Hotline 24/7
08983-08983

Vất vả mưu sinh, bà con ở Chợ Gạo “bỏ quên” bệnh tật

Cao huyết áp thì phải uống thuốc mỗi ngày nhưng đối với bà con ở 5 xã của huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thì dù biết mình “có bịnh” nhưng duy trì uống thuốc là việc không hề đơn giản.

>> AloBacsi khám bệnh từ thiện tại chùa Kim Linh: Trao yêu thương, nhận nụ cười

Khác với những vùng sâu, vùng xa mà đoàn khám bệnh của AloBacsi đã đặt chân đến, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cách TPHCM chỉ 70km. Bà con nơi đây cũng có điều kiện được thăm khám, phát hiện bệnh. Tuy nhiên, từ “biết bệnh” cho đến “chữa bệnh” là cả một vấn đề, bởi chuyện cơm áo gạo tiền luôn cấp thiết hơn sức khỏe bản thân.

Đông đảo bà con huyện Chợ Gạo tề tựu chờ được bác sĩ ở Sài Gòn về khám bệnh

Nghe có chuyến khám bệnh của đoàn AloBacsi, bà Lê Thị Lập (58 tuổi) vui mừng khôn xiết. Phát hiện cao huyết áp đã 7 năm nay nhưng việc uống thuốc của bà rất phập phù, bởi việc đi từ nhà đến bệnh viện huyện là một vấn đề nan giải.

Bà Lập không biết chạy xe nên mỗi chuyến đi đều phải đợi ngày con cái rảnh rỗi chở dùm. Mà tụi trẻ đi làm suốt có mấy khi được rảnh. Xe ôm từ nhà đến bệnh viện tốn 20 ngàn nhưng bà ít dám đi, bởi quanh năm suốt tháng ở trong vườn ruộng, mỗi lần ra đến lộ lớn là bà sợ. Thế nên lần này đoàn bác sĩ về, bà mừng lắm vì được uống thuốc.

Gánh nặng mưu sinh, cộng với việc đi lại khó khăn, lệ thuộc vào con cháu khiến nhiều cụ già ở huyện Chợ Gạo dù biết bệnh nhưng không điều trị

Không dám để mẹ ngồi xe máy, con trai bà Nguyễn Thị Thê (90 tuổi) để mẹ ngồi trong chiếc xe kéo đến địa điểm khám bệnh

Bà Nguyễn Thị May 79 tuổi cũng vậy. Bà biết mình bị huyết áp và tim mạch nhưng đã ngưng thuốc lâu rồi, chỉ khi nào nhức đầu quá chịu không nổi mới ra tiệm thuốc mua vài viên uống “chữa cháy”. Bà Nguyễn Thị Kim Hằng thì biết bệnh lâu rồi nhưng 1 tháng nay mới uống thuốc, vì tháng trước con bà mới cho tiền mua bảo hiểm y tế, bởi nếu không có BHYT thì bà không dám đi bệnh viện, sợ tốn kém.

Có rất nhiều lý do để người cao tuổi nơi đây cắn răng chịu đựng cao huyết áp. Vì mưu sinh, vì không có BHYT, vì thiếu phương tiện đi lại… nên khi đến với đoàn khám bệnh của AloBacsi, huyết áp của các cụ cao chót vót 160, 180, có cụ 87 tuổi còn đi bán vé số, huyết áp lên đến 190/90… các BS phải cho thuốc hạ huyết áp gấp.

Bàn khám bệnh của BS Trương Quan Tánh tiếp nhận nhiều cụ huyết áp cao chót vót và đau nhức chân tay

Chị Nguyễn Thị Kim Liên (49 tuổi) bị bướu thần kinh 30 năm rồi, năm ngoái mới phải đoạn chi (tay trái)

Bà Phạm Thị Sáu 85 tuổi sống chung với chứng phì đại tuyến giáp 40 năm. Hiện tại bà bị đau lưng, không đứng thẳng được. BS Trịnh Ngọc Bình chẩn đoán bà bị thoát vị đĩa đệm, có thể xẹp đốt sống.

Một trường hợp khiến đoàn bác sĩ nặng lòng là bà Nguyễn Thị Kim Phụng (64 tuổi) có 2 con trai đã qua đời, 2 con dâu về quê để lại 4 đứa cháu nội cho bà nuôi nấng. Cho nên dù biết mình bị hở van tim nặng, cần phẫu thuật nhưng bà cũng đành liều để vậy.

Lo lắng cho bà, BS Trần Khánh Vân đề nghị bà nên đi siêu âm tim để đánh giá tình hình hiện tại. AloBacsi cũng giữ liên lạc với bà để có thể hỗ trợ các bước tiếp theo. Bà không có điện thoại nhưng may mắn là nhớ ra số điện thoại của tiệm bán tạp hóa cách nhà mấy cây số.

Một mình nuôi nấng 4 đứa cháu nội mồ côi cha, ca phẫu thuật thay van tim đối với bà Phụng là ước mơ ngoài tầm với

Hoàn cảnh của cụ Võ Thị Bảy (74 tuổi) có cái chân voi cũng là một câu chuyện buồn. Hồi 38 tuổi, bà mổ u nang tại BV Ung Bướu. 10 năm sau đó, không rõ vì nguyên nhân gì mà chân bà tự nhiên sưng phù, mỗi ngày một to hơn nhưng bà không có điều kiện chữa trị nên cứ để vậy đến giờ.

Cụ Võ Thị Bảy tranh thủ cắt tóc miễn phí vì cái chân voi khiến việc chăm sóc bản thân của cụ gặp nhiều khó khăn

Chồng bỏ đi hơn chục năm nay, ông bà có 7 người con nhưng hiện tại chỉ có cậu con út làm nghề phụ hồ chăm sóc bà Bảy. Cái chân voi đau nhức khiến bà đi lại khó khăn, rất bất tiện trong sinh hoạt cá nhân. Khám bệnh lấy thuốc xong, tình nguyện viên mời bà dùng cơm chay nhưng bà tần ngần từ chối: “Tui ngại lắm, ăn uống ở đây rồi lỡ mà mắc tiêu mắc tiểu thì làm sao? Thôi các cô chú để tui về nhà…”.

Bên cạnh cao huyết áp, người dân nơi đây còn đối mặt với bệnh tiểu đường, mỡ máu, loãng xương,… và rất nhiều người cao tuổi bị đau nhức xương khớp, mình mẩy. Nhiều cụ đau nặng được con cháu bồng bế đến chùa Kim Linh - địa điểm khám bệnh của đoàn AloBacsi. Như một cơ duyên tốt lành, chuyến khám bệnh lần này có BS Phạm Thị Kim Loan cùng phòng khám Đức Phúc tham gia.

Nhiều bệnh phát sinh từ tư thế sinh hoạt, làm việc không đúng, ảnh hưởng đến cột sống. Việc nằm với gối chuyên dụng do BS Loan sáng chế có thể giúp nắn chỉnh cột sống, giúp thuyên giảm các chứng đau nhức cho bà con.

Bằng liệu pháp xoa bóp và điều chỉnh tư thế nằm với những chiếc gối chuyên dụng, chứng đau nhức của các cụ được đẩy lùi đáng kể. Niềm hạnh phúc vỡ òa với một số cụ từ lâu không đi lại được, sau khi trị liệu đã bước được những bước đi đầu tiên.

Ở khu phát thuốc, nhiều cụ ông, cụ bà vây quanh tình nguyện viên Bùi Văn Quận. Vừa tranh thủ phát thuốc ông Quận vừa xoa bóp, ấn huyệt giúp nhiều người giảm hẳn đau nhức, mệt mỏi. Bản thân mình bị nhiều chứng bệnh lâu ngày nhưng nhờ học được liệu pháp day ấn, bấm huyệt, ông đã tự chữa cho mình.

Không chỉ xoa bóp cho các cụ, tình nguyện viên Bùi Văn Quận còn hướng dẫn tỉ mỉ để các cụ tự áp dụng tại nhà, những lúc đau yếu chưa mua được thuốc có thể tự xoa bóp, chữa trị cho mình


Tuy chỉ cách TPHCM chưa đầy 100km nhưng đường từ nhà đến với bác sĩ của người dân Chợ Gạo gặp nhiều khó khăn nên gặp được đoàn AloBacsi, họ vui mừng khôn xiết. Nhiều bà con nhân dịp đi chùa nghe thuyết pháp, thấy có đoàn bác sĩ cũng tranh thủ vào khám. Thế nên số bệnh nhân dự tính ban đầu là 500 tăng vọt lên 700. Người này lãnh thuốc xong rồi bèn rủ người kia đến khám, các bác sĩ AloBacsi vẫn phục vụ cho đến bệnh nhân cuối cùng.


Bà con và Phật tử sau khi khám bệnh được quý thầy chùa Kim Linh mời dùng cơm chay


Bà Nguyễn Thị Sao ở ấp Nhơn Hòa cảm kích: “Nghe có đoàn từ thiện đến, nếu chỉ phát quà thì chưa chắc tui tới được, vì với người già cả như tui, việc ra khỏi nhà để đi đâu cũng rất khó do lệ thuộc vào con cháu. Nhưng có bác sĩ tới khám bệnh thì nhất định tui phải tới”.

Nhiều người cảm động vì được bác sĩ ân cần chăm sóc, trong tay chẳng có gì, bèn tặng bác sĩ phần cơm chay, cùng lời nhắn nhủ mong sớm được gặp lại đoàn khám bệnh của AloBacsi.

Hồng Nhung - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X