Hotline 24/7
08983-08983

Mặt sưng và nhức sau tai nạn, điều trị như thế nào?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Em bị té, mặt bên trái trầy xước, sưng rất nhiều nhưng bác sĩ chụp phim nói bị nứt xương hàm và mới 2 ngày đã cho em xuất viện trong khi mặt em còn sưng và nhức. Bác sĩ nói về nhà uống thuốc rồi 7 ngày sau tái khám. Nhưng em đang sưng và nhức, vậy giờ em phải làm sao và nên ăn kiêng cữ gì cho tốt ạ?

Trả lời
Mặt bị sưng sau tai nạn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Mặt bị sưng sau tai nạn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Mặt em sưng phù nhiều chủ yếu là do chấn thương phần mềm, còn phần xương thì chỉ bị nứt xương hàm nhẹ, bệnh này không có chỉ định nằm điều trị lâu trong bệnh viện vì sẽ tốn kém cho em, tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cho em và tăng gánh nặng thiếu giường cho bệnh nhân khác.

Do đó, khi bác sĩ nhận định em đã qua giai đoạn nguy hiểm ban đầu và có thể uống thuốc được thì có thể điều trị ngoại trú, bác sĩ vẫn kê thuốc cho em về nhà uống mà, còn dặn tái khám gần nữa nên em yên tâm.

Bên cạnh việc uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, em chú ý nghỉ ngơi, rửa và thay băng vết thương mỗi ngày đúng như bác sĩ dặn, ăn thức ăn mềm dễ tiêu, tránh đồ chua - cay - cứng, hạn chế nói nhiều, vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn. Theo dân gian thì các loại rau có nhiều mủ hay nước tương, và đồ biển không tốt cho người mới mổ xong hay có vết thương trên da vì nghĩ là sẽ tạo mủ, khó lành, sẹo lồi... Tuy nhiên, theo bằng chứng khoa học thì điều đó không đúng.

Người có vết thương thì có thể ăn uống bình thường, không kiêng cử gì cả, miễn là thức ăn phải nấu chín uống sạch, rau nên luộc chín để dễ tiêu, những món ăn trước đây gây dị ứng nếu có thì không dùng.

Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì mới mau lại sức. Tuy nhiên, không nên uống rượu bia vì có thể làm vết thương chậm lành, dị ứng, giảm tác dụng thuốc uống đi kèm...

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Sưng bầm là cách gọi dân gian để chỉ những chấn thương phần mềm tương đối nhẹ, không gây tổn thương da nhiều; gân, cơ, xương cũng chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng tổn thương phần mềm, mao mạch, gây viêm, sưng, đau, chảy máu trong mô mềm, gây ra tình trạng bầm tím.

Đối với các sang chấn nhẹ vết bầm tím thường tan từ từ. Tuy nhiên vết bầm tím da có thể làm khó chịu, mất thẩm mỹ vì thời gian tan vết bầm tím thường kéo dài. Lúc đầu, vết bầm màu đỏ hay hồng, rồi đỏ tím sau 1 - 2 ngày chuyển sang màu xanh tím. Từ 5 - 10 ngày vết bầm dần dần trở thành xanh lá cây, nhạt dần và chuyển vàng. Sau 10 - 14 ngày vết bầm sẽ chuyển sang màu vàng nâu rồi mờ dần. Quá trình này kéo dài hơn 2 tuần lễ da mới trở lại màu sắc bình thường.

Để điều trị vết bầm hữu hiệu nhất, cần phải xử lý khi nó còn là một vết đỏ. Ngay khi bị va đập vào bất cứ phần nào trên cơ thể, hãy nhanh chóng chườm đá lên vùng đang đau nhức từ 5 - 10 phút. Nên chườm nhiều lần, giữa những lần chườm phải cách nhau khoảng 1 giờ. Chườm đá chỉ có tác dụng trong vòng 72 giờ từ kể từ lúc bị chấn thương. Chườm đá giúp các mạch máu, mô bị dập do chấn thương co rút lại và từ đó giảm tình trạng xuất huyết dưới da và làm bớt sưng. Việc chườm đá có thể áp dụng với những chấn thương khác như bong gân, căng cơ, côn trùng cắn và kể cả đau ở các khớp viêm do bệnh gút.

Không chườm đá trực tiếp lên da mà hãy quấn đá vào một chiếc khăn trước khi chườm. Hoặc cũng có thể lấy khăn mặt nhúng vào nước lạnh và sau đó đặt lên chỗ đau.

Nếu vết bầm tím ở chân có thể khi ngồi hoặc nằm kê chân có vết bầm tím lên cao để giúp máu lưu thông dễ dàng và giảm sưng. Hạn chế vận động ở chân có những vị trí bị bầm.

Nếu sau 48 giờ chỗ bầm vẫn còn đau thì áp dụng phương pháp chữa trị bằng nhiệt, chườm ấm bằng khăn ấm, một chai nước nóng hoặc túi nóng nhưng đủ để ấm tránh trường hợp bị bỏng.

Trong trường hợp vết bầm tím có kèm theo các dấu hiệu sau đây cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu: Khi vết bầm tím kèm theo sốt; vết bầm tím vùng gần mắt; vết bầm sưng lên, chuyển sang màu đỏ và rất đau; trẻ không cử động được; vết bầm không biến mất sau 2 tuần; những vết bầm bất ngờ, không rõ nguyên nhân hoặc xuất hiện nhiều lần, thường xuyên không giải thích được.

Dân gian thường xoa dầu nóng khi bị sưng bầm nhưng thực tế, việc xoa bóp với dầu nóng càng làm tổn thương thêm các mao mạch, chảy máu trong nhiều hơn. Cần tránh bóp nắn, xoa dầu và đặc biệt là không nên dùng thuốc tan máu bầm hoặc bôi mật gấu quá sớm (trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị va chạm) vì có thể gây chảy máu nhiều thêm, sẽ làm tăng hiện tượng sưng, bầm.


Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X