Hotline 24/7
08983-08983

Vai trò của Y học cổ truyền trong điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, điều trị và phục hồi liệt mặt ngoại biên là thế mạnh của Y học cổ truyền. Dưới đây là một số kinh nghiệm của bác sĩ trong vấn đề này.

1. Liệt dây thần kinh VII ngoại biên là gì?

Bệnh cảnh liệt VII ngoại biên hay liệt mặt nguyên phát là liệt ngoại biên toàn bộ nửa bên mặt có thể liệt nữa mặt bên trái hoặc nữa mặt bện phải, nguyên nhân chưa rõ, có khởi đầu đột ngột và đa phần có tiên lượng tốt. Theo Y học cổ truyền, liệt mặt ngoại biên được mô tả trong những bệnh danh “khẩu nhãn oa tà”, “trúng phong”, “nuy chứng”.

2. Nguyên nhân nào gây bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên?

- Ngoại nhân: Thường do phong hàn, phong nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm nhập vào các kinh dương ở đầu và mặt.

- Bất nội ngoại nhân: Do chấn thương ở vùng đầu mặt gây huyết ứ lại ở các lạc trên. Những nguyên nhân này làm cho khí huyết của lạc mạch vùng đầu mặt bị cản trở hoặc bị tắc lại, gây nên chứng nuy (yếu liệt), có thể kèm theo tê và đau (không thông thì đau).

3. Các thể bệnh chủ yếu của liệt dây thần kinh VII ngoại biên?

a. Phong hàn phạm kinh lạc

Thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do lạnh, liệt ½ mặt một bên kèm theo người gai lạnh, sợ lạnh. Hoàn cảnh khởi phát bệnh ít nhiều có liên quan đến yếu tố thời tiết lạnh như sau khi gặp mưa, mùa lạnh,… rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Pháp trị: khu phong, tán hàn, hoạt lạc; hoạt huyết, hành khí.

Bài thuốc sử dụng: Ké đầu ngựa 12g, Tang ký sinh 12g, Quế chi 8g, Bạch chỉ 8g, Kê huyết đằng 12g, Ngưu tất 12g, Uất kim 8g ,Trần bì 8g, Hương phụ 8g

b. Phong nhiệt phạm kinh lạc

Thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do nguyên nhân viêm nhiễm, liệt ½ mặt một bên kèm theo người sốt, sợ gió, sợ nóng, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù sác. Khu phong, thanh nhiệt, hoạt huyết (khi có sốt). Khu phong, bổ huyết, hoạt lạc (khi hết sốt).

Bài thuốc sử dụng: Kim ngân hoa 16g, Bồ công anh 16g, Thổ phục linh 12g, Ké đầu ngựa 12g, Xuyên khung 12g, Đan sâm 12g, Ngưu tất 12g.

c. Huyết ứ ở kinh lạc

Thể bệnh lâm sàng thường xuất hiện trong những trường hợp liệt mặt do nguyên nhân chấn thương hoặc khối choán chỗ, liệt ½ mặt một bên và luôn có kèm dấu đau, xuất hiện sau một chấn thương hoặc sau mổ vùng hàm mặt - xương chũm.

Pháp trị: hoạt huyết, hành khí.

Bài thuốc sử dụng: Xuyên khung 12g, Đan sâm 12g, Ngưu tất 12g, Tô mộc 8g, Uất kim 8g, Chỉ xác 6g, Trần bì 6g, Hương phụ 6g.

4. Điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên thế nào?

Do cơ chế gây bệnh chưa rõ nên việc điều trị chủ yếu là giải quyết triệu chứng

a. Điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc

Có thể nói phần lớn những trường hợp liệt mặt ngoại biên chỉ cần áp dụng phương pháp trị liệu bằng xoa bóp bấm huyệt, châm cứu và tập luyện cơ bằng chủ động trợ giúp và tiến tới tập chủ động có đề kháng phục hồi vận động cơ mặt để đạt kết quả.

b. Điều trị bằng châm cứu

Kỹ thuật: Phần lớn là ôn châm (vì đa số trường hợp liệt mặt là do lạnh). Ôn châm cũng đồng thời được chỉ định trong trường hợp huyết ứ (do sang chấn). Nếu thuộc thể phong nhiệt phạm lạc mạch thì kỹ thuật sử dụng là châm tả.

c. Xoa bóp - Bấm huyệt

Xoa bóp - bấm huyệt rất phù hợp để điều trị liệt VII vì kích thích đến từng điểm, từng nhóm cơ trên vùng đầu - mặt - cổ mà dây VII chi phối. Trước khi thực hiện điều trị người bệnh được bác sĩ khám trước và việc điều trị sẽ có trọng tâm và thứ tự ưu tiên cho việc hồi phục những điểm chưa hoàn thiện trên mặt bệnh nhân tùy theo mức độ nặng nhẹ (bị mắt nhắm không kín là chủ yếu hay méo miệng là chủ yếu).

Mỗi ngày xoa bóp bấm huyệt từ 1-2 lần, mỗi lần khoảng 20 phút cho đến khi khỏi bệnh. Xoa bóp bấm huyệt được thực hiện một cách tỉ mỉ giúp điều chỉnh đến từng chi tiết và tạo độ hồi phục hoàn hảo nhất có thể.

Tuy nhiên, để đạt kết quả mĩ mãn nhất, bệnh nhân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ về việc tập luyện tại nhà thêm như Yoga khí công: tự tập thêm nhóm cơ vùng đầu, mặt, cổ.

- Xoa mặt, đầu, cổ: Ngồi hoa sen. 2 lòng bàn tay úp vao nhau, xát 2 lòng bàn tay vào nhau cho mạnh và nhanh cho 2 bàn tay thật nóng trước khi xoa. Đầu ngửa về sau, 2 tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên đến đỉnh đầu, đồng thời dần dần đầu cúi xuống, đầu bắt đầu cúi về phía trước, 2 tay xoa từ đỉnh xuống vùng chẩm, 2 tay xoa hai bên cổ và áp vào cằm đầu ngửa hẳn về phía sau. Tiếp tục xoa lại như trước từ 10-20 lần, thở tự nhiên.

- Xoa 2 loa tai: Ngồi hoa sen. Để 2 tay úp vào 2 bên má trước loa tai hoặc xoa tai từng bên. Xoa bàn tay về phía sau áp vào loa tai, khi bàn tay qua khỏi loa tai rồi, thì xoa trở lại áp vào loa tai sao cho tai úp rồi xoa cho đến má. Xoa từ 10-20 lần, cho ấm cả loa tai, thở tự nhiên.

- Xoa xoang và mắt: Ngồi hoa sen. 2 ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay khép lại. Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay đặt lên phía trong lông mày xoa vòng tròn từ phía trong lông mày ra phía ngoài xuống dưới gò má, vô mũi, đi lên phía trong lông mày và tiếp tuc 10-20 lần, xoa các vòng có xoang xương hàm trên, xoang sàng và xoang trán.

- Xoa miệng: Ngồi hoa sen. Xoa miệng để làm cho các cơ miệng, môi, má, cơ nhai, cơ cổ,… được tăng cường hoạt động, làm cho gương mặt tươi vui, lạc quan, chống gương mặt buồn rầu, bi quan… Muốn được vậy, điều cần thiết là phải căng lên phía các cơ miệng, má, cổ, cơ da trước khi xoa thì mới có thể đổi trạng thái của mặt từ bình thường trở thành vui tươi, mà trạng thái vui tươi của mặt sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tâm thần, làm cho tâm thần ngày càng lạc quan. Trạng thái tư tưởng và tâm thần quyết định gương mặt, song ảnh hưởng ngược lại cũng cần lưu ý khi tập. Dùng bàn tay bên này xoa miệng và má bên kia, từ miệng đến tai và từ tai đến miệng, 10-20 lần rồi đổi bên. Xoa lên mạnh, khi xuống nhẹ.

- Xoa cổ: Ngồi hoa sen. Căng các cơ vùng cổ, ưỡn cổ và mặt ngó lên trời, một bàn tay xòe ra, ngón cái một bên, 4 ngón kia một bên, đặt lên cổ. Xoa lên xoa xuống từ ngực đến cằm và từ cằm đến ngực cho ấm đều; làm từ 10-20 lần. Đổi tay và xoa như trên. Day ấn huyệt thiên đột.

- Đảo lưỡi kết hợp với đảo mắt. Ngồi hoa sen. Đảo lưỡi trong miệng kết hợp với đảo mắt cùng một hướng, đồng thời dao động thân qua lại. Đảo theo vòng tròn từ 5-10 lần rồi đảo ngược lại, đồng thời dao động thân qua lại.

- Súc miệng kết hợp với đảo mắt qua lại và đánh răng: Ngồi hoa sen. Súc miệng kết hợp với đảo mắt qua lại và đánh răng đồng thời dao động thân qua lại. Đưa một ngụm hơi vào miệng như 1 ngụm nước cho má phình lên rồi đảo từ má bên này sang má bên kia, kết hợp đảo mắt cùng một hướng, đồng thời đảo xong thì gõ răng 1 lần. Ăn nhịp với động tác đảo thì dao động thân qua lại. Đảo từ 10-20 lần.

- Tróc lưỡi: Ngồi hoa sen. Đưa lưỡi lên vòm họng và tróc lưỡi. Tróc 10-20 lần.

Sử dụng các phương pháp khác như: Tập luyện cơ: người bệnh cố gắng thực hiện các động tác: Nhắm 2 mắt lại, mỉm cười, huýt sáo và thổi, ngậm chặt miệng, cười thấy răng và nhếch môi trên, nhăn trán và nhíu mày, hĩnh mũi, phát âm những âm dùng môi như b, p, u, i,... giúp hoàn thiện nhóm cơ tối ưu nhất. Ngoài ra, điều trị và phục hồi liệt mặt ngoại biên là thế mạnh của Y học cổ truyền.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X