Hotline 24/7
08983-08983

Vắc xin ngừa tiêu chảy do Rota virus: Vì sao cần hoàn thành liệu trình trước khi trẻ 6 tháng tuổi?

Các bậc phụ huynh cần hoàn thành đủ liều vắc xin ngừa Rota virus cho trẻ trước 6 tháng tuổi để con yêu có “vũ khí” thoát khỏi tình trạng tiêu chảy do Rota virus khi bước vào giai đoạn “nguy cơ cao”. Đây là thông điệp được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà truyền tải trong buổi tọa đàm trên AloBacsi với sự đồng hành của Hội Y học Dự phòng Việt Nam và VPĐD GSK.

Với chủ đề “Rotavirus - thủ phạm hàng đầu gây tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhập viện ở trẻ” cùng sự tham dự của Trưởng khoa Tiêu Hóa - Bệnh viện Nhi Trung Ương, chương trình “gỡ rối” đúng tâm trạng của các ông bố, bà mẹ đang nuôi con nhỏ, vì vậy nhận được sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà tham gia tọa đàm về tình trạng tiêu chảy do Rota virus trên AloBacsi

1. Vì sao Rota virus thường “tấn công” trẻ dưới 5 tuổi?

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà đề cập, tiêu chảy là nhóm bệnh phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em. Trong đó, Rota virus là một trong những căn nguyên gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ thường gặp nhất.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, Rota virus có nhiều type khác nhau, nhưng chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Trong đó, nhóm A thường gây bệnh ở trẻ nhỏ, còn nhóm B và C hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Tiêu chảy do Rotavirus cũng phát triển theo mùa. Ở miền Bắc, do có đặc thù 4 mùa rõ rệt nên Rota virus thường xuất hiện vào mùa đông - xuân. Các nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương và một số cơ sở y tế khác cho thấy, tiêu chảy ở trẻ em gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm. Trong khi đó, ở miền Nam, Rota virus thường gia tăng từ tháng 9 đến tháng 12.

Trẻ em dưới 5 tuổi là giai đoạn rất dễ bị “tấn công” bởi Rota virus. Đặc biệt là trong khoảng từ 6 - 24 tháng tuổi. Lý giải về nguyên nhân, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng, trẻ em ở độ tuổi này thường bước vào giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”.

Trước 6 tháng tuổi, trẻ được bảo vệ bởi miễn dịch từ người mẹ truyền sang. Song từ 6 tháng tuổi trở đi, kháng thể trẻ nhận thụ động qua nhau thai và sữa mẹ không còn, trong khi đó miễn dịch chủ động chưa hoàn thiện.

Hơn nữa, đây cũng là giai đoạn có nhiều sự chuyển biến từ chế độ dinh dưỡng đến việc vận động, trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường xung quanh, gia tăng các yếu tố phơi nhiễm từ bên ngoài, tạo điều kiện Rota virus xâm nhập và gây tiêu chảy.

2. Rota virus nguy hiểm như thế nào?

Con đường lây truyền chính của Rota virus là phân - miệng. Phân của người nhiễm Rota virus đi ra môi trường bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước, các vật dụng xung quanh. Khi trẻ vô tình cầm nắm, chạm vào các về mặt bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi hoặc từ chính bàn tay của người chăm sóc… có virus bám dính rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa và gây bệnh cho trẻ.

Điều đáng lưu ý là Rota virus tồn tại rất lâu trong phân và nhiệt độ môi trường, đặc biệt là khí hậu ở nước ta, nhưng không dễ dàng bị “đánh bại” bởi các biện pháp sát khuẩn thông thường như Clo, Flo… Mặt khác, trẻ nhiễm Rota virus đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, mỗi một 1 gam phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rota virus có thể chứa hơn 10.000 tỷ virus Rota, trong khi chỉ cần khoảng 10 virus là có thể gây bệnh ở trẻ.

“Điều đó cho thấy rằng, nếu phân của người bệnh không được xử lý phù hợp, hay cách chăm sóc của các bậc phụ huynh chưa đảm bảo an toàn sẽ làm lây virus ra đồ chơi hoặc các dụng cụ, môi trường sinh sống, vui chơi và từ đó gây nguy cơ mắc bệnh cho trẻ” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà nhấn mạnh.

Rota Virus là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người (Ảnh minh họa)

Đáng lo là, nhiều bậc phụ huynh quan niệm bệnh tiêu chảy do nguyên nào cũng có thể khỏi bệnh sau vài ngày điều trị. Song điều này không đúng hoàn toàn với tiêu chảy do Rota virus. Mặc dù nhìn chung bệnh tiêu chảy đều đưa đến biến chứng mất nước, mất điện giải và suy dinh dưỡng nhưng Rota virus có một số tác động làm em bé dễ bị ảnh hưởng hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: “Nhiễm Rota virus làm tổn thương toàn bộ đường ruột của trẻ, bào mòn các vi nhung mao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc uống và hấp thu nước của trẻ mà còn giảm hấp thu chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất bột đường. Khi thiếu chất bột đường, dẫn đến thiếu năng lượng và chuyển hóa yếm khí trong đường ruột sinh ra các sản phẩm toan khiến bé bị đầy bụng, trướng, gia tăng khả năng nhiễm độc các nguyên nhân khác.

Đặc biệt, Rota virus có độc tố NSP4 (protein không cấu trúc) gây tác động trên thần kinh ruột, làm thay đổi - tăng co bóp nhu động ruột. Từ đó trẻ sẽ nôn nhiều, đi ngoài nhiều lần. Do đó, nếu không phát hiện kịp thời hay điều trị không đúng cách sẽ đưa đến các biến chứng nguy hiểm như sốt cao có thể gây co giật; nôn ói, tiêu chảy nhiều lần gây mất nước và điện giải, thậm chí là suy tạng, tử vong.

Một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm Rota virus có thể gây tổn thương ở thần kinh trung ương hay hệ tim mạch. Những biến chứng này thường xuất hiện đột ngột và cấp tính. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi trẻ sát sao để đánh giá đó là triệu chứng bệnh hay biến chứng của tiêu chảy do Rota virus gây nên để có hướng xử trí phù hợp”.

3. Triệu chứng nhận biết tiêu chảy do Rota virus và cách chăm sóc, điều trị

Với Rota virus, thời gian ủ bệnh trong khoảng 3 ngày. Ngay cả khi ở trong giai đoạn ủ bệnh, trẻ đã bắt đầu có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc vừa (một số ít trường hợp có thể sốt cao); nôn trớ, nôn ra thức ăn lẫn chất nhầy, nếu nôn nhiều sẽ có lẫn dịch vàng của mật.

Đến khi virus nhân lên trong đường ruột, gây ra các biểu hiện tổn thương trên đường ruột thì triệu chứng tiêu chảy mới xuất hiện. Đặc điểm của tiêu chảy do Rota virus là đi ngoài phân lỏng, tóe nước, mùi tanh, có màu trắng hoặc vàng nhạt, thường không có nhầy và máu.

Để phân biệt với các tình trạng khác, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà hướng dẫn các bậc phụ huynh: “Ba triệu chứng thường gặp ở trẻ nhiễm Rota virus đó là sốt, nôn, tiêu chảy. Ở giai đoạn toàn phát, nôn và tiêu chảy là 2 triệu chứng khá đặc hiệu của tiêu chảy do Rota virus.

Trong đó, tiêu chảy do Rota virus có thể đến 20 - 30 lần/ ngày, tình trạng nôn thường xảy ra trong ngày đầu và không kéo dài quá 3 ngày. Đặc biệt, tiêu chảy thường xuất hiện đồng thời hoặc sau khi trẻ hết nôn với tình chất tóe nước, không nhầy và máu trong phân. Trong khi tiêu chảy do nguyên nhân khác tần suất đi phân lỏng sẽ ít hơn, thời gian nôn và tiêu chảy sẽ kéo dài hơn”.

Tiêu chảy do Rota virus thường xuất hiện đồng thời hoặc sau khi trẻ hết nôn với tình chất tóe nước, không nhầy và máu trong phân (Ảnh minh họa)

Hiện nay, bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với. Kháng sinh không có tác dụng điều trị đối với tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế nhiều bậc phụ huynh khi thấy con bị tiêu chảy kèm theo biểu hiện sốt, nôn thường tự mua thuốc điều trị, trong đó có kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc mà còn gây ra hệ quả rối loạn hệ khuẩn đường ruột, khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

Trong tiêu chảy do Rotavirus, bù nước qua đường uống, bù điện giải và chế độ dinh dưỡng thích hợp vẫn là phương pháp điều trị cơ bản. Việc bổ sung oresol, các bậc phụ huynh cần phải trao đổi với dược sĩ về cách sử dụng và bảo quản.

Điều trị thứ hai là bổ sung kẽm. Gần như các bậc phụ huynh thường bỏ qua yếu tố quan trọng này. Khi trẻ bị tổn thương đường ruột sẽ mất kẽm qua tiêu chảy. Vì vậy, nếu bổ sung kẽm đúng cách sẽ tăng cường hệ miễn dịch, giúp phục hồi đường ruột tốt hơn.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần lưu ý đó là việc bổ sung các men vi sinh, cần lựa chọn những probiotic có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, vì nếu không đây sẽ là nguy cơ khiến trẻ có thể bị nhiễm khuẩn và tình trạng tiêu chảy càng nặng nề hơn.

Do đó, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà khuyến cáo, trong thời gian đầu khi trẻ bị tiêu chảy, nôn, sốt, các bậc phụ huynh có thể theo dõi, điều trị bằng cách hạ sốt để tránh co giật, uống nhiều nước để tránh mất nước. Đồng thời nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ đánh giá mức độ nặng để có biện pháp điều trị phù hợp.

4. Vì sao vắc xin ngừa Rota virus cần hoàn thành liệu trình trước khi trẻ 6 tháng tuổi?

Kỳ vọng lớn nhất trong việc chăm sóc trẻ là giúp con yêu phòng ngừa bệnh chủ động, điều đó có nghĩa là tạo cho trẻ miễn dịch thông qua việc tiêm vắc xin. May mắn là, Rota virus đã có vắc xin phòng ngừa, được đánh giá là an toàn và hiệu quả.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, trẻ nên bắt đầu uống vắc xin ngừa Rota virus liều đầu tiên vào lúc 6 tuần tuổi và liều thứ 2 sau đó 4 tuần. Với bất kỳ loại vắc xin nào, việc chủng ngừa đủ liều theo khuyến cáo là rất quan trọng, như vậy mới đáp ứng đủ miễn dịch cho trẻ.

Hiện nay do dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khiến nhiều gia đình lo ngại đến các cơ sở y tế, dẫn đến việc trì hoãn tiêm chủng. Tuy nhiên, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà lưu ý, đối với vắc xin ngừa Rota virus cần hoàn thành đủ liệu trình trước khi trẻ được 6 tháng tuổi để cơ thể sinh ra kháng thể chuẩn bị cho trẻ bước vào giai đoạn dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Cho trẻ uống vắc xin là biện pháp phòng ngừa tiêu chảy do Rota virus chủ động, hiệu quả (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới nhận thấy rằng, việc chủng ngừa đồng thời vắc xin đường tiêm và vắc xin đường uống Rota virus không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm khi cho trẻ uống vắc xin Rota virus cùng thời điểm tiêm các vắc xin khác như bạch hầu - ho gà - uốn ván; phế cầu; bại liệt mà không cần phải có khoảng cách.

Ngoài ra, để phòng ngừa tiêu chảy hiệu quả, bên cạnh vắc xin các bậc phụ huynh cũng nên tuân thủ quy tắc vệ sinh như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ vệ sinh môi trường sống, xử lý phân hợp lý…

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X