Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Đinh Thu Oanh giải đáp thắc mắc về nội soi

Chiều nay 26/10, BS.CK2 Đinh Thu Oanh, BV Nhân dân 115 giải đáp thắc mắc về nội soi tiêu hóa. Quý bạn đọc có thể gửi câu hỏi và đón xem phần tư vấn của BS Oanh từ 14g-15g30.

BS.CK2 Đinh Thu Oanh, Trưởng đơn vị Nội soi BV Nhân dân 115

Nội soi được ứng dụng phổ biến trong việc tầm soát và điều trị bệnh tiêu hóa. Tuy nhiên, khá nhiều người còn e ngại nội soi vì sợ cảm giác khó chịu, lo lắng về thuốc gây mê, hay độ an toàn của kỹ thuật nội soi…

Để giải tỏa những lo lắng này của bạn đọc/bệnh nhân, BS.CK2 Đinh Thu Oanh, Trưởng đơn vị Nội soi BV Nhân dân 115 sẽ giải đáp về nội soi tiêu hóa trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc AloBacsi vào 14g thứ năm, 26/10.
 
Nội dung tư vấn trực tiếp của BS.CK2 Đinh Thu Oanh:
 
- Thanh Trúc - Q.12, TPHCM
 
Thưa BS Oanh,

BS cho em hỏi, bao lâu nên nội soi tầm soát ung thư 1 lần? Ở mức tuổi nào nên bắt đầu đi nội soi kiểm tra phòng ngừa ung thư dạ dày, đại tràng? Cảm ơn BS!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh

Chào bạn,

Tùy theo từng quốc gia sẽ có những khuyến cáo riêng, Ví dụ như ở một số nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao như Nhật Bản thì nội soi tầm soát ung thư dạ dày được chỉ định cho những người trên 40 tuổi, tuy nhiên ở Việt Nam thì nội soi được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể như sau:

- Các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ bệnh lý đường tiêu hóa trên: Đau thượng vị, buồn nôn, nôn ói, nuốt nghẹn, nuốt khó, các rối loạn tiêu hóa như chậm tiêu, ợ hơi, ợ nóng, nóng rát thượng vị. Các triệu chứng trào ngược, thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, xuất huyết tiêu hóa trên…
 
Qua nội soi có thể lấy các mẩu mô sinh thiết từ tổn thương hoặc niêm mạc dạ dày để xét nghiệm mô bệnh học trong các trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc giúp đánh giá có nhiễm Helicobacter pylori (Hp) hay không.

Nội soi đại tràng được chỉ định khi có biểu hiện:

- Đi tiêu ra máu

- Các triệu trứng bệnh lý tiêu hóa dưới kéo dài không giải thích được như: đau bụng, tiêu chảy kéo dài…

-  Tầm soát ung thư cho các đối tượng có nguy cơ cao: đa polyp đại tràng, K đại tràng gia đình, theo đõi sau cắt polyp đại tràng hóa ác qua nội soi, sau cắt đoạn ruột điều trị K đại tràng, viêm loét trực đại tràng…


- Nguyễn Thị Minh Châu - TPHCM

Chào BS ạ,

Bé nhà em hay đau bụng, uống thuốc nửa tháng không đỡ, em muốn đưa bé đi nội soi có được không BS? Thuốc gây mê trong nội soi có ảnh hưởng gì đến trí nhớ của bé không? Bé 9 tuổi ạ. Mong BS cho em lời khuyên. Em cám ơn!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào chị,

Chị nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn. Tùy theo từng bệnh lý mà có chỉ định nội soi ở trẻ em. Với những trường hợp cần nội soi can thiệp cấp cứu như xuất huyết tiêu hóa, dị vật… thì có chỉ định nội soi ở mọi lứa tuổi. Những trường hợp không cấp cứu cần có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.
 
Chuẩn bị cho trẻ trước khi đi nội soi:

- Với những trường hợp nội soi dạ dày tá tràng thì chỉ cần nhịn ăn 6-8 giờ để làm trống dạ dày trước khi nội soi.

- Với những trường hợp nội soi đại tràng thì cần cho trẻ nhịn ăn và uống thuốc làm sạch đại tràng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Thuốc gây mê dùng trong nội soi không ảnh hưởng tới trí nhớ của bé.
 

- Trần Thị Mỹ Dung - dungtran...@gmail.com

 
Chào bác sĩ,
 
Em khám bệnh, BS nội soi và chẩn đoán em bị viêm sung huyết hang vị, cho em uống thuốc 2 tuần nhưng không bớt. Có khi nào em bị nhiễm vi khuẩn HP không? Em uống thuốc được 2 tuần như vậy có đi thử test hơi thở được không? Hay em phải nội soi lần nữa?

Xin bác sĩ tư vấn giúp em. Cảm ơn BS!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào em Mỹ Dung,
 
Nếu em đã uống thuốc hai tuần mà còn đau thì em nên đi khám lại.

Có hai phương pháp tìm Hp đáng tin cậy là: nội soi và test hơi thở, em có thể chọn 1 trong hai phương pháp. Tuy nhiên, em phải ngừng thuốc ức chế tiết acid (PPI) ít nhất 2 tuần và kháng sinh ít nhất là 3 tuần thì thử test mới chính xác.
 

- Lan Ngô - Bình Dương
 
Em chào BS,

Em đi nội soi thì được các BS chẩn đoán có khối u lành tính trong dạ dày 1.2cm và yêu cầu nội soi tiêu hóa. Vậy nội soi tiêu hóa là sẽ nội soi đến đâu ạ? Và trường hợp của em có cần phải nội soi tiêu hóa không? Xin cảm ơn BS!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào em Lan,

Em đã nội soi dạ dày là nội soi tiêu hóa trên. Do có khối u lành tính trong dạ dày nên bác sĩ chỉ định nội soi tiêu hóa dưới là nội soi đại tràng để tầm soát thêm cho em.

 
- Bích Phương - Thủ Đức, TPHCM
 
Xin chào BS Oanh,

Em có triệu chứng ợ hơi, cách vài tiếng lại ợ dù chưa ăn, đôi khi buồn nôn. Em đi nội soi ở BV quận thì thấy viêm sung huyết hang vị mức độ vừa. BS kê toa 10 ngày, em uống không đỡ. Sau đó em lên BV Bình Dân nội soi thì kết quả là viêm hang vị- tá tràng sung huyết.

Trong vòng 10 ngày mà em nội soi 2 lần như vậy, liệu có hại gì không, thưa BS? Em cảm ơn BS ạ!
 
BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Em làm nội soi 2 lần gần nhau như vậy thật ra không có hại, tuy nhiên nếu không thực sự cần thiết thì không nên làm gần như vậy, em nhé.
 

- Vũ Thanh Dũng - Hải Dương

Cháu hay bị nôn khan, đặc biệt là khi cháu hút thuốc lá với uống nước chè. Cháu đã đi nội soi và kết quả không sao. BS có thể tư vấn cho cháu được không ạ? Vì sao nội soi bình thường mà cháu lại bị nôn khan? Cháu cảm ơn BS!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào cháu Dũng,

Hút thuốc và uống trà gây tăng tiết dịch vị, tăng co bóp dạ dày gây ra biểu hiện buồn nôn và nôn khan. Tốt nhất cháu nên ngừng hút thuốc, uống trà pha loãng hơn và uống sau ăn.

 
- Lê Quang - TPHCM

Chào bác sĩ,

Em 39 tuổi, đi nội soi vì đau bụng do loét hang vị nhiều năm. Mới đây em nội soi dạ dày có kết quả như sau: GPB đại thể: vài mô d # 0,1 cm. GPB: tổn thương gồm những tuyến tăng sản lành tính. Một số ống tuyến giãn rộng. Mô đệm thấm nhập viêm. Không thấy hình ảnh nghịch sản hoặc ác tính.
 
Vậy tình trạng bệnh của em như thế nào, thưa BS? Em cảm ơn BS đã tư vấn!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào em Quang,

Kết quả giải phẫu bệnh của em cho thấy tổn thương loét của em là mạn tính và không có tế bào ác tính trong mẫu thử này. Tuy nhiên, nếu đã điều trị đúng phác đồ mà loét vẫn không lành thì cần nội soi và làm sinh thiết lại.
 

- Nguyễn Thị Loan - Hải Phòng
 
Thưa bác sĩ,

Cách đây 1,5 tháng cháu đã đi khám bệnh tổng quát. Cháu thử máu, siêu âm tim, điện tim, nội soi tai mũi họng và nội soi dạ dày, đại tràng. Làm các xét nghiệm thì bác sĩ kết luận là trào ngược, và viêm dạ dày nhẹ, trực tràng đại tràng bình thường.

Sau khi uống thuốc 1 tháng không đỡ, cháu vẫn bị buồn nôn, chán ăn, đau tức ngực và đi ngoài liên tục sau khi ăn. Cháu uống thêm men tiêu hóa nhưng vẫn không cải thiện mấy. 2 ngày nay cháu còn đắng họng.

Cháu thật sự rất lo lắng và mệt mỏi. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào cháu Loan,

Cháu đã làm nội soi dạ dày và đại tràng với kết quả không có u bướu như vậy thì có thể tương đối yên tâm.

Với triệu chứng như cháu kể thì có khả năng cháu bị rối loạn chức năng đại tràng kèm theo. Cháu nên điều chỉnh lại chế độ ăn, loại bỏ những thức ăn có thể gây tiêu chảy cho mình trong thực đơn.
 
Ngoài ra, cháu cần hạn chế các chất kích thích như rượu, trà, café… Nên nằm đầu cao, hạn chế động tác cúi người ra phía trước. Tránh lo âu căng thẳng. Nên đi khám lại để được tư vấn kỹ hơn.

- Bạn đọc có email thanhduc...@gmail.com
 
Em 26 tuổi, nam, đang bị viêm đại tràng. Em đã nội soi 2 lần, cách nhau 3 tháng. Tuy nhiên lần này, sau khi tỉnh mê 5 phút em có hiện tượng nổi mẩn ngứa khắp người, da hơi rát, không bị khó thở, các triệu chứng giảm sau 15 phút.

Lần trước em cũng nội soi gây mê nhưng không gặp bất kì phản ứng phụ nào. Trước giờ em cũng không có dị ứng gì đặc biệt.

ậy sau này em có được nội soi gây mê nữa hay không, thưa BS? Em rất sợ nội soi sống. Xin cám ơn BS rất nhiều.
 
BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào em,

Những biểu hiện của em kể là những biểu hiện của dị ứng thuốc và chưa biết là do loại thuốc nào, vì thuốc gây mê có nhiều loại.

Tuy nhiên, nếu em bị lại thì sẽ nặng hơn lần trước. Do vậy, em không nên nội soi gây mê nữa hoặc nếu có thì nên bàn kỹ với BS gây mê.
 

- Vân Huỳnh - Bạn đọc hỏi qua Facebook
 
BS ơi,

Hôm nay em đi nội soi dạ dày, mà người nội soi trước em là nội soi đại tràng. Tưởng tượng sợi dây vừa nội soi đại tràng của người kia đút vào miệng em, em bị ám ảnh. Em thấy buồn nôn quá, BS ơi!
 
BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Vân thân mến,

Dây nội soi đại tràng có kích thước lớn chỉ dùng để nội soi đại tràng. Dây nội soi dạ dày có kích thước nhỏ dùng để soi dạ dày. Không thể dùng dây nội soi đại tràng để soi dạ dày được. Vì vậy bạn không cần lo lắng về vấn đề này nữa nhé.
 

- Nguyễn Đăng Khoa - dangkhoa...@gmail.com
 
Chào AloBacsi,
 
Tôi 65 tuổi, đọc tin tức thấy có trường hợp sốc với thuốc mê, nên tôi muốn hỏi bác sĩ, thuốc gây mê khi nội soi có an toàn không ạ? Phản ứng sốc thuốc gây mê có hay gặp không? Bệnh nhân có được thử thuốc trước khi nội soi không ạ?

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Thưa bác Đăng Khoa,
 
Sốc thuốc mê hay sốc phản vệ nói chung rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu xảy ra thì rất nặng nề. Test thử phản ứng với thuốc mê hiện không được khuyến cáo, do có thể âm tính giả hoặc dương tính giả. Vì vậy, bác nên chọn các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu để nội soi gây mê, bác nhé.
 

- Lê Nguyên Bảo - lenguyen...@gmail.com
 
Thưa bác sĩ,

Tôi 41 tuổi, độ tuổi này nghe nói là nên tầm soát ung thư một lượt. Nhưng tôi sợ nội soi lắm, có cách nào tầm soát ung thư dạ dày, đại tràng mà không phải nội soi không, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào chị Nguyên Bảo,
 
Tầm soát ung thư đường tiêu hóa bằng nội soi chỉ áp dụng đối với những trường hợp có nguy cơ và cần có bác sĩ khám tư vấn và cho chỉ định.

Để tầm soát ung thư dạ dày, đại tràng mà không phải nội soi thì có thể chọn “nội soi viên nang”, nó là một thiết bị gắn camera có kích thước bằng một viên thuốc, sau khi uống vào, thiết bị sẽ ghi lại hình ảnh của đường tiêu hóa. Tuy nhiên, chi phí của phương pháp này còn khá cao, khoảng trên 10 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có thể làm một số xét nghiệm máu để tầm soát ung thư đường tiêu hóa, tuy nhiên các xét nghiệm này chỉ mang tính chất gợi ý.
 

- Nguyễn Thị Hoàn - Quận 8, TPHCM

Em xin chào AloBacsi,

Em bị sụt ký và đi ngoài ra máu, BS chẩn đoán em bị viêm đại tràng và chỉ định em đi nội soi đại tràng. Em nội soi đại tràng có gây mê, kết quả bình thường.

Nhưng em nghe nói bệnh nhân nội soi trước em bị ung thư đại tràng. Nếu ống mềm chưa được tiệt trùng hết thì em có bị lây ung thư đại tràng không, nếu tế bào ung thư chẳng may dính vào ống mềm thì em có nguy cơ bị không ạ?

Mong nhận được tư vấn của AloBacsi, em xin cám ơn!

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Em Hoàn thân mến,

Dụng cụ nội soi được xử lý theo qui trình chặt chẽ để đảm bảo không lây nhiễm chéo.

Ống nội soi được ngâm trong dung dịch khử khuẩn từ 3-5 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi lau khô, tiếp tục ngâm trong dung dịch tiệt khuẩn (CIDEX OPA) trong 5 phút, sau đó được rửa lại lần nữa bằng nước đã khử khuẩn rồi mới được sử dụng cho bệnh nhân tiếp theo. Do vậy em có thể yên tâm.
 
- Nguyễn Thị Xinh - xinh19...@gmail.com
 
BS ơi,

Mẹ em 56 tuổi, mẹ em đã nội soi đại tràng, phát hiện 1 polyp 4cm, vậy sau bao lâu nên cắt ạ? Sau khi cắt thì nguy cơ tái phát có cao không, thưa BS?

BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào em,

Theo BS thì polyp của mẹ em là 4 mm chứ không phải 4cm, em có thể xem lại. Với tất cả trường hợp nội soi phát hiện có polyp thì nên cắt để loại trừ nguy cơ ung thư.

Ở những người cơ địa có polyp thì cần nội soi kiểm tra lại sau cắt để loại bỏ các polyp mới mọc nếu có. Nếu polyp của mẹ em chính xác là 4mm thì khoảng 6 tháng nên nội soi kiểm tra lại. Nếu 6 tháng nội soi kiểm tra bình thường thì 3 năm sau mới nội soi lặp lại.

 
- Khánh Ngọc - Bạn đọc hỏi qua Fanpage
 
Nhờ AloBacsi hướng dẫn những việc cần chuẩn bị khi nội soi đại tràng? Em tham khảo thấy nói cần "xổ ruột"? Xổ bằng cách nào bác sĩ ơi? Sau xổ ruột thì có cần lưu ý kiêng cữ món gì không ạ? Em cảm ơn!
 
BS.CK2 Đinh Thu Oanh
 
Chào bạn,
 
Buổi tối trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân có thể ăn nhẹ, sau 19 giờ thì không ăn thêm nữa. Sáng hôm sau nhịn ăn hoàn toàn, khoảng 6 giờ sáng uống 1 gói (1 chai) thuốc xổ kèm theo 2 lít nước.
 
Đến 10 giờ uống 1 gói (1 chai) thuốc xổ kèm theo 2 lít nước.
 
Trong quá trình uống thuốc, bệnh nhân sẽ đi cầu hơn 10 lần, đến khi ra nước trong, không còn bã phân.
 
Thủ thuật nội soi được tiến hành khoảng 4 giờ sau lần uống thuốc cuối cùng.
 
Lưu ý, nếu đói bụng thì bệnh nhân có thể uống nước đường, nước dừa hoặc nước hầm xương (đảm bảo nước trong, không màu, không có bã).
 
Sau khi làm nội soi, bạn có thể ăn uống bình thường, tuy nhiên bạn nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
 
Đối với nội soi có sử dụng thuốc tiền mê, nên có người nhà đi cùng.


Hiện Đơn vị Nội soi - BV Nhân dân 115 đã và đang triển khai những kỹ thuật mới trong nội soi vào chẩn đoán và điều trị như:

- Nội soi đường tiêu hóa không đau

- Chích keo sinh học điều trị vỡ giãn tĩnh mạch tâm phình vị

- Kỹ thuật cầm máu bằng Hemospray

- Nội soi can thiệp - thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su

- Nội soi can thiệp - kẹp cầm máu

- Nội soi can thiêp - tiêm cầm máu

- Nội soi can thiệp - mở thông dạ dày

- Nội soi can thiệp - gắp giun, lấy dị vật ống tiêu hóa

- Nội soi can thiệp + cắt polyp ống tiêu hóa >1cm hoặc nhiều polyp

- Cắt niêm mạc ống tiêu hóa qua nội soi điều trị ung thư sớm


- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X