Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị phục hồi chức năng cho phụ nữ trước và sau khi sinh quan trọng ra sao?

Trước và sau sinh, cơ thể thay đổi như thế nào? Điều trị phục hồi chức năng sau sinh đem lại lợi ích gì? - Đây là những vấn đề mà bạn đọc thường thắc mắc và đã được ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời trong bài viết này.

1. Trước và sau sinh, cơ thể thay đổi như thế nào?

Cơ thể người phụ nữ thay đổi thế nào trước và sau khi mang thai, sinh nở?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Khi mang thai sẽ có những thay đổi như:

- Thay đổi không nhìn thấy được: hormone nội tiết, thể tích tuần hoàn

- Thay đổi về hình thể thẩm mỹ khi mang thai: Làn da có thể xuất hiện những mảng tối màu khi mang thai.  Da sậm màu đầu ngực, đường sọc giữa bụng, cơ quan sinh dục dưới. Xuất hiện mụn thịt.

- Thay đổi về hình thể vóc dáng khi mang thai: Thân tử cung:  trọng lượng tử cung có thể tăng đến gấp 20 lần khi không có thai; Tử cung nằm phía trước cơ thể, làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, nên cơ thể phải điều chỉnh trọng tâm, cụ thể bàn chân mở ngoài, dáng đi 2 hàng; Tử cung càng lớn, áp lực lên cột sống khung chậu càng tăng, khung chậu xoay trước và tăng độ ưỡn cột sống thắt lưng; Cuối thai kỳ chúng ta thấy hông hay khung chậu to ra, do các khớp dãn nở chuẩn bị cho sinh nở.

Sau khi sinh:

- Hiển nhiên nhất là không còn bụng bầu, tử cung co lại sau sinh

- Rụng tóc, do hormone estrogen giảm nhanh.

- Cân nặng giảm

- Vòng 2 to: Đó là tình trạng cơ bụng của bạn giãn ra cùng với sự phát triển của em bé

- Khung chậu xoay trước, làm bụng dưới phình ra

- Toác khớp cùng chậu, khớp mu, khung chậu xoay trước làm đau thắt lưng, đau khung chậu sau sinh

- Hông to hơn với thời kỳ con gái

- Âm đạo dãn, Sa âm đạo, sa tử cung, sa bàng quang.

2. Sau khi sinh bộ phận/chức năng cơ thể nào có thể tự phục hồi và không thể phục hồi nếu không được hỗ trợ?

Sau khi người phụ nữ trải qua sinh nở, những bộ phận/chức năng cơ thể nào có thể tự phục hồi, bộ phận/chức năng nào gần như không thể phục hồi nếu không được hỗ trợ?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Các vấn đề phục hồi kém là vết nám da, tình trạng rụng tóc, tách cơ thẳng bụng.

Tình trạng không thể phục hồi sau sinh là toác khớp mu, khớp cùng chậu, tiểu són hay sa sinh dục, các vết rạn da.

3. Vì sao phụ nữ cần điều trị phục hồi chức năng trước sinh?

Vì sao ngay cả trước sinh người phụ nữ cũng cần điều trị phục hồi chức năng, thưa BS?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: một số vấn đề liên quan đến sức khỏe trong thai kỳ như nghén nặng, mệt mỏi, đau thắt lưng, đau lưng, đau khung chậu, tiểu són, hô hấp nặng nhọc và khó khăn… nên ngay cả trước sinh người phụ nữ cũng cần điều trị phục hồi chức năng.

4. Quan niệm phụ nữ đang ở cữ không nên vận động nhiều là đúng hay sai?

Ông bà xưa quan niệm phụ nữ đang ở cữ không nên vận động nhiều, nên nằm một chỗ, trừ khi đi vệ sinh, còn đâu ăn, uống, tất tần tật nên ở trên giường. Dưới góc nhìn của y khoa hiện đại, việc này có thể gây bất lợi gì cho sản phụ, thưa BS?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Những quan niệm như nằm than, không đánh răng, không tắm rửa nửa tháng sau sinh cần phải loại bỏ. Thiếu vận động sau sinh có thể làm bạn mắc huyết khối, máu huyết lưu thông kém làm trì trệ những bộ phận cần hồi phục sau sinh như  khoang bụng, khoang chậu, trực tràng, bàng quang.

5. Điều trị phục hồi chức năng sau sinh đem lại lợi ích gì?

Điều trị phục hồi chức năng sau sinh sẽ giúp sản phụ phòng tránh những bệnh lý gì về sau?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Về cơ xương khớp giúp tránh viêm khớp cùng chậu, chỉnh độ ưỡn cột sống thắt lưng, và xoay trước của khung chậu, giúp tránh đau thắt lưng mãn tính, thoát vị đĩa đệm.

Về cơ quan sinh dục: Thu hẹp âm đạo sau sinh không phẫu thuật, phòng tránh tiêu tiểu không tự chủ, sa cơ quan tiết niệu sinh dục: sa bàng quang, sa âm đạo, sa tử cung.

6. Bài tập phục hồi chức năng cho phụ nữ trước và sau sinh có cần người hướng dẫn trực tiếp không?

Các bài tập phục hồi chức năng cho phụ nữ trước và sau sinh có cần người hướng dẫn trực tiếp không, hay có thể tập theo các video của các bệnh viện sản phụ khoa?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Hiện tại ngành phục hồi chức năng sản phụ khoa, còn thiếu nhân lực và chuyên ngành đào tạo. Đa phần các video hướng dẩn các bài tập sàn chậu chung chung, không cá nhân hóa vào trường hợp điều trị cụ thể. Dẫn đến bệnh nhân có thể “lấy râu ông này cắm cằm bà kia”, chưa kể những bài tập không đúng. Khi vào bệnh viện chuẩn bị sinh, chúng ta có bài tập chuẩn bị sàn chậu trước sinh và tập thở.

7. Thai phụ cần lưu ý ra sao trước khi thực hiện bài tập để đem lại hiệu quả?

Trước khi thực hiện bài tập, thai phụ và sản phụ cần chuẩn bị những gì để đem lại hiệu quả? (trang phục, giày dép, nhiệt độ phòng, quạt gió, thảm, nên ăn uống gì, đang tập có nên uống nước không?)

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Cần phân biệt tập thể dục và điều trị phục hồi chức năng. Điều trị phục hồi chức năng là khi có một chức năng hệ cơ quan bị ảnh hưởng. Thể dục có thể tập mỗi ngày, nhưng thể dục trong thai kỳ cũng cần người có chuyên môn. Về trang bị nên phù hợp, thoải mái và phòng tránh tai nạn trượt ngã.

8. Nên lưu ý gì đối với các động tác trong sinh hoạt thường ngày?

Song song với việc tập luyện, thai phụ và sản phụ cần lưu ý gì về các động tác trong sinh hoạt thường ngày?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: An toàn, tránh va đập, trơn trượt té ngã là lưu ý hàng đầu trong sinh hoạt hàng ngày. Tránh lao động nặng nhọc. Các động tác cúi nhặt đồ, bế em nên thực hiện ở tư thế thẳng trục cơ thể.

9. Vì sao các diễn viên, người mẫu sau sinh có thể lấy lại vóc dáng nhanh chóng?

Nhiều chị em rất ngưỡng mộ với các diễn viên, người mẫu… vì thấy rằng sau sinh họ đều thon gọn rất nhanh, có phải là vì họ có chế độ luyện tập rất chặt chẽ? Vậy còn các chị em không có huấn luyện viên bên cạnh, mà lại còn phải chăm con mọn tất bật cả ngày lẫn đêm thì việc lấy lại vóc dáng là chuyện xa vời. Theo BS điều này có đúng?

ThS.BS Calvin Q Trịnh trả lời: Thực hiện trào lưu theo các video sống ảo hay người mẫu lấy lại vóc dáng 10 ngày sau sinh là một việc cực kỳ phản khoa học và nguy hiểm cho sức khỏe bà mẹ hiện tại và lâu dài. Còn giảm cân trong thời gian nào là tốt nhất, làm sao chỉnh lại các lệch vẹo hình thể, mời các bạn theo dõi trong video tới.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X