Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao huyết áp tăng cao mỗi khi gặp bác sĩ?

Nhận được câu hỏi trên trong buổi Tư vấn sức khỏe tim mạch tháng 07/2024, ThS.BS Ngô Thị Kim Ánh - Phó giám đốc điều trị ngoại trú kiêm Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện tim Tâm Đức cho biết, việc huyết áp của người bệnh có xu hướng tăng khi đến phòng khám là một tình trạng rất thường gặp, nhất là ở những người bệnh lớn tuổi.

Đến với buổi Tư vấn sức khỏe tim mạch tháng 07/2024 tại Bệnh viện tim Tâm Đức, một bệnh nhân đã đưa ra câu hỏi hết sức thực tiễn: “Vì sao lúc ở nhà đo huyết áp bình thường nhưng cứ đi khám bệnh thì càng đo huyết áp càng tăng? Lúc này có được uống 1 viên thuốc hạ huyết áp không?”.

ThS.BS Ngô Thị Kim Ánh - Phó giám đốc điều trị ngoại trú kiêm Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện tim Tâm Đức trả lời: “Khi đo huyết áp ở môi trường phòng khám có bác sĩ, điều dưỡng làm việc, huyết áp của người bệnh có xu hướng tăng, đặc biệt khi việc đo được lặp lại nhiều lần. Đây là một tình trạng rất thường gặp, thường xuyên xuất hiện ở những người bệnh lớn tuổi”.

Giải thích về sự gia tăng huyết áp trong môi trường phòng khám, ThS.BS Ngô Thị Kim Ánh nêu một số yếu tố ảnh hưởng như:

- Cảm giác lo âu: Sự lo lắng có thể làm huyết áp của bệnh nhân tăng lên một cách đáng kể.

- Việc dùng thuốc chưa đúng lịch: Khi bệnh nhân chưa kịp uống thuốc theo đúng thời gian có thể ảnh hưởng đến kết quả đo.

- Thiếu ngủ và mệt mỏi: Không ngủ đủ giấc vào ban đêm, cùng với việc phải di chuyển một quãng đường xa đến bệnh viện, có thể làm cho cơ thể bệnh nhân mệt mỏi và huyết áp tăng cao.

Sự lo âu, thiếu ngủ, mệt mỏi và việc dùng thuốc không đúng lịch có thể khiến huyết áp của người bệnh tăng cao

Trong trường hợp huyết áp quá cao, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng 1 viên thuốc ngậm ổn định huyết áp, giúp bệnh nhân khỏe hơn để tiếp tục thăm khám. “Vì vậy, việc uống thuốc để hạ huyết áp trong trường hợp này, khi có chỉ định của bác sĩ, là hoàn toàn bình thường” - ThS.BS Ngô Thị Kim Ánh nhấn mạnh.

Một số lưu ý khi đo huyết áp

Tăng huyết áp được xem là vấn đề y tế cộng đồng đang rất được quan tâm vì nó có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, suy tim, tổn thương thận và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Huyết áp cao còn có thể gây ra tổn thất kinh tế rất lớn cho bệnh nhân và gia đình lẫn hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia.

Các bác sĩ tại Bệnh viện tim Tâm Đức đã chỉ ra những điều bệnh nhân cần lưu ý để thu được kết quả đo huyết áp chính xác nhất:

- Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

- Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa hai lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

- Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà, hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.

- Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập.

- Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X