Có hay không việc thời gian vàng cấp cứu đột quỵ nới rộng lên 24 giờ?
Hiện nay có thông tin khiến bạn đọc cho rằng thời gian vàng cấp cứu đột quỵ được nới rộng lên đến 24 giờ nên có thể "từ từ" tìm nơi điều trị ưng ý mới đưa người nhà đến. Thực hư ra sao? Mời bạn đọc đón xem phần tư vấn của TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM để hiểu rõ hơn.
Xin TS.BS Trần Chí Cường cho biết khái niệm “thời gian vàng” trong y khoa có xuất phát như thế nào? Giờ vàng của bệnh đột quỵ có giống hay khác với giờ vàng của các bệnh khác ở điểm nào ạ?
“Thời gian vàng” trong y khoa xuất phát từ những nghiên cứu và quan sát rằng: đối với một số bệnh cấp cứu trong thời gian nào là tốt nhất. Đa số các bệnh lý khẩn cấp đều có khoảng thời gian điều trị với nguyên tắc chung: càng sớm càng tốt. Tùy theo từng dạng bệnh mà người ta cho là 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, 6 giờ, thậm chí lâu hơn. Nói tóm lại thời gian vàng là thời điểm có cơ hội cứu chữa thành công nhất cho bệnh nhân. Trong cấp cứu, nguyên tắc chung luôn là điều trị càng sớm càng tốt.
Thời gian vàng của đột quỵ cũng tương tự thời gian vàng của các bệnh khác, nghĩa là cứu chữa càng sớm trong thời gian vàng, càng sớm hơn thời gian vàng thì kết quả điều trị càng tốt.
Điểm khác biệt trong cấp cứu đột quỵ là phải phân định bệnh nhân bị xuất huyết não hay nhồi máu não, tắc nghẽn mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ, bởi nó là yếu tố quyết định xuyên suốt trong thời gian vàng.
TS.BS Trần Chí Cường hiện đang là Giám đốc chuyên môn - Bệnh viện đa khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ).
2. Thường thì thời gian vàng là do cơ quan nào quy định, thưa BS? Hiện nay, khái niệm giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ ở các nước có giống Việt Nam không ạ?
Thời gian vàng do các tổ chức hiệp hội lớn trên thế giới quy định sau khi đúc kết những nghiên cứu lâm sàng, cụ thể là Hội Đột quỵ Hoa Kỳ và Hội Đột quỵ Thế giới công bố chính thức. Hiện nay, khái niệm giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ ở các nước đều giống nhau và như nhau. Tất cả các nước trên thế giới không có nước nào không công nhận khái niệm về giờ vàng.
Ở Việt Nam cũng vậy, mọi người đều chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân, đó là yếu tố thành công quan trọng nhất mà những chương trình đột quỵ đều nhắm tới là rút ngắn thời gian từ lúc bệnh nhân ở nhà đến bệnh viện đột quỵ càng ngắn càng tốt.
3. Với cương vị là Chủ tịch Hội (chi Hội) Can thiệp thần kinh TPHCM, Phó chủ tịch Hội Điện quang can thiệp Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Can thiệp thần kinh Á Úc (AAFITN), Ban biên tập Tạp chí Hội Can thiệp thần kinh thế giới (WFITN), nhờ BS khẳng định lại giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ hiện nay?
Trong đột quỵ, nhiều nghiên cứu đúc kết lại rằng, thời gian vàng cho bệnh nhân đột quỵ trước đây (chưa có can thiệp nội mạch) chỉ có 3 giờ dành cho bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu nhỏ và điều trị bằng thuốc tan máu đông đường tĩnh mạch (rTPA). Sau một thời gian sử dụng rTPA, người ta thấy rằng cửa sổ 3 giờ có thể nới rộng ra 4 giờ 30 (trong trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu nhỏ, tính từ lúc khởi phát đến bệnh viện nếu bệnh nhân không có chống chỉ định).
Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ hiện nay vẫn là trước 6 giờ đối với tắc nghẽn mạch máu lớn và trước 4 giờ 30 đối với tắc nghẽn mạch máu nhỏ. Sau 6 giờ là thời gian điều trị cứu vãn theo từng trường hợp cụ thể, không phải kết quả điều trị sau 6 giờ giống kết quả điều trị trước 6 giờ.
Việc khẳng định thời gian vàng có ý nghĩa: đối với những trường hợp đột quỵ đến sau 6 giờ nên xem xét can thiệp hơn là điều trị nội khoa đơn thuần. Các cơ sở y tế không có điều kiện can thiệp tốt nhất không giữ bệnh nhân ở lại và không nên chuyển đi quá xa trong phạm vi 2 giờ đi xe.
Với tình hình thực tế hiện nay, có 2 vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất, nâng cao hiểu biết trong cộng đồng về vấn đề đột quỵ và thời gian trong điều trị đột quỵ là càng sớm càng tốt. Thứ hai, khi bệnh nhân đến bệnh viện, đội ngũ chuyên môn y bác sĩ có trách nhiệm trả lời: bệnh nhân bị nhồi máu não hay xuất huyết não? Nếu là nhồi máu não thì do mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ?
TS Trần Chí Cường - người đặt viên gạch xây dựng bệnh viện đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam
4. Theo BS, thời gian vàng có thể co giãn theo tiến bộ của các kỹ thuật y khoa không ạ? Gần đây một số thông tin cho rằng có thể tăng giờ vàng lên đến 24 giờ nhờ áp dụng thêm các phần mềm hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh. BS có ý kiến thế nào về vấn đề này? Ý nghĩa thật sự của việc áp dụng phần mềm này là gì?
Tôi khẳng định là không. Phần mềm hỗ trợ này chỉ giúp đánh giá vùng nhồi máu của bệnh nhân hiện tại là như thế nào một cách nhanh chóng, để bác sĩ khỏi đánh giá theo cảm tính và trực quan. Phần mềm này cân đong đo đếm được vùng não nhồi máu bao nhiêu ml… Nó chỉ là phương tiện tăng thêm giá trị chẩn đoán để BS điều trị được nhiều bệnh nhân hơn, hoặc không nên điều trị nhằm tránh lãng phí cho bệnh nhân trong can thiệp nội mạch. Phần mềm này được sử dụng có khi để từ chối bệnh nhân, sàng lọc bệnh nhân.
Thời gian vàng không thể co giãn theo tiến bộ của y học mà những tiến bộ y học dùng để đánh giá bệnh nhân có khả năng cứu chữa hay không nếu đến sau thời gian vàng. Nếu đến trong thời gian vàng sẽ có điều kiện điều trị tốt nhất. Mốc thời gian trước 6 giờ thì bác sĩ không cần suy nghĩ nhiều, không cần các phần mềm cao siêu, chỉ cần CT, DSA và bàn tay người bác sĩ (cần đào tạo các bác sĩ chuyên sâu về can thiệp). Và đương nhiên không phải bệnh viện nào cũng sử dụng phần mềm hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh trong điều trị cấp cứu đột quỵ.
Cho đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng nào khuyến cáo bệnh nhân sau 4 giờ 30 vẫn có thể tiêm thuốc tan máu đông tiêu sợi huyết cho dù sử dụng phần mềm hay máy móc thiết bị nào, hoặc bác sĩ có giỏi đến đâu. Do đó không có chuyện kéo dài thời gian cửa sổ điều trị tiêm rTPA đến 24 giờ, điều này sẽ giết chết hàng triệu bệnh nhân.
Việc khẳng định lại việc điều trị trong thời gian vàng luôn là điều cần thiết nhất trên toàn thế giới, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam có những nhận định sai lầm và không rõ ràng, gây ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
5. Bệnh nhân đột quỵ nên đi cấp cứu ở đâu là hợp lý? Theo BS, về phía người dân, thoạt nghe “tăng giờ vàng” có thể khiến cho họ chủ quan hơn trong việc đưa người bệnh đi cấp cứu không? Việc bệnh nhân đến muộn, sau giờ vàng thì công tác cấp cứu và điều trị khác nhau hay không ạ?
Về phía cộng đồng, theo tôi, chúng ta chỉ nên luôn nhớ rằng: cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt, hoàn toàn không có khái niệm tăng thời gian vàng.
Nơi đủ điều kiện cho chẩn đoán bệnh nhân có bị đột quỵ tối thiểu phải có CT scan và bệnh nhân có thể đến đó được trong khoảng 2 giờ đi xe.
Việc bệnh nhân đến càng muộn thì việc cấp cấp cứu và điều trị càng khó khăn. Mạch máu tắc nghẽn càng lâu thì não càng phù, tế bào não càng tổn thương thì bệnh nhân càng hôn mê, càng có những biến chứng và hậu quả nặng nề. Thậm chí có nhiều trường hợp đến muộn và đi lòng vòng thì chưa đầy 24 giờ bệnh nhân đã tử vong.
TS.BS Trần Chí Cường đã giữ lại mạng sống hàng nghìn bệnh nhân khi họ đứng bên lằn ranh của sự sống và cái chết bằng kỹ thuật “can thiệp trong lòng mạch”
6. Theo BS, làm cách nào để chúng ta có thể xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ hiệu quả nhất?
Lý tưởng nhất là bệnh nhân đột quỵ nên cấp cứu và điều trị tại bệnh viện có đầy đủ chuyên khoa về xử lý đột quỵ. Tuy nhiên, do áp lực về nhân sự, máy móc thiết bị nên việc cấp cứu đột quỵ không hề đơn giản. Do đó, việc phối hợp giữa các bệnh viện theo từng khu cụm trong định hướng phát triển ngành y tế cả nước là hết sức cần thiết, không thể một sớm một chiều có thể đào tạo được 1 BS can thiệp thần kinh có thể lấy được cục huyết khối (tối thiểu 2 năm mới đào tạo được 1 BS có thể lấy được cục máu đông trên não).
Nhưng trước khi để đạt được sự hợp tác hiệu quả đó, từng cá nhân làm trong ngành y tế phải hiểu rõ về đột quỵ, từ người điều dưỡng cho đến lái xe, hộ lý… Mặt khác, cần nâng cao mức hiểu biết về đột quỵ trong cộng đồng, khi bị đột quỵ nên đi đâu, nên chữa sớm như thế nào?
Thêm nữa là tăng cường đào tạo BS về can thiệp thần kinh. Hiện nay ngành y còn chưa triển khai được rTPA tới tuyến tỉnh, vì vậy không thể hy vọng rằng trong một sớm một chiều có thể triển khai can thiệp nội mạch đến mỗi tỉnh.
Quan trọng nhất, sàng lọc tắc nghẽn mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ là giá trị cốt lõi của vấn đề đột qụy hiện nay. Từ đó tiến tới hành động nếu tắc mạch máu nhỏ thì có tiêm rTPA cho bệnh nhân hay không trong cửa sổ trước 4 giờ 30. Tuyến trên có nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới trong vấn đề chuyển giao, tối thiểu nhất là tiêm rTPA đạt đến tuyến tỉnh. Đó là sự lan tỏa và phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.
Trong vấn đề cấp cứu đột quỵ phải trả lời cho được một cách sớm nhất và nhanh nhất bệnh nhân này bị tắc nghẽn mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ. Tắc nghẽn mạch máu nhỏ thì tiêm rTPA khả năng thành công rất cao. Tắc nghẽn mạch máu lớn cần chuyển ngay bệnh nhân đến trung tâm can thiệp gần nhất có thể.
7. Theo BS, có khoảng bao nhiêu % bệnh nhân đột quỵ thật sự trở lại công việc thường nhật?
Nếu đánh giá vấn đề điều trị tốt nhất thì chúng ta có thể đưa bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường trong khoảng 30-50%. Đây cũng là con số phù hợp với thế giới. Nhưng cũng tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh nền và thời gian cấp cứu mới đạt được con số đó. Bên cạnh đó, vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại bệnh viện và khi xuất viện cũng rất quan trọng, giúp bệnh nhân sớm quay về cuộc sống thường ngày.
Muốn bệnh nhân phục hồi tốt thì thứ nhất, cộng đồng phải nhận biết sớm bệnh đột quỵ (nhất là người thân), chẩn đoán sớm tại bệnh viện, điều trị càng sớm càng tốt theo đúng phương pháp, phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, dự phòng tái phát, điều trị tâm lý (bệnh nhân bị đột quỵ thường bất mãn, bi quan, suy nghĩ tiêu cực).
8. BS có thể ước lượng chi phí tầm soát đột quỵ so với chi phí điều trị đột quỵ tính từ thời điểm cấp cứu đến khi xuất viện có sự chênh lệch như thế nào không ạ?
Chi phí tầm soát chẩn đoán sớm đột quỵ bằng 1/10 chi phí điều trị. Chi phí tầm soát đột quỵ ở Việt Nam rẻ hơn nước ngoài rất nhiều, khoảng 1/5 - 1/10.
Xin cảm ơn BS!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình