Y tế Việt Nam cần chuẩn bị đào tạo kiến thức, trang bị cơ sở, thiết bị, sẵn sàng chăm sóc người cao tuổi
Trước tình trạng dân số già hóa, Y tế Việt Nam đang phải đối mặt với việc đón lượng bệnh nhân là người cao tuổi đến điều trị và chăm sóc sức khỏe. Do đó, công tác đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất và thiết bị y tế cần được chú trọng. Những thông tin này sẽ được PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ.
1. Chăm sóc y tế cho những người già nhiều bệnh có những khó khăn gì?
Theo tin tức gần đây, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3-4 bệnh. Vậy việc chăm sóc y tế cho những người già nhiều bệnh có những khó khăn gì so với bệnh nhân ở độ tuổi khác, thưa BS?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Việt Nam đang nằm trong giai đoạn già hóa dân số và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. Nước ta sắp phải đương đầu với thời kỳ dân số già, bỏ qua giai đoạn dân số vàng. Vấn đề này là một thách thức, vì vậy cần có chiến lược cụ thể.
Người cao tuổi khác với nhóm tuổi trung niên, dễ mắc đa bệnh lý và suy yếu. Người cao tuổi tại Việt Nam có tuổi thọ cao nhưng chất lượng cuộc sống không tương xứng với tuổi thọ. Một người cao tuổi thường mang 3 - 4 bệnh đồng mắc. Theo nhiều thống kê, người cao tuổi có 12 - 14 năm cuối đời sống chung với bệnh tật. Đó là một trong những khó khăn của xã hội nói chung và y tế nói riêng khi đối đầu với già hóa dân số.
2. Bệnh viện Thống Nhất đã chuẩn bị những gì để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi?
Đứng trước bối cảnh tốc độ già hóa dân số gia tăng, Bệnh viện Thống Nhất đã chuẩn bị những gì để chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi và đón lượng bệnh nhân lớn tuổi theo xu hướng dân số già hóa hiện nay?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Đây là chiến lược cần tập chung tất cả các lĩnh vực của xã hội để giải quyết vấn đề, ngành Y tế chỉ là một thành tố của xã hội để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh đó, xã hội, chính trị, kinh tế cần đáp ứng trong giai đoạn này.
Là bệnh viện có tỷ lệ bệnh nhân người cao tuổi cao nhất cả nước, Bệnh viện Thống Nhất đã đặt ra vấn đề để đối phó với già hóa dân số.
GS Nguyễn Thiện Thành, vị giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất, được đào tạo chăm sóc người cao tuổi khi còn ở trong chiến khu. Sau khi tiếp quản và xây dựng bệnh viện, thầy đã thành lập bộ môn Lão khoa. Bộ môn Lão khoa đầu tiên của Việt Nam được thành lập lần đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất theo quyết định của Bộ Y tế năm 1986.
Từ đó tới nay, Bệnh viện Thống Nhất luôn đưa nguyên lý điều trị cho người cao tuổi vào thực hành lâm sàng, và luôn có xu thế hướng tới điều trị toàn diện cho người cao tuổi. Trong đó, có cơ sở vật chất, thiết bị y tế, kiến thức y học đều được chuẩn bị cho việc chăm sóc bệnh nhân người cao tuổi.
Tất cả nhân viên công tác tại Bệnh viện Thống Nhất đều được bổ sung các kiến thức Lão khoa, đặc biệt là nguyên lý Lão khoa cơ bản và được làm việc tại khoa điều trị toàn diện trong bệnh viện.
3. Người cao tuổi dễ mắc đa bệnh lý cần hội chẩn đa chuyên khoa tìm phác đồ phù hợp
Người cao tuổi mắc vấn đề đa bệnh lý, do đó việc phối hợp các bác sĩ nhiều chuyên khoa hội chẩn, đưa ra phác đồ phù hợp được Bệnh viện Thống Nhất thực hiện như thế nào, thưa PGS?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Người cao tuổi phải đối mặt với lão hóa, một quá trình sinh lý tự nhiên. Tốc độ lão hóa của người cao tuổi có thể nhanh, chậm, khỏe mạnh hoặc suy yếu tùy vào nhiều yếu tố của từng cá nhân. Bởi vì, quá trình lão hóa dẫn đến hiện tượng người cao tuổi dễ mắc bệnh và các vấn đề đa bệnh lý, do đó gây ra suy yếu và trở thành nguy cơ tim mạch, đột quỵ và tử vong cao.
Vì vậy, điều trị cho người cao tuổi là vấn đề khó khăn, bác sĩ phải hiểu được quá trình lão hóa và các yếu tố nguy cơ của người cao tuổi, từ đó có kế hoạch điều trị toàn diện trong bệnh viện. Bên cạnh đó, cần phối hợp nhiều chuyên khoa, chú ý trong điều trị để không ảnh hưởng đến các chuyên khoa khác, không gây nặng thêm các bệnh lý đồng mắc kèm theo.
Ví dụ, một bệnh nhân tim mạch tại Bệnh viện Thống Nhất phải được đánh giá toàn diện trước khi điều trị, để không làm ảnh hưởng đến chức năng thận, chức năng hô hấp, tiêu hóa gan mật tụy. Đó là lý do việc điều trị bệnh cho người cao tuổi khó hơn nhóm người độ tuổi thấp hơn.
4. Mô hình tam giác lão khoa trong chăm sóc sức khỏe toàn diện người cao tuổi
Mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi tại Bệnh viện Thống Nhất trong những năm gần đây được thực hiện như thế nào?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi sẽ dựa trên mô hình tam giác lão khoa với 3 điểm.
Thứ nhất, chăm sóc người cao tuổi được bắt đầu từ gia đình, cộng đồng, đó là nguyên lý y học gia đình cho người cao tuổi.
Việc chăm sóc sẽ được bắt đầu khi con người trưởng thành hoặc bước vào độ tuổi lão khoa tại gia đình. Đây là vấn đề quan trọng cần được chú trọng ngay những bước đầu. Với điều kiện Y tế cơ sở phát triển, có thể chăm sóc và theo dõi sức khỏe người cao tuổi, điều trị bệnh tại nhà, tại cộng đồng cho nhóm người này một cách hiệu quả.
Khi những người này mắc các bệnh mạn tính, cấp tính đợt cấp, có thể đưa đến các cơ sở điều trị cho người cao tuổi một cách kịp thời.
Thứ hai, điều trị bệnh lý cho người cao tuổi tại các bệnh viện lão khoa hoặc chuyên khoa lão khoa. Tại đây, bệnh nhân sẽ được đánh giá lão khoa toàn diện, đánh giá các bệnh lý đang mắc cùng bệnh đồng mắc trên tổng thể sức khỏe của người cao tuổi, từ đó có giải pháp điều trị hợp lý, không ảnh hưởng chức năng các cơ quan khác.
Tại Bệnh viện Thống Nhất, nguyên lý điều trị Lão khoa được đào tạo bài bản cho nhân viên y tế. Những bệnh nhân là người cao tuổi được điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên ngành Lão khoa hoặc bệnh viện lão khoa, sự phục hồi của bệnh nhân sẽ cải thiện dần, có mức độ bền vững, thời gian sống còn kéo dài hơn.
Thứ ba, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại các trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng. Bởi vì các chức năng của người cao tuổi đều bị suy giảm, do đó, cần đến trung tâm phục hồi chức năng để tập luyện phục hồi.
Ví dụ, người cao tuổi tập phục hồi chức năng tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, chức năng thần kinh vận động,… thực hiện dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế được đào tạo chuyên nghiệp về vấn đề phục hồi chức năng. Trong đó, có vật lý trị liệu, lao động trị liệu, âm nhạc trị liệu, hội họa trị liệu,… được áp dụng tại các trung tâm phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân sống trong môi trường xu hướng tự nhiên. Từ đó, tạo điều kiện cho bệnh nhân phục hồi tốt hơn, đảm bảo duy trì bền vững các chức năng người cao tuổi.
5. Người cao tuổi tại các tỉnh nên đến đâu để gặp bác sĩ Lão khoa?
Những người cao tuổi ở quá xa Bệnh viện Thống Nhất (là bệnh viện lão khoa lớn toàn diện của miền Nam) thì họ có thể đến đâu để gặp được bác sĩ lão khoa ạ?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Theo định hướng của Bộ Y tế, cần có các đơn vị Lão khoa hoặc khoa Lão tại các cơ sở Y tế, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh. Tại đây, bác sĩ và nhân viên y tế phải được đào tạo chuyên ngành Lão khoa. Do đó, người cao tuổi ở xa có thể đến cơ sở y tế có đơn vị hoặc chuyên khoa Lão tại địa phương để khám và điều trị toàn diện.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất và lực lượng chuyên môn tại cơ sở Y tế địa phương chưa đạt được như mong muốn của người bệnh. Do đó, người bệnh có thể đặt câu hỏi qua hệ thống tư vấn của Bệnh viện Thống Nhất để hiểu thêm về các bệnh lý và chăm sóc một cách hợp lý.
6. Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam nên áp dụng thế nào?
Theo BS, chúng ta có thể học hỏi mô hình chăm sóc NCT ở những nước nào, và khi áp dụng ở Việt Nam thì cần thay đổi những gì cho phù hợp?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Tại các nước tiên tiến đều có mô hình chăm sóc Lão khoa toàn diện. Tuy nhiên, điều này phải dựa trên kinh tế, chính trị và chủng tộc của từng nước để xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và có tỷ lệ người cao tuổi khá cao. Bên cạnh đó, các nước tiên tiến ở Bắc Âu như: Thụy Điển, Thụy Sĩ có những mô hình chăm sóc người cao tuổi toàn diện.
Tại Nhật Bản có một mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khá gần gũi với Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản là nước phát triển kinh tế cao hơn nước ta, nhưng điều kiện đất đai và nhà cửa hẹp hơn so với Việt Nam. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, do đó, cần nghiên cứu mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp với người Việt.
Bên cạnh đó, các thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán của người Việt khác với các quốc gia trên thế giới, kéo theo việc chăm sóc tại gia đình và cộng đồng đối với người cao tuổi không có điểm chung với các nước khác.
Cần xây dựng mô hình theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và cộng đồng một cách phù hợp để người Việt luôn luôn được theo dõi sức khỏe, nhưng vẫn sống trong môi trường gắn với gia đình và cộng đồng, không bị tách rời.
Bởi vì với người lớn tuổi, khả năng lao động bị hạn chế nhưng vẫn có nhu cầu được tham gia lao động, được tôn trọng và mong muốn được hỏi ý kiến. Ngoài ra, điều người cao tuổi mong muốn là tình cảm gia đình, láng giềng, họ hàng một cách gần gũi và thân thiện. Chính môi trường này làm chất lượng cuộc sống và tinh thần của họ tăng lên, từ đó, sức khỏe phục hồi dễ dàng. Qua đó cho thấy việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bước đầu vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, hệ thống bệnh viện tại Việt Nam khác với các bệnh viện ở quốc gia khác. Vì vậy, việc xây dựng đơn vị Lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc tuyến khu vực là điều cần thiết.
Mỗi khu vực, nên xây dựng một bệnh viện chuyên ngành Lão khoa để phục vụ, giống như việc xây dựng bệnh viện nhi để chăm sóc sức khỏe trẻ em. Bên cạnh đó, còn là bệnh viện tuyến cuối để thực hiện chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo điều trị lão khoa.
Việc xây dựng trung tâm phục hồi chức năng lão khoa phải đảm bảo phù hợp với người Việt Nam. Bởi vì người cao tuổi tại Việt Nam luôn mong muốn quay về thời trẻ, vì vậy, họ muốn được lao động, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, hội họa,… Do đó, việc phục hồi chức năng gắn liền với công cụ lao động sẽ phù hợp cho người cao tuổi Việt Nam.
7. Người lớn tuổi cần được tôn trọng, hỏi ý kiến và lao động theo mong muốn
Dân gian có câu “một già một trẻ bằng nhau”, theo BS câu nói này có đúng với thực tế cần phải làm để chăm sóc NCT tại các gia đình không ạ? Con cháu cần học hỏi những gì để chăm sóc ông bà cha mẹ tốt hơn?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Quan điểm này chưa hoàn toàn đúng, “Một già một trẻ bằng nhau” muốn chỉ những người yếu thế như trẻ em và người lớn, họ cần được quan tâm, chăm sóc như nhau. Bởi vì người lớn tuổi dễ mắc bệnh, khó chăm sóc và không thể tự phục vụ.
Một điểm khác so với trẻ em là người lớn tuổi đã có thể tự nhận thức, vì họ đã trải qua thời kỳ dày dặn kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, kinh nghiệm cuộc sống của họ rất nhiều. Vì vậy, nhu cầu tình cảm của người cao tuổi khác với trẻ em, họ cần được tôn trọng, hỏi ý kiến, người lớn tuổi luôn có ý thức chăm lo cho con cháu. Việc người lớn tuổi được sống trong môi trường thân thiện là điều quan trọng.
Tóm lại, câu nói trên chỉ thể hiện về mặt chăm sóc, thực tế người lớn tuổi cần được tôn trọng, hỏi ý kiến và tạo điều kiện cho họ được thể hiện hết kinh nghiệm, khả năng và sở thích khi ở tuổi lão.
Đặc biệt, người lớn tuổi thường tự ti về việc bản thân không còn khả năng kiếm tiền, lao động và sống phụ thuộc,… Vì vậy, sự tôn trọng của người thân và xã hội đối với người lớn tuổi cần được chú trọng hơn.
8. Lớp học dành cho người thân, con cháu học cách chăm sóc người cao tuổi
Ngoài việc rút kinh nghiệm từ từ trong quá trình chung sống thì có những lớp học nào dành cho con cháu học cách chăm sóc NCT tại nhà không ạ? Nơi đâu phù hợp để tổ chức những lớp học này?
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trả lời: Mới đây, một Hội thảo tại Úc về chủ đề nghiên cứu can thiệp hành vi trong chăm sóc người cao tuổi. Theo đó, người chăm sóc phải hiểu được tâm lý người cao tuổi, nhu cầu và vấn đề tác động đến người cao tuổi để họ không bị tổn thương. Bên cạnh đó, cần theo dõi để phát hiện những triệu chứng bất thường, các dấu hiệu bệnh lý của người cao tuổi. Vì vậy, việc can thiệp hành vi của người chăm sóc đối với nhóm người cao tuổi vô cùng quan trọng.
Ngành y tế và xã hội phải nghiên cứu sớm để truyền thông, mở lớp đào tạo cho người chăm sóc người cao tuổi, họ có thể là người phục vụ, con cháu, người thân,… giúp thay đổi hành vi và chăm sóc người cao tuổi tốt hơn.
Ngoài ra, các tổ chức xã hội cần có sự hiểu biết về người cao tuổi để có những hoạt động phù hợp. Ví dụ, các hội người cao tuổi ở địa phương, hội cựu chiến binh,… phải có các hoạt động phù hợp để khi sinh hoạt trong tổ chức, người cao tuổi cảm nhận được bản thân còn giá trị, còn có sự đóng góp.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị nên chỉ đạo hoạt động để người cao tuổi tiếp tục được đóng góp, chăm sóc sức khỏe phù hợp theo lứa tuổi và điều kiện bệnh lý của người cao tuổi. Những điều đó gọi là xây dựng chiến lược can thiệp hành vi ở các tầng khác nhau, từ trung gian tới vĩ mô trong chăm sóc người cao tuổi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình