Hotline 24/7
08983-08983

20 bác sĩ “chạy nước rút” cứu bé 3 ngày tuổi bị bệnh tim hiếm gặp

Dị tật tim hiếm gặp khiến cơ thể bé sơ sinh chuyển dần sang tím tái khi vừa mới lọt lòng. Ê-kíp bác sĩ lên đến 20 người của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật suốt 8 tiếng để trả lại cho bé khi đó mới 3 ngày tuổi một trái tim bình thường.

20 bác sĩ, 8 giờ đồng hồ và trái tim hồi sinh

Chiều 20/8/2019, dỗ con khóc mà lòng chị T.Tr (ngụ tại Long An) thấy vui lạ. Đến giờ chị vẫn chưa tin được con đã nằm gọn trong vòng tay mẹ.

Hành trình tìm sự sống cho con bắt đầu từ tuần thai thứ 22. Tr. kể lúc này chị mới biết con mình có một trái tim không khỏe mạnh. Suy sụp là cảm xúc ban đầu khi nhận được kết quả chẩn đoán thai nhi bị dị tật chuyển vị đại động mạch - một bệnh tim bẩm sinh với tỷ lệ tử vong cao.

May mắn, chị có chồng và các bác sĩ luôn song hành, vực dậy tinh thần. Hai vợ chồng quyết định chọn Bệnh viện Từ Dũ để tiếp tục theo dõi thai kỳ và tin tưởng Bệnh viện Nhi Đồng 1 là nơi phẫu thuật cho bé.

“Vì là bé đầu nên em rất lo lắng. Bác sĩ cũng nói trường hợp của bé rất nặng, phải theo dõi sát sao. Hầu như tuần nào em cũng phải đi viện, từ Viện Tim, Từ Dũ đến Nhi đồng 1. Lo lắng nhất là tình trạng cân nặng, con có bệnh tim nên khó nhận chất dinh dưỡng từ mẹ. Khi tư vấn, bác sĩ động viên em, con phải trên 3kg thì phẫu thuật mới thành công. Nhưng có khi 2 tuần con mới lên 1 lạng nên em cứ trông ngóng từng ngày”.

Những lời chia sẻ cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm của BS Giang đã tiếp thêm sức mạnh cho sản phụ

Nhờ sự động viên của gia đình và bác sĩ, tâm trạng chị Tr. chuyển biến tích cực, tập trung nuôi dưỡng thai nhi để đủ sức khỏe phẫu thuật ngay khi chào đời

Theo BS.CK2 Đỗ Thị Cẩm Giang - khoa Tim mạch - Bệnh viện Nhi Đồng 1, sản phụ Tr. là người mẹ mạnh mẽ. Dù có lúc dọa sinh non, phải chích thuốc trợ phổi nhưng chị vẫn lạc quan. BS Giang cho rằng, giữ vững tinh thần cho mẹ là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, các bác sĩ không ngừng động viên, những cuộc trò chuyện, tin nhắn trong suốt thai kỳ đã giúp sản phụ ổn định tâm lý.

Chị Tr. được vạch rõ lộ trình điều trị phối hợp sản - nhi, theo dõi kỹ tim thai em bé.

20g tối 6/8, bé gái chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ lúc thai 40 tuần với cân nặng gần 3,2 kg. Vừa lọt lòng, bé đã bắt đầu tím dần. Với sự chuẩn bị từ trước, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có mặt hỗ trợ hô hấp (đặt nội khí quản, thở máy), tiến hành siêu âm tim đánh giá cấu trúc giải phẫu và truyền thuốc duy trì ống động mạch.

Sáng hôm sau, bé ngày càng tím, sốc, toan chuyển hóa. Ê-kíp Tim mạch nhận thấy máu đỏ không thể trộn đủ ở tầng nhĩ nên hội chẩn ngay và quyết định làm thông tim mở vách liên nhĩ cấp cứu. Tuy nhiên, do vách liên nhĩ rất dày, cuộc can thiệp chỉ giúp bé vượt qua cơn nguy kịch chứ không thể điều trị triệt để.

Sáng 8/8, bé tạm ổn nhưng phải dùng thuốc vận mạch rất cao, nhịp tim rất nhanh và khó có thể duy trì tình trạng đó kéo dài, nguy cơ rơi vào tình trạng sốc tim lần thứ 2. Sau khi hội chẩn gấp rút giữa các khoa Hồi Sức - Gây Mê - Nội Tim Mạch - Ngoại Tim Mạch, ê-kíp thống nhất mổ ngay trong ngày.

Cuộc mổ bắt đầu lúc 14g và kết thúc vào 22g đêm. Êkip gần 20 người hủy mọi hoạt động buổi chiều chung tay phẫu thuật đến khuya, đêm đó trái tim nhỏ bé đã được phẫu thuật triệt để chuyển gốc 2 đại động mạch về vị trí bình thường.

Sau 11 ngày nằm hồi sức, bé ổn định chuyển lên khoa Tim Mạch và dự kiến xuất viện sau 1-2 ngày nữa.

BS.CK2 Đỗ Thị Cẩm Giang (phải) như người mẹ thứ 2 của bé

Chiều ngày 20/8, bé gái đã hồng hào hơn, "háu ăn" hơn những ngày trước đó

Phát hiện sớm tim bẩm sinh từ “trứng nước”

BS.CK2 Nguyễn Đức Tuấn - Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Bệnh viện Nhi đồng 1 - người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết: “Chuyển vị đại động mạch là bệnh lý 2 gốc động mạch nối ngược bên nhau. Dị tật này khiến máu đỏ chuyển thành máu đen đi nuôi cơ thể khi bé chào đời. Đây là tật bẩm sinh khó và nặng nhất trong các dạng tim bẩm sinh, cần can thiệp trong thời kỳ sơ sinh, nếu không phát hiện và phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào”.

Bác sĩ Tuấn đánh giá, trong trường hợp của sản phụ Tr. nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của Sản - Nhi và siêu âm tiền sản đã quyết định sự sống còn của người bệnh.

Với những đứa trẻ bị chuyển vị đại động mạch, khi sinh ra sẽ bị tím tái, nếu không có siêu âm tim thai trước đó thì bác sĩ sẽ rất khó tìm ra căn nguyên. Bởi triệu chứng tím tái của trẻ sơ sinh thường gặp trong rất nhiều tình huống.

“Bác sĩ lúc này sẽ bóp bóng hỗ trợ hô hấp mà không biết rằng, cần phải truyền thuốc ngay sau sinh để mở ống động mạch, cần thông tim để mở vách liên nhĩ và mổ tim để chuyển hai đại động mạch về vị trí bình thường” - BS Tuấn chia sẻ.

Siêu âm tim thai giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh lý tim bẩm sinh

Bệnh lý này trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 20 - 30 bệnh nhân và có khoảng hơn 100 ca đã mổ với kết quả tốt. Tuy nhiên hầu hết đều đến bệnh viện trong tình trạng tím nặng khi không được chẩn đoán tiền sản.

Vì vậy, BS Giang cho hay, từ tuần thai thứ 20 là thời điểm tốt nhất để mẹ siêu âm tim thai, lúc này bác sĩ có thể quan sát các chi tiết từ cấu trúc nhỏ nhất để phát hiện kịp thời các bất thường.

“Khi mang thai nếu lo lắng về trái tim của con, các chị em mạnh dạn tìm đến bác sĩ siêu âm tim thai. Không chỉ Bệnh viện Nhi đồng 1 mà các cơ sở y tế khác như Viện Tim TPHCM, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố đều đã triển khai” - BS Giang nói.

Được biết, hiện nay tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chi phí siêu âm tiền sản là 700.000 đồng và chỉ đóng 1 lần duy nhất để các bác sĩ theo dõi đến hết thai kỳ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X