Hotline 24/7
08983-08983

Vị giáo sư và căn bệnh bị lãng quên

Người giáo sư đã bước sang tuổi 63, nhưng bà vẫn giàu nhiệt huyết làm chuyện tử tế. Bởi mỗi lần nói về hen suyễn, COPD, GINA hay ACOCU, mắt bà sáng lên và nói chuyện không ngưng nghỉ.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan (đứng giữa đeo kính) trong chuyến khám bệnh tại Gò Công Đông. Ảnh: Bình Yên.

Có thể PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan ít được biết nhiều bằng một số chuyên gia đầu ngành của các bệnh lý thời thượng như tim mạch, ung thư, nhưng những ai biết đến bà đều phải ngưỡng mộ vì cuộc đời bà gắn liền với những căn bệnh bị lãng quên, hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Sáng chủ nhật 17/7/2016, từ Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng (CHAC) TPHCM, một chuyến xe khám bệnh từ thiện của trung tâm và hội Hen - Dị ứng -  Miễn dịch lâm sàng TPHCM hướng về Gò Công Đông (Tiền Giang).

Thoạt nhìn đó cũng như bao chuyến đi khám bệnh từ thiện khác, nhưng ở đây mục tiêu của đoàn lại không phải khám bệnh tổng quát và phát thuốc, đoàn cũng không tầm soát những căn bệnh “ồn ào” như tim mạch hay tiểu đường, mà tầm soát bệnh hen và COPD cho cộng đồng.

Tôi hỏi PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cùng đi với đoàn tại sao không tìm đến một địa phương tiếng tăm hay một bệnh viện bề thế mà chọn một bệnh viện huyện xa xôi, bà nói: “Vì địa phương này người ta quan tâm và đó cũng là sự bắt đầu cho việc xây dựng Đơn vị chăm sóc bệnh nhân hen và COPD trong cộng đồng (ACOCU: Asthma and COPD Outpatient Care Unit) cho tuyến huyện đầu tiên ở phía Nam”.

Thế kỷ 21 biết đến nhiều thành quả vượt bậc của y học, nhưng ngành y tế cũng đối mặt với những thách thức mới. Trong khi con người lo lắng với những căn bệnh truyền nhiễm mới nỗi và bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, thì hen và COPD lại nằm trong một góc khuất nào đó trong suy nghĩ của không ít người dù nó được xếp vào nhóm bệnh không lây nhiễm nguy hiểm.

“Nhiều người chắc không biết COPD là thủ phạm giết người thứ ba thế giới sau bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Nạn nhân của COPD là người hút thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm không khí, đa phần họ là người nghèo. Họ đáng thương lắm”, PGS Tuyết Lan trầm ngâm.

Quả là một thông tin giật mình, cũng như phải giật mình khi biết rằng khảo sát của bộ Y tế năm 2010 cho thấy có 10% trẻ em Việt Nam bị hen và tại TPHCM có gần 30% trẻ 12 - 13 tuổi bị khò khè đến nỗi TP này được xem là… “thủ đô hen suyễn” của châu Á.

Nguy hiểm thế nhưng tại sao COPD và hen suyễn lại bị “lãng quên”? Có lẽ vì diễn tiến của hai bệnh này thường âm thầm, kéo dài năm này qua năm khác, không gây ra những cái chết “đột ngột” như nhồi máu cơ tim hay liệt nửa người do đột quỵ não; không gây đau đớn, kinh hoàng và tốn tiền tỉ như ung thư; và cũng không gây bất tiện và hệ lụy phiền toái như tiểu đường.

Nhưng thực tế hen suyễn và COPD gây thiệt hại tài chính và sức khỏe không kém.

ThS.BS Bùi Thị Hạnh Duyên, phòng thăm dò chức năng hô hấp BV Đại học Y Dược TPHCM, nói: “Bệnh nhân đợt cấp của hai bệnh này nhập viện tốn trung bình 20 - 30 triệu đồng cho một tuần điều trị, nhưng nếu thở máy và bị nhiễm trùng họ tốn cả chục triệu đồng mỗi ngày. Chi nhiều như thế nên người nghèo có nguy cơ bán nhà cửa, ruộng vườn để chữa bệnh. Nhập viện càng nhiều, nguy cơ tử vong càng cao”.

Ngày nay nói về tử vong ở Việt Nam do hen suyễn được xem là lạ lẫm, nhưng cách đây vài thập kỷ nó lại giết nhiều người, từ trẻ đến già, từ công nhân đến trí thức. Tử vong vì COPD hiện tại vẫn có, nhưng nó cũng được giảm nhiều.

Năm 1993, với sự ra đời của GINA (Global Initiative for Asthma: Sáng kiến toàn cầu về hen suyễn) do tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức y học Hoa Kỳ biên soạn, việc phòng chống và quản lý hen suyễn trên thế giới rẽ sang một bước quan trọng.

Đây là hướng dẫn dành cho nhân viên y tế nhằm làm giảm tần suất mắc bệnh và tử vong do hen suyễn trong cộng đồng. Thành viên hội đồng góp ý và biên soạn GINA khoảng 20 người, PGS Tuyết Lan là một trong số đó.

Bảy năm sau khi GINA ra đời, năm 2000 tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ra đời Phòng thăm dò chức năng hô hấp và PGS Tuyết Lan là người quản lý phòng từ đó đến nay.

Có lần tôi hỏi PGS Tuyết Lan vì sao bà quan tâm đến hen và COPD, bà nói: “Thực ra tôi chỉ quan tâm đến một góc nhỏ của hai bệnh này là ngăn ngừa đợt cấp cho người dân trong cộng đồng và điều này rất có lợi, giảm thiệt hại tài chính cũng như cứu được mạng họ”.

Vì quan tâm đến cộng đồng, đặc biệt là bệnh nhân nghèo, từ năm 2000 bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cùng hội Hô hấp và hội Hen dị ứng miễn dịch lâm sàng thành lập ACOCU để quản lý bệnh nhân hen suyễn và COPD, giúp họ không phải cấp cứu nhập viện vì những đợt kịch phát. Nhờ ACOCU, 16 năm qua không biết bao nhiêu bệnh nhân hen và COPD được cứu mạng, không rơi vào đói nghèo, giảm gánh nặng cho xã hội.

Từ thành công này, ACOCU được nhân ra hơn 40 tỉnh, thành phố, bệnh nhân được điều trị ngay tại địa phương, sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi như người bình thường, chất lượng sống tăng lên đáng kể.

Trên chuyến xe về Gò Công Đông, tôi hỏi PGS Tuyết Lan ACOCU có phải “mô hình đặc sản” của ngành y tế Việt Nam không, bà khẳng định đúng thế. Mô hình này đã được giới thiệu cho các nước chung quanh như Philipines, Singapore và sắp tới là Malaysia để bạn bè bắt chước.

Bà nói: “Tháng 9 tới tôi đi dự hội nghị hô hấp châu Âu và cũng trình bày ACOCU để mọi người biết”.

Người giáo sư đã bước sang tuổi 63, nhưng bà vẫn giàu nhiệt huyết làm chuyện tử tế cho xã hội. Bởi mỗi lần nói về hen suyễn, COPD, GINA hay ACOCU, mắt bà sáng lên và nói chuyện không ngưng nghỉ.

“Mỗi người góp một tay thì xã hội sẽ tốt lên. Ngành báo chí cũng vậy, tăng cường truyền thông về hen và COPD, các anh chị đang “làm phước” vì bao nhiêu người sẽ hưởng lợi, nhất là người nghèo”, bà nói.

Theo Bình Yên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X