Hotline 24/7
08983-08983

Chụp mạch vành có tin cậy hơn MSCT?

Câu hỏi

Chào BS, Ba năm trước tôi thỉnh thoảng nặng ngực, khó thở, đi khám ở Viện Tim, đo điện tim, siêu âm tim kết quả hở van 2 lá 1/4, hở van 3 lá 1/4; ECG gắng sức dương tính thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp (130-150/80-100). Sau đó tôi qua Hòa Hảo chụp MSCT tim, kết quả ghi: hẹp LAD, RCA 20-30% không ý nghĩa. BS Viện Tim cho toa uống thuốc gồm: Nebivolol 5mg; Losartan 50mg + Hydroclorothiazid 12,5mg; Amlodipin; Aspirin 81mg. Tái khám mỗi 2-3 tháng/ lần. Tôi uống thuốc theo toa trên gần 3 năm nay, thấy ổn, rất ít khi đau ngực khó thở. Tuy nhiên do bận việc cá nhân nên gần 4 tháng nay tôi không tái khám, mà mua thuốc uống theo toa cũ. Mới đây, khoảng 20 ngày trước tôi nặng ngực và khó thở rất nhiều (không đau ngực), phải gồng lên thở, khó thở kéo dài nhiều tiếng, lặp đi lặp lại vài ngày. Do nguyên nhân khách quan tôi không đến khám Viện Tim nữa mà khám ở BV ĐH Y dược TPHCM. Tôi có trình bày triệu chứng và kết quả, quá trình điều trị ở Viện Tim cho BS nghe. BS cho tôi siêu âm tim (kết quả ghi: bình thường, không hẹp hở van 2 lá, 3 lá; chức năng thu tâm thất trái tốt EF>71%). Tôi cũng xin nhập viện chụp mạch vành cản quang, kết quả ghi: "bình thường; bàn luận: cầu cơ LAD". Sau đó BS cho toa uống thuốc như sau: Herbesser R100mg (ngày uống 1 lần x 1 viên sau ăn sáng); Tormeg 10mg (ngày uống 1 lần x 1 viên sau ăn chiều), dặn tôi không căng thẳng, giải tỏa tâm lý (do tôi vừa trải qua thời gian dài bị căng thẳng và lo lắng khá nặng). BS cũng nói bệnh trạng của tôi không có gì đáng lo. Tôi xin hỏi BS: chụp mạch vành như vậy có tin cậy hơn MSCT của 3 năm trước không? Và tại sao 3 năm trước MSCT ghi tôi hẹp 20-30% mà bây giờ kết quả chụp mạch vành không ghi nhận mức độ hẹp? Tôi đang uống thuốc của Viện Tim có thuốc huyết áp và Aspirin 81, nay không uống 2 loại này nữa thì có an toàn không ạ? Tôi hơi lo, mong BS cho lời khuyên ạ. Cảm ơn rất nhiều.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Nặng ngực, khoa thở. Ảnh minh họa - Nguồn internet
Nặng ngực, khó thở. Ảnh minh họa - Nguồn internet

Chào bạn,

Độ đặc hiệu của ECG gắng sức trong chẩn đoán bệnh động mạch vành mạn chỉ khoảng 70%, nghĩa là có nguy cơ dương tính giả mà không có bệnh mạch vành thật sự khá cao, lên tới 30%. Mức hẹp mạch vành trên MSCT mạch vành 20-30% không phải là nguyên nhân gây ra cơn đau ngực ở bạn.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau ngực điển hình, có biến đổi điện tâm đồ trong cơn đau ngực và đáp ứng tốt với toa thuốc trước đó thì bạn có thể mắc phải một căn bệnh hiếm gặp là đau thắt ngực Prinzmetal. Đây là một thể hiếm gặp của bệnh lý động mạch vành. Chẩn đoán dựa trên tiêu chẩn lâm sàng hoặc sử dụng các test gây co thắt động mạch khi chụp động mạch vành cản quang.

Những bệnh nhân co thắt đa mạch vành có thể có tiên lượng xấu do loạn nhịp thất như bloc A-V độ III, rung thất. Việc chẩn đoán bệnh khá khó khăn, cơn đau ngực biến thái thường xuất hiện khi nghỉ và vào buổi sáng. Có thể cơn đau chỉ kéo dài vài giây rồi tự hết mà không để lại di chứng nên rất khó có thể dự đoán được cơn. Nên chỉ định ghi Holter điện tim 24 giờ có thể tìm thấy những biến đổi điện tim.

Tuy vậy nếu cơn đau xuất hiện không thường xuyên thì cũng khó bắt được và những biến đổi trên điện tim 24 giờ cũng không thể khẳng định được co thắt. Chỉ khi có bằng chứng co thắt khi chụp động mạch vành mới có thể khẳng định được cơn đau ngực biến thái nhanh thất hoặc đột tử. Bệnh nhân thường có đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc.

Trường hợp của bạn ít nghĩ tới cầu cơ do MSCT lần trước không phát hiện được. Đây là những dự đoán về tình trạng bệnh của bạn thông qua những thông tin bạn cung cấp. Về độ chính xác của chụp mạch vành cản quang, đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh lý mạch vành, tuy nhiên do là xét nghiệm xâm lấn, có thể gây ra biến chứng cho sức khoẻ bệnh nhân nên trước khi chụp cần khẳng định chắc chắn bệnh nhân có bệnh lý mạch vành bằng các test ECG gắng sức, siêu âm tim gắng sức hoặc MSCT mạch vành.

Tuy nhiên, độ chính xác của MSCT trước đây không cao, chỉ khoảng 60-70%, nên không loại trừ là do hình ảnh giả hẹp mạch vành. Nếu đã được ngưng bớt thuốc huyết áp thì bạn cần theo dõi huyết áp thường xuyên 2 lần mỗi ngày để báo với BS khi tái khám. Khi đánh giá nguy cơ tim mạch không cao, BS có thể ngưng Aspirin để tránh các tác dụng phụ không cần thiết do thuốc gây ra.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh động mạch vành là tình trạng bệnh lý làm cho lòng mạch bị hẹp một phần hoặc tắc nghẽn làm hạn chế dòng máu đến nuôi dưỡng tim.

Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh động mạch vành có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn đó là lòng mạch tắc nghẽn hoàn toàn và có thể bị hoại tử cơ tim. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn trong y khoa vì tỉ lệ tử vong rất cao.

Hiện nay việc điều trị bệnh động mạch vành có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc có thể thông lòng động mạch vành bị hẹp (angioplasty) hay nối thêm mạch máu bắt cầu qua chỗ nghẽn (bypass surgery). Cho dù người bệnh đã được điều trị bằng phương pháp ngoại khoa hay nội khoa thì việc thay đổi lối sống, điều trị một số bệnh có liên quan và tiếp tục sử dụng lâu dài một số thuốc là hết sức cần thiết để điều trị và phòng ngừa cơn đau thắt ngực.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X