Hotline 24/7
08983-08983

Viêm bờ mi: bệnh lý mạn tính chớ xem thường

Viêm bờ mi là bệnh lý mạn tính ở mắt, thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể dẫn đến một vài biến chứng nghiêm trọng.

Hình ảnh viêm bờ mi (ảnh minh họa)

Trong bài viết bên dưới, hãy cùng Alobacsi tìm hiểu về bệnh viêm bờ mi, cũng như các dấu hiệu nhận biết để có thể điều trị kịp thời và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.

1. Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi là tình trạng viêm ở mi mắt, thường ảnh hưởng cả mi trên và mi dưới. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây khô mắt, khó điều trị và có thể gây ra những tổn thương bề mặt nhãn cầu làm giảm thị lực nghiêm trọng [1]. Bệnh được chia làm hai loại:

Viêm bờ mi trước: xảy ra ở phía trước đường xám, do tắc nghẽn các tuyến bã nhờn gần chân lông mi.

Hình ảnh viêm bờ mi trước (Ảnh minh họa)

Viêm bờ mi sau: xảy ra ở phía sau đường xám, thường do rối loạn chức năng các tuyến Meibomius.

Hình ảnh tắc nghẽn lổ đổ của tuyến Meibomius (Ảnh minh họa)

Viêm bờ mi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến ở những người trên 40 tuổi. Theo một nghiên cứu về dịch tễ học tại Hàn Quốc,  tỷ lệ mắc viêm bờ mi ở những người trên 40 tuổi chiếm 8,8%[2] và tăng dần theo độ tuổi.

Các triệu chứng chính của viêm bờ mi, bao gồm:[3]

● Ngứa mi mắt

● Chảy nước mắt và sợ ánh sáng

● Đỏ mắt

● Cay mắt

● Cảm giác có dị vật trong mắt

● Chất tiết nhiều gây dính mi mắt

● Chớp mắt thường xuyên hơn

● Bong vảy hoặc đóng vảy ở chân lông mi, tương tự như gàu

● Bong da quanh mắt

● Bờ mi đọng nhiều bọt và có những bọng nước nhỏ

● Một số bệnh lý toàn thân đi kèm như bệnh trứng cá đỏ (Rosacea) ở mắt, bệnh vẩy nến hoặc viêm da tiết bã.

Viêm bờ mi có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

● Nhìn mờ

● Lông mi rụng nhiều

● Lông mi mọc sai hướng gây ra lông xiêu

● Tổn thương giác mạc

Các triệu chứng viêm bờ mi thường xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn mạn tính, những triệu chứng trên sẽ kéo dài dai dẳng và có những đợt triệu chứng diễn tiến nặng hơn.

2. Nguyên nhân gây viêm bờ mi

Cho đến nay, nguyên nhân cụ thể gây viêm bờ mi vẫn chưa được xác định rõ. Các chuyên gia cho rằng, một số tình trạng sau có thể gây ra bệnh:[4]

● Sự phát triển quá mức của vi khuẩn ở chân lông mi, dẫn đến hình thành vảy và gây kích ứng da quanh bờ mi.

● Rối loạn chức năng của các tuyến Meibomius làm tuyến tắc nghẽn hoặc tăng tiết gây tăng phản ứng viêm trên bề mặt nhãn cầu.

● Do Demodex gây ra. Demodex là loại ve thường sống ở các nang lông vùng mặt và mắt. Chúng thường tập trung nhiều ở nang lông mi, gây kích ứng vùng da xung quanh và tạo nhiều vảy bờ mi.

● Do các bệnh lý toàn thân như bệnh trứng cá đỏ (Rosacea), bệnh vảy nến hoặc viêm da tiết bã.

● Sử dụng một số loại thuốc, kính áp tròng hoặc mỹ phẩm gần bờ mi mắt.

● Vệ sinh bờ mi kém khiến vi khuẩn phát triển quá mức, nhất là các bé thiếu nhi.

3. Các biến chứng khi bị viêm bờ mi

Tình trạng viêm bờ mi có thể dẫn đến một số biến chứng sau:[5]

Các vấn đề về lông mi: Viêm bờ mi có thể khiến lông mi rụng nhiều, lông mi mọc sai hướng gây lông xiêu.

Các vấn đề về da mi: Viêm bờ mi kéo dài có thể hình thành sẹo ở mi mắt, bờ mi quay vào trong (còn gọi là quặm mi).

Khô mắt: các chất tiết và các vảy từ bờ mi, lông mi có thể tích tụ ở màng phim nước mắt, dẫn đến rối loạn phim nước mắt. Tình trạng này đưa đến nước mắt bốc hơi nhanh, làm tăng phản ứng viêm ở bề mặt nhãn cầu gây ra nhiều tổn thương trên kết mạc và giác mạc.

Lẹo: là tình trạng nhiễm trùng phát triển gần chân lông mi, hình thành một khối sưng, đỏ, đau ở bờ mi.

Chắp: là do tắc nghẽn tuyến Meibomius của mi mắt, hình thành một khối tròn và sưng ở bờ mi. Các khối này thường rõ và cứng.

Tổn thương giác mạc: Viêm bờ mi kéo dài hoặc lông xiêu có thể gây kích ứng liên tục lên bề mặt giác mạc, cùng với các vi khuẩn thường trú trên bề mặt mắt có thể dẫn đến viêm loét giác mạc do vi khuẩn.

Đau mắt đỏ mạn tính: Viêm bờ mi mạn tính có thể khiến kết mạc của mắt lúc nào cũng đỏ.

Mặc dù, viêm bờ mi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như trên, nhưng phần lớn các trường hợp vệ sinh mắt sạch có thể giúp kiểm soát bệnh và thuyên giảm triệu chứng. Vì thế, để vệ sinh mi mắt đúng cách, bạn có thể tham khảo sử dụng miếng vệ sinh mi mắt chuyên dụng đã được làm ẩm bằng các dung dịch chuyên dụng, giúp làm sạch mi bằng cách loại bỏ dầu, bụi bẩn, phấn và các chất khác. Từ đó, giúp bờ mi và lông mi sạch hơn, ngăn ngừa tình trạng viêm bờ mi.

Hy vọng các thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn biết được mức độ nguy hiểm của bệnh viêm bờ mi và biết được các dấu hiệu mắc bệnh để có thể khám và điều trị kịp thời.

[1] AOA: Blepharitis

[2] NCBI: Blepharitis

[3] Mayoclinic: Blepharitis

[4] Verywell Health: How Blepharitis Is Treated

[5] NIH: Blepharitis

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X