Hotline 24/7
08983-08983

Xu hướng phát triển của các bệnh viện lớn tại TPHCM là tiền đề để trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN

Vào sáng 19/10, Bộ Y tế cùng báo Tiền Phong phối hợp trường Đại học Hồng Bàng tổ chức hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”. Thông qua đó, các cơ sở y tế đã đem đến những thông tin hữu ích về định hướng và xu hướng phát triển của ngành y hiện nay.

Hội thảo gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề: “Phát triển y tế chuyên sâu chăm sóc người bệnh trong nước và quốc tế” và “Sẵn sàng cho mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN” với các diễn giả đến từ các Sở Y tế, bệnh viện và các trường đạo tạo Sức khỏe.

Nền y tế Việt Nam đủ sức nâng tầm phát triển y tế chuyên sâu cạnh tranh với khu vực

Trong đó, phiên chuyên đề 2 được mở đầu với phần tham luận 1 “Hợp tác quốc tế phát triển y tế chuyên sâu tạo thế mạnh cạnh tranh” của PGS.TS.BS Lâm Việt Trung - PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy.

PGS.TS.BS Lâm Việt Trung - PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy

BS Lâm Việt Trung cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế. Phụ trách chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tại ĐBSCL và một số bệnh viện của miền Nam và Trung Bộ.

Thành tựu đạt được sau 5 năm đối với cộng đồng của bệnh viện là toàn bộ khách khám được quản lý bằng bệnh án điện tử, mỗi người có mã ID khác nhau giúp quản lý, truy cập dễ dàng. Giúp theo dõi sát sức khỏe gần 10.000 khách hàng khắp cả nước, tránh điều trị bệnh giai đoạn quá muộn.

Phát hiện nhiều ca ung thư giai đoạn sớm, chữa lành bệnh hoàn toàn như ung thư phổi, tuyến giáp, đại tràng, dạ dày, tuyến vú, cổ tử cung… Tiết kiệm rất nhiều chi phí ra nước ngoài khám chữa bệnh nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và mức độ tin tưởng, hài lòng của người bệnh.

PGS.TS.BS Lâm Việt Trung nhấn mạnh: “Xu hướng hợp tác quốc tế trong y tế là xu hướng tất yếu cho sự phát triển hiện đại và y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hơn nữa các quan hệ hợp tác quốc tế thiết thực mang lại sự tiến bộ và phát triển y tế chuyên sâu.

Đặc biệt, phải lưu ý, chú trọng hơn sự phát triển của các cán bộ trẻ. Trong đó, yếu tố về nhân lực, ngoại ngữ, y tế chuyên môn, trang thiết bị là những yếu tố quan trọng để phát triển”.

PGS Lâm Việt Trung tin rằng, nền y tế Việt Nam đủ sức nâng tầm phát triển y tế chuyên sâu cạnh tranh với khu vực.

Mang đến giải pháp chăm sóc sức khỏe tối ưu, từ sự tích hợp của điều trị, nghiên cứu và đào tạo

Tiếp nối chương trình, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đem đến phần trình bày về “Mô hình viện - trường trong đào tạo nhân lực và phát triển chuyên môn kỹ thuật”.

BS Lê Minh Khôi chia sẻ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thành lập 29 năm với sứ mệnh là “Mang đến giải pháp chăm sóc sức khỏe tối ưu, từ sự tích hợp của điều trị, nghiên cứu và đào tạo”.

Để thực hiện sứ mệnh này, thầy thuốc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tâm niệm 3 vai trò “Về điều trị là thầy thuốc - về đào tạo là thầy giáo - về nghiên cứu là nhà khoa học”. Từ đó, tạo nên thế mạnh cho bệnh viện.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi cho biết: “Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là một trong những bệnh viện đầu tiên xây dựng hệ thống điện tử và trở thành bệnh viện không giấy

Về đào tạo, mô hình dạy tại giường cực kỳ quan trọng. Khối lượng học viên đến thực hành ngày càng cao (hơn 7000 học viên mỗi năm), số lượng cán bộ ra nước ngoài học tập cao. Bên cạnh đó, bệnh viện có rất nhiều học viên nước ngoài đến thực tập”.

Mỗi năm Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức khoảng 256 sự kiện khoa học đào tạo, một trong những sự kiện quan trọng là tuần lễ đào tạo y khoa liên tục. Tại tuần lễ đào tạo y khoa liên tục vừa rồi (năm 2023) bệnh viện có 40 chuyên đề (19 trực tiếp; 21 trực tiếp và trực tuyến), 222 bài báo cáo, 11.672 lượt tham dự (tăng 16% so với năm 2022).

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu, vượt trên nguyên nhân tim mạch

Nội dung “Phát triển kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực tại trung tâm đột quỵ TPHCM” được BS.CK2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 trình bày.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, số lượng ngoại trú 3500 ca/ngày. Bên cạnh đó, bệnh viện tập trung phát triển nội trú, theo thống kê khoảng 1.600 ca/ngày, đặc biệt cấp cứu là 300 - 350 ca/ngày và phẫu thuật là 70 ca/ngày.

BS.CK2 Trần Văn Sóng chia sẻ: “Trong hơn 15 năm qua, bệnh viện luôn định hướng phát triển 5 chuyên khoa mũi nhọn: thần kinh, tim mạch, thận niệu, can thiệp mạch máu, cấp cứu - gây mê - hồi sức, với hy vọng trở thành chuyên khoa mũi nhọn của ngành y tế thành phố”.

Đột quỵ gồm nhồi máu não (85%) và xuất huyết não (15%). Đây là gánh nặng rất lớn của y tế các nước, trong đó có Việt Nam và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh gây tử vong (vượt trên nguyên nhân tim mạch).

Thế giới có 12,2 triệu người bị đột qụy và 6 triệu người tử vong/năm. Hiện, có 80 triệu người đột qụy sống trong tình trạng tàn phế. Tại Việt Nam có 200.000 ca đột qụy mới/năm.

Năm 2007, các nghiên cứu đã kết luận, mỗi 30 phút có 1 người bệnh đột quỵ được cứu sống/tử vong hoặc di chứng kéo dài do điều trị tại các bệnh viện không phù hợp. Bên cạnh đó, tỷ lệ người bệnh đột quỵ có cơ hội được cứu sống cao hơn khi được điều trị ở những trung tâm có đơn vị đột quỵ hoàn chỉnh.

BS.CK2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

Với sự chỉ đạo từ Lãnh đạo của Bộ Y tế, Lãnh đạo Sở Y tế và đặc biệt là sự hướng dẫn từ các GS, TS đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ đã giúp Bệnh viện Nhân dân 115 vào năm 2007 thành lập Đơn vị Đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam và năm 2009 thành lập Khoa Bệnh lý mạch máu não. Hiện nay, bệnh viện đã phát triển theo hướng Trung tâm đột quỵ chuyên sâu quy mô 180 giường và tiếp nhận 16.000 ca đột quỵ/năm.

Năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng (từ 6-24 giờ) nhờ phần mềm RAPID giúp chọn 56% bệnh nhân được can thiệp nội mạch kết quả có 51,2% người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường.

Ngoài ra, năm 2019 bệnh viện đã triển khai phẫu thuật ca u não đầu tiên bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive, sau đó đã triển khai phẫu thuật thành công cho người bệnh xuất huyết não.

Năm 2018 bệnh viện đạt chuẩn chất lượng điều trị VÀNG của Hội Đột quỵ châu Âu và đạt chuẩn chất lượng điều trị KIM CƯƠNG vào năm 2020.

“Bệnh viện Nhân dân 115 giúp đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về đột quỵ 
hỗ trợ tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ cho nhiều tỉnh thành (96 đơn vị năm 2023). Hiện tại, mỗi năm bệnh viện tổ chức 3 lớp đào tạo chuyên sâu trong lĩnh can thiệp mạch máu thần kinh” - BS.CK2 Trần Văn Sóng thông tin.

“Y học ngày nay có mắt thần, nhìn sâu nhìn suốt thấy ung thư”

Hội thảo tiếp nối với bài tham luận “Ung thư biết sớm trị lành” của GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Trung tâm y khoa chuyên sâu Quốc tế Bernard.

Theo GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, ung thư “mọc ra từ đột biến gen, lan tràn khắp chốn hoành hành khắp nơi”. Có một số loại virus gây ung thư như: H.pylori gây ung thư dạ dày; HPV gây ung thư cổ tử cung; HBV, HCV gây ung thư gan,…

“Y học ngày nay có mắt thần, nhìn sâu nhìn suốt thấy ung thư” đó là các phương pháp nội soi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm,… giúp phát hiện các đột biến gen.

GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Trung tâm y khoa chuyên sâu Quốc tế Bernard

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, có thể làm nhẹ gánh nặng ung thư bằng cách phòng chống. Trong đó, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như hóa chất (thuốc lá…) sinh ung thư, nếp sống không lành mạnh, virus hoặc vi khuẩn sinh ung thư, bức xạ sẽ giúp phòng tránh được khoảng 40% ung thư.

Chăm sóc giảm nhẹ làm giảm bớt sự đau đớn thể chất, cảm xúc, tinh thần và xã hội. Bên cạnh đó, đây là nhu cầu khẩn thiết cho những người mắc ung thư ở các giai đoạn tiến xa trên toàn cầu.

“Tầm soát có thể tìm ra và điều trị các tổn thương tiền ung thư và các ung thư sớm, trước khi căn bệnh lan tràn. Các tổ chức phòng chống ung thư trên thế giới có phổ biến những gì người bệnh cần hỏi các thầy thuốc để rà tìm một số loại ung thư. Cùng với đó, y học hện nay đã có trong tay các xét nghiệm tầm soát giúp tìm ra ung thư trước khi có bất cứ triệu chứng nào” - GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng nhấn mạnh.

Trữ trứng - trữ mô buồng trứng phù hợp với xu hướng xã hội hiện nay

Trong phần tham luận cuối cùng, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám Đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ nội dung về “Những tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản”.

Năm 1997, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên của Việt nam thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Vào ngày 30/4/1998, 3 đứa trẻ đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam ra đời. Cho đến hiện nay, nước ta đã có hơn 10.000 trẻ được ra đời nhờ phương pháp này.

Cùng với sự phát triển, hiện cả nước có 53 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tỷ lệ thành công chiếm từ 28 - 60%, tùy theo tuổi của người vợ khi thực hiện và trung tâm hỗ trợ. Tỷ lệ ngang bằng các nước trên thế giới và trong khu vực.

Hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đều đã áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nước ít ỏi trên thế giới cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Đại biểu và giảng viên, sinh viên trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tham dự phiên 2 của hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”

So với các nước trên thế giới, chi phí điều trị ở nước ta rất thấp. Nếu tại các nước lân cận như Thái Lan, Singapore,… 1 ca thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 10.000USD thì tại Việt Nam chỉ khoảng 3,000USD.

“Tuy nhiên, so với thu nhập của người nhân chúng ta thì đây vẫn là một bài toán khó. Đặc biệt, đến tời điểm hiện tại BHYT không chi trả cho bất kỳ một ca hiếm muộn nào. Hy vọng trong thời gian sắp tới, khi luật BHYT mới sửa đổi sẽ bổ sung thêm nội dung hỗ trợ chi phí khám và điều trị hiếm muộn, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm. Từ đó, giúp các cặp vợ chồng thực hiện được thiên chức làm cha làm mẹ và góp phần giảm tỷ lệ ly hôn trong xã hội” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.

Xu hướng ngày nay, phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội ngày càng nhiều nên việc trì hoãn mang thai cũng ngày càng lâu hơn. Tuy nhiên, không may mắn là khi hoàn thành mục tiêu trong cuộc đời thì thời điểm đó buồng trứng không còn trứng nữa. Vì vậy, kỹ thuật trữ trứng ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam và trên thế giới.

Bên cạnh đó, trữ mô buồng trứng cũng là một trong những kỹ thuật rất tiên tiến giúp bảo tồn khả năng sinh sản phụ nữ. Những người bệnh ung thư khi điều trị xạ trị, hóa trị… sẽ tác động lên mô buồng trứng gây suy buồng trứng sớm.

Đối với những trường hợp này, sẽ lấy mô buồng trứng ra trước và trữ lại, sau đó sẽ điều trị ung thư. Khi điều trị thành công sẽ thực hiện quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 100 đứa trẻ ra đời nhờ kỹ thuật trữ mô buồng trứng và Việt Nam cũng đang thực hiện phương pháp này.

Ngoài ra, cả nước có 6/53 trung tâm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ đối với các trương hợp tưởng chừng vô vọng: bất sản tử cung, bị cắt tử cung, bệnh lý nội khoa không thể mang thai…

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám Đốc Bệnh viện Hùng Vương

>>> Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”

>>> TPHCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN: Đừng nói nghị quyết nữa, hãy hành động!

>>> TPHCM phát triển 3 cụm Y tế chuyên sâu để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X