Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng tư vấn: Dấu hiệu và cách sơ cứu bệnh nhân co giật do động kinh

Bệnh động kinh do nguyên nhân gì? Các biểu hiện của bệnh? Điều trị như thế nào? Mời bạn đọc đón xem những tư vấn của BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng - khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân Dân 115 về căn bệnh này.



Động kinh là bệnh lý thường gặp trong chuyên khoa thần kinh với ước tính có khoảng 500 triệu người trên thế giới mắc bệnh, theo dân gian còn gọi là kinh phong, phong xù, kinh giật.

Hơn 60% các ca bệnh động kinh nếu được phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị sẽ chữa khỏi. Tuy nhiên, do nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này, không điều trị, bỏ dở hoặc thậm chí đưa người bệnh đi cầu cúng, uống "thuốc thánh"... đã khiến bệnh nhân bị nặng lên rất nhiều.

Những kiến thức cơ bản về động kinh sẽ được BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng - khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân Dân 115 giải đáp giúp mọi người hiểu hơn về bệnh động kinh, cũng như biết cách xử trí ban đầu khi bệnh nhân có cơn co giật.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Xin BS cho biết, bệnh động kinh do nguyên nhân gì, cơ chế bệnh sinh như thế nào?

Nguyên nhân gây bệnh động kinh tùy thuộc vào lứa tuổi và loại động kinh.

- Đối với trẻ sơ sinh: nguyên nhân thường gặp do sinh ngạt, chấn thương chu sinh, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng,…

- Nhóm trẻ em - thanh niên: động kinh chủ yếu là vô căn, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Nhóm tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi: nguyên nhân thường gặp là sốt cao co giật, cần được chẩn đoán phân biệt với những trường hợp nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não, viêm não,…

- Đối với người lớn: nguyên nhân gây động kinh rất đa dạng: ngoài động kinh vô căn và sang chấn lúc sinh có thể khởi phát ở giai đoạn này; các nguyên nhân quan trọng khác bao gồm: chấn thương đầu, u não, bệnh mạch máu não, nhiễm trùng - kí sinh trùng,…

Về cơ chế bệnh:

- Đối với động kinh cục bộ: khi một số lượng lớn tế bào thần kinh bị tổn thương, các xung điện đều hòa và tần số thấp lúc bình thường sẽ thay bằng các chớp phóng điện tần số cao, từ đó gây ra co giật. Cơ chế của hiện tượng tăng đồng bộ trong phóng điện còn chưa biết chính xác. Các phóng điện bất thường này có thể giới hạn tại chỗ hoặc lan tới các vùng lân cận, và cũng có thể lan tỏa khắp vỏ não. Vùng khởi phát phóng điện bất thường được xem là ổ động kinh.

- Đối với động kinh toàn thể: cơ chế sinh  bệnh còn chưa được biết rõ và được cho là do sự tương tác bất thường giữa đồi thị và vỏ não.



Để chẩn đoán bệnh động kinh, bệnh nhân sẽ thăm khám và làm xét nghiệm gì ạ? Vì sao bệnh động kinh khó chẩn đoán?

Chẩn đoán động kinh là chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào mô tả cơn co giật từ bệnh nhân hoặc người chứng kiến. Lời khai của người chứng kiến đặc biệt quan trọng trong trường hợp bệnh nhân bị suy giảm hoặc mất nhận thức.

Các yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán là: tiền triệu (là triệu chứng xảy ra ngay trước cơn động kinh), các triệu chứng trong cơn, có lú lẫn, ngủ vùi hoặc đau đầu sau cơn hay không? Có yếu tố thúc đẩy cơn hay không? Tiền sử sốt cao co giật? Chấn thương đầu nặng? Viêm não, viêm màng não? Hoặc những bất thường lúc sanh?…

Điện não đồ chỉ có vai trò hỗ trợ chẩn đoán trong những trường hợp nghi ngờ bị động kinh sau khi đã khám lâm sàng. Trong một số trường hợp đặc biệt bác sĩ có thể chỉ định CT, MRI hoặc chọc dò dịch não tủy để chẩn đoán nguyên nhân.

Chẩn đoán động kinh có thể gặp khó khăn trong trường hợp mô tả của bệnh nhân hoặc người chứng kiến không chính xác, đầy đủ.


Trước khi đo điện não đồ, người bệnh có cần chuẩn bị gì không, thưa BS? Điện não đồ sẽ đo trong bao lâu, chi phí khoảng bao nhiêu ạ?

Đo điện não bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau như: điện não đồ thường quy, điện não đồ có sử dụng biện pháp gây mất ngủ, theo dõi điện não đồ liên tục trong thời gian dài, điện não đồ vỏ não. Tùy thuộc vào từng kỹ thuật, bệnh nhân có thể được đo ngay mà không cần chuẩn bị (đối với điện não đồ thường quy) hoặc được yêu cầu không ngủ hay chỉ ngủ 1 thời gian ngắn trong đêm trước ngày đo (đối với điện não đồ có sử dụng biện pháp gây mất ngủ). Theo dõi điện não đồ liên tục và điện não đồ vỏ não chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt.

Thời gian đo điện não từ 30 phút đến vài giờ hoặc nhiều ngày, tùy thuộc vào từng kỹ thuật.

Hiện nay, Bệnh viện Nhân dân 115 có đo điện não đồ thường quy và điện não sử dụng nghiệm pháp gây mất ngủ với giá dao động từ 180.000- 400.000 VNĐ/ lần.



Phân loại bệnh động kinh và các biểu hiện tương ứng của từng loại như thế nào, thưa BS?

Có nhiều cách phân loại bệnh động kinh khác nhau, bao gồm: phân loại theo cơn và theo hội chứng động kinh. Trong đó, phân loại theo hội chứng động kinh chỉ được dùng trong chuyên khoa sâu.

Cơn động kinh được chia làm 3 nhóm: động kinh cục bộ, động kinh toàn thể và động kinh không phân loại.

- Phân nhóm động kinh cục bộ, bao gồm: động kinh cục bộ đơn giản, động kinh cục bộ phức tạp, động kinh cục bộ hay phức tạp toàn thể hóa thứ phát. Các phóng điện của động kinh cục bộ thường khu trú ở 1 vùng não nhất định và bệnh nhân thường không mất ý thức trong cơn (trừ trường hợp động kinh cục bộ phức tạp có gây thay đổi ý thức).

- Phân nhóm động kinh toàn thể, bao gồm: cơn vắng ý thức điển hình, cơn vắng ý thức không điển hình, cơn co cứng - co giật, cơn giật cơ và cơn mất trương lực. Các phóng điện của động kinh toàn thể ảnh hưởng cùng lúc trên toàn bộ vỏ não và bệnh nhân thường mất ý thức trong cơn (trừ trường hợp cơn quá ngắn).

- Các cơn động kinh không thể phân loại vào 2 nhóm trên sẽ thuộc phân nhóm động kinh không phân loại.

Các mô tả chi tiết của từng cơn động kinh không thể nêu trong phạm vi bài viết này. Bạn đọc nên tham khảo trong các sách chuyên ngành.


Khi bắt đầu lên cơn động kinh, có dấu hiệu báo trước hay không ạ? Diễn tiến của một cơn động kinh gồm những giai đoạn nào?


Tiền triệu (triệu chứng ngay trước cơn động kinh) chỉ có trong trường hợp động kinh cục bộ hoặc một số trường hợp toàn thể hóa thứ phát. Các trường hợp động kinh toàn thể, bệnh nhân thường mất ý thức ngay khi cơn xảy ra nên không ghi nhận tiền triệu.

Diễn tiến lâm sàng tùy thuộc vào từng loại cơn. Với cơn động kinh co cứng - co giật: bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường đột nhiên ngã lăn ra đất, mất ý thức, trợn mắt, gồng cứng người, sau đó co giật. Trong cơn, bệnh nhân thở rất yếu hoặc ngưng thở, tím môi. Sau 1 hoặc 2 phút, cơn co giật giảm dần rồi ngưng, bệnh nhân sẽ dần thở lại như bình thường rồi từ từ tỉnh lại.

 

Bệnh động kinh được điều trị như thế nào, thuốc điều trị bệnh này có tác dụng phụ gì hay không ạ? Nếu bệnh nhân lo ngại tác dụng phụ mà tự ngưng thuốc khi thấy hết triệu chứng thì sẽ có hậu quả gì?

Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân, điều trị bằng thuốc giúp khống chế tối đa cơn co giật và giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 2-3 năm tính từ cơn co giật cuối cùng. Vì vậy, bệnh nhân nên tuân thủ uống thuốc và tái khám theo hẹn.

Cũng như các loại thuốc khác, thuốc chống động kinh cũng có một số tác dụng phụ chuyên biệt. Các bạn độc giả không nên lo ngại tác dụng phụ của thuốc mà tự ý ngưng thuốc vì có thể làm bệnh nặng thêm (như bùng phát cơn động kinh hoặc vào trạng thái động kinh). Và khi có nhiều cơn động kinh thì việc điều trị càng khó.


Khá nhiều người bị “xuống tinh thần” khi được chẩn đoán bị động kinh, vì lo ngại phải uống thuốc suốt đời. Theo BS, làm thế nào để việc điều trị bệnh động kinh mang lại hiệu quả tốt nhất? Bệnh động kinh có chữa khỏi được không? Có di truyền không, thưa BS?

Như đã trình bày ở câu trên, bệnh động kinh có thể điều trị khỏi và thời gian điều trị có thể chỉ từ 2-3 năm (tính từ cơn động kinh cuối). Vì thế, các bạn độc giả không nên lo lắng khi được chẩn đoán bị bệnh động kinh. Điều cần làm là nên tuân thủ uống thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Một số hội chứng động kinh có thể di truyền qua gene.

 
Khi có người bị động kinh, những người xung quanh nên làm gì?

Những việc nên làm:

- Giúp bệnh nhân không bị chấn thương trong lúc đang co giật bằng cách di dời những đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân ra xa.

- Đặt một chiếc gối mỏng, mềm dưới đầu bệnh nhân; nới lỏng cổ áo, cà-vạt, thắt lưng …

- Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, chùi sạch nước bọt hoặc các chất nôn ói (nếu có).

- Ghi nhận thời gian cơn co giật (co giật kéo dài trong bao lâu).

- Khi cơn co giật thoái lui, đảm bảo bệnh nhân thở lại như bình thường.

Những việc không nên làm:

- Không cố gắng ngăn ngừa bệnh nhân cắn phải lưỡi bằng cách đưa bất cứ một thứ đồ vật nào vào miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chẳng may cắn phải lưỡi lúc co giật, khi hết cơn đưa bệnh nhân vào bệnh viện may lại.

- Không đè hoặc giữ tay chân bệnh nhân lúc đang co giật.

- Không nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cũng như không ép bệnh nhân uống thuốc hoặc uống nước cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn.

Cần biết rằng cơn động kinh chỉ kéo dài từ 1-2 phút, sau đó sẽ tự ngưng.



Theo BS, những điều người bệnh động kinh nên và không nên làm là gì?

Người bị bệnh động kinh cũng giống như những người bình thường khác, ngoại trừ lúc có cơn động kinh. Vì vậy, người bệnh có thể làm bất cứ công việc gì theo nguyện vọng, miễn công việc đó không gây hại cho bản thân và những người xung quanh nếu cơn động kinh xảy ra. Ví dụ: bệnh nhân không nên lái xe khi chưa kiểm soát tốt cơn động kinh, hạn chế tắm suối/biển khi không có người giám sát, làm việc trên cao,..

Một số tình huống cần tránh vì có thể thúc đẩy cơn động kinh như: thức khuya, hoạt động thể lực gắng sức, lo lắng sợ hãi quá mức,…


Nhờ BS cho biết các cơ sở y tế chuyên điều trị bệnh động kinh để bạn đọc có thể tìm đến địa chỉ gần nhất theo nơi cư trú của mình ạ?

Khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần.



GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI


FB Albert H.

Hiện tôi đang bị bệnh động kinh, tôi nghe nói nếu sử dụng thuốc động kinh trong 1 thời gian sẽ bị loãng xương. Tôi đã bị giảm chiều cao sau khi dùng thuốc rồi ạ, bị giảm 2cm chiều cao.

Tôi nghĩ là ngưng thuốc động kinh càng sớm càng tốt. Tại vì tôi đã chữa trị 2 năm rồi. Khi ngưng thuốc thì tôi sẽ thực hiện các bài tập của tôi để khôi phục chiều cao ban đầu. Đối với tôi, việc hồi phục chiều cao là rất dễ. Vì trước khi dùng thuốc động kinh, tôi đã làm nhiều lần rồi mà không cần thuốc loãng xương.

Giờ tôi phải làm sao ạ? Tôi lo quá. Theo BS tôi có thể ngưng thuốc được không?

 
BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng

Từ những năm 1960, một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc chống động kinh và việc giảm mật độ khoáng của xương. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiện tượng này xảy ra trên 1 số đối tượng đặc biệt như: ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chế độ ăn kiêng hoặc ít vận động thể lực và do dùng các thuốc chống động kinh thế hệ cũ.

Các thuốc chống động kinh mới hiện nay chưa cho thấy có liên quan tới việc giảm mật độ khoáng của xương. Vì thế, bạn nên đến khám tại các chuyên khoa thần kinh, tâm thần để được hướng dẫn và điều trị tốt nhất.

BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng - khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân Dân 115

FB N.H. Phương

Thưa bác sĩ,

Người bị động kinh từ năm 10 tuổi, đến bây giờ 21 tuổi vẫn chưa hết bệnh. Suốt 11 năm uống thuốc liên tục. Vậy đối với những người bị bệnh này có thể chữa trị dứt điểm cơn động kinh được không? Hay phải sống với bệnh này và uống thuốc suốt đời? Xin bác sĩ chế độ ăn uống để chữa bệnh. Người bị bệnh này nên kiêng cữ gì không?

BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng

Vì bạn chưa nói rõ chẩn đoán, thuốc đang sử dụng và diễn tiến của bệnh trong 11 năm qua, nên tôi khuyên bạn nên đến gặp BS chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và có chế độ điều trị thích hợp.

Như đã nói trên, bệnh động kinh vẫn có thể chữa khỏi. Đối với người lớn, chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến diễn tiến của bệnh. Trong sinh hoạt, bạn nên cẩn thận trong 1 số tình huống khi cơn co giật xảy ra có thể gây nguy hiểm, như lái xe, tắm biển, leo trèo,…

Lý lịch y khoa BS.CK2 Đỗ Quốc Hùng

Chuyên khoa: Nội Thần kinh

Ngoại ngữ: Anh văn - B

Trường Y: Tốt nghiệp trường Đại học Y dược TPHCM năm 1997

Bằng cấp chuyên môn:

- Tốt nghiệp Bác sĩ Chuyên khoa I năm 2003

- Tốt nghiệp Bác sĩ Chuyên khoa II năm 2011

Kinh nghiệm:

- Bác sĩ khoa Nội Thần kinh 1991 đến nay

Hội viên các hội chuyên ngành:

- Hội viên Hội Thần kinh và Đột quỵ TPHCM

Công trình khoa học:

- Nghiên cứu khoa học “Nghiệm pháp gây mất ngủ một phần trong việc phát hiện sóng day động kinh”


Thực hiện: Minh Khuê
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X