Hotline 24/7
08983-08983

Xuất huyết ngoài nhãn cầu liệu có đáng lo?

Các trường hợp xuất huyết ngoài nhãn cầu thường có sự trái chiều trong nhận thức giữa thầy thuốc và bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

Anh Minh là nhân viên bảo vệ tại một công ty, bị xuất huyết kết mạc đỏ ngầu, mi mắt tím, húp híp do ông bố bị lẫn, đánh chiếc gậy nhôm vào vùng mắt lúc anh tắm cho cụ.

Khi đi khám chuyên khoa mắt thì bác sĩ khuyên rằng không cần điều trị gì, mắt sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần nhưng anh không yên tâm vì nhìn đôi mắt đỏ ngầu của anh ai cũng thấy ái ngại.

Anh Minh không phải là trường hợp duy nhất, còn có một bác sĩ nội khoa đã nghỉ hưu, bị xuất huyết dưới kết mạc khá rộng (tự nhiên bị, chấn thương không, ho không, bia rượu không).

Bác sĩ chuyên khoa mắt khám, bảo không sao. Thế nhưng ông rất lo nên cứ đi khám hết nơi này đến nơi khác. Có ngày, ông gọi điện cho bác sĩ mắt mấy lần: “Alô! Sao mấy ngày rồi mà máu vẫn không tiêu. Có thật là không sao không?”.

Thực ra, nỗi lo đó cũng chính đáng, vì các xuất huyết hoặc tụ máu vùng mắt rộng và nhiều, mi mắt bầm tím, mảng xuất huyết đỏ lòm trên nền lòng trắng mắt, trông phản cảm, nhất là đối với người làm việc ở chỗ có người này người khác (thường trực văn phòng, thầy cô giáo lên lớp, công an tiếp đương sự, người đến giao dịch cơ quan…).

Thêm vào đó, với các trường hợp xuất huyết ngoài nhãn cầu thường có sự trái chiều trong nhận thức giữa thầy thuốc và bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

Thầy thuốc mắt thì bảo cứ yên tâm, về nhà chườm nóng, theo thời gian xuất huyết sẽ tan dần nhưng người bệnh thì lo lắng vô cùng và nhiều khi không tin tưởng vào chuyên môn của thầy thuốc.


Hình ảnh mắt bị xuất huyết ngoài nhãn cầu

Lời khuyên từ các chuyên gia nhãn khoa

Với các xuất huyết vùng mắt, ngoài nhãn cầu thường có xuất huyết dưới kết mạc do ho, do táo bón, do viêm kết mạc hạch, do bia rượu quá nhiều, do chấn thương nhẹ va quệt qua vùng mắt; tụ máu mi hoặc hốc mắt do va đập (còn gọi là đụng dập).

Các biểu hiện thường gặp là xuất huyết dưới kết mạc, máu nằm kẹp giữa hai lớp màng (thượng củng ở dưới, kết mạc chính tông ở trên), xuất huyết mi mắt hoặc hốc mắt, máu nằm kẹt giữa các lớp da, các sợi cơ, các sợi liên kết của mô.

Xuất huyết ngoài nhãn cầu tuy không nguy hiểm, chỉ cần chườm nóng có thể làm tan máu tụ nhưng trong các trường hợp sưng nề nặng, các bác sĩ nhãn khoa có thể cân nhắc tiêm hyasa nhằm giảm phù nề nhưng máu rất khó lui, nhất là với xuất huyết dưới kết mạc hoặc có thể dùng heparin để làm tan máu đông. Chỉ định này chỉ được thực hiện tại cơ sở nhãn khoa.

Trước kia, trong trường hợp xuất huyết ngoài nhãn cầu, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp tiêm nước cất dưới kết mạc (sau hai lần tra thuốc tê) nhằm làm vỡ hồng cầu theo cơ chế nhược trương.

Thủ thuật cũng có gây cảm giác buốt cho bệnh nhân nhưng cũng có nhạt bớt màu đỏ vùng xuất huyết.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thêm một số thuốc uống như vitamin C giúp bền vững thành mạch hoặc dùng thuốc làm tan cục máu đông nhanh hơn.

Hoặc cũng có thể dùng nước mắt nhân tạo để làm dịu cảm giác cộm trong mắt. Máu sẽ được hấp thu dần trong vòng 10-14 ngày mà không cần điều trị gì đặc biệt. 


AloBacsi.vn
Theo BS. Hoàng SinhSức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X