Hotline 24/7
08983-08983

Viêm da, loét da, phỏng da sau xạ trị ung thư, điều trị bằng cách nào?

Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất sau xạ trị điều trị ung thư là viêm loét, phỏng da. Làm sao để giải quyết tình trạng này, giảm thiểu khó chịu cho người bệnh? ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung Bướu - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh nhân ung thư giai đoạn nào cần xạ trị?

Xạ trị là gì, bệnh nhân ung thư giai đoạn nào thì cần thực hiện phương pháp này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Xạ trị là một trong những biện pháp điều trị ung thư chủ lực hiện nay. Với phương pháp này sẽ dùng tia phóng xạ liều cao nhằm tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa hiệu quả các tế bào ác tính. Xạ trị gồm có: xạ trị ngoài (tia xạ chiếu từ ngoài vào trong cơ thể), xạ trị trong (áp vùng phóng xạ trực tiếp vào sang thương), hoặc có thể dùng phóng xạ dạng uống, ví dụ như trong ung thư tuyến giáp.

Đối với xạ trị có thể áp dụng với tất cả các giai đoạn khác nhau của bệnh ung thư, tùy vào loại bệnh, giai đoạn bệnh và mục đích điều trị để áp dụng phương thức xạ trị.

Chẳng hạn đối với ung thư cổ tử cung, ung thư thanh quản giai đoạn sớm có thể dùng xạ trị để điều trị triệt để, trị dứt bệnh. Đối với ung thư phổi, ung thư tuyến vú có di căn phổi, xương có thể dùng tia phóng xạ để chiếu vào khối di căn ở não, xương giúp giảm nhẹ triệu chứng, giảm đau, mệt, nhức đầu cho bệnh nhân.

Chúng ta có thể phối hợp xạ trị với các phương pháp khác trong điều trị ung thư như xạ trị, thuốc đặc trị, tùy thuộc vào giai đoạn và loại bệnh ung thư, mục đích điều trị.

>>> Những điều cần biết về xạ trị

2. Các tác dụng phụ nào có thể gặp sau khi xạ trị?

Sau khi xạ trị, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ, di chứng nào ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Tia phóng xạ giúp kiểm soát, tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng đổi lại nó cũng tác động trên đường đi, những mô lành xung quanh tế bào ung thư. Tùy theo vị trí xạ trị mà tia phóng xạ gây ra các tác dụng phụ khác nhau.

Chẳng hạn như da thì có thể gây sạm da, viêm da hoặc loét da. Đối với phổi thì có thể gây ra viêm phổi tạo cho bệnh nhân cảm giác tức ngực, ho. Khi chiếu vào não có thể ảnh hưởng mô não xung quanh, gây cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu. Đối với ung thư cổ tử cung hoặc ung thư ruột già, ung thư trực tràng, khi chiếu vào vùng bụng dưới có thể kích thích ruột làm cho bệnh nhân đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc dễ bị mót rặn.

Với bác sĩ chuyên khoa xạ trị, khi áp dụng phương pháp này đối với vị trí nào thì sẽ biết được tác dụng phụ, vì vậy bằng các kỹ thuật khác nhau sẽ cố gắng giảm thiểu di chứng, tác dụng phụ cho bệnh nhân.

3. Viêm loét da do xạ trị, do đâu?

Một trong những tác dụng do xạ trị gây ra là loét. Nhờ BS chia sẻ rõ hơn tình trạng loét do xạ trị là gì?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Da là cơ quan nhạy cảm với tia xạ. Khi xạ trị ngoài (nguồn phóng xạ ngoài chiếu vào cơ thể), trước khi tia xạ tiếp xúc được với tế bào ung thư nằm bên trong thì phải đi qua da, vì vậy da là cơ quan thường gặp tác dụng phụ do xạ trị nhất.

Tác dụng phụ trên da do xạ trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng, chẳng hạn như viêm da. Người bệnh có thể bị từ đỏ da, rát da như phỏng nặng cho đến nặng hơn là nổi bóng nước, rỉ dịch. Thậm chí là tạo thành vết nứt, loét gây chảy máu, tổn thương cơ quan nằm sâu bên trong như là mạch máu, xương. Bên cạnh đó, xạ trị cũng có thể để lại di chứng như sạm da, xơ cứng da cũng như mô mềm - tình trạng này có khả năng khiến bệnh nhân hạn chế, mất chức năng vận động.

Tình trạng viêm loét da do xạ trị có thể tiến triển trong vài ngày và có thể kéo dài đến vài tháng sau khi dứt đợt xạ trị.

4. Đắp mỡ trăn, lô hội lên vết loét da do xạ trị, liệu có hiệu quả?

Nhiều người bị viêm loét do xạ trị nhưng không đi khám, thay vào đó là dựa theo các phương pháp dân gian hoặc áp dụng theo kinh nghiệm từ những người đồng bệnh để bôi lên như mỡ trăn, lô hội, kem đánh răng, các loại lá cây… Nhận định của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Thứ nhất, viêm da, loét da do xạ trị là vấn đề khó điều trị. Thứ hai, người bệnh tự tìm kiếm các phương pháp trên mạng hoặc các loại lá, chế phẩm không rõ nguồn gốc, chích lễ trên vết loét… sẽ rất nguy hiểm.

Khi sử dụng các phương pháp dân gian hoặc chế phẩm không rõ nguồn gốc có thể làm vết loét bị nhiễm trùng nặng hơn, gây đau, chảy máu kéo dài. Một số trường hợp khi đắp lên vết loét có thể kích thích khối u bùng phát, lan tràn nhanh hơn.

Vì vậy, người bệnh nếu có bất kỳ vấn đề nào thì nên quay lại bác sĩ đang điều trị để được đánh giá, đưa ra giải pháp an toàn hơn.

5. Những biện pháp điều trị loét do xạ trị nào đang được áp dụng tại Việt Nam?

Loét do xạ trị liệu có chữa khỏi hẳn được không? Hiện nay ở Việt Nam đã có những liệu pháp nào để điều trị tình trạng này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Tình trạng viêm da do xạ trị thường gặp và có thể kéo dài. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân sẽ ổn định và hết theo thời gian. Đa phần các trường hợp cũng không để lại di chứng nghiêm trọng với bệnh nhân.

Dự phòng tốt nhất vẫn là phương tiện và kỹ thuật xạ trị. Theo tôi biết, về mặt phương tiện, hệ thống xạ trị hiện đại hiện nay rất tốt, ít gây tổn thương da, phần mềm, tính toán liều rất tinh tế, cũng như đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo lành nghề. Vì vậy, hiện nay về mặt kỹ thuật, phương tiện so với thời gian trước, đã cải thiện nhiều và giảm thiểu biến chứng do xạ trị gây ra.

Đối với bệnh nhân không may bị loét da, viêm da do xạ trị thì tốt nhất vẫn là chăm sóc tại chỗ, giữ khô, sạch phối hợp thêm các thuốc như kháng sinh, kháng viêm hoặc oxy cao áp nếu có tình trạng viêm nhiễm nhiều. Không áp dụng, hạn chế tối đa các biện pháp chích lễ, đắp lá. Đối với việc xạ trị vùng đầu cổ thì cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng để không bị sâu răng, vì viêm nha chu có thể làm nặng thêm tình trạng viêm loét do xạ trị. Lưu ý, nên có chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Đối với những trường hợp vết loét lan rộng, kéo dài gây lộ xương, mạch máu khiến bệnh nhân mất chức năng, không đi lại, vận động được thì buộc phải cân nhắc can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để làm sạch và sau đó tái tạo. Tuy nhiên, việc phẫu thuật trên bệnh nhân có vết loét do xạ trị khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa bác sĩ ung thư, bác sĩ xạ trị, cũng như bác sĩ tạo hình để chọn cách tốt nhất, phục hồi chức năng tốt nhất cho người bệnh.

>>> Có phải phẫu thuật khiến ung thư di căn nhanh hơn, khó điều trị hơn?

Máy xạ trị chiếu chùm tia xạ đến khối u (Ảnh minh họa)

6. Làm sao khắc phục tình trạng bỏng da, đau và ngứa sau xạ trị?

Thưa BS, người thân em mắc ung thư, có chỉ định xạ trị. Nhưng sau khi xạ trị thì bị bỏng da, rất đau và ngứa. Xin hỏi làm sao khắc phục tình trạng này ạ? (Trịnh Ái Nhi)

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Tình trạng viêm da, phỏng da do xạ trị, cách tốt nhất là chăm sóc tại chỗ, giữ khô - sạch. Nếu có tình trạng bong da hoặc chảy nước thì có thể mua các loại gạc vô trùng dành cho bệnh nhân phỏng để che lại chỗ viêm. Cố gắng mặc quần áo rộng để tránh cọ sát vào các vết viêm da, phỏng da. Chẳng hạn xạ vùng cổ thì chọn loại áo thoải mái, loại vải không quá cứng để tránh chà xát, nhiễm trùng. Khi ra ngoài đường nên che chắn, tránh ánh nắng, vì trong quá trình viêm da do xạ trị, da rất nhạy cảm với ánh nắng.

Bệnh nhân có thể dùng thêm thuốc bôi, thuốc kháng viêm tại chỗ. Đồng thời có thể xoa nhẹ lên trên để nhằm giảm cảm giác rát, ngứa. Trong thời điểm này da, cơ thể nhạy cảm, bệnh nhân có thể dùng các loại dầu tắm - sữa tắm dành cho em bé, êm dịu, giảm kích thích cho da. Hạn chế tác động lên các vùng xạ càng nhiều càng tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X