Hotline 24/7
08983-08983

Ưu điểm của điều trị phục hồi chức năng đối với phụ nữ trước sinh

Điều trị phục hồi chức năng với phụ nữ trước sinh gần như là một khái niệm mới mẻ. Tuy nhiên, phương pháp này rất cần thiết giúp mẹ bầu có thể mang thai thuận lợi, đủ sức khỏe và tinh thần để chuẩn bị sinh nở

1. Điều trị phục hồi chức năng ý nghĩa gì với sức khỏe của mẹ bầu?

Việc điều trị phục hồi chức năng với phụ nữ trước sinh có vẻ là một khái niệm mới mẻ. Vậy việc điều trị này có ý nghĩa gì với sức khỏe của mẹ bầu? Có giúp ích cho em bé luôn không ạ?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Không chỉ đối với mẹ bầu mà với người bình thường tập thể dục thể thao là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Đối với những mẹ bầu khỏe mạnh, không có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe thì chỉ cần tập các bài thể dục phù hợp từng tam cá nguyệt.

Còn với những mẹ bầu gặp các tình trạng về cơ xương khớp, hô hấp, tiết niệu sinh dục thì điều trị phục hồi chức năng trước sinh là một phần không thể thiếu để mẹ có thể mang thai thuận lợi, đủ sức khỏe và tinh thần để chuẩn bị sinh nở. Mẹ khỏe bé cũng sẽ khỏe theo.

2. Điều trị phục hồi chức năng ở 3 giai đoạn tam cá nguyệt có gì khác nhau?

Thai kỳ chia ra 3 tam cá nguyệt, việc điều trị phục hồi chức năng có khác thế nào ở 3 giai đoạn này?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Tam cá nguyệt (tiếng Anh là Trimester) là khoảng thời gian từ khi mang thai đến lúc sinh nở, các mẹ sẽ phải trải qua 3 giai đoạn của thai kỳ:

- Giai đoạn 1: Tam cá nguyệt thứ 1, 3 tháng đầu thai kỳ: Ở giai đoạn này cơ thể mẹ bắt đầu thay đổi, có thể gây buồn nôn, khó thở, đau lưng đau chân và thay đổi thói quen tiểu tiện. Việc điều trị phục hồi chức năng giai đoạn này tập trung vào vấn đề khó thở và đau mỏi thắt lưng.

- Giai đoạn 2: Tam cá nguyệt thứ 2, 3 tháng giữa thai kỳ 4 - 5 - 6. Ở giai đoạn này bụng bắt đầu to hơn khiến tình trạng đau mỏi vai gáy, đau lưng, chân phù, suy giãn tĩnh mạch đau nhức vùng chậu tăng đau. Việc điều trị phục hồi chức năng giai đoạn này tập trung vào vấn đề đau mỏi thắt lưng/đau lưng, đau nhức chân do hiện tượng căng cơ, phù chân do suy giãn tĩnh mạch.

- Giai đoạn 3: Tam cá nguyệt thứ 3, bởi lúc này bé đã phát triển đầy đủ và bụng bắt đầu to nhanh hơn, chèn ép cơ quan tiêu hóa, chèn ép cơ hoành làm hô hấp trở nên khó khăn. Xương chậu xoay ra trước làm tăng áp lực lên cột sống, mất cân bằng cơ vùng thắt lưng khung chậu khiến bệnh nhân căng đau. Bên cạnh đó, hormone relaxin làm giãn dây chằng nới lỏng các khớp để xương chậu của thai phụ nới rộng ra hỗ trợ quá trình em bé chui qua khiến các tình trạng bệnh lý cơ xương khớp cũng tăng cao. Cũng có thể gặp trường hợp đôi khi còn gây sa tử cung trong thai kỳ, do dây chằng và sàn chậu bị yếu.

Điều trị trong tam cá nguyệt này bao gồm các vấn đề kể trên. Ngoài ra, cần chuẩn bị sàn chậu trước sinh.

3. Điều trị phục hồi chức năng trước sinh ở người mang thai con so và con rạ có khác nhau không?

Điều trị phục hồi chức năng trước sinh đối với người mang thai con so và con rạ có khác nhau không ạ?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Cơ bản nhìn chung không khác gì nhau, khi xuất hiện triệu chứng của cơ quan chức năng nào bị ảnh hưởng, ta sẽ điều trị. Nhưng lần sinh con rạ chúng ta phải lưu ý điều trị phục hồi chức năng ngay sau sinh con so, chẳng hạn sinh mổ phải điều trị sẹo mổ tử cung lành tốt để tránh tai biến cho lần sinh sau. Hay các vấn đề cơ xương khớp, sàn chậu cũng điều trị phục hồi tốt tránh trở nặng cho lần mang thai sau.

4. Nên bắt đầu luyện tập vào thời điểm nào của thai kỳ?

Việc luyện tập nên bắt đầu vào thời điểm nào của thai kỳ ạ?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Việc tập thể dục của các mẹ bầu cũng như người bình thường, khi mẹ khỏe bé cũng sẽ khỏe nên tập luyện càng sớm càng tốt. Việc điều trị phục hồi chức năng khi có các vấn đề như đã nêu ở trên.

5. Trước sinh, thai phụ cần luyện tập ra sao?

Trước sinh, thai phụ cần tập những động tác gì? Thời gian tập một ngày mấy lần, mỗi lần bao nhiêu phút?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Thể dục có thể tập mỗi ngày 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần 30 phút. Lưu ý các bài thể dục phải phù hợp từng tam cá nguyệt. Khi mẹ bầu có những vấn đề riêng về sức khỏe thì mới tập phục hồi chức năng dựa trên phác đồ đã được cá nhân hóa

6. Thai phụ ốm nghén cần lưu ý gì khi tập?

Thai phụ ốm nghén có nên ngưng tập hay giảm thời gian tập không ạ?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Nếu mẹ bầu ốm nghén quá nặng thì nên tập trung nghỉ ngơi, do lúc này progesteron và HCG tăng lên. Còn tình trạng nhẹ hay vừa điều trị phục hồi chức năng góp 1 phần làm giảm tình trạng ốm nghén do tinh thần thoải mái, các tình trạng cơ xương ổn định, hô hấp dễ dàng hơn.

7. Điều trị phục hồi chức năng trước sinh chống chỉ định với trường hợp nào?

Những thai kỳ không thuận lợi, thai phụ dọa sảy thai, dọa sinh non… có phải là chống chỉ định với việc điều trị phục hồi chức năng trước sinh hay không, thưa BS?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Những thai kỳ không thuận lợi, thai phụ dọa sảy thai, dọa sinh non… là các chống chỉ định cho việc vận động mạnh bao gồm tập thể dục hay phục hồi chức năng với các bài tập vận động.  Việc điều trị phục hồi chức năng không liên quan đến vận động hay vùng bụng vẫn có thể thực hiện được, nhưng nói chung đây là 1 trở ngại tâm lý cho bệnh nhân và cả nhân viên y tế.

8. Dấu hiệu nào cho thấy thai phụ đang tập quá sức?

Đối với người không mang thai, việc luyện tập quá sức đôi khi cũng xảy ra. Vậy với thai phụ thì những dấu hiệu gì cho thấy mình đang tập quá sức, nên điều chỉnh lại?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Việc tập luyện quá sức biểu hiện rõ nhất ở việc cảm thấy kiệt sức sau khi tập, chóng mặt, buồn nôn, đau buốt. Nhưng để dẫn đến việc kiệt sức khi tập luyện là một điều hiếm. Khi điều trị phục hồi chức năng các phác đồ đưa ra sẽ phù hợp với từng cá nhân và tình trạng sức khỏe mỗi ngày của thai phụ, trong quá trình điều trị luôn có kỹ thuật viên theo sát và tiên lượng nên vấn đề tập quá sức ít khi xảy ra.

9. Thai phụ điều trị phục hồi chức năng trước sinh cần lưu ý gì?

BS có lời khuyên/lưu ý dành cho các thai phụ về việc điều trị phục hồi chức năng trước sinh?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Các vấn đề sức khỏe của mẹ trong trước và sau thai kì đaều cần được ưu quan tâm, để bà mẹ có đủ sức khỏe vể thể chất lẫn tinh thần điều này ảnh hưởng sự phát triển của em bé trong bụng mẹ, chỉ khi mẹ khỏe thai nhi mới có thể ra đời thuận lợi. Tránh cho mẹ bị suy kiệt, chịu đau đớn trong thời gian dài, dẫn đến trầm cảm. Chúc các mẹ bầu có kỳ vượt cạn mỹ mãn, mẹ tròn con vuông.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X