Hotline 24/7
08983-08983

Con trẻ tự tử: Đừng biến gia đình thành nhà trọ

Gần đây, những trường hợp trẻ trầm cảm hay thậm chí tự tử vì áp lực học tập và nhiều nguyên nhân khác ngày càng phổ biến. Người ta lại có dịp suy nghĩ về vai trò và những áp lực vô hình mà gia đình mang đến cho thế hệ tương lai.

Theo nghiên cứu, chỉ số thông minh hay các chỉ số về sức khỏe, thể chất của trẻ đang tăng dần. Nhưng những biểu hiện về cảm xúc, nhận thức và giao tiếp xã hội lại giảm sút. Trẻ sống thu mình hơn, hay hờn dỗi, không hài lòng với xung quanh và với chính mình,… Đó là thực trạng chung mà hiếm ai có thể phủ nhận.

Người trẻthan thở nhiều hơn và cũng gặp nhiều áp lực tâm lý vô hình đè nặng. Chẳng ai có thể phủ nhận trẻ đủ đầy hơn về vật chất, được tạo điều kiện tốt nhất về y tế, giáo dục,... nhưng những nhu cầu tinh thần thì khó lòng đong đếm được.Chúng ta quan tâm nhiều về những chương trình giáo dục mới, trẻ phải học toàn diện được những phương pháp nào, tiếp cận khoa học hiện đại ra sao,… mà ít thấy ai nói về việc phải bồi đắp tâm lý trẻ những điều gì cho đủ đầy, đúng đắn.

Gia đình là môi trường đầu tiên của mỗi cá nhân, đó là nền móng, là mảnh vườn cho những ươm mầm nhận thức và tư duy tâm lý. Không phải trường học hay xã hội, gia đình mới là nơi lĩnh hội và hình thành cách ta nhìn nhận về thế giới xung quanh. Xã hội luôn vận động và phát triển, gia đình cũng vì thế cũng có những thay đổi cho phù hợp. Thời gian, tính chất, sự cố kết giữa các thành viên,… đã khác xưa nhiều.

Nếu như trước đây, một gia đình tam đại đồng đường là chuyện phổ biến thì gia đình hiện đại lại có quy mô nhỏ hơn, gia đình bao gồm bố mẹ, con cái là gia đình hạt nhân chuẩn hiện nay. Nhưng có phải vì ít người mà sự quan tâm đến trẻ bị hạn chế?

Con trẻ bị “bỏ đói” tâm lý

Cuộc sống vội vã khiến con người cũng chạy theo để bắt kịp thời gian, không chỉ có ở đô thị, các vùng nông thôn cũng diễn ra tình trạng tương tự. Những nhận thức về một thời thiếu thốn khiến các bậc phụ huynh lao đầu vào “cuộc chiến” vật chất, để có tiền cho con học ở những trường tốt nhất, có những món đồ để bằng bạn bằng bè.

Thời gian cũng vì thế mà hạn hẹp hơn, người ta lại phải kêu ca: “Bữa cơm gia đình nay còn đâu?” Bữa cơm thật ra chỉ là một ẩn dụ cho khoảng thời gian các thành viên trò chuyện, thăm hỏi và dành thời gian cho nhau sau một ngày dài. Bữa cơm là đại diện cho một không gian ấm cúng, nơi người ta có thể chia sẻ mọi việc cho những người thân thương và tin tưởng nhất.

Nhưng giờ đây khi mọi thứ gấp gáp hơn, đôi khi người lớn cũng cô đơn trong cuộc sống của chính mình. Họ không có quá nhiều thời gian quan tâm đến con cái vì cơm áo gạo tiền vốn đã vắt kiệt sức họ. Thật ra, không quan tâm cũng chính là một cách bỏ rơi con cái, nhu cầu tinh thần bị “bỏ đói”, chẳng được tưới tắm chăm lo. Vật chất đã đủ đầy, nhưng tâm lý thì khó lòng đảm bảo.

Quan tâm nhưng không thấu hiểu

Quan tâm sai cách, họ lắng nghe nhưng lại không rõ con cái mình muốn gì. Quan niệm khác nhau, cha mẹ lại không hiểu được rốt cuộc những người trẻ ở thời đại mới đang gặp phải những vấn đề khó khăn ra sao.

Họ không coi trọng hay vẫn cho rằng những vấn đề kia tương đối nhỏ nhặt. Thế hệ trước thường chỉ so sánh về vật chất, về những thiếu thốn của thời đại mình với thời đại của con trẻ rồi suy ra chúng đã quá đủ đầy, không có mấy khó khăn.

"Để dạy con, trước tiên nhiều phụ huynh phải bỏ thói quen, chủ nghĩa kinh nghiệm. Đừng để giấc mơ của cha, kinh nghiệm của cha đè nát cuộc đời con", một chuyên gia tâm lý nước ngoài từng phân tích. Ngưng so sánh và lấy những chuẩn mực đời sống trong quá khứ làm thước đo định hình để đánh giá cuộc đời con cái.

Quan tâm hay áp đặt?

Thay vì giải quyết vấn đề cùng nhau, họ chỉ hẳn ra một con đường và muốn con cái mình đi theo đó. Tâm lý muốn con trẻ nghe theo những điều bố mẹ nghĩ là tốt luôn tồn tại. Người ta không tự nhận thức được sự dồn ép này, bố mẹ có lý của bố mẹ, con trẻ có lý của con trẻ. Dần dần không chỉ giải quyết được vấn đề mà còn dẫn đến việc uất ức, ngại sẻ chia.

Điểm chung của những bậc phụ huynh này là kế thừa kinh nghiệm dạy con từ bố mẹ, ông bà. Hoặc những điều chưa đúng trong cách giáo dục như áp đặt, giáo điều mặc định theo họ đến lúc trưởng thành và rồi được truyền cho con cái.

Họ cũng đặt lên nhiều áp lực vô hình lên người con cái, áp lực thành tích, áp lực “con nhà người ta”, sự quan tâm quá mức đôi khi lại là viên đá nặng nề khiến con trẻ dễ bị lạc lõng và không dám sẻ chia. Những sự việc đau lòng vì thế cũng xảy ra.

Đừng biến gia đình thành “nhà trọ”

Không chia sẻ, chỉ có những áp lực vô hình khó thể bày tỏ, cả bố mẹ lẫn con cái đều đang tự biến mình thành những người xa lạ trong chính căn nhà chung. Con cái khó mở lời, bố mẹ không tâm lý, tất cả làm chúng ta thành những vị khách trọ không hơn không kém.

Đừng để trẻ trở thành những kẻ cô đơn trong chính gia đình mình. Lắng nghe và chăm lo cho đời sống tinh thần của trẻ chứ không riêng gì vật chất chính là cách để những sự việc đau lòng không còn cơ hội tiếp diễn. Dạy dỗ và nuôi dưỡng chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, làm chúng sao cho đúng còn quan trọng hơn. Để mái nhà là nơi cuối cùng con trẻ tin tưởng tìm về, đừng biến chúng trở thành căn trọ tạm bợ, thiếu sự sẻ chia.

Theo An na - Thế giới trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X