Hotline 24/7
08983-08983

Chấn thương cổ chân, bó bột 3 tuần nhưng vẫn chưa đi lại được, em phải làm sao?

Câu hỏi

Thân chào bác sĩ, 2 tuần trước em có chơi thể thao và bị vấp đè nghiêng lên bàn chân. Chân sưng to và đau nhức. Đến bệnh viện khám thì bác sĩ bảo không ảnh hưởng đến xương khớp và ghi là bị chấn thương cổ chân rồi bó bột 3 tuần. Đến nay được 2 tuần rồi nhưng chân vẫn chưa hết sưng đã bớt đau tuy nhiên vẫn chưa thể đi lại được, cả tuần chỉ ngồi và nằm trên giường trừ trường hợp vệ sinh. Để chân ngang với lưng hoặc cao hơn thì không cảm thấy đau nhưng bỏ chân xuống đất hoặc xuống thấp là có cảm giác phần chân căng ra và rất đau nhức. Em thắc mắc không biết khi nào thì em có thể đi và đứng được, trong thời gian này em có nên uống thuốc gì để nhanh khỏi không? Em xin cảm ơn.

Trả lời
Chấn thương phần mềm. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Bạn Huỳnh thân mến,

Bạn bị chấn thương phần mềm, biện pháp tốt nhất ngay sau khi bị chấn thương là chườm đá, băng ép, kê chân cao, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sau 2  đến 3 ngày, thực hiện biện pháp trên thì bạn cần phải vận động lại sớm để phục hồi chức năng vận động của chi.

Hiện nay, sau 3 tuần bó bột, bạn bị tình trạng rối loạn vận mạch và cứng khớp do bất động lâu, cần kiên trì tập vật lý trị triệu, các triệu chứng trên sẽ cải thiện.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:


Chấn thương phần mềm có thể gây ra những tổn thương các thành phần sau đây: Tổn thương cơ; Tổn thương dây chằng (phần tạo kết nối xương với xương); Tổn thương gân (phần tạo kết nối giữa cơ và xương); Tổn thương các thành phần khác như da, mỡ, bao khớp và các tổ chức liên kết khác.

Khi phần mềm bị tổn thương, các mạch máu nuôi tổ chức đồng thời cũng bị tổn thương, gây chảy máu, dẫn đến tình trạng đau, phù nề, làm giảm hoặc mất chức năng vận động của chi. Máu chảy tại vị trí tổn thương càng nhiều, tổ chức càng sưng nề, đau càng tăng. Do đó, trong xử lý chấn thương phần mềm cấp tính, mục đích quan trọng là làm giảm chảy máu tại vị trí tổn thương. Nếu chấn thương được xử lý ban đầu đúng cách, triệu chứng sẽ giảm tức thì, tổn thương nhanh chóng hồi phục.

Trong thời gian 48-72 giờ đầu, phải thực hiện được 4 bước nên làm và 4 điều nên tránh dưới đây trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện:

4 bước nên làm:

Nghỉ ngơi ngay sau chấn thương càng sớm càng tốt để tránh chảy máu, giảm phù nề. Hạn chế vận động, di chuyển. Tốt nhất là bất động chi bằng bột hoặc nẹp.

Chườm đá giúp giảm đau, giảm co thắt, giảm sưng nề và giảm chảy máu. Chườm đá mỗi lần 20-30 phút, cách nhau 2-3 giờ. Đá nên bọc trong khăn ẩm, chườm trực tiếp lên vùng bị tổn thương.

Băng ép giúp hạn chế chảy máu và giảm phù nề. Tốt nhất dùng băng thun, băng tại vị trí tổn thương, băng rộng lên phía trên và xuống phía dưới vùng thương tổn.

Kê cao chi (cao hơn mức tim) nhằm tạo thuận lợi cho máu trở về tim dễ dàng, giúp giảm phù nề, giảm chảy máu. Với chi dưới, kê cao chân ở tư thế nằm, với chi trên, treo tay bằng đai treo tay.

4 điều nên tránh:

Chườm nóng sẽ làm tăng chảy máu. Tránh bất kỳ một tác động nhiệt nóng nào vào vùng tổn thương như chườm khăn nóng, rửa vòi nước ấm…

Đắp cồn hoặc rượu cũng tăng chảy máu, tăng phù nề và làm cho vùng tổn thương lâu hồi phục.

Chạy hay tập luyện trong vòng 72 giờ đầu sẽ làm tổn thương tiến triển nặng hơn.

Xoa bóp sẽ làm tăng chảy máu, tăng phù nề và làm tổn thương nặng lên. Tránh xoa bóp ít nhất trong 72 giờ đầu sau chấn thương.

Sau khi chấn thương phần mềm được xử lý ban đầu bằng “4 bước nên làm” và “4 điều nên tránh”, người bệnh nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán, nhận định mức độ tổn thương phần mềm, từ đó đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn, kịp thời thì vùng chấn thương  mới nhanh hồi phục.


ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan
Nguyên Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp - BV Nhân dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X