Ưu, nhược điểm của xét nghiệm PAP và HPV khi tầm soát ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm PAP hay HPV đều là những xét nghiệm để đi tìm bất thường trên niêm mạc cổ tử cung. Cách hoàn mỹ nhất là kết hợp cả hai phương pháp, gọi là Co-testing (đồng thời) để loại trừ rủi ro ung thư cổ tử cung ở mức độ cao nhất tại thời điểm kiểm tra.
1. Độ tuổi nào cần tầm soát ung thư cổ tử cung?
Bắt đầu từ độ tuổi nào, các chị em nên tầm soát ung thư cổ tử cung, thưa BS?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Tầm soát ung thư cổ tử cung là một quá trình được tích hợp trong các buổi khám phụ khoa thông thường.
Ở độ tuổi nhất định từ 23 - 26 tuổi, những tổn thương đầu tiên trên cổ tử cung mới có nguy cơ xuất hiện. Như vậy, kể cả những người đi khám phụ khoa vì các nguyên nhân như ngứa ngáy, khó chịu từ 18 - 22 tuổi đôi khi chưa cần thiết phải sàng lọc khám ung thư cổ tử cung.
Nếu có những triệu chứng đặc biệt hơn như ra máu bất thường, chảy máu sau khi quan hệ tình dục dù bạn còn trẻ tuổi vẫn nên kiểm tra xem có xuất hiện những tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư. Khi đó, bác sĩ sẽ đề nghị sàng lọc ung thư cổ tử cung.
2. Khám phụ khoa có phát hiện được ung thư cổ tử cung?
Khám phụ khoa có phát hiện được ung thư cổ tử cung không thưa BS?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Khám phụ khoa thông thường bao gồm kiểm tra tổn thương phía ngoài, tiết dịch vùng kín bất thường hoặc kiểm tra sang thương sâu bên trong vùng kín bằng cách đặt mỏ vịt nếu người phụ nữ đã có quan hệ qua đường âm đạo,… Đây là những khảo sát bằng mắt và không cho phép phát hiện tổn thương tiền ung thư, ngoại trừ ung thư đã rất rõ ràng như khối sùi, khối thâm nhiễm, cứng trên cổ tử cung mới có thể nghi ngờ.
Chính vì vậy, việc sàng lọc ung thư cổ tử cung đa số dựa trên việc lấy mẫu xét nghiệm khi tiếp cận bên trong cổ tử cung bằng cách đặt mỏ vịt. Điều này chỉ thực hiện khi bệnh nhân đồng ý, có khả năng đặt mỏ vịt để nhìn vào bên trong.
Sau một khoảng thời gian nhất định có quan hệ tình dục, người bệnh sẽ làm các xét nghiệm trên cổ tử cung để phát hiện ra các tổn thương từ rất sớm của ung thư cổ tử cung.
3. Tầm soát ung thư cổ tử cung nên chọn xét nghiệm PAP hay HPV?
Tầm soát ung thư cổ tử cung, nên xét nghiệm PAP hay xét nghiệm HPV? Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp ra sao, thưa BS?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Xét nghiệm PAP hay HPV đều là những xét nghiệm để đi tìm bất thường trên niêm mạc cổ tử cung.
PAP là hình thức sử dụng một dụng cụ rất mềm, nhẹ nhàng, không gây đau, chỉ cảm giác hơi khó chịu và phết trên cổ tử cung để từ đó có được các tế bào của cổ tử cung. Nếu có bất thường sẽ nhìn thấy thông qua tế bào đó và xem mức độ là chuẩn bị ung thư hay thực sự ung thư. PAP là xem có hay không có tổn thương của tế bào ở vùng bề mặt nông.
Biện pháp tìm HPV (tìm siêu vi) đóng vai trò quan trọng trong việc tế bào bị biến đổi và gây nên ung thư cổ tử cung. Tìm HPV là biện pháp kiểm tra nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, không phải tìm tổn thương tế bào ung thư cổ tử cung.
Theo phân tích này có thể hiểu rằng hoàn mỹ nhất là kết hợp cả hai phương pháp, xem có siêu vi gây nên ung thư hay không và tại thời điểm đó có tế bào bất thường hay không. Nếu xét nghiệm cả hai, gọi là Co-testing (đồng thời) có thể loại trừ rủi ro ung thư cổ tử cung ở mức độ cao nhất tại thời điểm kiểm tra.
Điều này giúp chúng ta có thể trì hoãn lần kiểm tra sau, khoảng 3 năm mới cần kiểm tra lại nếu không có triệu chứng.
Tuy nhiên, việc làm PAP đơn thuần (tìm tế bào đơn thuần) có lợi điểm là được tiến hành kết hợp trên những người đã từng kiểm tra HPV trước đó hoặc những người đã từng có tổn thương tiền ung thư, đã được giải quyết và muốn biết còn các tế bào bất thường hay không. Khi đó, chỉ có cách quẹt lên trên cổ tử cung mới cho biết kết quả cụ thể.
Bất lợi là đôi khi chúng ta quẹt không ra tế bào đó hoặc lấy được tế bào nhưng còn dính lại trên dụng cụ lấy mẫu chứ không chuyển đến được kính hiển vi để soi. Vì kỹ thuật làm PAP có một số giới hạn nên khuyến cáo thực hiện cả hai hoặc thực hiện xét nghiệm HPV để tìm nguyên nhân bất thường trên tế bào.
PAP càng ngày càng ít sử dụng trong tầm soát ung thư cổ tử cung vì chỉ một xét nghiệm này sẽ không giúp người bệnh có thể yên tâm là bệnh không diễn tiến nhanh đến ung thư trong thời gian sắp tới. Bệnh nhân nên biết có HPV hay không? Những biện pháp kiểm tra HPV hiện nay đã được thực hiện rất đơn giản bằng những bộ dụng cụ có thể tự lấy mẫu tuy nhiên về giá trị vẫn cần phải nghiên cứu trong thời gian tới.
4. Tầm soát ung thư cổ tử cung gồm những gì?
Tầm soát ung thư, quy trình thực hiện như thế nào, thưa BS?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Kể cả các nước phát triển, không phải ai cũng nhớ đến lịch tầm soát và chấp nhận đi đến gặp bác sĩ phụ khoa. Mặc dù chỉ cần nằm lên trên bàn khám, nhưng không đơn giản ở chỗ chấp nhận bộc lộ vùng kín của mình và lấy mẫu bên trong. Tâm lý là vấn đề lớn nhất làm cho chị em phụ nữ ngại ngần.
Quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung tích hợp trong việc khám, kiểm tra huyết trắng hay kiểm tra định kỳ có u xơ, u nang hay không mà không gây rắc rối hay kéo dài thời gian.
Tại các nước phát triển, họ nghĩ ra các biện pháp để chị em phụ nữ có thể tự lấy mẫu dễ dàng như phát dụng cụ để tự lấy mẫu trong vùng kín theo hướng dẫn và gửi đến bác sĩ để phân tích. Hy vọng các giải pháp này sẽ đến với Việt Nam trong tương lai, từ đó làm gia tăng mức độ chấp nhận thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung đối với chị em phụ nữ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình