Khi nào nên cắt túi mật?
Tôi 54 tuổi, bị sốt, đau bụng vùng sườn phải, đi khám, siêu âm ổ bụng, bác sĩ chẩn đoán polyp túi mật kèm dày thành túi mật và khuyên phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Xin hỏi nếu cắt bỏ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Nguyễn Văn Đức (ducnguyen@gmail.com)
Gọi là túi mật vì nó giống một chiếc túi nhỏ có chức năng lưu trữ dịch mật. Tuy là một bộ phận rất nhỏ của cơ thể nhưng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu hóa của con người.
Tuy nhiên, hệ thống mật bao gồm các đường mật nhỏ trong các thùy gan, ống mật chủ và túi mật chỉ có vai trò phụ, có thể cắt bỏ được. Để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, mỗi ngày gan tổng hợp được khoảng 500-1.000ml dịch mật cho cơ thể, khi chuyển tới túi mật, nó được cô đặc lại và lưu trữ ở đây khoảng 30-50ml dịch mật.
Khi chúng ta ăn, dịch mật tiết ra đi vào phần ruột non, tá tràng thông qua các ống mật để tiêu hóa thức ăn. Khi túi mật “dở chứng” thì nó có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm túi mật gây đau sốt, khi túi mật căng dẫn đến thấm mật phúc mạc là một cấp cứu ngoại khoa cần phải xử lý cắt túi mật ngay, nếu chậm có thể nguy hiểm tính mạng.
Trường hợp của bác nếu có chỉ định cắt túi mật thì bác cũng không nên quá lo lắng vì khi không có kho dự trữ mật (túi mật) thì gan vẫn sản xuất mật và theo ống mật chủ đổ thẳng vào ruột để tiêu hóa thức ăn. Hơn nữa, bác có polyp túi mật đã khá to thì không nên chần chừ vì nếu polyp to nhanh có thể ung thư hóa.
Hiện nay phương pháp nội soi cắt túi mật (thay cho phương pháp mổ mở trước kia) đã giúp bệnh nhân đỡ đau, đỡ tốn kém do thời gian nằm viện sau mổ ngắn. Bác nên thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu để biến chứng thì sẽ gây nhiều phiền phức.
Theo BS Vũ Hồng Ngọc - Sức khỏe và Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình