Hotline 24/7
08983-08983

TPHCM phát triển 3 cụm Y tế chuyên sâu để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN

3 Cụm Y tế chuyên sâu này sẽ gắn liền với 5 trung tâm cấp cứu là mạng lưới bao phủ thành phố và trở thành điểm kết nối vùng quan trọng. Đây là một trong những kế hoạch sẽ được triển khai nhằm hướng đến TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Trong phiên toàn thể hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” do Bộ Y tế phối hợp cùng báo Tiền phong tổ chức tại TPHCM vào ngày 19/10/2023, Sở Y tế TPHCM đã đưa ra những giải pháp để xây dựng Thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tháng 6 vừa qua, ngành Y tế TPHCM đã tổ chức thành công hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM”, tạo cơ sở khoa học để xây dựng đề án phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. “Đề án này đã trình lên UBND Thành phố để xem xét, phê duyệt và ban hành trong thời gian sớm nhất” - ông Dũng nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, TPHCM đang tập trung y tế ở khu trung tâm. Vì vậy, cần có những giải pháp để phát triển chuyên sâu đồng bộ, bao phủ khu vực thành phố. Đồng thời TPHCM còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là phát triển y tế vùng với các khu vực lân cận.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” do Bộ Y tế phối hợp cùng báo Tiền phong tổ chức

3 Cụm Y tế và 5 Trung tâm Cấp cứu bao phủ toàn thành phố

Trong các nhóm giải pháp để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, Sở Y tế TP đề xuất lãnh đạo TPHCM chấp thuận quy hoạch phát triển hệ thống y tế của Thành phố thành 3 cụm y tế chuyên sâu.

Đó là “Cụm Y tế Trung tâm” bao gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của ngành y tế TP trên địa bàn đã và đang có, cùng với những trường đại học đào tạo liên quan đến sức khỏe, ví dụ như Đại học Y Dược TPHCM. Hai là “Cụm Y tế Tân Kiên” - Bình Chánh, hiện cũng đã có những bệnh viện  chuyên sâu như Nhi đồng Thành phố, Truyền máu Huyết học, Trung tâm Pháp Y, đồng thời sẽ tiếp tục phát triển các lĩnh vực Sản, Trung tâm Cấp cứu 115…

Thứ ba là “Cụm Y tế TP Thủ Đức”, thực tiễn đã có những bệnh viện như Ung Bướu 2 quy mô 1.000 giường, BV Đa khoa khu vực và các bệnh viện quận, bệnh viện hạng 1 như Lê Văn Việt, Lê Văn Thịnh, Khu vực Thủ Đức để phục vụ cho 1,2 triệu dân. Song song đó, tại khu vực này đã và đang quy hoạch để phát triển tiếp các bệnh viện chuyên sâu, trong đó dự kiến sẽ hình thành 1 trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho biết, 3 cụm y tế này trong tương lai sẽ tiến tới hỗ trợ y tế vùng. Cụ thể, theo kế hoạch, Cụm Y tế Tân Kiên sẽ kết hợp với 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, Cụm Y tế TP Thủ Đức kết hợp với Đông Nam Bộ để tạo nên mạng lưới y tế vùng. Cụm Trung tâm sẽ hỗ trợ tất cả về kỹ thuật chuyên sâu - nguồn lực - đào tạo để kết nối cả 3 cụm hoàn thành sứ mệnh trung tâm y tế chuyên sâu.

“Cùng với đó, Thành phố cũng đang xem xét phê duyệt đề án phát triển theo hướng chuyên nghiệp hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TPHCM. Hệ thống này sẽ có 5 trung tâm cấp cứu trên địa bàn thành phố, trong đó 3 trung tâm cấp cứu gắn liền với Cụm y tế chuyên sâu và hai trung tâm khác gồm có trung tâm cấp cứu hàng không tại Bệnh viện Quân Y 175, trung tâm cấp cứu đường thủy tại Cần Giờ. 5 trung tâm này sẽ là mạng lưới bao phủ về cấp cứu ngoài bệnh viện tại thành phố” - ông Dũng thông tin.

Thành phố vẫn sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ. “Thời gian qua nhiều bệnh viện thành phố cũng được đầu tư xây dựng mới, cải tạo và hoàn thiện để trở thành bệnh viện có cơ sở hiện đại, đồng bộ như Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Pháp Y… Ngoài ra, hiện có dự án đầu tư trang thiết bị hiện đại cho 3 bệnh viện cửa ngõ lên đến 4.300 tỷ, đây là dự án đột phá mà lãnh đạo TP, HĐND TP đã quyết tâm dành những đặc thù cho ngành y tế Thành phố” - TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho biết.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho rằng, phát triển chuyên sâu không chỉ tập trung ở cụm chuyên sâu mà còn ở những nơi còn thiếu nguồn nhân lực, cách xa trung tâm thành phố. Gần đây nhất, Thành phố đã khai trương Trung tâm, Đơn vị Thận nhân tạo ngay tại Trung tâm huyện Cần Giờ do Bệnh viện Lê Văn Thịnh hỗ trợ chuyển giao. “Như vậy, người dân ở Cần Giờ sẽ không phải đi xa hàng chục km, để chạy chu kỳ thận trong tuần”.  

TS.BS Nguyễn Anh Dũng

Mạng lưới các chuyên khoa phủ sóng khắp Thành phố và trở thành điểm kết nối y tế vùng

Song song với các giải pháp nói trên, Sở Y tế TP còn đề xuất tiếp tục xây dựng mạng lưới chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở, từ TPHCM đến các tỉnh, thành trong khu vực. Ngoài những mạng lưới hiện hữu về Sản khoa, Nhi khoa thì cần tập trung đẩy mạnh mạng lưới phòng chống ung thư, đột quỵ, tim mạch.

Hiện, kế hoạch phòng chống ung thư đã tiến tới liên kết vùng để mạng lưới phát huy hiệu quả hơn. Theo đó, mạng lưới chuyên khoa Ung Bướu tại thành phố đã lên đến 1.800 giường, với 27 bệnh viện tham gia điều trị ung thư, 400 bác sĩ chuyên khoa ung bướu, 77 phòng khám chuyên khoa ung bướu… Với đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như CT-scan, MRI, PET/CT, giải phẫu bệnh, y học hạt nhân, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử, NGS,… và đủ phương tiện, nhân sự chuyên sâu điều trị phẫu thuật, xạ trị-y học hạt nhân, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, trong 3 tháng vừa qua, Thành phố cũng tổ chức được 70 điểm khám sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở, trước mắt là khám cho người cao tuổi, tập trung vào phát hiện những nhóm bệnh không lây ví dụ như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận… “Chuyên sâu không có nghĩa là có bệnh tật rồi mới sử dụng những kỹ thuật cao. Thông qua việc thăm khám cho người cao tuổi, đến nay đã thu thập được 21.000 dữ liệu về sức khỏe. Theo kế hoạch đến năm 2024, gần 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn thành phố sẽ được khám sức khỏe và lưu trữ dữ liệu hồ sơ sức khỏe để có mô hình về sức khỏe của người cao tuổi, từ đó có thêm những kế hoạch, chiến lược chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.

Tại buổi hội thảo, TS.BS Nguyễn Anh Dũng còn thông tin về những kế hoạch nhằm thúc đẩy ngành y tế TPHCM toàn diện hơn, đồng bộ hơn như phát triển mạng lưới các chuyên khoa theo quy mô vùng đối với các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao (như Ung thư, Đột quỵ, Tim mạch, Ngoại chấn thương, Sản khoa, Nhi khoa…); phát triển đầy đủ các loại hình cung ứng chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; phát triển y học cổ truyền gắn liền với phát triển du lịch y tế; hình thành các trung tâm, đơn vị nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo tại các viện, bệnh viện, cơ sở y tế tuyến cuối của Thành phố.

Để phát triển hệ thống y tế tại TPHCM chuyên sâu, tiến gần hơn với mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, ngành y tế thành phố cũng chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh; củng cố y tế cơ sở - phát triển y tế cộng đồng; chuyên nghiệp hoá hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện…” - TS.BS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

>>> Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”

>>> TPHCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN: Đừng nói nghị quyết nữa, hãy hành động!

>>> Xu hướng phát triển của các bệnh viện lớn tại TPHCM là tiền đề để trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hệ thống y tế của thành phố hiện có 129 bệnh viện, trong đó có 12 bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối của miền Nam thuộc bộ, ngành, 32 bệnh viện thành phố, 19 bệnh viện quận huyện, và ghi nhận đặc điểm nổi bật của TPHCM là có 66 bệnh viện tư nhân trên địa bàn, chiếm 20% trong số 335 bệnh viện tư nhân trên cả nước, chiếm 10% số giường bệnh trên cả nước.

Bên cạnh bệnh viện 22 trung tâm y tế và 310 trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu. Có trên 8000 phòng khám tư nhân. Ngoài Trung tâm cấp cứu hình thành hơn 10 năm, gần 40 trạm cấp cứu vệ tinh phủ sóng khắp thành phố để đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện cho người dân thành phố.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X