Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao trẻ em cũng đột quỵ? Có nên đi tầm soát đột qụy cho trẻ?

Mới đây, thông tin bé trai 3 tuổi tại TPHCM bị đột quỵ xuất huyết não khiến nhiều phụ huynh lo lắng. BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM giải đáp về vấn đề này.

1. Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ nhỏ là gì?

Lâu nay mọi người cứ tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn, nay đọc tin này thấy hoang mang. Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ nhỏ là gì thưa bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi chúng ta nghe thông tin em bé bị đột quỵ thì đa số thấy lạ, nhưng thật ra đây là một bệnh lý đã có từ lâu. Tuy nhiên sau này nhờ có phương tiện truyền thông, báo chí thì chúng ta được tiếp cận nghe và thấy nhiều hơn.

Nguyên nhân đột quỵ ở trẻ em chỉ khác so với người lớn một chút còn lại tương đối giống.

Có 3 nhóm chính gây ra đột quỵ ở trẻ em:

  1. Nguyên nhân đầu tiên là do dị dạng ở mạch máu của vùng não, dị dạng này vỡ ra tùy vào mức độ tsẽ có những đột quỵ khác nhau ví dụ: vỡ một cách rất mạnh sẽ làm em bé hôn mê thậm chí ngưng thở, sau đó phải thở máy và làm các chuẩn đoán mới biết; nếu là vỡ nhẹ sẽ làm em bé liệt chi, đau đầu.
  2. Nguyên nhân thứ hai là do có một lỗ thông ở tim làm cho dòng máu trong tim bị lẫn lộn sẽ hình thành những cục máu đông đi thẳng lên não làm tắc mạch máu não. Như chúng ta biết mạch máu não rất nhỏ, nếu cục máu đông chạy từ chỗ lớn qua chỗ nhỏ mà nếu chui qua không được thì nó sẽ bị bít lại khiến tắc và gây ra triệu chứng giống như đột quỵ cho em bé; bé đột nhiên bị liệt nửa người, liệt một tay rồi lơ mơ.
  3. Nhóm thứ ba là một bệnh lý được gọi là tăng đông nghĩa là khả năng đông máu của em bé tăng nhiều hơn người khác, trong người sẽ có những cục máu đông cộng thêm với vùng mạch máu não nhỏ cuối cùng là làm tắc.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

2. Tỷ lệ trẻ bị đột quỵ hàng năm cao hay thấp?

Hàng năm trung bình có khoảng bao nhiêu ca trẻ nhỏ bị đột quỵ, tính riêng ở BV Nhi đồng 1 TP HCM? Tỷ lệ này có gia tăng trong những năm qua?

BS Trương Hữu Khanh:

Tỷ lệ trẻ bị đột quỵ hàng năm không gia tăng; thật ra một năm chỉ khoảng hơn 10 ca. Tỷ lệ cũng vẫn giống ngày trước không gia tăng. Tuy nhiên hiện nay mức độ để chẩn đoán ra nguyên nhân của bệnh thì đã tiến cao hơn nhiều so với lúc trước, cách đây 5-7 năm chúng ta không có phương tiện để chẩn đoán, còn hiện nay chúng ta có rất nhiều như: MRI (chẩn đoán hình ảnh mạch máu não), siêu âm tim với kĩ thuật đặc biệt tìm những lỗ thông, làm các xét nghiệm tăng đông tìm nguyên nhân gây đông máu nếu có.

Hiện nay có khá nhiều nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em và để tìm ra nguyên nhân cũng khá nhanh và tốt, số ca thì không tăng hơn so với những năm trước.

3. Cấp cứu và điều trị đột quỵ ở trẻ em có khác người lớn không?

Việc cấp cứu và điều trị đột quỵ ở trẻ em có khác người lớn không, thưa bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh:

Giữa việc cấp cứu đột quỵ so với trẻ em và so với người lớn không khác gì nhiều. Ở người lớn người ta hay tìm thêm triệu chứng của cao huyết áp, cholesterol tăng. Với trẻ em hay người lớn thì khi đột quỵ chúng ta vẫn phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt; hôn mê thì phải cấp cứu. Tuy nhiên tỷ lệ em bé hôn mê giống như người lớn thì thấp hơn nhiều.

Với đột quỵ ít khi nào người nhà bệnh nhân cho bé ở nhà vì các triệu chứng của nó rất rõ: trẻ bị hôn mê co giật, liệt nửa người hoặc liệt tay, liệt chân; các triệu chứng thường không kín đáo khiến phụ huynh rất sợ vì thế thường sẽ tiếp cận đến các bệnh viện lớn, ít khi nào đi tới bệnh viện huyện.

4. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị đột quỵ?

Làm sao để phân biệt trẻ ngất do các nguyên nhân khác và do đột quỵ?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi một em bé bị ngất cần đặc biệt theo dõi sau khi ngất em bé sẽ thế nào. Nếu ngất xong em bé có triệu chứng yếu nửa người, lơ mơ thì liên quan đến não khả năng đột quỵ rất cao. Hoặc ngất xong em bé lại tỉnh táo đi tới đi lui bình thường thì có 2 bệnh lý:

- Một là do sự sợ hãi đặc biệt là ở trẻ em vị thành niên.

- Hai là bị động kinh

Ngoài ra cũng có thể là do rối loạn nhịp tim.

Quan trọng nhất vẫn là sau khi ngất em bé thế nào; tuy nhiên dù sau khi ngất em bé tỉnh nhưng nếu tái đi tái lại nhiều lần thì nên đưa em bé đi khám nếu có cần can thiệp lâu dài.

Nếu nghi ngờ em bé bị đột quỵ thì chắc chắn phải đến bệnh viện; chỉ có một số trường hợp với các biểu hiện rất ít ỏi như xuất hiện một cơn nhức đầu không giải thích được; ví dụ em bé có một dị dạng trong mạch máu não và thỉnh thoảng em bé bị nhức đầu.

Nếu bé bị nhức đầu nhiều lần, khám nhiều lần không rõ nguyên nhân lúc này nên đưa bé đến chuyên khoa nội thần kinh để chẩn đoán loại hẳn ra nguyên nhân do bệnh lý mạch máu não; còn nhức đầu thông thường thì vẫn không cần can thiệp; nên tìm những nguyên nhân thông thường như: stress, mất ngủ, sử dụng điện thoại di động quá nhiều, cận thị,...

Cha mẹ cần lưu ý những biểu hiện dự báo đột quỵ ở con trẻ? Những biểu hiện này có dễ nhầm lẫn bởi những triệu chứng bệnh khác?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ con chắc chắn sẽ không có các tiền chứng giống như người lớn; với người lớn có thể đo huyết áp hoặc xét nghệm máu xem cholesterol có tăng hay không, chứ còn đối trẻ em thì chỉ có thể theo dõi vấn đề đó là tiền căn nhức đầu kéo dài.

Ngoài ra có một số em bé tình cờ phát hiện tim bẩm sinh hoặc không có các tiền chứng để báo trước đột quỵ.thì các bậc phụ huynh cần lưu ý để can thiệp.

5. Phải làm gì khi trẻ bị đột quỵ, sơ cấp cứu thế nào?

Nếu phát hiện trẻ bị đột quỵ, phụ huynh cần phải sơ cấp cứu như thế nào? Cách chuyển trẻ đến cơ sở y tế như thế nào là tối ưu thưa bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu em bé không suy hô hấp thì phụ huynh không cần làm gì, cứ đưa em bé đến bệnh viện bình thường. Nếu suy hô hấp thì chắc chắn bạn cần đưa trẻ đến một cơ sở y tế gần nhất cho em bé thở oxy sau đó các y BS ở đó người ta sẽ chuyển lên tuyến trên chứ chúng ta cũng không cần phải làm gì đặc biệt.

6. Các bệnh viện có chức năng cấp cứu đột quỵ nhi khoa?

BS Trương Hữu Khanh:

Tại TPHCM có 3 bệnh viên nhi: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng thành phố đều có đội ngũ cấp cứu. Tuy nhiên nếu thấy em bé có triệu chứng nặng thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để người ta giúp bạn sơ cứu cho trẻ ban đầu rồi sau đó chuyển lên tuyến tuyến trên.

Trên cả nước có những bệnh viện sản nhi ở các tỉnh đều có thể sơ cứu đột quỵ cho trẻ em. Hà Nội thì có bệnh viện Nhi TW, ... Họ đều có thể sơ cứu các bước cần thiết ban đầu rồi sau đó khi cần những chẩn đoán cao hơn thì có thể chuyển lên tuyến trên nếu các BS chưa làm được.

7. Gia đình có người từng bị đột quỵ, có nên đi tầm soát cho trẻ?

Nếu gia đình có người từng bị đột quỵ, có nên đi tầm soát cho trẻ? Bệnh này có di truyền? Có nên tầm soát đột quỵ cho trẻ để dự phòng đột quỵ do dị dạng mạch máu não?

BS Trương Hữu Khanh:

Không, nếu người lớn trong gia đình có người bị đột quỵ thì cũng không liên quan gì đến trẻ em cả. Bệnh lý ở trẻ em và người lớn khác nhau rất xa. Ở người lớn chủ yếu là huyết áp cao, tắc mạch máu do cholesterol, ở trẻ em thường là vỡ dị dạng mạch máu và tắc mạch máu do tim bẩm sinh hoặc bệnh lý tăng đông. Do đó chúng ta không cần thiết quan tâm và đắn đo là ở nhà có người bị đột quỵ thì có cần cho em bé đi tầm soát hay không.

Không cần phải tầm soát cho trẻ để dự phòng đột quỵ do dị dạng mạch máu não. Vì tỷ kệ em bé có dị dạng mạch máu não rất thấp; trong khi đó để tầm soát đòi hỏi rất nhiều công đoạn, phức tạp. Tỷ lệ trẻ bị dị dạng mạch máu não rất thấp nếu tầm soát hàng ngàn em mà chỉ tìm ra 1-2 em bị thì quá tốn kém trong khi đó thì chúng ta có thể theo dõi bằng cách quan sát nếu thấy em bé có những cơn nhức đầu.

Chúng ta không nên nghĩ đến việc một em bé đang bình thường như vậy bắt trẻ đi tầm soát điều này không có lợi.

Hiền Thục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X