Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao đợt dịch COVID-19 này nhiều ca bệnh nặng?

Những đợt dịch trước không có ca tử vong, nhưng đợt tái bùng phát này ghi nhận nhiều ca tử vong liên tiếp. Liệu có phải loại virus đợt này có độc lực mạnh hơn? BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã giải đáp trên facebook cá nhân vào ngày 2/8/2020.

Vì sao đợt dịch COVID-19 này nhiều ca bệnh nặng?

Chúng ta biết rằng trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên, nhóm người Vĩnh Phúc trở về từ Vũ Hán - tâm dịch ở Trung Quốc, là những người lao động khỏe mạnh. Thứ hai, những người trở về từ châu Âu cũng chỉ có 1-2 người nặng. Nhưng lần này, ổ dịch lại rơi vào những bệnh nhân có nhiều bệnh nền ngay tại các khoa Hồi sức tích cực - chống độc, khoa Thận-Tiết niệu, khoa bệnh lý thần kinh của Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh viện Đà Nẵng uy tín ở miền Trung, những vùng lân cận sẽ chuyển đến đây ca bệnh nặng. Do đó, khi vào ổ dịch này, những người đang mắc các bệnh nặng nghiễm nhiên nhiễm COVID-19. Nguồn lây lại là từ khoa Hồi sức tích cực - chống độc nên số lượng nhiều cũng không quá bất ngờ, vì vậy việc công bố ca tử vong là điều tất yếu xảy ra.

Hơn nữa, khi quá tải các bệnh nhân COVID-19, có khả năng chúng ta sẽ nhận được nhiều trường hợp tử vong trong những ngày tiếp theo. Lẽ đương nhiên, dù bệnh nhân mắc bệnh gì thì các y bác sĩ sẽ dốc sức cứu chữa, nhưng đối với ngành y, nhiều trường hợp bệnh quá nặng, bác sĩ có giỏi đến đâu cũng không thể “vớt vát” được mạng sống bệnh nhân như ngọn đèn trước gió.

Chính phủ hiện đã công bố 6 ca tử vong. Về nguyên tắc y khoa, những bệnh thông thường (không phải COVID) cũng phải kê ra nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở bệnh nhân, mắc bệnh nền gì, đang điều trị bệnh gì… Trong giấy kết luận tử vong bác sĩ sẽ kê ra chi tiết. Vì vậy mọi người không nên lấy làm lạ tại sao làm rõ nguyên nhân tử vong một cách tỉ mỉ như vậy, bởi điều này là hoàn toàn bình thường.

Các phương pháp xét nghiệm COVID-19

Hiện nay, trên thế giới, đầu tiên là làm xét nghiệm phết họng PCR. Sau này, nhiều nơi còn phết nước bọt cũng nhạy như phết họng. Khi phết nước bọt không có nguy cơ lây chéo cho nhân viên phết vì nó khá đơn giản. PCR bắt buộc phải đứng đầu trong phát hiện bệnh dịch mới.

Sau một thời gian ủ bệnh, người ta mới lấy kháng nguyên của virus để tìm kháng thể trong máu. Nghĩa là, khi virus đi vào cơ thể, tùy vị trí virus nằm ở họng hay thậm chí đi vào máu, cơ thể sẽ sản xuất kháng thể, nhân viên xét nghiệm sẽ gián tiếp tìm kháng thể đó.

Kháng thể xuất hiện trong máu tùy theo thời gian mắc bệnh. Thường sẽ có 2 nhóm kháng thể: một loại xuất hiện sớm gọi là IgM, một loại xuất hiện trễ hơn gọi là IgG. Những xét nghiệm của Việt Nam hiện nay, theo tôi biết, là tìm kháng thể IgM hoặc IgG, nhưng cũng có thể là cả hai.

Thường thì ngày đầu hai chỉ số này không xuất hiện, đến ngày thứ 3 - 4 chỉ số IgM mới tăng vọt lên, bởi đa số virus rất nhạy, sau đó IgG cũng tăng lên. Tùy theo loại virus mà IgG có thể kéo dài cả đời. Nhưng đối với virus corona ở người, đa số sẽ mất đi trong vòng 12-18 tháng tùy theo cơ địa từng người - theo một số tài liệu y khoa cho biết.

Ví dụ, 100 người đi từ Đà Nẵng về, người ta sẽ lấy máu của nhóm người này. Nếu người đó mới mắc, 1-2 ngày chưa có kháng thể cho kết quả âm tính thì cần phải cách ly. Nhưng nếu người đó đã đi Đà Nẵng đến ngày thứ 13 - 14 cho âm tính, nghĩa là đã quá thời gian ủ bệnh thì người này không mắc bệnh (bởi thường đến những ngày này, nếu mắc bệnh thì kháng thể trong máu đã tăng lên).

Tuy nhiên, xét nghiệm nhiều lần âm tính hãy khoan vội mừng, bởi những người âm tính có thể đang mang virus nhưng chưa tạo ra kháng thể, vì vậy nhóm người này vẫn phải cách ly, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người nhà, đặc biệt là người già. Qua 14 ngày, nếu xét nghiệm lại âm tính thì có thể yên tâm.

Với PCR, nếu cho kết quả âm tính với một người đã quá 14 ngày, thì người đó chưa mắc bệnh, bởi đã quá thời gian ủ bệnh. Ví dụ, một người đi Đà Nẵng về đã quá 14 ngày, phết PCR âm tính thì người đó không có bệnh. Nhưng, nếu phết dương tính thì có 2 khả năng xảy ra:

- Thứ nhất, người này đã mang virus từ trước 14 ngày nhưng là người lành mang trùng, không có triệu chứng, đến thời điểm phết mới thấy. Đây là đối tượng có khả năng lây. Điều này chắc chắn xảy ra ở Đà Nẵng. Đà Nẵng chắc chắn có người bị COVID-19 với các biểu hiện nhẹ, hoặc không có triệu chứng, đi vào bệnh viện và lây cho bệnh nhân. Hoặc chính bệnh nhân có bệnh và đi vào bệnh viện lây cho người khác, thậm chí lây cho nhân viên y tế, và qua bàn tay nhân viên y tế lại lây cho những người khác và tạo nên ổ dịch.

Điều may mắn, tại Bệnh viện Đà Nẵng, ghi nhận cho đến thời điểm này chỉ có 8 nhân viên y tế nhiễm COVID-19, phần đông là bệnh nhân và người thăm bệnh hoặc người chăm sóc. Điều đó có thể do nhân viên y tế thường đeo khẩu trang, còn người nuôi bệnh không mang khẩu trang, vô tình thói quen này đã tạo nên ổ dịch lây lan.

Theo tôi Bệnh viện Đà Nẵng nên chia khu ra: người dương tính một khu, người cần xác định lại một khu, người chắc chắn không nhiễm một khu, và không có sự giao tiếp giữa những khu vực này. Điều này chắc chắn đã được áp dụng. Nhưng điều khó khăn hiện nay ở Đà Nẵng là không có bệnh viện bệnh nhiệt đới, không có đủ khu cách ly.

- Thứ hai, người này chắc chắn mang virus SARS-CoV-2 và biểu hiện ra ngoài như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi…

Chắc chắn một điều, ai về từ Đà Nẵng cũng muốn xét nghiệm, nhưng cần phải phân ra đối tượng từ bệnh viện hay nơi khác ở Đà Nẵng trở về. Theo bảng tổng kết, tỷ lệ người người đi du lịch mắc bệnh ở Đà Nẵng thấp hơn nhiều so với người đi vào bệnh viện. Với người từng vào những bệnh viện ở Đà Nẵng cần khẩn trương khai báo rõ ràng để được xét vào nhóm nguy cơ cao.

Người đi du lịch Đà Nẵng thuộc nhóm nguy cơ ít hơn so với người vào bệnh viện, do đó phải chờ. Trong thời gian chờ cần đeo khẩu trang và tự cách ly xã hội cá nhân, thậm chí cách ly xã hội đối với người nhà, sau đó sẽ được thực hiện xét nghiệm gối đầu. Lẽ đương nhiên, khi đến cơ sở y tế phải khai báo rõ ràng là đi những đâu, tiếp xúc với ai để được phân nhóm cụ thể.

Nếu ai đó nói PCR âm tính vẫn có khả năng phát tán virus là sai. Với kỹ thuật phết họng, chỉ với 50 con virus (bình thường là cả triệu) cũng đã phát hiện ra dương tính. Nhưng nếu âm tính, thì tính từ thời điểm đó trở về trước, nếu hơn 14 ngày thì người đó không có khả năng lây. Ngoại trừ trường hợp người này mắc bệnh đã lâu, đã qua thời gian ủ bệnh và tự hết bệnh - tình huống này cực kỳ thấp, bởi COVID-19 đợt này chỉ mới phát tán 2 tuần trở lại đây.

Đối với test máu âm tính, vẫn có thể lây nhưng tỷ lệ thấp hơn, đặc biệt là với những người đã về quá 14 ngày. Đối với người mới về thì có khả năng trong cơ thể chưa tạo ra kháng thể, do đó sẽ được cách ly.

Những người đi từ Đà Nẵng về, phải nhớ kỹ đã từng đi đâu và cần ở nhà phòng thủ, đợi cơ quan y tế gọi lên xét nghiệm. Nếu bạn đã về nhà hơn 14 ngày là điều đáng mừng, nhưng có khả năng bạn là người lành mang trùng, do đó cần phải làm xét nghiệm xác định.

Đà Lạt có người nhiễm COVID-19, cần chờ kết quả xét nghiệm của các F1

Vấn đề tiếp theo là nhiều người lo lắng về người đàn ông Nhật Bản dương tính với COVID đi khắp Đà Lạt. Chúng ta đã từng thấy ca bệnh 17 và 91, do đó phải chờ bên phía Nhật Bản khẳng định.

Chúng ta cần nhớ nguồn lây quan trọng nhất là khi ở trong ổ dịch có quá nhiều người mắc bệnh, như Bệnh viện Đà Nẵng, đặc biệt là khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Ổ thứ hai là nơi đông đúc, chật chội trong không gian kín. Ví dụ: đám cưới, quán bar, siêu thị…

Do đó phải nhớ đã từng đi đâu, về đâu, mối nguy là gì và hợp tác khai báo. Sự lây lan của virus phụ thuộc vào nồng độ, vì vậy mọi người cần hết sức bình tĩnh, dù người bệnh đã từng đi qua ở những nơi thông thoáng thì nguy cơ lây nhiễm sẽ thấp hơn. Nhưng nếu đến vùng chật chội, kín, người bệnh từng đi qua cần hết sức phòng thủ, tất cả các biện pháp chỉ cần là mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc.

Nếu đã đi Đà Lạt ở vùng thông thoáng thì không phải suy nghĩ nghiều, chỉ cần đeo khẩu trang, khai báo y tế, và chờ đợi xét nghiệm. Nếu những nhân viên F1 có tiếp xúc với ông Giám đốc người Nhật (bệnh nhân này có thể ghi nhận là F0) thì F1 đã được cách ly và xét nghiệm. Điều trước mắt là chờ đợi Bộ Y tế công bố kết quả xét nghiệm của những bệnh nhân này. Nếu âm tính thì thực sự đáng mừng.

Khái niệm F0, F1

F0 là chắc chắn bị bệnh.

F0 tiếp xúc với F1 thì F1 rất có khả năng bị bệnh.

F2 là người tiếp xúc với F1 - tức là những người rất có khả năng bị bệnh - thì tùy theo F1, chứ không phải tùy theo F0.

Nếu F1 rất có khả năng bị bệnh nhưng xét nghiệm âm tính, thì từ lúc F2 tiếp xúc với F1 có khả năng không bị bệnh, bởi nếu F1 không bị bệnh thì nguyên chuỗi sau là bình thường.

Nhưng nếu F1 bị bệnh thì F2 trở thành F1.

Do đó, nếu F1 không bị bệnh thì F2 đừng nên suy nghĩ liệu mình có mắc bệnh hay không, mà quay lại biện pháp phòng ngừa cơ bản, đó là rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

Việc bây giờ là tiếp tục xem như mình là người mang mầm bệnh, người đối diện cũng là người mang mầm bệnh để hạn chế dịch COVID-19 xảy ra trong cộng đồng.

Bình tĩnh phòng bệnh, không nên hoang mang

Về khẩu trang, nếu khẩu trang vải, nếu giặt sạch và phơi 2-3 ngày dưới nắng thì virus không bám được, do vậy người dân không nên đổ xô mua khẩu trang y tế. Chỉ cần sử dụng đúng cách thì khẩu trang vải cũng có tác dụng chống virus. Thời điểm này cần nhường các loại khẩu trang tốt như N95 cho các nhân viên y tế.

Bây giờ, bạn phải cân nhắc một số vấn đề: Có đi làm không? Có. Có đi chơi không? Khoan. Có tụ tập không? Không.

Sáng sớm, bạn nên xem vùng dịch của mình sinh sống có ca nào mới? Tỉnh gần mình có ca nào mới? Chỗ mình mới đi chơi về có ca nào mới? Chắc chắn một điều, không thể không có ca mới trong vòng 2 tuần nữa. Nếu thấy tốc độ giảm xuống và tất cả đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng là điều đáng mừng.

Bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp tục phết, những người từ các bệnh viện Đà Nẵng về cũng đang tiếp tục phết, những người từ Đà Nẵng về cũng đang tiếp tục phết. Nếu trong thời gian ủ bệnh và cho kết quả dương tính thì số ca nhiễm sẽ không dừng lại và tăng dần. Việc đồ thị biến thiên lên, ngang, xuống phụ thuộc vào mỗi cá nhân chúng ta. Do đó cần có ý thức trong việc khai báo y tế.

Quan trọng nhất bây giờ là không nên đi thăm bệnh. Đi thăm bệnh là mang mầm bệnh về địa phương, hoặc có khả năng mang mầm bệnh vào bệnh viện. Bệnh viện càng lớn càng không nên đến, bởi những bệnh viện này là nơi bệnh nhân nhiều địa phương đổ về. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải đi khám, mọi người cần đeo khẩu trang và hẹn giờ khám (nếu có).

Nếu có nguy cơ hoặc vì lý do nào đó cần xét nghiệm thì mọi người cần ghi lại những nơi đã đến trong 14 ngày qua.

Sắp tới sẽ có những cơ sở y tế tư nhân thực hiện xét nghiệm COVID-19. Trước khi làm xét nghiệm cần phải báo trước với những người đã từng tiếp xúc. Nếu không may dương tính thì bạn sẽ được cách ly và điều trị ngay.

Đồng thời, những người có tiếp xúc sẽ được đưa đi cách ly hoặc được yêu cầu cách ly tại nhà. Điều này sẽ rất thuận tiện cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra dịch tễ và khoanh vùng cách ly. Nếu kết quả âm tính là điều đáng mừng vì bạn không phải là nguyên nhân phát tán bệnh.

Trong thời gian chờ đợi kết quả phải nghiêm chỉnh xem bản thân như người mang mầm bệnh và thực hiện cách ly tại nhà. Thời gian có kết quả có thể là 6 tiếng, 12 tiếng, 24 tiếng tùy nơi xét nghiệm và số lượng, phương thức thực hiện xét nghiệm.


Hải Yến (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X