Hotline 24/7
08983-08983

Tỷ lệ đột quỵ gia tăng với mức đáng báo động

Trong 5 tháng đầu năm 2021, số lượng bệnh nhân đột quỵ tại miền Tây có khuynh hướng gia tăng. Vậy trong đại dịch COVID-19, cụ thể đột quỵ kiểu nào gia tăng? Thắc mắc này sẽ được giải đáp với chia sẻ của TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM.

1. Những số liệu về đột quỵ đang gia tăng

Từ năm ngoái đến nay, các chuyên gia đột quỵ đã nhiều lần cảnh báo đột quỵ gia tăng. Thưa bác sĩ, con số cụ thể như thế nào, và đột quỵ kiểu nào gia tăng ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trong đại dịch COVID-19, so với năm 2020 thì số lượng bệnh nhân đột quỵ ở năm 2021 ngày càng gia tăng. Số lượng bệnh nhân đến bệnh viện trong đại dịch COVID-19 có sự thay đổi đáng kể về nhận thức.

Bên cạnh đó, vấn đề duy chuyển bệnh nhân trong giai đoạn này có khuynh hướng không tốt. Bởi đa số bệnh nhân đến bệnh viện trong giờ vàng giảm. Do tác động kép của đại dịch COVID-19 làm cho việc di chuyển của bệnh nhân và việc tiếp cận bệnh nhân đột quỵ trong khoảng thời gian vàng giảm đi.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM

2. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến trước và sau giờ vàng là bao nhiêu?

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ nơi bác sĩ làm việc, tình trạng người bệnh đến trước giờ vàng và sau giờ vàng là bao nhiêu % ạ? So với trước khi dịch COVID-19 xảy ra thì những con số này biến động như thế nào, thưa bác sĩ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Theo số liệu thống kê năm 2020 tại Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ chúng tôi đã cấp cứu hơn 3.730 trường hợp đột quỵ. Trong đó, số lượng bệnh nhân nhồi máu não là 2.814 ca, chiếm 75% số ca đột quỵ chung. Nếu tính trung bình khoảng thời gian vàng 2020 chiếm 23% các trường hợp đột quỵ.

Điều này có nghĩa là trong các trường hợp đột quỵ cấp tại khu vực miền Tây, có 23% bệnh nhân đến Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ trước 6 giờ (trong thời gian vàng), 77% bệnh nhân đến trễ giờ vàng.

Đây là con số ấn tượng nếu so sánh với các bệnh viện ở khu vực TPHCM. Trước đây, khi Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ chưa ra đời, số bệnh nhân đến trước giờ vàng cấp cứu đột quỵ tại TPHCM chưa bao giờ vượt quá 10%. Đây điều đáng khích lệ trong vấn đề cấp cứu đột quỵ ở các tỉnh khu vực miền Tây.

Tuy nhiên, năm 2021, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, diễn biến cấp cứu đột quỵ ở miền Tây có khuynh hướng kém hiệu quả và có những con số đáng báo động.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, các bác sĩ Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ đã cấp cứu cho 1.603 trường hợp đột quỵ não (cả nhồi máu não và xuất huyết não). Trong đó, 77% bệnh nhân nhồi máu não, 23 % còn lại là xuất huyết não.

Qua con số này, chúng ta thấy rằng có sự gia tăng số lượng bệnh nhân nhồi máu não (khoảng 2%) so với cùng kỳ năm 2020.

Số lượng bệnh nhân nhồi máu não hoặc đột quỵ xuất huyết não đều có khuynh hướng gia tăng, tuy nhiên số lượng bệnh nhân nhồi máu não có khuynh hướng tăng nhiều hơn.

5 tháng cuối năm 2020, có 1.195 trường hợp đột quỵ và 5 tháng đầu năm 2021, có 1.603 trường hợp đột quỵ.

Tính trung bình trong khoảng thời gian vàng năm 2020, có 23% bệnh nhân đột quỵ não đến trước 6 giờ và còn lại đến sau 6 giờ đối. 5 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ đến cấp cứu tập Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ trong khoảng thời gian vàng chỉ đạt 20,8%.

Do đó, có sự thay đổi đáng kể về kết quả điều trị và cũng là nguyên nhân vì sao gần đây các bác sĩ liên tục cấp cứu các trường hợp bệnh nặng, đến trễ giờ vàng. Điều đó đã làm gia tăng nguy cơ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân. Đồng thời việc cấp cứu và điều trị cũng khó khăn hơn nhiều, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề tàn phế, khả năng phục hồi, trở lại cuộc sống bình thường của bệnh nhân.

Trong tháng 5/2021, số lượng bệnh nhân cấp cứu đột quỵ trong khoảng thời gian vàng chỉ chiếm 18%, đây là con số đáng báo động trong cộng đồng.

3. Những lưu ý để tránh đến bệnh viện trễ thời gian vàng

Vậy để tránh việc đến bệnh viện trễ giờ vàng, mọi người cần lưu ý điều gì? Đặc biệt, những ai cần “cảnh giác” cao với đột quỵ trong thời gian này, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Vì do dự, căng thẳng và những lý do khách quan trong cộng đồng như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị của bệnh nhân khi bị đột quỵ cấp.

Hiện nay, chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các vấn đề như hạn chế đi lại, hạn chế di chuyển, khẩu hiệu 5K, phòng chống lây lan dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi xảy ra một trường hợp đột quỵ, chúng ta cần tranh thủ thời gian đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (nếu ở khu vực miền Tây) càng sớm càng tốt.

Chúng ta không nên di chuyển bệnh nhân quá xa, việc đưa bệnh nhân lên TPHCM trong tình hình dịch COVID-19 gần như rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Nếu việc cấp cứu, điều trị đột quỵ càng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân. Trong tháng 5/2021, có một số trường hợp bệnh nhân đi đến TPHCM để cấp cứu đột quỵ.

Tuy nhiên, khi đến TPHCM thì đã qua thời gian vàng, tình trạng xuất huyết não nặng, bệnh viện cho bệnh nhân quay về. Trong khoảng thời gian quay về, bệnh nhân có khả năng diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao.

Việc cấp cứu đột quỵ trong đại dịch COVID-19, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, luôn luôn ghi nhớ những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ FAST: mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó, nói đớ. Đây là 3 dấu hiệu dễ nhận ra.

Nếu chẳng may trong gia đình, người thân hoặc chúng ta thấy ai có có những triệu chứng như trên, hãy nhanh chóng gọi đến tổng đài 1800115 để các nhân viên tư vấn và đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời, tránh tình trạng trễ giờ vàng (sau 6 giờ) làm cho chất lượng điều trị và tiên lượng phục hồi, nguy cơ tử vong gia tăng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X