Hotline 24/7
08983-08983

Về Bình Thuận khám bệnh thiện nguyện: Bà con "Thà không biết bệnh để đỡ phiền lòng!"

Trên hành trình khám bệnh, phát thuốc tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vào ngày 14/10 của AloBacsi cùng Dược Hậu Giang và Daisy vừa qua, những căn bệnh thoái hóa khớp, viêm gan do rượu, tăng huyết áp… đeo bám bà con nơi đây. Song, điều đáng lo hơn cả là người dân buông xuôi “sống chung với lũ” hoặc chấp nhận “thà không biết bệnh để đỡ phiền lòng”. Bởi lẽ, với họ điều đáng quan tâm hơn cả là nỗi lo cho bữa no hàng ngày. 

Phó mặc cho số phận

Mỹ Thạnh là điểm dừng chân thứ 9 trên hành trình thiện nguyện của AloBacsi, Daisy và là chuyến xe thứ 3 đồng hành cùng Dược Hậu Giang chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong năm 2023. 

Dù chỉ cách trung tâm huyện vài chục km, nhưng con đường tiếp cận y tế của xã Mỹ Thạnh đầy gập ghềnh, phần nhiều vì đời sống kinh tế khó khăn, quanh năm bận rộn với nương rẫy nhưng vẫn không đủ ăn - đủ mặc, phần nữa vì sợ, sợ phát hiện ra bệnh sẽ không có điều kiện chữa trị. Vậy là đành phó mặc cho số phận. 

Đơn cử như bà Lê Thị Bít (71 tuổi), qua siêu âm tim cùng các triệu chứng mệt, khó thở đến mức không thể đi lại, bác sĩ nghi ngờ suy tim, khuyến nghị nên khám và điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh. Đáp lại lời khuyên, người con út của bà lần lữa vì đồng tiền kiếm được từ củ khoai, trái bắp eo hẹp. 9 người con khác của bà đều đã lập gia đình, gia cảnh cũng không khấm khá hơn. Ngay cả bà Bít, nghe đến việc phải đi khám với hàng loạt chi phí đắt đỏ đã lắc đầu ngay lập tức.  

BS Lê Thị Kiều Oanh nhận định, qua trò chuyện - khai thác bệnh ghi nhận, ngại đi khám là tình trạng thường gặp ở bà con vùng này, dù cho hầu hết đều có BHYT và bác sĩ ra sức thuyết phục thì đều cười trừ, lắc đầu. “Có lẽ là do thiếu điều kiện kinh tế và chưa hiểu hết về mức độ ảnh hưởng của nhiều căn bệnh nguy hiểm” - BS Oanh khẽ nói. 

Tại bàn khám Nhi, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng cùng quan điểm. Tương tự như những vùng sâu, vùng xa khác, phụ huynh ở xã Mỹ Thạnh chưa hiểu cần phải cho trẻ khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Hầu hết vẫn còn xu hướng nuôi con tự nhiên.

Cá biệt, cũng có vài trường hợp biết chăm lo cho sức khỏe của con trẻ. Gương mặt tròn như mặt trăng của bé Phan Văn Phát (9 tuổi) thu hút nhiều sự chú ý của bác sĩ. Phát đang điều trị hội chứng thận hư, sử dụng corticoid lâu ngày dẫn đến hội chứng cushing, tích tụ mỡ trên nhiều cơ quan. Đều đặn, cứ mỗi 2 tuần, cậu bé lại cùng mẹ khăn gói lên bệnh viện 1 lần. Dẫu gia cảnh khó khăn, thu nhập gia đình đều dựa vào mùa vụ từ đám rẫy và làm thuê cuốc mướn chỉ vài triệu một tháng, nhưng chị Lê Thị Hương - mẹ bé Phát vẫn kiên định "Sẽ làm hết sức để chạy chữa cho con".

Hơn nữa, nhờ nương rẫy, sức chịu đựng của những người đồng bào Raglai cũng dẻo dai hơn. BS Phan Bá Ngọc cho biết, so với những chuyến đi trước cùng AloBacsi, vẫn là những căn bệnh răng miệng thường gặp như viêm nha chu, sâu răng, nhưng trẻ em - người lớn ở xã Mỹ Thạnh biết chăm sóc sức khỏe răng miệng, đánh răng đều hơn, chịu đau tốt hơn. “Các bé ở đây đều mạnh dạn, trưởng thành hơn so với lứa tuổi. Bị nhổ răng đau nhưng không bạn nhỏ nào khóc” - chuyên gia nha khoa của đoàn hóm hỉnh chia sẻ. 

PGS Diệu Thúy cũng bày tỏ quan điểm: “Mỗi gia đình ở đây dường như không còn cảnh đông con và cũng không còn tình trạng sinh dày, đẻ con sát nhau, nhiều nhất chỉ 3 trẻ. Đây cũng là một tín hiệu tốt, gia đình không còn cảnh nheo nhóc 5-6 trẻ, đứa lớn trông đứa bé và phải thay bố mẹ gánh vác từ nhỏ như một số vùng núi khác”.

Thoái hóa khớp, tăng huyết áp hành hạ người lớn, suy dinh dưỡng đe dọa sức khỏe trẻ em 

Đến xã Mỹ Thạnh lần này, đoàn thiện nguyện có 24 y bác sĩ, dược sĩ với đầy đủ các chuyên khoa, để khám cho cả trẻ em lẫn người lớn và máy siêu âm, máy điện tim. Tất cả đều hoạt động hết năng suất như lời nhắn nhủ của nhà báo Hồng Tâm - Trưởng đoàn thiện nguyện ngay từ đầu chương trình: “Các bác sĩ đừng áp lực vì người khám đông mà khám không kỹ. Mỗi một địa phương chỉ có cơ hội đến 1 lần vì còn rất nhiều vùng khó khăn cần đến, vì vậy chúng ta làm được gì cho bà con thì làm hết mình, xin hãy lắng nghe, tư vấn và khám thật kỹ cho bà con”.

Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận nhiều vấn đề sức khỏe nổi trội. Theo đó, trong số những người đến khám, khoảng 80% người trên 40 tuổi bị đau lưng, đau cột sống, thậm chí nhiều trường hợp bị thoái hóa khớp do thời gian làm việc dài, sai tư thế, mang vác nặng (đến 50-60kg) đi đường rừng. Khoảng 30% là tình trạng viêm loét dạ dày do thói quen ăn uống, sinh hoạt. Khoảng 10% người trên 40 tuổi bị tăng huyết áp. Trong số trẻ em đến khám, khoảng 60% bị thấp còi, suy dinh dưỡng, còn lại đều tập trung chủ yếu gặp các bệnh đường hô hấp theo mùa.  

Ngoài ra, nhiều trường hợp lao phổi cũng được phát hiện. Trong đó, một số trường hợp đã điều trị và còn lại nghi ngờ mắc bệnh qua các triệu chứng điển hình như đau lói sau lưng, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, biếng ăn, sợ nước, sợ gió, ho kéo dài, nghe phổi “nổ tùng tùng”. Các bác sĩ khuyến cáo, tình trạng này bắt buộc phải kiểm tra sớm để không lây lan ra cộng đồng. 

Đặc biệt, các bác sĩ cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng lạm dụng rượu ở nam giới. Điều này thể hiện rõ trên siêu âm khi rất nhiều ca viêm gan được phát hiện ngay tại buổi khám. Trong khi đó, các chị em phụ nữ lại có thói quen nhịn ăn dù làm việc nặng, liên tục, chưa kể ăn uống thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng với các biểu hiện như da xanh xao, thường xuyên chóng mặt. Phụ nữ ở xã Mỹ Thạnh cũng đối diện với tình trạng gan nhiễm mỡ. 

 

Nhờ có sự tận tình của đoàn thiện nguyện, nhiều bệnh mới được phát hiện và tư vấn hướng xử trí tiếp theo. Điển hình như bà Hồng Thị Thu Thuận (sinh năm 1982) huyết áp thấp, qua siêu âm nghi ngờ theo dõi xơ gan, bác sĩ đề nghị khám chuyên khoa gan mật ở tuyến huyện.  

Ông Huỳnh Văn Đào (1959) lần đầu tiên phát hiện bệnh tăng huyết áp trong khi bệnh chưa được điều trị thì mỗi ngày ông đều “bầu bạn” với “xị rượu” dẫn đến manh nha biến chứng thiếu máu cơ tim, dù “người hoàn toàn khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường” như lời ông nói.  

Tương tự, trường hợp bé Nguyễn Thị Ngọc Trâm (5 tuổi) bị đau khớp, đau xương đến mức không thể đi lại được. Tình trạng này xuất hiện sau khi mắc COVID-19 nên người mẹ trẻ không nghĩ ngợi nhiều. Bác sĩ nghi ngờ viêm đa khớp dạng thấp, vì vậy khuyến nghị nên cho bé thăm khám và điều trị sớm tại tuyến trên. Hay bé Nguyễn Huỳnh Như Ý (11 tuổi) ghi nhận tình trạng bất thường, tim đập lộ rõ trên da, thi thoảng có triệu chứng đau tim, siêu âm tim ghi nhận nhĩ trái đập quá tải, V2 tắc nghẽn, bác sĩ cũng khuyến nghị được chẩn đoán rõ ràng hơn tại tuyến trên.

Cảm ơn những tấm lòng thơm thảo

Chuyến thiện nguyện lần này, AloBacsi dự định sẽ không “xin” thêm quà mà sẽ làm trong khả năng, bởi hơn ai hết, AloBacsi hiểu rằng, giai đoạn này kinh tế khó khăn.  

Song, hình ảnh từ Mỹ Thạnh gửi về khiến đoàn không khỏi chạnh lòng. Đó là những mái nhà lợp vội, đúng nghĩa “nhà tranh, vách nứa”. Đó là những em nhỏ trần truồng, chân không dép trên nền đất. Đó là những gian bếp trống huơ, trống hoắc. Xung quanh đều là rừng, mấy mươi km không hàng quán, ngoài Trạm Y tế, không có các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nào khác. Vậy là... 

Đáp lại lời ngỏ, nhiều đơn vị sẵn sàng đồng hành cùng đoàn thiện nguyện. Acecook trao tặng 200 thùng mì, Tập đoàn Điện Quang tặng nhiều đồ gia dụng, chuyển thẳng đến Mỹ Thạnh. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM trao tặng 5.000.000 đồng mua áo khoác cho trẻ em và tặng thêm hai thùng thuốc bổ, sách báo, gấu bông; BS Trần Kinh Thành gửi tặng 1.000 lọ kẹo sữa ong chúa và vitamin C; TS.BS Trần Hoà ủng hộ 2.000.000 đồng... Ngoài ra, đóng góp "nội bộ" của AloBacsi dành để mua áo quần, áo khoác cho trẻ em. Số tiền còn lại, 6 triệu đồng, AloBacsi đã thay mặt các mạnh thường quân trao lại cho 6 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ham học hỏi.

Cũng như thường lệ, công ty Daisy cũng ra sức gom góp sữa, thuốc bổ, bánh kẹo, tập vở, hàng hóa...từ miền Bắc xa xôi để đem đến cho bà con những phần quà thiết thực, nghĩa tình. 

AloBacsi, Daisy trân trọng cảm ơn tấm lòng thơm thảo của các đơn vị, các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đã luôn tin tưởng và đồng hành xuyên suốt trên các hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, không thể thiếu Dược Hậu Giang đã trao gửi hàng ngàn viên thuốc chất lượng cùng đoàn y bác sĩ tận tâm để bà con có thêm nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe quý giá. Và cũng xin chân thành cảm ơn Hội chữ Thập đỏ tỉnh Bình Thuận, công an tỉnh và các ban ngành địa phương đã hỗ trợ để đoàn thiện nguyện thực hiện chuyến khám bệnh, phát thuốc lần này. 

Anh Hoàng Ngọc Tưởng - Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Thạnh gửi lời tri ân đến đoàn thiện nguyện: “Xã Mỹ Thạnh cách xa trung tâm, với đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 70% là hộ nghèo, đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy bà con rất vui mừng khi có đoàn bác sĩ về thăm khám, phát thuốc và còn được nhận quà. Xin trân trọng cảm ơn tất cả”.

Khép lại hành trình, với nhiều cảm xúc vì "được một ngày sống thật ý nghĩa", trên đường về, mưa bắt đầu rơi, mỗi lúc một nặng hạt, mưa như xói vào lòng các thành viên "đâu đó còn rất nhiều bà con khó khăn, rất khó khăn đang cần được giúp đỡ".

Kế hoạch về những chuyến chăm sóc sức khỏe cộng đồng của AloBacsi đồng hành cùng Dược Hậu Giang và Daisy sẽ còn tiếp nối như sứ mệnh nhỏ bé mà chúng tôi tự nhắc nhau "Khi nào bà con còn cần thì chúng ta sẽ có mặt".

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X