Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bé đổ mồ hôi trộm, khắc phục thế nào?

Chiều ngày 13/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi xung quanh vấn đề trẻ đổ mồ hôi trộm: Bé đổ mồ hôi trộm có hại gì không? Chữa mồ hôi trộm cho con nhỏ bằng cách nào?...

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa của AloBacsi. Ảnh: Viết Hưởng
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia Nhi khoa của AloBacsi. Ảnh: Viết Hưởng

Mồ hôi trộm là hiện tượng ra mồ hôi không liên quan đến nhiệt độ môi trường, thời tiết nóng hay lạnh vẫn ra mồ hôi và chỉ khi ngủ mới bị. Mồ hôi trộm xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính nhưng tỷ lệ mắc nhiều ở trẻ em.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Mồ hôi trộm thường gặp ở trẻ nhỏ, nói về việc trẻ đổ mồ hôi vào ban đêm dù thời tiết lạnh. Vì sao lại có hiện tượng đổ mồ hôi dù không nóng nực hay vận động ạ? Hiện tượng này thường gặp ở lứa tuổi nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Độc giả thân mến,

Mồ hôi trộm thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ đổ mồ hôi vào ban đêm dù thời tiết lạnh, hiện tượng đổ mồ hôi dù không nóng nực hay vận động là do trung tâm điều nhiệt của trẻ còn non nớt, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm chưa hoàn thiện. Vì vậy, khi cơ thể không điều tiết được, cơ thể trẻ mất cân bằng nên tuyến mồ hôi tập trung nhiều dưới da sẽ tiết ra nhiều mồ hôi.

Hiện tượng này thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi.


Nguyên nhân và điều kiện thuận lợi dẫn đến việc bé đổ mồ hôi trộm là gì vậy bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Nguyên nhân và điều kiện thuận lợi gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ đó là:

- Do thiếu vitamin D: Thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi,vì  đây là giai đoạn hệ xương phát triển mạnh nhất của trẻ. Thiếu vitamin D trẻ sẽ bị đổ mồi hôi trộm. Ngoài ra, trẻ sanh non, trẻ nhẹ cân, trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bị rối loạn tiêu hóa, còi xương,...

- Do chứng tăng tiết mồ hôi ở trẻ: Cho trẻ ở trong phòng lạnh, không khí thoáng mát mà trẻ vẫn đổ nhiều mồ hôi thì có thể bé đang mắc chứng tăng tiết mồ hôi.

- Do bệnh lý tim bẩm sinh: Mồ hôi trộm xảy ra trong lúc bé ngủ và trong các hoạt động khác bé cũng ra nhiều mồ hôi thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh khi tim hoạt động nhiều.

- Do thiếu ánh sáng mặt trời: Thường do nơi sinh sống quá chật hẹp, hoặc do tập quán giữ trẻ trong nhà, không cho tiếp xúc với ánh sáng, mặc quá nhiều quần áo, do thời tiết ở các nước có nhiều sương mù, mùa đông… gây cản trở việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời của trẻ, khiến trẻ bị thiếu hụt vitamin D.

 - Ngoài ra, mẹ đắp quá nhiều chăn cho trẻ, ủ trẻ quá kỹ, phòng ngủ của trẻ quá kín không có chỗ thông gió cũng có thể gây đổ mồ hôi nhiều ở trẻ.

Trẻ đổ mồ hôi trộm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Trẻ đổ mồ hôi trộm do nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất thường do thiếu vitamin D. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Mồ hôi trộm có thể là dấu hiệu của những bệnh lý gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Mồ hôi trộm có thể là dấu hiệu của những bệnh lý:

- Đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ là hiện tượng rất phổ biến, nhất là đổ mồ hôi khi trẻ ngủ sâu; tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và liên tục trong thời gian dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của trẻ. Đồng thời, cơ thể trẻ còn có các những biểu hiện khác như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng hoặc ho kéo dài, ăn uống kém...

- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị đổ mồ hôi trộm: Trẻ thường quấy khóc nhiều vào ban đêm, ngủ không yên giấc, hay thức giấc nữa đêm. Ngoài ra, những nơi có mồ hôi hôi trộm ra nhiều nhất là lưng, trán, nách, háng, bàn tay - bàn chân.

- Đổ mồ hôi trộm là dấu hiệu bệnh lý như: tim bẩm sinh, ngưng thở trong khi ngủ, hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS), tăng tiết mồ hôi.

Thân mến.


Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách để cha mẹ phân biệt mồ hôi trộm sinh lý và mồ hôi trộm bệnh lý? Mồ hôi trộm nếu kèm theo những biểu hiện gì thì phải đưa trẻ đi khám bệnh?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Cách phân biệt mồ hôi trộm do bệnh lý và sinh lý:

- Đổ mồ hôi do sinh lý: Trẻ bị đổ mồ hôi trộm là vì hệ thần kinh đại não phát triển chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển, sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn, khi trẻ đùa giỡn sẽ tăng thêm hưng phấn và kích thích thì sẽ ra mồ hôi trộm để điều hòa thân nhiệt trong cơ thể. Đây cũng là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn khỏe.

Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Thông thường, ở vị trí đầu và cổ, lưng, trán, nách, háng, bàn tay - bàn chân sẽ diễn ra quá trình tiết mồ hôi nhiều hơn hẳn các vùng khác. Chỉ khoảng sau 30 phút bé ngủ, tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động và kéo dài khoảng 60 phút là chấm dứt. Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng đáng ngại đối với sức khỏe của trẻ, phụ huynh không nên quá lo lắng.
 
- Đổ mồ hôi do bệnh lý: Thường xuất hiện ở những trẻ mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm, biểu hiện là đầu trẻ ra nhiều mồ hôi, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng tiết nhiều nhưng không liên quan đến thời tiết, đồng thời kèm những biểu hiện khác của còi xương như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng hoặc có biểu hiện của lao sơ nhiễm (ho kéo dài, ăn uống kém, Xquang phổi có tổn thương lao sơ nhiễm).

Vì ra mồ hôi quá nhiều và liên tục, cơ thể trẻ sẽ mất đi một lượng nước và muối khiến cơ thể con yếu đi, người mệt hơn, lỗ chân lông mở rộng là những nguyên nhân làm cho cơ thể bé dễ bị cảm lạnh, dễ bị viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản... Nếu hiện tượng này kéo dài và liên tục sẽ làm cơ thể trẻ dễ bị suy kiệt.

Nếu phát hiện trẻ có những bất thường về hiện tượng ra mồ hôi do bệnh lý kèm theo một số triệu chứng khác như bị sốt cao thường xuyên, tinh thần trẻ mệt mỏi, khó chịu, hay quấy khóc, đầu tóc lưa thưa, chậm mọc răng, thóp đầu chậm liền, chậm biết bò, chậm biết đi, ngủ ít, ngủ hay giật mình… phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám và chữa trị kịp thời.

Theo BS Bình, nguyên nhân phổ biến gây đổ mồ hôi trộm wor trẻ là do thiếu vitamin D. Vì vậy bố mẹ nên bổ sung vitamin D cho con bằng cách cho bé tắm nắng thường xuyên. Ảnh: Hoàng Long
Theo BS Bình, bố mẹ nên bổ sung vitamin D cho con bằng cách cho bé tắm nắng thường xuyên. Ảnh: Hoàng Long

Để điều trị chứng mồ hôi trộm ở trẻ có những biện pháp nào, thưa bác sĩ Ngọc Bình?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Điều trị tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ, các bậc cha mẹ có thể thực hiện những cách sau đây:

- Bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách tắm nắng vào mỗi buổi sáng, trong khoảng thời gian 6 giờ sáng - 8 giờ sáng, thời gian tắm tăng dần từ 10 đến 30 phút. Bố mẹ lưu ý để da trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng không nên cho mắt con tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời chiếu xuống.

- Giữ cơ thể trẻ luôn mát mẻ bằng cách cho bé sinh hoạt trong không gian rộng thoáng, bóng râm, phòng ngủ không kín khí. Tắm rửa cho bé sạch sẽ bằng nước mát và bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bố mẹ cho con ăn các loại rau, quả có tính mát như rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, bí đỏ, thanh long, cam, quýt, chanh... Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn có tính nóng như dầu mỡ chiên xào, thịt bò, tôm, cua, cá biển...; các trái cây như mít, sầu riêng, xoài… bởi các loại thực phẩm này chứa nhiều năng lượng, sinh nhiệt nhiều khi chuyển hóa, dễ làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi, có thể gây ngứa, thậm chí nổi rôm sảy, mụn ngoài da.

Nếu dùng các biện pháp trên mà bé vẫn không cải thiện thì nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám và xử trí kịp thời.

Thân ái.


Nếu không kịp thời điều trị mồ hôi trộm, có thể dẫn đến những bệnh lý gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Nếu không kịp thời điều trị mồ hôi trộm, có thể dẫn đến những bệnh lý như:

- Trẻ dễ bị rôm sảy, viêm da, dị ứng da, ngứa ngáy hay nhiễm trùng da.

- Trẻ dễ bị mất nước và các chất điện giải làm cơ thể trẻ suy kiệt dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương, chậm lớn. Tình trạng ra mồ hôi khi ngủ kéo dài gây mất nước, trẻ dễ bị táo bón, tiểu ít, rối loạn tiêu hóa, cơ thể mất trạng thái cân bằng, ảnh hưởng quá trình phát triển của bé.

- Viêm đường hô hấp.

- Trẻ thiếu calci trầm trọng dẫn đến mất ngủ, còi xương, làm chậm quá trình phát triển hệ thống xương của trẻ.

Bác sĩ Ngọc Bình nhận được nhiều cuộc điện thoại về chăm sóc con của các vị phụ huynh. Ảnh: Hoàng Long
Bác sĩ Ngọc Bình nhận được nhiều cuộc điện thoại về chăm sóc con của các vị phụ huynh. Dù bận rộn đến mấy bác sĩ vẫn luôn nhiệt tình tư vấn cho bạn đọc. Ảnh: Hoàng Long

Trẻ đổ mồ hôi trộm có nên nằm quạt và điều hòa không? Có dễ khiến cho bé bị cảm lạnh không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trẻ đổ mồ hôi trộm nằm quạt và điều hòa đúng cách thì không bị cảm lạnh. Các bậc phụ huynh cần lưu ý đó là:

Đối với quạt:

- Cho bé nằm quạt nên để bé nằm cùng hướng thổi của quạt, hướng ra cửa. Không nên bật số cao, chỉ nên để tốc độ gió ở mức 0,2-0,5m/s, tối đa không quá 3m/s.

- Nên điều chỉnh tốc độ vừa phải, tuyệt đối không để quạt thổi cố định lên người bé mà phải để ở chế độ xoay. Phòng thoáng gió chỉ nên mở quạt ở số nhỏ cho gió thổi nhẹ.

- Không để quạt thổi thẳng vào cơ thể bé, đặc biệt khi bé từ bên ngoài nóng bước vào hoặc vừa chạy nhảy xong.

- Trẻ mới ở ngoài trời nóng vào nhà, nên lau mồ hôi và cho trẻ nghỉ ngơi vài phút, sau đó mới cho trẻ dùng quạt. Lý do là bởi vì các mạch máu ngoài da toàn thân của bé lúc này đang giãn rộng, nếu bị gió của quạt đột ngột thổi vào sẽ làm các mạch máu trên da co lại khiến da ngưng bài tiết mồ hôi, gây mất cân bằng thân nhiệt trong cơ thể, dễ sinh bệnh.

Đối với điều hòa:

- Khi trẻ từ ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không cho bé vào phòng máy lạnh có nhiệt độ quá thấp mà nên lau khô mồ hôi cho con, để bé ngồi 1 lúc sau đó mới cho vào phòng có điều hòa. Khi muốn ra ngoài thì tắt điều hòa, mở cửa phòng 1 lúc cho con trẻ dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, sau đó mới cho ra khỏi phòng.

- Trong những ngày thời tiết nắng nóng, không cho trẻ thường xuyên ra vào phòng có điều hòa liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiệt độ lý tưởng cho trẻ là từ 26-28 độ C.

- Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong phòng khoảng 7-8 độ C là phù hợp với sự thích ứng của cơ thể trẻ. Đặc biệt, trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt.

- Không nên cho trẻ ở phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục.

- Nên thường xuyên vệ sinh máy điều hòa và phòng ở giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc lưu trú trong phòng, trong máy điều hòa. Khi không bật điều hòa nữa thì phải mở hết cửa sổ, cửa phòng để cho không khí lưu thông.

- Không để máy điều hoà thổi thẳng vào mặt, đầu trẻ vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.

- Cho trẻ mặc quần áo dể  hút mồ hôi, thoáng nhẹ, rộng rãi.

- Nên thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ, thường xuyên kiểm tra lưng bé xem có mồ hôi hay không, việc có mồ hôi lưng không lau kịp trong phòng điều hòa rất dễ khiến trẻ dễ bị bệnh về đường hô hấp.

Bố mẹ không nên mở điều hòa quá lạnh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bố mẹ không nên mở điều hòa quá lạnh, bởi cơ thể con chưa thể tự điều hòa thân nhiệt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Để đối phó với tình trạng trẻ đổ mồ hôi trộm, cha mẹ nên chọn quần áo và mền gối cho trẻ như thế nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Khi chọn quần áo, grap mền cho trẻ ra mồ hôi trộm, bố mẹ nên chọn loại vải mềm, mịn, nhẹ, dễ hút mồ hôi, mát mẻ, thích hợp theo mùa nhé.


Trong giai đoạn này, khi nấu ăn cho trẻ cần lưu ý điều gì? Có món ăn/ thức uống nào trẻ nên ưu tiên sử dụng không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Trong giai đoạn này, khi nấu ăn cho trẻ cần lưu ý: mua thực phẩm tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến sạch sẽ, ăn chín, uống chín, thức ăn còn dư nên nấu sôi lại và để trong tủ lạnh không quá 1- 2 ngày, không ăn quà vặt, hàng rong, không ăn các thứ cay nhiệt như hạt tiêu, ớt, gừng,... Hạn chế ăn các đồ chiên rán, xào nhiều dầu mỡ, món nướng vì dễ gây cảm giác ngán và khó ăn. Giảm ăn mỡ động vật hay các loại hoa quả gây nóng như vải, mít, nhãn…

Các món ăn ưu tiên cho trẻ đổ mồ hôi trộm như rau ngót, mồng tơi, rau dền, củ cải đỏ, rau muống, bí xanh, đậu xanh, các loại trái cây như cam, quýt, chanh, nho...

Cho trẻ ăn thêm sò, lươn, ếch, cá hồi và nhiều loại cá khác có hàm lượng EPA & DHA cao, điều này có tác dụng giảm viêm, đặc biệt là viêm da, nhất là khi nắng nóng, da dễ bị nhiễm trùng và lâu khỏi.

Ngoài ra, nên cho trẻ uồng nhiều nước, sữa và các chế phẩm từ sữa.

Lưu ý, buổi tối trước khi ngủ, tránh cho trẻ ăn nhiều thực phẩm thịt vì sẽ làm trẻ khó ngủ. Uống nhiều nước sẽ làm bàng quang bị căng đầy, phải thường xuyên thức giấc đi tiểu. Tránh uống thức uống có gas.


Nếu đã quá độ tuổi trẻ thường hay ra mồ hôi trộm mặc dù đã chữa trị theo các hướng ở trên đã nêu mà tình trạng đổ mồ hôi ban đêm vẫn tiếp diễn, biện pháp sau cùng là gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị ra mồ hôi có hiệu quả an toàn giúp cải thiện được chất lượng cuộc sống. Do đó, phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ ra mồ hôi ở mỗi trẻ.

Phương pháp nội soi cắt thần kinh giao cảm dành cho trẻ trên 18 tuổi sẽ cho kết quả tốt nhưng mồ hôi có thể tiết ra nhiều ở vị trí khác trong cơ thể (ví dụ trẻ bị mồ hội trộm ở nách, áp dụng phương pháp này có thể khiến trẻ bị đổ mồ hôi ở vị trí khác như lưng, mông, tay, chân…) gây bất tiện mà trước đây chưa bao giờ xảy ra. Cho nên, khi điều trị nội khoa không cải thiện mới cắt hạch thần kinh giao cảm.

Thân mến.


AloBacsi rất cám ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giành thời gian để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc. Xin hẹn bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo.

Trân trọng.


Chủ đề tiếp theo: Viêm phế quản ở trẻ - những điều cha mẹ cần biết

Vấn đề viêm phế quản ở trẻ sẽ được BS.CK 1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp cho quý bạn đọc vào chiều thứ hai (18/3), từ 15g-16g30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367


Thực hiện: Hải Yến - Mỹ Thi
Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X