Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia Bệnh viện Gia An 115 tư vấn: Bướu tuyến giáp có nên phẫu thuật?

Bướu tuyến giáp là gì? Phương pháp điều trị nào tối ưu nhất hiện nay? Bệnh này có diễn tiến thành ung thư không?... là những vấn đề nổi bật được 2 chuyên gia của Bệnh viện Gia An 115 là TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại và ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực giải đáp trong chương trình diễn ra vào sáng ngày 11/4/2019.

Trong chương trình giao lưu trực tuyến ngày 11/4, TS.BS Phạm Thế Việt (bên trái) và ThS.BS Trần Anh Tuấn (giữa) giúp bạn đọc giải tỏa các thắc mắc xung quanh vấn đề bướu tuyến giáp.

NỘI DUNG TƯ VẤN

PHẦN I: TRÒ CHUYỆN CÙNG MC - BTV MỸ THI

Bướu cổ hay còn gọi là bướu tuyến giáp là căn bệnh rất phổ biến. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Vậy xin hỏi bác sĩ bướu tuyến giáp là gì, có nguy hiểm không ạ?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Một số trường hợp mô tuyến giáp phát triển bất thường hình thành nên một hoặc nhiều các nốt, gọi là nhân tuyến giáp. Có thể một trong các nhân tuyến giáp này có thể phát triển thành tổ chức có tế bào ung thư, tuy nhiên tỷ lệ này tương đối thấp, và tỷ lệ gặp ác tính ở những người có bướu giáp đơn nhân thường cao hơn những người có bướu giáp đa nhân.


Thưa bác sĩ, vậy đâu là nguyên nhân gây ra các bệnh về tuyến giáp? Bướu tuyến giáp có phòng ngừa được không?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, cơ thể sẽ có tình trạng chuyển hóa tăng nhanh, tức là sử dụng nhiều năng lượng hơn quá mức cần thiết, tình trạng này gọi là cường giáp. Khi tuyến giáp sản xuất không đủ hormone, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng ít hơn cần thiết, tình trạng này gọi là suy giáp. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Cách phòng bệnh tuyến giáp:

- Cải thiện chế độ ăn: bao gồm mỗi ngày nên ăn 4-5 lần rau và hoa quả, ăn nhiều thịt nạc, các loại cá như cá hồi, cá trích, cá cơm, cá thu… Chế độ ăn như trên sẽ làm cho niêm mạc ruột hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Ngoài ra, chế độ ăn này cũng có vai trò tốt trong việc phòng ngừa các bệnh lý viêm hay ung thư đường tiêu hóa.

- Tránh các thực phẩm có nhiều chất béo, lượng đường cao… bởi nó có thể gây ra các chứng bệnh tự miễn và cũng ảnh hưởng đến tuyến giáp.

- Bổ sung đủ lượng iod trong thức ăn. Một số thực phẩm có chứa iot bổ sung tốt cho tuyến giáp như: sữa, sữa chua, gan, thịt bò, cá, hải sản, trứng… tuy nhiên không nên ăn quá nhiều. Nếu khi bạn khám thấy lượng iod trong cơ thể thiếu và nếu cần bổ sung bằng đường uống thì bạn cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, vì nếu bổ sung quá thừa iod thì có thể gây ra cường giáp, rất nguy hiểm.

- Tránh xa các tác nhân có tia phóng xạ, tia X… Đây là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về tuyến giáp.

- Chế độ sống lành mạnh: không hút thuốc lá, không uống bia rượu quá nhiều. Tập thể dục đều đặn, ngủ sớm, khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/1 năm để có thể sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh nói chung.


Dấu hiệu nhận biết bướu tuyến giáp là gì? Các phương pháp chẩn đoán xác định bướu tuyến giáp?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Hầu hết các nốt tuyến giáp không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu bạn có một vài nốt, hoặc nốt lớn, bạn có thể nhìn thấy chúng. Mặc dù hiếm gặp, tuy nhiên vẫn có thể sờ thấy nhân tuyến giáp khi khám tuyến giáp.

Triệu chứng:

- Khó nuốt hoặc khó thở
- Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói
- Đau cổ
- Tuyến giáp lớn

Các nốt quá sản tuyến giáp có thể dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, còn được gọi là cường giáp gây nên các triệu chứng sau:

- Khó chịu/ hồi hộp
- Yếu cơ/ run cơ
- Giảm cân
- Khó ngủ

Các nhân tuyến giáp cũng có thể làm cho nồng độ hormone giảm sút gây suy giáp, triệu chứng điển hình:

- Cảm giác mệt mỏi
- Kinh nguyệt kéo dài
- Hay quên
- Tăng cân
- Da khô, thô, tóc mỏng - dễ rụng tóc

Có thể phát hiện các nhân tuyến giáp trong khi khám hoặc vô tình sờ thấy của tuyến giáp. Tuy nhiên bác sĩ cần cho bạn làm các xét nghiệm sau:

-  Xét nghiệm đánh giá nồng độ hormone tuyến giáp, nồng độ hormone có thể thay đổi hoặc không khi bị bướu giáp nhân, tuy nhiên đôi lúc nồng độ hormone có sự thay đổi nhưng không có nghĩa là bạn bị ung thư tuyến giáp. Do đó bạn cần được cho làm thêm các xét nghiệm khác.

- Siêu âm tuyến giáp: phương pháp này đánh giá được kích thước các nhân, số lượng nhân, vị trí các nhân tuyến giáp.

 Khó thở là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp. Hãy lắng nghe cơ thể, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đến gặp bác sĩ để có lời khuyên hữu ích nhất.
Khó thở là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp. Hãy lắng nghe cơ thể, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đến gặp bác sĩ để có lời khuyên hữu ích nhất.

Bướu tuyến giáp gồm những loại nào? Bướu tuyến giáp nếu không được phát hiện kịp thời có thể trở thành ung thư tuyến giáp không?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Có nhiều loại nhân tuyến giáp khác nhau, bao gồm:

- Nhân keo: Đây là sự phát triển quá mức của các mô tuyến giáp bình thường, nhưng tăng trưởng này là lành tính (không phải ung thư), chúng có thể phát triển lớn hơn, nhưng không phát triển xâm lấn ra ngoài bao tuyến giáp.

- U nang tuyến giáp: Đây là tổ chức nang trong đó có chứa dịch hoặc dịch lẫn tổ chức đặc của tuyến giáp.

- Các nốt viêm: Những nốt này phát triển là kết quả của viêm mãn tính lâu dài, có thể gây đau hoặc không.

- Bướu cổ đa nhân: Đôi khi tuyến giáp phát triển tạo thành nhiều nốt, tuy nhiên những trường hợp này phần lớn là lành tính.


Vì sao nữ giới dễ bị rối loạn tuyến giáp hơn nam giới?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Phụ nữ phải trải qua những biến động trong nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh hoặc ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc tránh thai, tiền sử thai nghén, sử dụng liệu pháp hormone hay căng thắng trong cuộc sống... Những thay đổi này đều có tác động tới hormone tuyến giáp, vì thế làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.


Bướu tuyến giáp có điều trị dứt điểm được hay không? Những phương pháp điều trị bướu tuyến giáp phổ biến hiện nay là gì? Trong trường hợp nào thì bệnh nhân có thể điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Vấn đề điều trị phụ thuộc vào tình trạng của tuyến giáp.

Có thể không điều trị mà theo dõi khám định kỳ, nếu nhân tuyến giáp không lớn, nồng độ hormone không thay đổi, không phải ung thư tuyến giáp.

Điều trị bằng iod phóng xạ: Các bác sĩ sử dụng iod phóng xạ để điều trị các nhân tuyến giáp và cường giáp, iod phóng xạ được hấp thu vào tuyến giáp và làm cho các nhân tuyến giáp nhỏ lại. Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng phương pháp này.

Phẫu thuật: để loại bỏ các nhân tuyến giáp là cách điều trị tốt nhất, đặc biệt là trong ung thư giáp hoặc tuyến giáp lớn gây chèn ép làm khó thở - khó nuốt. Trong một số trường hợp bác sĩ khám lâm sàng nghi ngờ ung thư giáp nhưng các xét nghiệm không cho kết quả chính xác, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để làm xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả chẩn đoán chính xác.

Hiện nay phương pháp đốt bướu giáp bằng sóng cao tần để giảm kích thước các khối u tuyến giáp (nhân giáp) lành tính mà không cần phẫu thuật. Điều trị bướu cổ bằng sóng cao tần trong các trường hợp bướu giáp nhân lành tính có triệu chứng (có đau vùng cổ, cảm giác khó chịu, khó nói, ho, ảnh hưởng thẩm mỹ).

 Điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần là phương pháp dùng dòng điện tần số cao để giảm kích thước các nhân giáp lành tính. Dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm, bác sĩ sẽ đưa một kim truyền có kích thước rất nhỏ qua da. Năng lượng điện với tần số cao được dẫn vào nhân giáp thông qua kim truyền sẽ phá hủy nhân giáp ngay từ bên trong.
Điều trị bướu giáp bằng sóng cao tần là phương pháp dùng dòng điện tần số cao để giảm kích thước các nhân giáp lành tính. Dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm, bác sĩ sẽ đưa một kim truyền có kích thước rất nhỏ qua da. Năng lượng điện với tần số cao được dẫn vào nhân giáp thông qua kim truyền sẽ phá hủy nhân giáp ngay từ bên trong. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Được biết, ứng dụng sóng cao tần là một bước tiến mới trong điều trị bướu tuyến giáp. Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với phẫu thuật truyền thống. Vậy những ưu điểm đó là gì? Thời gian điều trị và phục hồi cũng như nguy cơ tái phát sau khi áp dụng điều trị bằng phương pháp này là gì ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Phương pháp đốt sóng cao tần mang lại nhiều ưu điểm lớn so với phương pháp mổ thông thường: Không cần gây mê, độ an toàn cao, hầu như không gây biến chứng, thời gian điều trị và hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân về ngay sau khi điều trị, tái phát rất thấp.

Phương pháp điều trị sóng cao tần rất được nhiều bệnh nhân bị bướu cổ (có tâm lý sợ mổ, không dám mổ) lựa chọn đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân mau hồi phục, giảm cảm giác đau, không để lại sẹo mổ.

Thời gian can thiệp từ 15 đến 45 phút.

Sau can thiệp bệnh nhân được nằm nghỉ ngơi và theo dõi trong vài giờ trước khi xuất viện. Không cần uống thuốc kháng sinh hay giảm đau khi xuất viện.


Trong trường hợp nào, bệnh nhân cần phải chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ bướu tuyến giáp? Cắt bỏ tuyến giáp có chữa dứt điểm hoàn toàn bướu tuyến giáp không? Có để lại di chứng nào sau phẫu thuật không?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Mục đích của phẫu thuật là có thể loại bỏ các tuyến giáp lớn hoặc các nhân tuyến giáp, phẫu thuật áp dụng khi điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc ung thư giáp.


Quy trình phẫu thuật bướu tuyến giáp gồm các bước nào? Cần phải lưu ý gì trước và sau khi phẫu thuật? Những ai không nên phẫu thuật bướu tuyến giáp?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Bạn sẽ được gây mê toàn thân để cơ thể được thoải mái, giảm đau và trong quá trình này bạn sẽ được cho ngủ.

Một vết rạch (vết cắt) được tạo ra dọc theo nếp gấp ở dưới cổ của bạn. Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ nhân nang đơn thuần, cắt một phần của thùy tuyến giáp (cắt bán phần), cắt bỏ một thùy hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến.


Chăm sóc người bệnh phẫu thuật tuyến giáp ra sao? Người bệnh cần xây dựng thói quen sinh hoạt thế nào để hạn chế diễn tiến của bướu tuyến giáp?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Sau phẫu thuật:

- Bạn sẽ được theo dõi một vài ngày tại bệnh viện.
- Bạn sẽ có một vết sẹo mổ tại vùng cổ.
- Bạn có thể phải dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp (nếu cần).

Gọi lại cho bác sĩ nếu:

- Có sưng nóng tại vị trí vết mổ.
- Có chảy máu tại vị trí vết mổ.
- Bạn bị sốt.
- Bạn bị ngứa ran hoặc tê bì ở tay, chân hoặc môi.

Rủi ro của phẫu thuật là tối thiểu, nhưng có thể bao gồm:

- Chảy máu
- Nhiễm trùng

Dù là "dân" phẫu thuật nhưng những câu BS Việt và BS Tuấn đều rất "mượt", chi tiết giúp bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ

PHẦN II: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC

Thảo Huỳnh - thaohuynh…62@gmail.com

Tôi 27 tuổi, bị u tuyến giáp lành tính, đã sống chung với bệnh 2 năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 11 năm 2018, nhân giáp tăng kích thước nhanh, không những bị đau thường xuyên mà tuyến giáp của tôi bị lồi to ra. Khi soi gương tôi cảm thấy vô cùng tự ti. Tôi nghe nói có phương pháp đốt sóng cao tần, chỉ cần làm 1 lần duy nhất và rất thẩm mỹ, có đung không ạ. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. Chân thành cảm ơn bác sĩ!

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Thảo Huỳnh thân mến,

Sau đốt bướu giáp bằng sóng cao tần, thể tích bướu thường giảm nhiều nhất trong tháng đầu. Thể tích bướu tiếp tục giảm từ từ đến khi tạo thành mô xơ sẹo là tiến trình điều trị hoàn tất.

Tùy theo thể tích đầu tiên và độ chắc của nhân (đây là những yếu tố tiên lượng độc lập cho hiệu quả của CĐSCT) mà bác sĩ sẽ quy định số lần điều trị khác nhau. Đối với khối bướu có đường kính dưới 3 cm, việc điều trị thường có hiệu quả sau một lần duy nhất. Với khối bướu kích thước trên 3 cm, thường điều trị 2 - 3 lần để đốt hết hoàn toàn.

Trân trọng.


Lê Thuấn - 60 tuổi, Hà Nội

Tôi bị ung thư tuyến giáp và đã tiến hành cắt bỏ tuyến giáp hoàn toàn cách đây hơn 1 tháng. Sau phẫu thuật, tôi được bác sĩ chỉ định uống thuốc nội tiết thay thế tuyến giáp. Tuy nhiên, tuần rồi tôi vào Nam thăm con gái. Do lu bu công việc, nên 3 ngày nay tôi quên béng việc uống thuốc. Như vậy có sao không, tôi rất lo lắng sợ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Mong được bác sĩ tư vấn tôi nên tiếp tục uống thuốc hay phải đến bệnh viện để kiểm tra. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. Chúc bác sĩ sức khỏe!

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Bác Thuấn thân mến,

Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đến cho chương trình tư vấn trực tuyến.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, người bệnh cần được bổ sung hormone tuyến giáp, thông thường người bệnh được chỉ định sử dụng Levothyroxin nhằm duy trì ổn định nồng độ hormone tuyến giáp trong máu.

Do vậy, khi bác quên uống thuốc 3 ngày, nồng độ hormone tuyến giáp có thể giảm thấp, bác nên sử dụng lại đúng liều lượng thuốc mà bác sĩ đã cho, nếu không có các biểu hiện của tình trạng suy giáp thì bác tiếp tục dùng thuốc như bình thường.

Kính chúc bác sức khỏe.


Tuệ Tuệ - bạn đọc hỏi qua Fanpage

Chào bác sĩ, cháu năm nay 26 tuổi, là nữ ạ. Cách đây mấy ngày, cháu phát hiện mình bị sưng một cục bằng quả mơ ở cổ kèm theo biểu hiện khó thở, khó nuốt. Cháu bận đi làm nên chưa có thời gian đi khám. Vô tình lướt web, cháu thấy chương trình tư vấn về vấn đề này nên cháu gửi câu hỏi, mong được bác sĩ giải đáp thắc mắc của cháu như sau:

Thứ nhất, có phải cháu đã bị bướu tuyến giáp không? Bệnh này có nguy hiểm không?

Thứ hai, nếu có, cháu nên thăm khám và điều trị thế nào?

Cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ.

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Với tình trạng em đã mô tả, thì em nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và làm siêu âm tuyến giáp, trong trường hợp kết luận bệnh bướu cổ thì em sẽ được bác sĩ tư vấn tình trạng bệnh, cần theo dõi và điều trị như thế nào.


Nguyễn Thành Đạt - datnhatrang…@gmail.com

Cho trẻ ăn đủ iot từ nhỏ có phòng ngừa được bướu tuyến giáp không? Bệnh này có thể nhận biết sớm và cách ngăn ngừa như thế nào ạ?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chào bạn Đạt,

Thiếu Iod có thể dẫn đến tình trạng suy giáp do cơ thể không tổng hợp đủ hormone tuyến giáp, từ đó tuyến giáp phải tăng hoạt động và kích thước để bù trừ sự thiếu hụt này và gây ra bệnh bướu giáp. Nhận biết sớm khi thấy cổ phình to, có các triệu chứng suy giáp như:

- Cảm giác mệt mỏi
- Kinh nguyệt kéo dài
- Hay quên
- Tăng cân
- Da khô, thô, tóc mỏng - dễ rụng tóc
- Giọng khan khan
- Không chịu được lạnh
- Táo bón
- Phù… 

Đôi điều chia sẻ cùng bạn!


Lý Thùy Nhiên - TPHCM

Tôi 37 tuổi, tôi bị basedo, đang điều trị bằng thuốc nội khoa kháng tổng hợp, tôi muốn dùng kết hợp với thực phẩm chức năng tăng cường tuyến giáp thì có gây tương tác thuốc hay không? Bác sĩ cho tôi lời khuyên với ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chị Thùy Nhiên thân mến,

Hiện nay chị đang bị bệnh Basedo, hay còn gọi là cường giáp, và đang được điều trị thuốc kháng giáp nhằm điều hòa nồng độ hormone tuyến giáp trong máu về mức bình thường. Chị nên tuân thủ chế độ điều trị của BS chuyên khoa, và trong giai đoạn này chị không nên sử dụng thêm các thực phẩm chức năng tăng cường tuyến giáp.


Thảo Lana - lanathao…888@gmail.com

Thưa bác sĩ, mẹ cháu 55 tuổi, bị bướu cổ đơn thuần, ăn uống sinh hoạt khá khó khăn, đặc biệt gần đây mẹ cháu bảo đau nhiều lắm. Cháu muốn hỏi bác sĩ, bệnh của mẹ cháu có nguy cơ bị ung thư không và có điều trị khỏi hẳn không ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chỉ có 5% bệnh nhân bị bướu giáp sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp, tỉ lệ thường cao hơn ở người lớn tuổi. Theo BS em nên đưa mẹ đi khám và theo dõi ở BS chuyên khoa để đánh giá kích thước bướu, diễn tiến lâm sàng. Đồng thời người bệnh nên được chỉ định thực hiện FNA - chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ, để tầm soát và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp.


Bùi Tuấn Kiệt - Đồng Tháp

Nhờ bác sĩ giải đáp thắc mắc giúp tôi. Tôi 32 tuổi, đi khám và làm xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận tôi bị u tuyến giáp và chỉ định đốt sóng cao tần. Vậy phương pháp này có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng gì đến các chức năng của tuyến giáp không?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Phương pháp cắt đốt bướu tuyến giáp bằng sóng cao tần nhằm làm giảm kích thước và thiêu hủy khối u. Phương pháp này là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, tương đối an toàn. Bệnh nhân có thể về trong ngày sau khi được điều trị.


Phạm Phú - 09877*****

Chào bác sĩ, em đi khám, kết quả siêu âm kết luận em bị TD cường giáp còn xét nghiệm máu thì FT4 0. 96 (0. 61-1. 12)ng/dL, TSH 2. 82 (0. 3-5. 6) uUl/mL. Bác sỹ không cho thuốc uống, vậy trường hợp của em có phải phẫu thuật không? Cảm ơn bác sĩ nhiều!

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Theo những thông tin em cung cấp với siêu âm và kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp thì em không bị cường giáp, bướu cổ của em cần được theo dõi và siêu âm định kì để đánh giá kích thước.

Em đừng quá lo lắng nhé!

Iốt phóng xạ I 131 được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp, bao gồm cả ung thư tuyến giáp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Iốt phóng xạ I 131 được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp, bao gồm cả ung thư tuyến giáp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Thu Hằng Nguyễn - hangnguyen…basic@gmail.com

Bác sĩ ơi, tôi bị ung thư tuyến giáp dạng nhú, không hiểu sao các bác sĩ lại để tôi đến đầu tháng 4 mới trị xạ I-131 lần đầu tiên. Theo như tôi tìm hiểu thông tin trên mạng thì lẽ ra phải xạ trị sau 1 tháng mới đúng. Tôi hoang mang quá, bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi được không? Tôi cảm ơn ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chị thân mến,

Chỉ định I-131 được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa và dựa vào nồng độ TSH. Thường 2 tuần sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp người bệnh có thể được bắt đầu liệu trình I-131.


Trung Jackky - Đà Nẵng

Chào bác sĩ, gần đây tôi hay ho, cổ họng đau, phát âm hơi khó khăn, giọng khản. Không biết tôi có bị bệnh gì về tuyến giáp không hay đây chỉ là những dấu hiệu cảm cúm thông thường. Xin bác sĩ tư vấn giúp ạ. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Với các triệu chứng của bạn cung cấp, để phân biệt cảm cúm và bệnh bướu cổ bạn cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định xem có bướu cổ hay không. BS có thể cho bạn làm siêu âm tuyến giáp để đánh giá chi tiết hơn. Nếu không có các vấn đề về tuyến giáp, các triệu chứng của bạn liên quan đến đường hô hấp là chính.


Bạn đọc liên hệ từ số điện thoại 09847...

Em là nữ, bị bướu cổ, BS nói là phình giáp đa hạt, hiện tại đang uống thuốc. Vậy trường hợp của em có cần phẫu thuật không?

Và em muốn mang thai thì có cần ngưng điều trị không? Ngưng điều trị có nguy hiểm cho thai kỳ không? Khi nào em mang thai thì hợp lý ạ? Sau khi kết thúc cho con bú thì em tiếp tục điều trị phải không BS?

TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Bệnh phình giáp đa hạt không cần phẫu thuật nếu bướu không quá to và không gây ra triệu chứng. Em cũng nên khám và theo dõi thường xuyên để trong trường hợp có chỉ định BS sẽ cho làm FNA - chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ.

Khi mang thai, BS điều trị và BS sản khoa sẽ theo dõi và tư vấn điều trị cho em dựa trên lâm sàng, xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Trân trọng!


Với 18 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật điều trị các bệnh lý Tim mạch - Lồng ngực, TS.BS Phạm Thế Việt hiện là Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Gia An 115. Ông từng kinh qua nhiều vị trí tại các bệnh viện lớn tại TPHCM như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Hoàn Mỹ,…

BS Thế Việt là một trong những người góp sức thành lập khối Tim mạch tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cung cấp đầy đủ dịch vụ Tim mạch (hồi sức tim, can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp, phẫu thuật tim,...). Ngoài ra, cũng tại bệnh viện này, BS Việt đã triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất như: Phẫu thuật tim ít xâm lấn (nội soi); Phẫu thuật nội mạch (đặt stentgraft điều trị phình bóc tách động mạch chủ); Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không dùng máy tim phổi; Phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp (không động mạch phổi, tim 1 buồng thất).


ThS.BS Trần Anh Tuấn tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội năm 2008 và hoàn thành luận án Thạc sĩ năm 2016. Trong quá trình công tác, nâng cao kinh nghiệm, BS Tuấn đã đạt giải thưởng khoa học công nghệ về đề tài đốt sóng cao tần ung thư phổi và đề tài cấp tỉnh phẫu thuật ung thư phổi.

Hiện BS Tuấn là phẫu thuật viên khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Gia An 115.


AloBacsi xin trân trọng cảm ơn TS.BS Phạm Thế Việt - Trưởng khoa Ngoại và ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực đã dành thời gian tư vấn giúp bạn đọc biết thêm nhiều kiến thức bổ ích về dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa bệnh tuyến giáp.

Kính chúc 2 chuyên gia nhiều sức khỏe và hẹn gặp lại trong các chương trình tư vấn lần sau!

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X