Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Lưu Kính Khương tư vấn: Quá trình gây mê gồm những bước nào?

Đến với chương trình tư vấn trực tuyến tuần này, BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115 giải đáp câu hỏi: gây mê gồm những kỹ thuật nào, thuốc tiền mê là gì, thuốc mê có ảnh hưởng đến trí nhớ không, làm cách nào giảm nôn ói sau gây mê…



Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Xin bác sĩ cho biết trước khi bệnh nhân được phẫu thuật thì sẽ được thăm khám, xét nghiệm đánh giá những vấn đề gì? Vai trò của bác sĩ gây mê bắt đầu từ khi nào ạ?

Trong một cuộc phẫu thuật lớn gồm 6-7 kỹ thuật viên bao gồm phẫu thuật viên chính, phẫu thuật viên phụ, điều dưỡng vòng trong tiếp dụng cụ cho cuộc mổ, điều dưỡng vòng ngoài phục vụ cho những công tác như đưa thêm những thiết bị khi được yêu cầu, bác sĩ gây mê và điều dưỡng gây mê.

Trước khi cuộc mổ bắt đầu, lúc người bệnh nhập viện ở khoa ngoại, bác sĩ ngoại khoa đã khám và là những xét nghiệm lâm sàng để chẩn đoán bệnh sau đó mới đến vai trò của bác sĩ gây mê.

Bác sĩ gây mê đến khám tiền mê, thăm khám người bệnh để đánh giá tổng trạng bệnh nhân. Chẳng hạn như bệnh nhân phải phẫu thuật khối u trong ruột kèm theo bệnh nội khoa như cao huyết áp, tiểu đường hay tim mạch, hô hấp… những bệnh lý kèm theo đôi khi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc gây mê. Do đó bác sĩ gây mê phải đánh giá thật cẩn thận từng chi tiết về bệnh lý chính cũng như bệnh lý kèm theo.

Để đảm bảo cho cuộc mổ an toàn, bác sĩ gây mê thường khám kèm theo những xét nghiệm cận lâm sàng. Ví dụ như xét nghiệm về huyết học, đánh giá xem đủ lượng máu chuyên chở oxy cho người bệnh trong quá trình mổ hay không, trong quá trình mổ gây mê mất nhiều máu quá thì bác sĩ gây mê phải dự trù máu đầy đủ để đảm bảo cho cuộc mổ an toàn.

Ngoài ra, còn làm những xét nghiệm khác như về đông máu, cầm máu trong và sau mổ để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Bên cạnh đó bệnh nhân được làm xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm về chức năng gan, thận, đường huyết, điện giải đồ hoặc nước tiểu là những xét nghiệm cơ bản đối với một bệnh nhân khỏe mạnh.

Đối với bệnh nhân lớn tuổi, trên 60 tuổi thường có bệnh tim mạch kèm theo, khi đó bác sĩ gây mê sẽ đánh giá làm thêm những xét nghiệm chuyên sâu như siêu âm tim, chụp mạch vành để đánh giá nguy cơ tim mạch của người bệnh trong quá trình phẫu thuật như thế nào.

Những xét nghiệm về hình ảnh học, tối thiểu là điện tâm đồ để xem nhịp tim của bệnh nhân có bất thường hay không, siêu âm tim để đánh giá chức năng của các van tim như thế nào hoặc phổi để xem những bệnh nhân lớn tuổi có bị xơ phổi hay không, có kèm theo bệnh lý hô hấp khác hay không.

Ngoài ra, bệnh nhân nội khoa thường được làm thêm những xét nghiệm chuyên sâu về bệnh lý nội khoa, chẳng hạn bệnh nhân có u tuyến giáp, bác sĩ phải đánh giá chức năng tuyến giáp có bình thường hay không, vì nếu bệnh nhân bị cường giáp, khi gây mê có thể gây tử vong không do bệnh lý chính.

Bệnh nhân sẽ được căn dặn không được ăn uống trước cuộc mổ ít nhất 4 giờ, vì khi bệnh nhân được gây mê, họ thường mất hết phản xạ, nếu trong dạ dày có thức ăn thì khi cho thuốc mê vào, có thể bệnh nhân sẽ có thể nôn ói ra, nếu không kiểm soát được thì họ có thể hít vào phổi. Nếu nhẹ thì đẫn đến viêm phổi, nặng hơn có thể tắc đường thở. Do đó bác sĩ gây mê phải dặn người bệnh rất kỹ là không được ăn thức ăn đặc, không được uống sữa ít nhất 4 giờ trước phẫu thuật.

Với những bệnh nhân có bệnh lý dạ dày, có thể tiêu hóa chậm hơn thì phải nhịn ăn trước 6 giờ nhưng nên cho bệnh nhân uống nước lọc khoảng 2 giờ trước phẫu thuật sẽ giúp giảm tình trạng mất nước của người bệnh trong và sau mổ, hạn chế được một số tai biến, biến chứng cho người bệnh sau mổ.

Tóm lại, người bác sĩ gây mê có vai trò tầm soát những bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh để lên phương án gây mê phù hợp, đảm bảo cho cuộc mổ an toàn.

 
2. Một cuộc gây mê bao gồm những giai đoạn nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ gây mê được ví như người phi công lái máy bay vậy, có 4 giai đoạn, đầu tiên chiếc máy bay lăn bánh ra sân bay và cất cánh, khi đảm bảo độ cao thì sẽ duy trì độ cao đó, khi đến đích họ sẽ đáp xuống. Vai trò của người bác sĩ gây mê cũng tương tự như vậy, gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn tiền mê: Không chỉ là trước khi gây mê trong phòng mổ mà bắt đầu từ hôm trước, bác sĩ gặp người bệnh khám và tư vấn cho họ, trấn an tâm lý thông qua việc nói rõ cho người bệnh hiểu bệnh của mình như thế nào, bác sĩ sẽ làm gì thì bệnh nhân sẽ yên tâm hơn, họ sẽ ngủ yên giấc hơn, như vậy sẽ tránh được những yếu tố có hại trong quá trình khởi mê.

- Giai đoạn khởi mê hay còn gọi là dẫn mê: Cũng giống như chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh, có 2 giai đoạn nguy hiểm nhất là cất cánh và hạ cánh, trong gây mê cũng như vậy. Dẫn mê là đưa bệnh nhân đi từ trạng thái tỉnh đến trạng thái mê, sinh lý hoàn toàn thay đổi, nếu không đánh giá kỹ, không cẩn thận thì bệnh nhân có thể tụt huyết áp, loạn nhịp tim, suy hô hấp bất kỳ lúc nào.

- Giai đoạn duy trì mê: Khi bệnh nhân đủ độ hôn mê sâu để phẫu thuật, khi đã cho thuốc an thần, giảm đau, giãn cơ, kiểm soát bệnh nhân được rồi, lúc này chuyển qua giai đoạn duy trì mê. Suốt giai đoạn này có thể dùng thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê hô hấp để duy trì cho người bệnh ngủ đủ sâu. Cho đến khi bắt đầu giai đoạn kết thúc cuộc mổ, khi phẫu thuật viên đóng da thì bác sĩ gây mê sẽ cho ngưng thuốc ngủ.

- Giai đoạn thoát mê: Cũng tương tự như khi máy bay đáp xuống, giai đoạn này cũng rất nguy hiểm, bởi vì người bệnh chuyển từ trạng thái mê sang trạng thái tỉnh hay ngược lại thì sinh lý hoàn toàn thay đổi, đòi hỏi bác sĩ gây mê phải theo dõi thật sát, nếu không cẩn thận bệnh nhân có thể lên cơn cao huyết áp, tai biến mạch máu não hay cơn co thắt của mạch vành gây nhồi máu cơ tim, hay bệnh nhân thở không đủ do thuốc giãn cơ hay thuốc ngủ, thuốc giảm đau còn tồn đọng trong quá trình gây mê bệnh nhân chưa đào thải hết ra khỏi cơ thể thì sẽ ảnh hưởng đến hô hấp, gây suy hô hấp, nguy hiểm cho người bệnh sau mổ.

BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115
BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115

3. Hiện nay có những phương pháp gây mê nào, được chỉ định trong trường hợp nào ạ?

Có hai phương pháp là gây tê và gây mê. Gây tê là dùng thuốc tiêm vào những vị trí có sợi thần kinh để làm mất cảm giác đau cho người bệnh khi phẫu thuật. Có nhiều phương pháp gây tê khác nhau, chẳng hạn:

- Đối với phẫu thuật ở vị trí nhỏ như mụn nhọt, u nhỏ, bướu mỡ thì có thể gây tê tại chỗ.

- Đối với phẫu thuật ở những vị trí lớn hơn, có thể gây tê theo sợi thần kinh, chẳng hạn bệnh nhân bị gãy 1 đốt xương ở vùng ngón tay thì phải gây tê dây thần kinh để ức chế cảm giác đưa cho vùng đó khi phẫu thuật. Phẫu thuật ở tay thì có thể gây tê đám rối ở cổ, vai, nách… Phẫu thuật chi dưới có thể gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng.

Ngoài ra, phẫu thuật ở vị trí khác như ngực, bụng hay những cuộc mổ kéo dài, buộc người bệnh phải được gây mê nội khí quản. Thuốc tê chỉ có tác dụng 3-4 giờ thôi, tùy vào dùng loại thuốc tê nào hay có phối hợp thuốc khác để tăng thời gian mất cảm giác đau hay không. Những cuộc mổ ngắn có thể gây tê nhưng những cuộc mổ kéo dài 6-8 giờ phải bắt buộc gây mê.

 
4. Bệnh nhân có được lựa chọn phương pháp gây mê cho mình không thưa bác sĩ?

Bệnh nhân được lựa chọn phương pháp gây mê cho mình. Thường thì bác sĩ lựa chọn những phương pháp nào tốt nhất cho người bệnh, ví dụ như gãy chi dưới ở xương thì có thể kết hợp gây tê tủy sống hoặc gây tê màng cứng nhưng bệnh nhân lo lắng thì có thể lựa chọn phương pháp khác là gây mê. Khi đó bác sĩ buộc phải làm theo phương pháp mà người bệnh đã chọn.

Một trong những chống chỉ định gây tê là bệnh nhân không đồng ý. Bệnh nhân có thể lựa chọn gây tê hoặc gây mê cho cuộc mổ của mình.


5. Khá nhiều người băn khoăn về những tác dụng phụ của thuốc mê chẳng hạn như sợ giảm trí nhớ. Bác sĩ cho có ý kiến thế nào về vấn đề này? Riêng với trẻ em thì tác dụng phụ của thuốc gây mê có đáng kể không?

Về vấn đề này, các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa thống nhất với nhau. Một số nghiên cứu nhỏ lẻ ở người lớn ta nhận thấy là khi gây mê ở những bệnh nhân có bệnh lý về hô hấp, bệnh lý tim mạch hoặc có bệnh paskinson trước đó thì có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.

Đặc biệt ở trẻ em, ngày nay một số nghiên cứu cho thấy những em bé dưới 4 tuổi khi gây mê bằng thuốc mê hô hấp thì có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe và hiểu biết ngôn ngữ, bên cạnh đó chỉ số thông minh cũng bị ảnh hưởng nhưng chưa phải đại diện hết cho tất cả dân số.

Sau đây là những số liệu để tham khảo, hiện tại khoa học vẫn đang nghiên cứu cải thiện những phương pháp gây mê mới và loại thuốc mới ít ảnh hưởng đến trẻ em. Ở Mỹ, một khảo sát các bệnh nhân khoảng 6-12 tuổi được gây mê mổ chấn thương chỉnh hình, chia làm 3 nhóm:

- Nhóm bệnh nhân được gây mê ngắn, cuộc mổ dưới 1 giờ

- Nhóm gây mê từ 1-3 giờ

- Nhóm bệnh nhân gây mê trên 3 giờ

Người ta nhận thấy những trẻ được gây mê kéo dài trên 3 giờ bằng thuốc mê hô hấp thì ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ trong vòng 3 tháng nhưng 1 năm sau đánh giá lại thì được hồi phục hoàn toàn, nói chung về lâu dài cũng không ảnh hưởng.

Nhưng giữa lợi ích và tác hại, chúng ta buộc phải lựa chọn, chẳng hạn như 1 đứa trẻ đang bị đau ruột thừa, nếu không gây mê cắt ruột thừa thì trẻ có thể tử vong vì viêm ruột thừa. Còn chuyện ảnh hưởng lên trí nhớ hay thông minh chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, trong lâu dài thì không đáng kể mà ít nhất trước mắt cứu được đứa bé. So với lợi ích trước mắt thì rõ ràng lợi ích rất lớn là cứu được tính mạng của đứa trẻ.

Phần lớn những phương pháp gây mê cho trẻ nói chung đều an toàn.

 
6. Khi nói nội soi dạ dày gây mê thì bệnh nhân được dùng “thuốc tiền mê”, xin bác sĩ cho biết thuốc tiền mê và thuốc mê khác nhau thế nào? Ngoài nội soi dạ dày thì thuốc tiền mê được sử dụng trong những trường hợp nào nữa ạ?

Thuốc tiền mê chỉ là tên gọi chung, như đã nói trên, trước một cuộc mổ bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc tiền mê, giúp cho bệnh nhân giảm lo lắng, giảm những phản xạ có hại.

Thuốc tiền mê được phối hợp từ nhiều thứ thuốc chứ không phải 1 loại thuốc: trước cuộc gây mê, bệnh nhân sẽ được cho thuốc giúp hạn chế tăng tiết dịch dạ dày, giảm tăng tiết nước bọt để bảo vệ đường thở của người bệnh, cho thuốc an thần để bệnh nhân bớt lo lắng để khi chuyển từ trạng thái tỉnh sang trạng thái mê sẽ an toàn, nhẹ nhàng hơn, cho thêm thuốc giảm đau để trong cuộc mổ bệnh nhân ít đau đớn hơn.

Đối với cuộc nội soi cần gây mê tức nội soi đường tiêu hóa, nội soi dạ dày hay nội soi ruột thường sẽ chỉ dùng thuốc an thần ở mức độ thấp, nếu dùng liều cao có thể bệnh nhân sẽ ngủ. Vậy nên tùy theo mức độ sự lo lắng của người bệnh như thế nào thì bác sĩ cho thuốc phù hợp với từng người, quan trọng là kiểm soát hô hấp trong quá trình làm phẫu thuật. Những thuốc an thần khi cho bệnh nhân dùng liều cao có nguy cơ làm cho bệnh nhân suy hô hấp, hậu quả có thể bệnh nhân bị thiếu oxy não.

Trong một số trường hợp bác sĩ chỉ định mổ bướu trên da nhưng người bệnh lo lắng sợ hãi, không nằm yên được thì bắt buộc kèm theo một phần nhỏ thuốc tiền mê, tức là dùng 1 phần thuốc giảm đau và một phần thuốc an thần để người bệnh có thể hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ tiến hành phẫu thuật để lấy khối u một cách an toàn.

Thuốc tiền mê chỉ ảnh hưởng lên não giúp người bệnh bớt lo lắng thì người bệnh sẽ ít cử động trong quá trình phẫu thuật chứ không ảnh hưởng lên vận động khác của cơ thể.

BS.CK2 Lưu Kính Khương đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: Alobacsi tổng hợp
BS.CK2 Lưu Kính Khương đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: Alobacsi tổng hợp

7. Có những cuộc phẫu thuật diễn ra trong thời gian ngắn từ 15 phút đến nửa tiếng nhưng từ lúc bệnh nhân vào khu cách ly đến lúc trở về khoa kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến người nhà vô cùng lo lắng. Bác sĩ có thể cho biết khoảng thời gian này bệnh nhân được làm những gì để giúp cho người nhà đỡ sốt ruột không ạ?

Sau giai đoạn gây mê hoặc gây tê thì bệnh nhân sẽ được chuyển sang phòng hồi tỉnh, ở đó bệnh nhân được tiếp tục theo dõi vì sau khi tiêm thuốc tê không thể nào hết tác dụng nhanh được. Chẳng hạn gây tê tủy sống để mổ khối u ở chân cho người bệnh, thuốc tê thường tác dụng tối thiểu 60 phút, có những loại tác dụng dài hơn từ 2-3 giờ, nếu kết hợp thêm thuốc để tăng thời gian tác dụng của thuốc tê có thể lê đến 5 giờ, tùy vào cơ địa của người bệnh.

Mặc dù cuộc mổ ngắn nhưng tác dụng của thuốc tê tương đối dài, tùy loại phẫu thuật, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc tê phù hợp với cuộc mổ. Không thể nào đúng thời điểm mổ xong bệnh nhân có thể hết tê hay có thể tỉnh mê ngay mà phải có khoảng thời gian để thuốc hết tác dụng, do đó bệnh nhân cần nằm ở phòng hồi tỉnh để chờ phục hồi. Đối với gây tê cần chờ 1-2 giờ nhưng đối với gây mê thì cần đòi hỏi thời gian chờ lâu hơn tùy từng người bệnh. Chẳng hạn như bệnh nhân lớn tuổi thì cần được theo dõi lâu hơn, như theo dõi mạch và huyết áp, hô hấp, tri giác của người bệnh là quan trọng nhất.

Hiểu được điều này, người nhà cũng không nên quá sốt ruột. Hiện tại, khoa Gây mê hồi sức ngoại của bệnh viện chúng tôi, cũng như hầu hết các bệnh viện bạn đều có lắp đặt bảng điện tử ghi tên các bệnh nhân đã được mổ và đang theo dõi để giúp người nhà biết được tình hình của người bệnh, tránh phải lo lắng.

 
8. Sau khi ra khỏi phòng mổ, có người nôn rất nhiều có người lại không bị nôn. Xin bác sĩ cho biết vì sao có hiện tượng này? Chúng ta có thể dự đoán được ai dễ bị nôn dựa vào tiền sử của họ không ạ?

Hầu hết bác sĩ đều đánh giá trước về tình trạng nôn của người bệnh sau mổ. Có 4 yếu tố để xác định:

- Xem tiền sử người bệnh trước đây khi gây mê có bị nôn ói hay không hoặc có hay bị say tàu xe không, nếu có thì nguy cơ nôn ói sau mổ nhiều hơn.

- Trong quá trình mổ bệnh nhân có được dùng nhóm thuốc morphin hay không, đó là những thuốc á phiện, là những nguyên nhân gây nôn của người bệnh

- Bệnh nhân nữ

- Không hút thuốc lá

Có thể đánh giá nguy cơ nôn và buồn nôn sau mổ dựa trên thang điểm Apfel: có dưới 1 yếu tố nguy cơ thì có khả năng <10% nôn, buồn nôn sau mổ, có 1 yếu tố nguy cơ =20%, 2 yếu tố =40%, 3 yếu tố =60%, 4 yếu tố=80%.

Nếu bệnh nhân có thang điểm Apfel >1 yếu tố thì có chỉ định phòng ngừa, có thể phòng ngừa bằng dexamethasone, nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố thì có thể kết hợp thêm thuốc chẳng hạn thuốc ức chế 5HT để phòng nôn và buồn nôn sau mổ.

 
9. Nhờ bác sĩ cho biết thêm với những người bị nôn nhiều sau gây mê thì khoảng bao lâu sẽ hết triệu chứng này và cách nào để giảm nôn hiệu quả?

Vô trùng vết mổ vẫn là vấn đề chính, nếu bệnh nhân có tình trạng buồn nôn thì phải báo ngay cho bác sĩ vì sau khi mổ, tình trạng nôn sẽ làm đau vết mổ, bên cạnh đó còn làm chậm lành vết thương.

Đôi khi có bệnh nhân không buồn nôn nhưng có những người kéo dài đến vài ngày sau tùy cơ địa từng người.

Ngoài ra, sau khi mổ nếu bệnh nhân đột ngột uống nhiều nước, uống nước có gas, ăn nhiều quá, hay ở trong môi trường nóng hoặc lạnh quá cũng tạo cảm giác buồn nôn.

Trong dân gian, gừng là một loại chất chống nôn rất tốt, sau mổ bệnh nhân có thể uống trà gừng nóng, có tác dụng chống nôn cho bệnh nhân.

 
10. Với những bệnh nhân sau khi trải qua phẫu thuật có gây mê nhưng về trong ngày thì họ cần thận trọng với những việc gì, việc gì không nên làm, thưa bác sĩ? Và sau bao lâu họ sẽ trở lại công việc thường ngày được ạ?

Những cuộc mổ nhỏ hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý, thường 24 giờ sau sẽ đỡ.

Đối với cuộc mổ phải dùng thuốc mê hoặc thuốc tê, đôi khi thuốc tê chuyển hóa thành chất làm ảnh hưởng sự an thần của người bệnh, thường 7-8 giờ sau khi ngủ thì người bệnh có thể phục hồi.

Những bệnh nhân làm tiểu phẫu thì tốt nhất trong ngày hôm đó không nên đi xe, không tự ý lái xe, không tự ý vận hành máy móc mà phải trải qua đủ giấc ngủ để cơ thể đào thải hết thuốc mê hay thuốc tê còn đọng lại, hôm sau họ có thể sinh hoạt bình thường.

Đối với những cuộc mổ lớn hơn thì tùy thuộc vào tình trạng vết mổ, sau khi cắt chỉ mới có thể sinh hoạt lại bình thường.

Thông thường, nếu không mổ trên đường tiêu hóa thì nên cho bệnh nhân ăn trở lại sớm, giai đoạn đầu cho uống sữa hoặc nước đường, sau đó cho ăn loãng rồi dần dần ăn đặc. Như vậy giúp cho cơ thể bệnh nhân bắt dầu hoạt động lại. Nếu đột ngột ăn thức ăn cứng thì ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương của người bệnh.

Trong tường hợp phẫu thuật đường tiêu hóa, những kỹ thuật viên có thể cho thêm dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch cho người bệnh. Người bệnh có thể ăn được sớm thì có sức đề kháng để mau lành vết thương hơn.


~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115 sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về qua trình gây mê khi phẫu thuật. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Thanh Thủy - Hồng Nhung
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X