Vì sao bạn bị khó tiêu triền miên?
Hệ tiêu hóa cực kỳ nhạy cảm với tâm trạng của con người. Yếu tố căng thẳng thần kinh, mệt mỏi kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Những tư vấn ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giúp bạn đọc AloBacsi biết cách nhận biết và khắc phục tình trạng này.
Biểu hiện ăn không tiêu
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Một người bình thường khi đến giờ ăn sẽ cảm thấy đói bụng, ăn ngon, có thể ăn tùy theo sức ăn của mình. Thức ăn sẽ được hệ tiêu hóa xử lý triệt để. Nhấn mạnh ở đây là toàn bộ hệ tiêu hóa chứ không chỉ dạ dày. Dạ dày chứa và chỉ tiêu hóa một phần thức ăn. Hệ tiêu hóa gồm dạ dày, men dạ dày, men ở ruột, mật, tụy, gan, ruột non, ruột già... cùng nhau xử lý thức ăn.
Ăn không tiêu có biểu hiện mau no, sức ăn bình thường có thể ăn 3 chén nhưng bây giờ chỉ ăn được 1 chén đã no. Biểu hiện thứ hai là lâu đói. Ví dụ, giờ ăn mỗi ngày là 8 giờ sáng, 12 giờ trưa và 7 giờ tối; hiện giờ lại không cảm thấy đói, không có nhu cầu ăn khi đến bữa. Một biểu hiện khác của ăn không tiêu là sau khi ăn 1 - 2 tiếng vẫn ợ lên mùi đồ ăn.
Nguyên nhân gây khó tiêu cấp tính và khó tiêu mãn tính
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Nguyên nhân ăn không tiêu cực kỳ đa dạng. Thức ăn được cả hệ tiêu hóa giải quyết, giống như một pha phản công đẹp: thủ môn vừa kết thúc đợt tấn công của đội bạn, chụp được một đường bóng nguy hiểm thì chuyền lên cho hậu vệ, hậu vệ đưa cho tiền vệ giữa là Tuấn Anh. Tuấn Anh chuyền cho tiền đạo cánh là Công Phượng. Công Phượng lật vào cho Quang Hải. Quang Hải lại trả bóng cho Công Phượng đánh đầu ghi bàn vào lưới đội bạn.
Chuyện tiêu hóa thức ăn được ví như một đường phản công có sự phối hợp của nhiều người. Nhiều khán giả thấy Công Phượng đánh đầu nhưng không ghi được bàn thì trách anh ấy, như vậy không đúng. Đường bóng chuyền quá khó, 2, 3 hậu vệ kèm chặt thì làm sao ghi bàn được.
Trách nhiệm là của toàn đội. Ăn không tiêu và có những triệu chứng đã nêu thì phải xem xét từ dạ dày đến ruột non, gan, mật, tụy, ruột già.
Khó tiêu được chia thành 2 loại. Khó tiêu cấp tính thường ít gặp, xảy ra khi “con mắt lớn hơn cái bụng”. Chẳng hạn như gặp bữa liên hoan, ăn tiệc, lễ Tết nên lượng thức ăn vượt quá khả năng xử lý của hệ tiêu hóa, gây chậm tiêu.
Ví dụ, một quán ăn chỉ có 10 bàn, phục vụ cho 30 khách. Bỗng nhiên quán phải phục vụ đến 50, 70 khách thì sẽ quá tải, không phục vụ được tốt. Dân gian thường gọi là ăn nhiều phát ách. Có thể thấy, khó tiêu cấp tính có nguyên nhân đầu tiên là hệ tiêu hóa quá tải do ăn nhiều hơn bình thường.
Nguyên nhân thứ hai là trong bữa ăn nhận được những tin buồn về người thân, con cái, công việc, nợ nần,... cũng gây ra khó tiêu vì hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Hệ thần kinh điều khiển hệ tiêu hóa, stress cấp tính lập tức dẫn đến ăn chậm tiêu ngay.
Các bệnh lý dẫn đến tình trạng khó tiêu cấp tính là sỏi mật, viêm gan cấp; dị ứng đường tiêu hóa, dị ứng thức ăn...
60% trường hợp khó tiêu mãn tính có liên quan đến dạ dày mãn, teo dạ dày. Một số ít liên quan đến ung thư dạ dày, loét dạ dày. Ngoài ra, các bệnh viêm ruột, ruột kích thích cũng gây ra các triệu chứng sôi bụng, đầy hơi, không hấp thu thức ăn khiến chúng ta có cảm giác khó tiêu.
Dù dạ dày và men tiêu hóa đã xử lý được thức ăn nhưng ruột già yếu cũng dẫn đến tình trạng chướng bụng, căng hơi, khó tiêu. Có thể mô tả như tình huống phản công liên tục mà thủ môn phát bóng lên những vị trí bất lợi cho tiền vệ và hậu vệ. Mặc dù không đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tiền đạo ghi bàn nhưng thủ môn phát bóng lên những vị trí không thuận lợi để hậu vệ, tiền vệ chuyền lên cũng có thể gây khó khăn.
Các nguyên nhân xơ gan, ung thư gan, viêm tụy mãn, suy tụy, sỏi mật,... gây khó tiêu nhưng ít được chú ý.
Stress kéo dài, stress mãn tính làm cho hệ tiêu hóa tiết dịch không đồng bộ. Để hệ tiêu hóa làm việc tốt phải có sự co bóp. Lúc dạ dày co bóp để nhào trộn thức ăn, ruột phải giãn ra, không được co bóp dội ngược lên. Khi tiền vệ phát bóng lên mà tiền đạo cứ trả ngược về thủ môn sẽ gây rối, không tấn công được.
Khi dạ dày đã co bóp xong, chuyển xuống ruột non, ruột non phải sẵn sàng tiếp nhận. Tụy, mật cũng phải tiết ra men để tiêu hóa thức ăn. Giống như hậu vệ vừa phát bóng lên giữa sân thì tiền vệ phải phân phối bóng ngay. Nếu phối hợp không nhịp nhàng, đội hình sẽ rối ngay.
Tiêu hóa thức ăn phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa dạ dày, ruột non, gan, mật, tụy. Điều này liên quan đến hoạt động của thần kinh và sự co bóp nhịp nhàng của ruột, dà dày. Những vấn đề tâm lý căng thẳng, sinh hoạt không điều độ, ăn uống không đúng bữa... sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây khó tiêu.
Điều trị khó tiêu bằng cách nào?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Để điều trị khó tiêu, cần phải tìm được nguyên nhân. Nguyên nhân do suy tụy sẽ điều trị suy tụy, nguyên nhân do viêm gan mãn sẽ điều trị viêm gan mãn, nguyên nhân do sỏi mật sẽ phải giải quyết vấn đề sỏi, bị loét bao tử phải điều trị loét, bị viêm dạ dày mãn sẽ phải bảo vệ dạ dày không để teo thêm nữa...
Phải hỗ trợ sự co bóp của dạ dày, điều hòa hoạt động của ruột, điều hòa hoạt động thần kinh như việc huấn luyện viện giúp các tuyến gắn kết với nhau, lên công về thủ, linh hoạt thay đổi đội hình.
Phân biệt men vi sinh và men tiêu hóa
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Khi ăn không tiêu, nhiều người nghĩ ngay đến việc thiếu men tiêu hóa, cần phải bổ sung men tiêu hóa hoặc men vi sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề hỗ trợ. Giống như việc nhiều người ngồi xem bóng đá qua tivi và tự làm huấn luyện viên, hò hét đòi thay cầu thủ, đổi đội hình.
Vấn đề dùng men vi sinh, men tiêu hóa cũng thường gặp vấn đề như vậy, tự làm bác sĩ để uống men mỗi khi khó tiêu. Việc dùng men tiêu hóa, men vi sinh chỉ là hỗ trợ. Đặc biệt, men tiêu hóa có hiệu quả trong trường hợp có bệnh lý liên quan đến tụy như viêm tụy mãn tính, suy tụy và chỉ có tác dụng nhất thời, ngắn hạn. Suy tụy mãn tính phải dùng lâu dài và gần như suốt đời với liều cao để hỗ trợ.
Men vi sinh chỉ hỗ trợ cấp tính trong trường hợp khi bị vi trùng “đánh”, gây rối loạn tiêu hóa cấp, tiêu chảy cấp. Vi trùng làm cho những vi khuẩn có lợi bị chết mất một phần, cần được bổ sung trở lại. Men vi sinh chỉ bổ sung có thời hạn.
Nhiều người vẫn chưa phân biệt được men vi sinh và men tiêu hóa. Men tiêu hóa là những chất xúc tác để xảy ra phản ứng phân hủy đạm thành axit amin, phân hủy bột đường thành glucose. Bình thường, men tiêu hóa do tụy tiết ra.
Nhờ có men tiêu hóa, dạ dày nhào trộn, xử lý thức ăn về mặt cơ học, axit phá hủy thức ăn thành những phần tử nhỏ. Men tiêu hóa tác dụng một lần nữa để xảy ra phản ứng hóa học, biến thành những phần tử nhỏ hơn nữa.
Tác dụng của men tiêu hóa chính là hủy thức ăn qua nhai nát cơ học thành những miếng nhỏ thành những đơn vị nhỏ bé nhất mà cơ thể sử dụng được. Điều này tương tự như việc nếu có vàng hoặc kim cương, chúng ta phải đổi thành tiền mặt để mua gạo, mua điện thoại.
Men vi sinh là những vi trùng tốt. Trong ruột của con người có đến hàng tỷ vi trùng, gần như 90% là những người bạn tốt. Xã hội dù đẹp đến đâu cũng phải có người tốt và người xấu, chỉ là ở xã hội tốt thì có nhiều người tốt hơn.
Hệ tiêu hóa của chúng ta là một xã hội tốt đẹp với 90% các loại vi khuẩn là những người bạn tốt, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, hấp thu thức ăn, huấn luyện các tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể, tạo vitamin và hủy những chất độc để không biến thành những chất sinh ung. 10% vi trùng có ý định phá hoại sẽ bị 90% vi trùng tốt giải quyết.
Khi cơ thể bị bệnh sẽ gây mất cân bằng, chúng ta cần đưa vi khuẩn tốt từ những nơi khác đến để tái lập sự cân bằng, không để những vi trùng xấu có điều kiện sinh sôi, phát triển nhiều.
Men vi sinh chỉ dùng cho những trường hợp thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, dễ bị mất các vi trùng có lợi nên phải bồi bổ lại. Tuy nhiên, men vi sinh về bản chất vẫn là vi trùng, không nên bổ sung quá nhiều. Trừ những trường hợp rối loạn tiêu hóa kéo dài mới cần bổ sung thường xuyên.
Những người hay uống bia rượu, ăn uống không kiểm soát dẫn đến thay đổi hệ vi sinh đường ruột, cần phải bổ sung men vi sinh thường xuyên.
Người già yếu, người bị nhiễm trùng nặng, phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân nên hạn chế dùng men vi sinh.
Việc dùng men loại nào nên được quyết định bởi bác sĩ vì cơ chế gây khó tiêu rất phức tạp, men tiêu hóa chỉ là một phần. Các loại men tiêu hóa, men vi sinh được phép bán không cần toa có thể bổ sung cho trường hợp rối loạn tiêu hóa dưới 2 tuần để hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Men tiêu hóa có thể dùng thường xuyên và lâu dài hơn nhưng cũng chỉ hỗ trợ chứ không giải quyết vấn đề.
Phòng tránh tình trạng ăn uống khó tiêu
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Cuộc sống không có căng thẳng, ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ sẽ tốt cho hệ tiêu hóa. Nhìn lên để thấy chúng ta cần phải phấn đấu, nỗ lực làm việc nhưng cũng nên nhìn xuống để biết hạnh phúc với hiện tại.
Đừng để bản thân chịu quá nhiều áp lực. Nên dành thời gian tập thể dục, ăn uống điều độ. Không nên sa đà vào rượu bia, thuốc lá. Mỗi người có một cơ thể khác nhau, là một vũ trụ bí ẩn nên việc ăn uống, khả năng dung nạp cũng khác nhau. Giống như cùng học một thầy nhưng có người thi 9 điểm, có người sức học chỉ đến 7 điểm, không nên phân bì.
Trong vấn đề ăn uống, nên rửa sạch, ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Làm được những điều này, chúng ta sẽ thấy hệ tiêu hóa tốt hơn rất nhiều.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình