
Theo tôi nội soi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán trong điều trị, tầm soát bệnh, đặc biệt là các bệnh về ống đường tiêu hóa. Vì vậy, nếu bệnh nhân có chỉ định nội soi thì chắc chắn đó là điều cần thiết và bệnh nhân nên tuân theo chỉ định của bác sĩ. Khi đã được bác sĩ chỉ định thì nên lựa chọn nơi thực hiện kỹ thuật nội soi an toàn trên nhiều phương diện: nơi thực hiện, dụng cụ an toàn, bác sĩ - kỹ thuật viên làm thủ thuật nắm được thủ thuật, quy trình. Nói tóm lại, chuyện lây nhiễm ở khoa Nội soi thì chắc chắn có nếu chúng ta bỏ qua những quy trình trong nội soi, nhưng khi lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, chất lượng thì sẽ đảm bảo hơn nhiều.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Hiện nay số bệnh viện, phòng khám có thể thực hiện nội soi đường tiêu hóa là rất nhiều. Mong các BS tư vấn cách chọn các đơn vị nội soi uy tín, an toàn?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Sự lựa chọn của bệnh nhân có nhiều yếu tố tác động. Nội soi là kỹ thuật can thiệp vì vậy chúng ta phải đảm bảo yếu tố thứ nhất, người can thiệp phải là người được đào tạo chuẩn và bài bản. Thứ hai là cơ sở y tế phải đảm bảo, chuẩn về nhiều mặt từ dụng cụ, trang thiết bị, quy trình đến kỹ thuật và đặc biệt là tuân thủ quy trình của nội soi. Thứ ba, thuận tiện cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, can thiệp.
Hiện nay có nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện nội soi, theo tôi bệnh nhân nên đến cơ sở là một bệnh viện như bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện lớn, uy tín. Như tôi đã nói ở trên, nội soi là kỹ thuật can thiệp mà can thiệp thì không thể an toàn 100%, vẫn có nguy cơ của nó và nếu chẳng may xảy ra nguy cơ nào đó chẳng hạn thì một bệnh viện đa khoa sẽ xử lý dễ dàng hơn là một đơn vị chỉ chuyên về nội soi và không làm gì khác. Đó là vấn đề kỹ thuật can thiệp.
Hơn nữa như tôi vừa mới nói đến vấn đề lây nhiễm trong nội soi. Khi chọn những cơ sở uy tín và có sự kiểm nghiệm của các cơ quan y tế cấp ca thì sẽ đảm bảo hơn. Dĩ nhiên, nếu bệnh nhân của tôi thì sẽ đưa ra lời khuyên là đến Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Gia An 115 là nơi tôi làm việc vì tôi biết kỹ thuật và quy trình ở đó là đảm bảo.[/DAP]
[HOI]MC Ngọc Hương: Với BS Nguyễn Anh Đoàn - người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nội soi, BS thấy có những bước thay đổi vượt bậc nào trong kỹ thuật này? Tại BV Gia An 115, phòng nội soi tiêu hóa được đầu tư ra sao và có thể đáp ứng được những nhu cầu nào của bệnh nhân cũng như BS điều trị? BHYT có chi trả cho kỹ thuật này không, thưa BS?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Hiện tại BV Gia An 115 với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, tối tân, đủ đáp ứng những thủ thuật nội soi trên bệnh nhân. Với Gia An 115, chúng tôi có trang bị thêm hệ thống bơm khí CO2 - đây là một trong những trăn trở của tôi trong quá trình làm việc và đề xuất bởi rất cần thiết. Đôi khi bệnh nhân sau khi nội soi thường có những triệu chứng khó chịu như trướng bụng, đầy bụng, khó tiêu có thể do bơm khí vào. Nhưng cũng có những trường hợp 2-3 ngày sau vẫn khó chịu, đó là do lượng không khí bơm vào đại tràng quá nhiều, và không hút sạch. Vì vậy, Gia An đã trang bị thêm hệ thống bơm CO2 để giảm thiểu triệu chứng khó chịu sau nội soi cho bệnh nhân.
BHYT vẫn chi trả cho các nội soi căn bản như nội soi dạ dày, đại tràng gây tê; gây mê là dịch vụ tương đối cao. Các bệnh nhân có điều kiện mới chi trả cho những dịch vụ này.[/DAP]
PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI
[HOI]FB Thao T. L: Chào bác sĩ, cho em hỏi tối qua em uống nước vô tình nuốt phải cây tăm, nhờ bác sĩ tư vấn giúp em với. Từ 12g tối qua chưa có biểu hiện gì, cũng chưa uống thuốc gì. Làm sao để biết cây tăm đi tới đâu rồi bác sĩ? Em có cần theo dõi phân không, và theo dõi trong mấy ngày?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Đây là vấn đề báo động, đặc biệt không biết em Thảo ở đây là bao nhiêu tuổi, nhưng tình trạng này rất thường gặp ở 2 đối tượng đó là người lớn tuổi và trẻ em, thường ăn xong rồi ngặm tăm, sau đó đi ngủ thì vô tình nuốt phải.
Nếu bình thường cây tăm sau khi nuốt vào sẽ đi qua đường tiêu hóa và đi ra ngoài thì không làm tổn thương ống tiêu hóa và nếu có tổn thương thì cũng không trầm trọng và ảnh hưởng, chỉ cần theo dõi một vài ngày, nên ăn đồ ăn nhẹ, nếu không đau bụng, khó chịu, tức ngực, khó thở thì cây tăm đã đi ra ngoài. Đó là trường hợp may mắn.
Còn lại thì có thể xảy ra các nguy cơ. Thứ nhất rất lo sợ đó là cây tăm không đi vào đường tiêu hóa mà đi vào đường hô hấp, lúc đó mới xảy ra chuyện. Bệnh nhân có thể khó thở, dị vật đường hô hấp và có thể nguy hiểm tính mạng ngay tức thì. Do đó, trường hợp của em Thảo khá may mắn vì từ 12g đêm qua đến nay chưa có gì, nên cũng có thể yên tâm cây tăm chưa đi lạc qua đường hô hấp.
Thứ hai nữa, nếu cây tăm có đầu nhọn mà đi vào đường tiêu hóa có thể đâm qua niêm mạc đường tiêu hóa và có thể gây tổn hại đường tiêu hóa. Hoặc nó mắc vào những vị trí nào đó gây tổn thương xuất huyết và nếu nằm trong này lâu dài thì có thể gây viêm nhiễm, từ đó hình thành vết loét. Đôi khi có những trường hợp dị vật tồn tại rất lâu trong cơ thể, không gây triệu chứng nặng nề mà từ từ rồi gây viêm loét, có trường hợp người bệnh khạc ra máu hoài mà không rõ lý do, khi vô tình nội soi thì có dị vật nằm đâu trong đó.
Với trường hợp em Thảo cần theo dõi, chưa phải uống thuốc nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng thì cần thăm khám để bác sĩ chỉ định một số phương tiện lâm sàng như nội soi, chụp x-quang để có chẩn đoán, xử trí cụ thể.[/DAP]
[HOI]Bạn đọc Phạm Phú Quốc: Em đi nội soi đại tràng, BS chẩn đoán bị viêm loét trực tràng, mà sao BS làm sinh thiết vậy ạ?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Chúng tôi đã gặp tương đối nhiều trường hợp như em. Đối với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong hình ảnh học nội soi, những sang thương loét ở trực tràng nhìn tương đối và quen thuộc, như loét do lị, amip, trực khuẩn, đa phần bác sĩ không bấm mẫu sinh thiết gây chảy máu nên nền viêm loét.
Nếu loét ở cao, thì cần coi lại, nếu BS không bấm sinh thiết cũng cần ghi câu: đề nghị thoe dõi sau 1 đợt điều trị, theo dõi viêm nhiễm do vi khuẩn, amip…
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Hiện nay chúng ta thường hướng đến y học chứng cứ, bạn Phú Quốc thắc mắc là điều đúng. Khi chúng ta chẩn đoán bệnh học gì cũng phải có bằng chứng của tổn thương đó, tuy nhiên, như BS Đoàn nói, chúng ta cần lưu ý 2 điều: thứ nhất, trong trường hợp giả sử bệnh nhân đang viêm loét, chảy máu, đang có những tổn thương đang diễn tiến, lúc đó chúng ta khó sinh thiết; hoặc nếu sinh thiết sẽ không có hiệu quả rõ ràng thì có thể chờ sau 1 đợt điều trị. Hoặc trong trường hợp thuận tiện để can thiệp sinh thiết thì có thể cờ sang đợt điều trị.
Có thể nói, sinh thiết là tiêu chuẩn mà dương tính thì chẩn đoán chắc chắn, mà âm tính thì không loại trừ. Chẳng hạn, chúng ta sinh thiết chỉ 1 mẫu trên rất nhiều tổn thương, và nó là đại diện của 1/50.000 tổn thương đó. Nếu bấm đúng vị trí có tổn thương thì cho kết quả rõ ràng, nhưng bấm không đúng vị trí tổn thương thì kết quả vẫn âm tính. Vì vậy, bạn Phú Quốc có thể yên tâm. Đối với kinh nghiệm của bác sĩ nội soi kết hợp các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể có hướng chẩn đoán sơ bộ và điều trị bước đầu, sau đó kiểm tra lại xem hiệu quả như thế nào, lúc này sinh thiết thì kết quả rõ ràng hơn.[/DAP]
[HOI]Tín Huy: Em nội soi dạ dày - thực quản - tá tràng và siêu âm bụng bác sĩ nói em bị viêm xung huyết hang vị, polyp túi mật 4mm, gan nhiễm mỡ độ 1. Xin hỏi bác sĩ bệnh này là bị gì? Có nguy hiểm không? Trị có hết không? Xin bác sĩ tư vấn dùm em. Em xin cám ơn.[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Bạn Tín Huy thân mến,
Với thông tin bạn cung cấp thì đây là 2 cận lâm sàng khác nhau. Thứ nhất về vấn đề nội soi, sau khi nội soi bạn đã được chẩn đoán viêm loét xung huyết vùng dạ dày, đây là bệnh lý ống tiêu hóa, khi có viêm thì bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị vấn đề viêm.
Thứ hai là polyp túi mật, đây là tổn thương lành tính và thông thường là không để lại di chứng, biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, qua siêu âm thì chỉ khảo sát gián tiếp, do đó bạn nên theo soi bằng siêu âm mỗi 3-6 tháng một lần để xem kích thước, tính chất, hình thể của polyp có gì thay đổi hay không thì sẽ có hướng điều trị tiếp theo bạn nhé![/DAP]
[HOI]Hùng Văn: 6 tháng trước em đi nội soi đại trực tràng, nội soi dạ dày tá tràng nhưng không phát hiện viêm loét hay polyb, chỉ thấy virus HP+ , viêm xung huyết hang vị. Em điều trị HP+ 3 tháng không thành công, do hết đau nên em ngưng thuốc. Hiện em đã bị đi vệ sinh máu đỏ dính ngoài phân. Như vậy không biết trong thời gian 6 tháng có hình thành polyp hay ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng không ạ?[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Bạn thân mến,
Một tổn thương cách đây 6 tháng không có mà bây giờ có, hiện tại còn xuất hiện triệu chứng đi cầu ra máu, máu dính bên ngoài phân, theo mô tả của bạn thì chẩn đoán sơ bộ đầu tiên của tôi là có thể bạn bị xuất huyết tiêu hóa dưới, thông thường là trĩ. Tuy nhiên, chắc chắc là chúng tôi phải khám, khai thác thêm những triệu chứng khác của bạn, cũng như có thể chỉ định nội soi tiêu hóa dưới để chẩn đoán chính xác.
Do bạn đã được nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới cách đây 6 tháng, việc nội soi tiêu hóa trên đã chẩn đoán là một tình trạng tổn thương dạ dày kèm theo nhiễm vi trùng HP. Nhưng chuyện bạn xác định điều trị chưa thành công là không rõ ràng, vì việc còn hay hết HP phải được kiểm tra lại. Bạn hết đau là do tổn thương dạ dày đã ổn định nhưng điều này không khẳng định việc còn hay hết HP.
Điều quan trọng là hiện tại bạn nên khẩn trương đi khám ngay với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để xác định tình trạng đi tiêu ra máu này là gì và nó là tổn thương thuộc loại nào, lành tính hay ác tính. Để có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi này thì chắc chắn phải đi khám chứ không thể đoán mò. Thậm chí, một số trường hợp chúng ta phải sinh thiết để có kết quả rõ ràng.
Trân trọng![/DAP]
[HOI]Khánh Vân: Tôi 53 tuổi, gần đây hay đi đại tiện thấy phân có màu xám, nhưng cũng có lúc phân màu đen sẫm. Tôi từng bị viêm dạ dày, đã nội soi khoảng 4-5 lần. Cáchnay 6 tháng, nội soi bao tử và xét nghiệm máu không có vi trùng Hp, nhưng có bị viêm bao tử không nặng. Tôi xin được hỏi là có khả năng tôi đang bị xuất huyết bao tử không? Nếu đúng thì điều trị như thế nào? Cám ơn bác sĩ nhiều.[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Chị Khánh Vân thân mến,
Chuyện xuất huyết bao tử hay không như nãy giờ có nói, khi tình trạng xuất huyết có máu thì đi cầu phân sẽ sẫm màu hoặc có màu đen. Tuy nhiên không phải trường hợp nào đi cầu phân màu đen, màu sẫm đều khẳng định là xuất huyết tiêu hóa. Khi chị có triệu chứng đi tiêu phân đen, trước hết cần xem lại xem có ăn thực phẩm nào màu đen hay không, có uống loại thuốc nào màu đen hay không? Thông thường, khi uống những thuốc bổ sung chất sắt thì đi cầu thường sẽ có màu đen, màu sẫm. Đó là vấn đề thứ nhất.
Thứ hai, nhiễm HP thì không dựa vào xét nghiệm máu để chẩn đoán. Vì xét nghiệm máu là xét nghiệm kháng thể, nghĩa là chỉ nói lên được chị từng tiếp xúc với vi trùng HP, còn hiện tại nhiễm hay không nhiễm thì chưa biết. Mặt khác, qua nội soi chẩn đoán nhiễm HP thì cũng cần phải xem lại, vì chị có viêm dạ dày và điều trị thường xuyên, trong đó có những thuốc ức chế sự tiết axit của dạ dày và những trường hợp đó có thể gây âm tính giả.
Do đó, việc chẩn đoán nhiễm vi trùng HP phải có những điều kiện như bệnh nhân phải ngưng kháng sinh, ngưng thuốc ức chế toan trong 2-4 tuần thì chẩn đoán mới có giá trị.
Điều quan trọng bây giờ là chị nên xem lại, nếu không uống thuốc màu đen, không ăn thực phẩm màu đen, và ngoài triệu chứng đi tiêu phân đen tcòn kèm theo chóng mặt, mệt mỏi, đau bụng... thì nên đi khám và được chỉ định nội soi sớm để có chẩn đoán rõ ràng và việc điều trị mới hiệu quả.[/DAP]
[HOI]Nguyễn Thu Nga: Em đi nội soi dạ dày bị viêm trợt hang vị, tiền môn vị. Bác sĩ kê đơn gồm Clarithromycin, Amoxilin, Nexium và Gastro... Đơn thuốc như vậy đã ổn chưa ạ? Xin bác sĩ trả lời giúp.[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Chào bạn Thu Nga,
Để biết đơn thuốc đúng hay chưa thì phải là người bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân mới có câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, theo đơn thuốc bạn cung cấp thì tôi thấy có các vấn đề: Thứ nhất thuốc dùng điều trị để ức chế toan, thứ hai là thuốc trung hòa axit dạ dày và thứ ba là 2 loại thuốc kháng sinh, tôi dự đoán bạn vừa có viêm dạ dày vừa có nhiễm vi trùng HP nên bác sĩ mới cho phác đồ điều trị con vi trùng này. Tuy nhiên, nếu như bạn thắc mắc thì nên hỏi bác sĩ cho đơn thuốc, từ đó mới tư vấn cụ thể, bạn cũng yên tâm hơn.[/DAP]
[HOI]Thien Bach: Em năm nay 21 tuổi, bị viêm xung huyết hang vị Hp+ qua lần nội soi dạ dày đại tràng cách đây 8 tháng. Gần đây khi bị tái đau lại thì em sợ chuyển qua polyp hay ung thư nên em có đi khám, muốn nội soi lại thì bác sĩ ở đó bảo không cần nội soi vì kết quả nội soi lần trước có giá trị 5 năm nên không đáng lo ngại. Không biết có phải vậy không ạ? Mong bác sĩ phổ cập cho em. Em cám ơn bác sĩ ạ.[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Chào bạn,
Đối với nội soi được chia thành 2 vấn đề, nội soi theo dõi điều trị và nội soi tầm soát. Trường hợp nội soi theo dõi, chẳng hạn như bệnh nhân có HP thì sau một đợt điều trị, ngưng thuốc khoảng 1 tháng, nghĩa là từ 2-4 tuần sẽ nội soi lại, mục đích là để đánh giá tình trạng nhiễm vi trùng HP còn hay không cho chính xác.
Trường hợp nội soi để tầm soát phải dựa trên nhiều yếu tố, tuổi tác bệnh nhân, tiền sử gia đình có mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa hay không, từ đó mới đưa ra liệu trình nội soi phù hợp, có thể 6 tháng 1 năm hay 2 năm.
Trân trọng![/DAP]
[HOI]Thái Đăng: Người thân của tôi ở Mỹ muốn về Việt Nam làm nội soi dạ dày, đại tràng. Khi đến BV Gia An 115 thì có yêu cầu đặc biệt gì không? Chi phí khoảng bao nhiêu? Giá có mắc hơn bệnh nhân trong nước hay không?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Ở đây chắc chắn một điều rằng BV Gia An 115 sẵn sàng đón tiếp tất cả bệnh nhân từ tất cả các nơi, từ trong nước đến nước ngoài. BV Gia An cũng không có chia theo nhiều mức giá như giá khám cho người nước ngoài hoặc giá cho người Việt Nam. Tất cả các bệnh nhân đều được đối xử bình đẳng. Gói nội soi gây mê của Gia An 115 tương đối hợp lý, chừng 3.7 - 3.8 cho nội soi gây mê của tiêu hóa trên và dưới.[/DAP]
[HOI]Trần Hương Giang: Cháu bị đau dạ dày hang vị bờ cong nhỏ, niêm mạc phù nề xung huyết có sần sần dạng hạt. bác sĩ cho cháu hoi sần dạng hạt này có nguy hiểm không, có chữa được hay không? Cháu đang uống thuốc điều trị HP.[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Bạn là một người rất quan tâm đến sức khỏe của mình, và rất quan tâm đến kết quả nội soi, bởi tôi thấy rất ít bệnh nhân mô tả tổn thương của mình là sần sần dạng hạt. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng đối với những tổn thương như thế này. Hai vấn đề cần đặt ra rõ ràng: viêm dạ dày còn hay không; điều trị Hp hiệu quả hay chưa. “Sần sần dạng hạt” là mô tả đại thể, nếu bác sĩ có những nghi ngờ tổn thương cần kiểm tra thì bạn sẽ được sinh thiết. Bạn không nên quá lo lắng nhé.[/DAP]
[HOI]Huỳnh Đức Trọng: Thưa BS, năm nay tôi 69 tuổi, nội soi ruột 3 lần, vào năm 2011, 2014 và 2016. Vừa rồi tôi thử phân, kết quả trong phân có máu. Vậy tôi có nên nội soi ruột thêm lần nữa? Hay có phương pháp khác phát hiện bệnh lý? Rất mong bác sĩ tư vấn, xin cám ơn.[/HOI]
[DAP]TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời:
Trường hợp của bác có các vấn đề sau: bác đã nội soi nhiều lần, chắc có lẽ có vấn đề hoặc tổn thương nghi ngờ mới nội soi nhiều lần. Ở đây, bác không nói rõ nội soi 2011, 2014, 2016 được chẩn đoán là gì; thường trong những trường hợp bệnh nhân có polyp hoặc tổn thương đại tràng thì mới phảo theo dõi và nội soi định kỳ để tầm soát.
Đặc biệt, trong những trường hợp bệnh nhân nội soi đại tràng được chẩn đoán đa polyp đại tràng, đây là một trong những yếu tố nguy cơ dễ có tình trạng ung thư hóa trên nền đa polyp. Vì vậy, chú đã từng nội soi và chắc chắn có tổn thương được ghi nhận.
Thứ hai, phân có máu là yếu tố báo động cần kiểm tra. Vì vậy, theo bác sĩ, chú nên đến bệnh viện khám, kiểm tra và nội soi để có kết quả rõ ràng.[/DAP]
[HOI]Viết Hưởng: Em muốn nội soi cả dạ dày và đại tràng cùng một lúc thì có được hay không? Nếu dược thì có lưu ý gì đặc biệt hay không?[/HOI]
[DAP]BS Nguyễn Anh Đoàn trả lời:
Đối với trường hợp nội soi vừa tiêu hóa trên vừa tiêu hóa dưới thì thường thực hiện combo để thuận tiện và chỉ sửa soạn 1 lần. Đây là nhu cầu rất bình thường và bạn có thể yên tâm đến thực hiện nội soi.
Thân mến.[/DAP]
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình