Hotline 24/7
08983-08983

Cảm cúm tái đi tái lại, điều trị như thế nào?

Câu hỏi

BS ơi, Em bị cảm cúm, sau đó em có tắm buổi tối thì bị chóng mặt, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa họng, uống thuốc Hapacol, tuần hoàn não và thuốc bổ thì hết chóng mặt được 1 tuần và lại bị tái lại cảm cúm với các triệu chứng sổ-nghẹt mũi và chóng mặt đã 1 tháng nay. Em rất khó chịu vì không thể tập trung học tập hay làm việc được. BS cho em hỏi đây chỉ là triệu chứng của cảm cúm hay là bệnh gì khác không ạ và cách điều trị ạ. Em xin cảm ơn.

Trả lời
Cảm cúm tái đi tái lại. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Cảm cúm tái đi tái lại. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Cảm cúm thông thường không gây chóng mặt kéo dài 1 tháng, bởi vì cảm cúm là bệnh do nhiễm siêu vi cúm mùa, thường kéo dài 2-5 ngày, có thể tự khỏi.  Không phải cứ nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa họng là cảm cúm, có nhiều bệnh có thể gây ra tình trạng này, ví dụ như viêm mũi họng dị ứng.

Tuy nhiên, triệu chứng chóng mặt và giảm khả năng tập trung là triệu chứng đáng ngại, có thể gặp trong nhiều nguyên nhân khác nhau, dựa vào thông tin của em thì không đủ để BS chẩn đoán bệnh được, BS cần khám trực tiếp và hỏi kỹ hơn tình trạng bệnh của em. Em nên đến khám tại chuyên khoa Nội thần kinh, em nhé. Trong thời gian đó, em nên:

- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, lượng muối cao.

- Tránh cafe, rượu, bia.

- Uống nhiều đủ nước mỗi ngày chừng 1,5 lít nước để bù lại lượng nước mà cơ thể bị mất.

- Nên tiêu thụ nhiều thực phẩm như: rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc để bổ sung lượng vitamin, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

- Ngủ đủ giấc.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Cúm, hay còn gọi là cảm cúm, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Hầu hết mọi người bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng. Ngoài ra, hiện nay các loại virus cúm nguy hiểm, có khả năng lây lan rộng, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn như H5N1, H1N1, H7N9…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 10 - 15% dân số mắc bệnh cúm, tỷ lệ tử vong do cúm ước tính khoảng 250.000 - 500.000 người. Năm 2009 dịch cúm A/H1N1 tại nhiều nước trong đó có Việt Nam làm hàng trăm người tử vong. Mùa của dịch cúm thường là vào mùa thu và mùa đông.

Cúm là một bệnh hết sức phổ biến, mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Thông thường, trung bình một người trưởng thành có thể bị cúm 2-3 lần/năm, trẻ em có thể bị đế 6-7 lần/năm. Các đối tượng dễ mắc bệnh cúm bao gồm:

- Trẻ dưới 5 tuổi;
- Người trên 65 tuổi;
- Phụ nữ mang thai;
- Người có hệ miễn dịch yếu;
- Người bị béo phì nặng;
- Người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận hoặc đái tháo đường.

Hầu hết những người bị cúm có thể tự điều trị ở nhà và không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng. Uống thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi bạn nhận ra triệu chứng có thể làm giảm thời gian bệnh và giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Những việc nên làm giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh:

- Tiêm vắc xin ngừa cúm mỗi năm;
- Uống nhiều nước (ít nhất 8 ly mỗi ngày) để làm loãng đờm nhày từ phổi;
- Ngưng hút thuốc để làm giảm nguy cơ gặp biến chứng;
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Tiếp tục nghỉ ngơi 2-3 ngày sau khi khỏi bệnh;
- Rửa tay thường xuyên, kể cả người chăm sóc. Vứt tất cả khăn giấy sau khi sử dụng xong;
- Đi khám ngay nếu sốt hoặc ho nặng hơn, thở gấp hoặc đau ngực, ho ra đờm có máu, đau hoặc cứng cổ;
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị đau và chảy dịch mủ từ tai hoặc mũi.

Cúm nhẹ theo mùa thường nhẹ và tự khỏi sau một tuần. Tuy nhiên, cúm là bệnh dễ có khả năng diễn tiến nặng và biến chứng tử vong ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người già, người mắc nhiều bệnh phối hợp… Phòng bệnh bằng vắc xin, tránh tiếp xúc với người hoặc nguồn động vật nhiễm bệnh, hạn chế đi đến chỗ chật hẹp đông người khi đang mùa dịch, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc đồ vật hay người bệnh… là các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh. Khi bạn đi đến vùng dịch cúm gia cầm hoặc cúm A, bạn cần được cách ly và theo dõi sát sao các triệu chứng bệnh. Điều này là cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng và cũng là cách hiệu quả nhất bảo vệ người thân cũng như gia đình bạn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X