Hotline 24/7
08983-08983

Chủ quan khi bị hoa mắt, chóng mặt

Nhiều người chủ quan với dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt mà không lường đó là triệu chứng ban đầu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như: bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, các rối loạn về tâm lý….

Cần đi khám bệnh ngay khi dấu hiệu chóng mặt, hoa mắt xuất hiện thường xuyên.

Thiểu năng tuần hoàn não ở tuổi 18

Nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt kèm với dấu hiệu tê nửa người bên phải, nam bệnh nhân N.V.T (18 tuổi, Hà Nam) bất ngờ khi được bác sĩ chẩn đoán thiểu năng tuần hoàn não nguyên nhân do dị dạng mạch máu não. Theo lời T. dấu hiệu chóng mặt, hoa mắt xuất hiện từ khá lâu. Tuy nhiên, cả T. và gia đình đều nghĩ rằng do em bận việc học nên bỏ qua. Thời gian gần đây, những cơn hoa mắt, chóng mặt tăng dần tần suất, chân phải nặng nề, tê rồi lan dần đến cổ và sang cánh tay phải… Lúc này, gia đình vội vàng đưa T. đến bệnh viện. Qua kết quả chụp doppler phát hiện dị dạng mạch máu não, đây chính là nguyên nhân gây bệnh cho T.

Chị T.T.P (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đến thăm khám khi vài tháng nay, chị hay bị mất ngủ, đau đầu chóng mặt, ngủ hay mơ, sáng dậy miệng khô và đắng, chân đau, có lúc mắt đỏ, chảy nước mắt. Chị P. cho biết, đôi khi chị còn có cảm giác người khác theo dõi, rất bực bội, khó chịu. Tại bệnh viện, sau thăm khám, chị P. được bác sĩ chẩn đoán chóng mặt do stress tâm lý - bệnh lý rất phổ biến thường gặp trong cuộc sống hiện đại.

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, rất nhiều thực phẩm giàu axit amin thiết yếu có vai trò trong điều trị chóng mặt. Các thực phẩm giàu mangan, giàu vi lượng rất cần cho hệ thống thần kinh giúp tuần hoàn não tốt. Ngoài ra, các loại rau xanh như: rau cải, rau ngót, thịt bò, thịt vịt cũng rất tốt cho người hay chóng mặt.


Theo BS Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất, TPHCM, chóng mặt là triệu chứng thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu của các bệnh lý thần kinh. Khi bị chóng mặt, người bệnh thường băn khoăn không biết đây là triệu chứng của rối loạn tiền đình hay thiểu năng tuần hoàn não. Thực tế, khi bị chóng mặt, biểu hiện bằng nhiều trạng thái như người bệnh cảm thấy đồ vật xoay tròn, hay cảm giác lâng lâng, đi lại không vững, xây xẩm mặt, chòng chành, nhà cửa chao đảo... Mỗi biểu hiện này đều có thể nằm trong các nhóm nguyên nhân khác nhau.

BS Nga cho biết, chóng mặt phân ra 4 nhóm triệu chứng: chóng mặt thực sự, chóng mặt có cảm giác mất thăng bằng, chóng mặt muốn ngất xỉu, hoặc chóng mặt do tâm lý - stress. Từ những triệu chứng đó, bác sĩ sẽ phân ra các nhóm nguyên nhân khác nhau.

Với chóng mặt thực sự thường là do tổn thương tiền đình (tiền đình ngoại biên hoặc tiền đình trung ương), chóng mặt do mất thăng bằng (rối loạn tiểu não, cảm giác hoặc thị giác); chóng mặt sắp ngất xỉu thường là do phản xạ thần kinh hoặc bất thường về tim mạch, chóng mặt do tâm lý thường do stress.

Đây là những nguyên nhân gây ra triệu chứng chóng mặt ở bệnh nhân. “Khi chóng mặt, bệnh nhân nên nằm nghỉ, sẽ làm cơn chóng mặt qua đi, nếu cơn chóng mặt lặp lại thì không nên chủ quan bỏ qua, cần đi khám tại các phòng khám đa khoa hoặc các phòng khám về thần kinh”, BS. Nga khuyến cáo.

4 dấu hiệu nguy hiểm của chóng mặt

Nhiều người thường nghĩ chóng mặt là dấu hiệu của rối loạn tiền đình hay thiếu máu não. Tuy nhiên, BS. Nga nhận định: Chóng mặt là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau như tiền đình, nội khoa, tim mạch, tiểu đường, stress, sử dụng thuốc, hạ huyết áp tư thế, thoái hóa cột sống cổ...

Tất cả bệnh lý đó đều gây ra chóng mặt. Do vậy, bệnh nhân cần được thăm khám để xác định rõ nguyên nhân để điều trị tận gốc. Thông thường nếu bệnh nhân được chẩn đoán chóng mặt tư thế kịch phát ngoài việc điều trị, thay đổi lối sống, tập luyện, bệnh nhân vẫn có thể tái phát. Nhưng chóng mặt loại này thường không nguy hiểm, không ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Hoặc bệnh nhân bị chóng mặt do viêm thần kinh tiền đình hoặc do các bệnh lý về hạ huyết áp tư thế, hạ đường huyết, hoàn toàn có thể điều trị được.

Theo BS Nga, với những người chóng mặt, cần cảnh báo người bệnh không nên thay đổi tư thế đột ngột. Thường gặp nhất của chóng mặt là chóng mặt tư thế kịch phát, đó là khi cơn chóng mặt xuất hiện khi họ thay đổi tư thế đầu sang một hướng nhất định. Vì các cơn chóng mặt tư thế kịch phát thường chỉ xuất hiện 1 phút, nên giữ tư thế ban đầu cơn chóng mặt sẽ nhanh chóng trôi qua. Hoặc những bệnh nhân than phiền là khi ngồi xuống đứng dậy xây xẩm mặt, muốn xỉu thì nên nằm trở lại, nếu đang đi xe, nên tấp xe vào lề đường ngồi xuống thì cơn chóng mặt sẽ qua đi.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của BS Nga, có 4 trường hợp chóng mặt bắt nguồn từ nguyên nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng cần lưu ý. Thường là chóng mặt nặng, không thể đi lại. Thứ hai là chóng mặt kéo dài (thường trên 4 tuần lễ). Thứ ba chóng mặt kèm các dấu hiệu thần kinh như tê, yếu nửa người, nhìn đôi, mờ mắt. Thứ tư là chóng mặt với cơn ngất kèm theo. Đó là những dấu hiệu chóng mặt do các nguyên nhân nguy hiểm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị bệnh.

Theo Lan Vũ - Báo Giao thông

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X