Vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân chấn thương thận, bệnh nhân sau tạo hình bàng quang bằng ruột và bệnh nhân ung thư dương vật
Hội Tiết Niệu - Thận học TPHCM (HUNA) phối hợp cùng Sở Y tế tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 20 tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, trong 3 ngày, từ 13 - 15/7/2023. Tại đây, phiên điều dưỡng vào ngày đầu tiên (13/7/2023) là một trong những chuyên đề hấp dẫn thu hút sự chú ý của các đại biểu vì thiết thực trong lâm sàng.
Đánh giá điều dưỡng đúng giúp can thiệp kịp thời, cứu nguy tính mạng bệnh nhân chấn thương thận
Mở đầu phiên báo cáo là bài nghiên cứu của ThS Võ Hữu Thuần - Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, về vấn đề “Chăm sóc người bệnh chấn thương thận”. Theo đó, chuyên gia cho biết: “Thận là một tạng xốp rất giàu mạch máu, khi bị chấn thương có thể từ mức độ này chuyển sang mức độ khác nặng hơn. Tuy nhiên, mức độ này cũng có thể ổn định, nên cần có sự theo dõi đánh giá đúng. Việc đánh giá điều dưỡng đúng giúp can thiệp kịp thời, cứu nguy tính mạng người bệnh”.
Cơ chế chấn thương gồm chấn thương trực tiếp và gián tiếp. Trong chấn thương trực tiếp có chấn thương vùng bụng, hông, thắt lưng do tai nạn giao thông, té ngã (80%) và đụng dập trực tiếp dẫn đến vỡ thận. Chấn thương gián tiếp do té từ trên cao xuống, chân chạm mạnh vào đất cứng dẫn đến đứt cuống thận. Điều trị nội khoa là đa số, có thể can thiệp DSA, cuối cùng nếu không được sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa.
Nhận định rõ cơ chế chấn thương như máu đỏ tươi là máu đang tiến triển, sẫm màu hay vàng là hồi phục. Nhận định tình trạng khối máu tụ hông lưng, tình trạng chướng bụng và co cứng nửa bụng. Ngoài ra, còn nhận định qua các kết quả xét nghiệm máu gồm công thức máu, số lượng hồng cầu, Hct, Hemoglobin.
“Nếu huyết áp tụt do chảy máu tiến triển, phải cho bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường. Lập đường truyền vững chắc, thực hiện thuốc cầm máu Transamin, Adrenoxyl bù dịch, truyền máu theo y lệnh. Theo dõi dấu sinh hiệu, chú ý mạch, huyết áp mỗi 15 phút, cho người bệnh thở oxy nếu SpO2 < 95. Phụ giúp bác sĩ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm > 8cm H2O. Ngoài ra, cần thực hiện y lệnh thuốc vận mạch nếu bù đủ dịch mà chưa nâng được huyết áp.
Đặt thông tiểu, theo dõi số lượng, màu sắc, tính chất nước tiểu. Tiến hành soạn mổ khẩn nếu hồi sức tích cực (truyền máu > 100ml) vẫn không nâng được huyết áp, bệnh diễn tiến nặng hơn, khối máu tụ vùng thắt lưng lớn hơn” - là các khuyến cáo của ThS Võ Hữu Thuần.
Hướng dẫn người bệnh và người nhà treo túi chứa nước tiểu đúng cách: treo thấp, cách mặt giường khoảng 60cm, đảm bảo không bị gập ống. Khuyên bệnh nhân uống nhiều nước và hướng dẫn sinh hoạt nhẹ nhàng tại giường, hạn chế vận động tránh chảy máu, tránh rặn tiểu.
Trong trường hợp thông niệu đạo không được, có cầu bàng quang phải báo bác sĩ thay thông niệu đạo lớn hơn hoặc phụ giúp bác sĩ bơm rửa bàng quang lấy máu cục, tránh tình trạng nghẹt ống sẽ làm bệnh nhân mót rặn dẫn đến chảy máu tiếp diễn. Tuyệt đối không quên công tác vệ sinh cá nhân, thay quần áo khi thấm máu, nước tiểu để tránh mùi hôi.
Bệnh nhân thường táo bón vì nằm một chỗ, vận động kém. Cần khuyên bệnh nhân uống nhiều nước (>2 lít/ngày). Cho bệnh nhân ăn trái cây nhuận tràng như chuối, đu đủ, thanh long,… Báo bác sĩ cho thuốc nhuận tràng (Forlax, Duphalac,…) nếu người bệnh còn táo bón. Hướng dẫn người bệnh đại tiện đúng giờ (buổi sáng sớm), xoa dọc theo khung đại tràng. Giữ kín đáo, tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh đi tiêu tại giường.
Chăm sóc người bệnh sau tạo hình bàng quang bằng ruột có những lưu ý gì?
Phiên báo cáo được tiếp nối với đề tài “Chăm sóc người bệnh sau tạo hình bàng quang bằng ruột” của ThS Phạm Minh Sơn - Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bàng quang là một cơ quan ngoài phúc mạc, ở phía sau khớp mu và tùy vào thể tích cũng như mức độ căng chứa nước tiểu mà có thể sờ thấy ở vùng bụng dưới. Cấu tạo bàng quang bao gồm 4 lớp được sắp xếp từ trong ra ngoài bao gồm lớp niêm mạc, lớp hạ niêm mạc hay còn gọi là lớp dưới niêm mạc, lớp cơ (lớp cơ vòng ở trong, lớp cơ dọc ở ngoài và ở giữa là lớp cơ chéo), lớp thanh mạc.
Hai lỗ niệu quản kết hợp với cổ bàng quang tạo thành hình tam giác, được gọi là tam giác bàng quang. Chức năng bàng quang là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu ra ngoài thông qua đường niệu đạo.
Giai đoạn đầu, bệnh nhân tiểu ra máu từng đợt, tiểu đau, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu khó, tiểu không tự chủ. Nước tiểu có màu lạ, sẫm màu và bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Giai đoạn muộn, khi ung thư di căn xâm lấn các vùng lân cận, bệnh nhân có thể đau bên hông lưng, đau vùng xương mu, đau hạ vị, đau xương, đau đầu.
ThS Phạm Minh Sơn cho biết: “Để chẩn đoán bác sĩ sẽ soi bàng quang thông qua việc đưa ống nội soi vào niệu đạo, tiến hành kiểm tra toàn bộ bàng quang để phát hiện bất thường hoặc sinh thiết một mẩu mô nhỏ trong bàng quang sẽ được mang soi để phát hiện các tế bào ung thư. Ngoài ra, có thể chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp tĩnh mạch có thuốc cản quang để quan sát toàn bộ đường tiết niệu và các mô xung quanh tốt hơn.
Trong trường hợp đã xác định bệnh nhân có ung thư bàng quang, các xét nghiệm chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), xạ hình xương (bone scan), X-quang ngực có thể được thực hiện để xác định mức độ, giai đoạn bệnh. Về phương pháp điều trị sẽ điều trị bằng hình thức phẫu thuật, hóa trị, xạ trị”.
Về chăm sóc người bệnh trước mổ, do bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn nên cần phải gần gũi, hướng dẫn, an ủi, bệnh nhân. Bên cạnh đó cần giải thích cho người bệnh an tâm, hiểu rõ mục đích, lợi ích của việc phẫu thuật giúp người bệnh lạc quan, tin tưởng vào chuyên môn của bác sĩ.
Về hoạt động, cần hướng dẫn bệnh nhân cách thở sâu, tập ho. Hướng dẫn trở mình và vận động sau phẫu thuật. Người bệnh nên được tắm rửa sạch sẽ, cắt móng tay, móng chân, vệ sinh răng miệng, mũi, họng và mặc quần áo sạch của bệnh viện.
Đối với chế độ ăn sẽ tăng protid như tăng thịt nạc, cá, trứng trong các bữa ăn hằng ngày. Đảm bảo đủ lượng các loại vitamin trong hoa quả và rau xanh. Nếu người bệnh không ăn được qua đường miệng thì báo cáo bác sĩ để cho ăn theo đường khác như đường ống thông qua dạ dày hoặc truyền dịch.
Làm sạch sẽ da vùng phẫu thuật bằng chất sát khuẩn, cạo hết lông ở vùng phẫu thuật, song lưu ý không làm sây sát da dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Thụt tháo tối trước mổ, đảm bảo thông tiểu vô khuẩn trước khi mổ 1 giờ và đặt ống thông mũi dạ dày.
Khi đưa người bệnh đến phòng mổ phải kiểm tra lại dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở và ghi nhận kết quả vào hồ sơ bệnh án. Đeo bảng tên và kiểm tra lại vòng đeo tay người bệnh. Cần thay quần áo theo quy định cho người bệnh phẫu thuật, kiểm tra đầy đủ lại hồ sơ. Di chuyển bằng băng ca hoặc xe lăn, di chuyển nhẹ nhàng, tuyệt đối không được để người bệnh tự đi và bàn giao người bệnh cho điều dưỡng phòng mổ.
Chăm sóc người bệnh sau mổ, khuyến khích người bệnh xoay trở, ngồi dậy sớm, hít thở sâu, khạc đờm để phòng ngừa viêm phổi do nằm lâu trên giường. Tăng cường tập vận động cho người bệnh (động tác co - duỗi chân) đễ giúp cho người bệnh sớm có nhu động ruột. Trong thời gian này, người bệnh được nuôi ăn hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch bằng dung dịch mỗn hợp (đường, đạm và chất béo). Cần đánh giá mức độ đau sau mổ của người bệnh để có can thiệp giảm đau phù hợp.
Theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, chú ý nhiệt độ để phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng. Theo dõi lượng nước xuất nhập 24 giờ để cân bằng bilan kịp thời. Theo dõi công thức máu, I-on đồ để phát hiện sớm tình trạng rối loạn điện giải và bù kịp thời.
Theo dõi cân nặng mỗi ngày, theo dõi kết quả xét nghiệm Protid/máu để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh. Theo dõi tình trạng đi tiêu của người bệnh để phát hiện tình trạng tắc ruột hoặc rối loạn tiêu hóa của người bệnh sau mổ. Cho người bệnh ngồi dậy sớm, rời khỏi giường, tập đi lại khi sức khỏe cho phép, chêm lót, massage những vùng đè cấn để tránh loét giường.
“Thường bệnh nhân sau mổ có rất nhiều ống dẫn lưu như ống dẫn lưu thông tiểu, ống dẫn lưu bàng quang ra da (thường được đặt bằng sonde Pezzer cỡ lớn 24Fr-28Fr). Lưu ý phải đảm bảo ống luôn thông suốt nếu nghẹt phải tiến hành bơm rửa hết dịch ruột. Trong quá trình lưu các ống dẫn lưu, hệ thống cầu nối luôn phải khít chặt, đảm bảo vô trùng và túi chứa luôn thấp hơn bàng quang. Luôn theo dõi số lượng, màu sắc, tính chất của dịch dẫn lưu, phải báo cáo ngay khi thấy dẫn lưu ra nhiều máu hoặc dịch phân” - ThS Phạm Minh Sơn thông tin thêm.
Bơm rửa bàng quang ngày 2 lần sáng và chiều hoặc khi bị nghẽn ống. Khi bơm rửa phải đảm bảo ống thông bàng quang ra da và ống thông niệu đạo thông suốt. Khi bơm chú ý áp lực vừa phải và lượng nước bơm vào mỗi lần bơm khoảng 50ml vì nếu bơm áp lực mạnh dễ gây kích thích và có thể làm bung vết khâu nối ruột. Dung dịch bơm rửa là nước muối sinh lý vô trùng được làm ấm khoảng 37˚C để tránh làm người bệnh nhiễm lạnh trong quá trình bơm rửa. Thay băng vết mổ sau khi thực hiện thủ thuật.
Hướng dẫn người bệnh ấn nhẹ vùng hạ vị mỗi lần đi tiểu mục đích tập luyện cho bàng quang mới hoạt động. Khi bệnh nhân xuất viện hướng dẫn thân nhân người bệnh thực hành bơm rửa tại nhà 2 lần/ngày hoặc khi ống bị tắt.
Ung thư dương vật - nỗi sợ hãi của rất nhiều nam giới
Cùng chủ đề chăm sóc người bệnh, ĐD.CK1 Trương Thị Kim Thoa - Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân đem đến bài báo cáo “Chăm sóc người bệnh nạo hạch bẹn ung thư dương vật”.
Ung thư dương vật là loại ung thư hiếm gặp nhưng là nỗi sợ hãi của rất nhiều nam giới và ảnh hưởng sâu sắc đến cơ quan nhạy cảm của cơ thể. Căn bệnh này chiếm 1/100.000 ở Mỹ và Châu Âu. Tại Châu Á số ca mắc ung thư dương vật hơn 36.000 và số ca tử vong hơn 13.000. Phần lớn là 60 - 70 tuổi, ít mắc ở thanh niên và trẻ em. Bên cạnh đó nguyên nhân chưa rõ ràng, nếu chủ quan ở giai đoạn sớm sẽ dẫn đến khó phẫu thuật bảo tồn.
Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, trong đó phương pháp điều trị chính là phẫu thuật đoạn dương vật. Nạo hạch bẹn được chỉ định khi ung thư di căn hạch hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao di căn hạch.
Sau phẫu thuật hình thái cơ quan sinh dục cũng như tâm lý người bệnh thay đổi rất nhiều, do đó việc chăm sóc, điều trị kết hợp là rất cần thiết. Thay băng vết thương theo quy trình kỹ thuật, trong đó cần quan sát, đánh giá màu sắc mép da vết thương và mỏm cụt dương vật. Dùng gạt ép lên vết mổ vùng bẹn và băng ép vừa phải bằng băng thun có giãn.
“Theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu chảy máu vết mổ, nhiễm khuẩn hay hoại tử mép da. Theo dõi vết thương, dẫn lưu ở mõm cụt dương vật, vết mổ vùng bẹn. Ngoài ra, cũng nên quan tâm đến toàn thân như dấu hiệu sốt, mạch, huyết áp, mệt mỏi...
Người bệnh cần được vệ sinh thân thể, thay quần áo khô sạch hằng ngày. Nghỉ ngơi tại giường 1-2 ngày sau phẫu thuật. Ngoài ra chăm sóc tâm lý là điều không thể thiếu. Cần thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ, khuyến khích đặt câu hỏi, khuyến khích chia sẻ cảm xúc với người nhà, bạn bè, trao đổi cùng chuyên gia Nam khoa. Các bác sĩ, điều dưỡng phải quan tâm, động viên, giải thích cho người bệnh và gia đình về tiến trình phục hồi, cũng như khả năng phẫu thuật tái tạo dương vật” - báo cáo viên Trương Thị Kim Thoa lưu ý.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình