Hotline 24/7
08983-08983

Từ suy giảm nhận thức đến sa sút trí tuệ: ranh giới mỏng manh

Khi bệnh nhân được chẩn đoán suy giảm nhận thức, tỷ lệ chuyển sang sa sút trí tuệ trung bình khoảng 1 - 2%. Tuổi càng tăng nguy cơ diễn tiến suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ càng tăng, tuy nhiên, suy giảm nhận thức vẫn xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn. Vậy cần làm gì để nhận biết và điều trị tình trạng này? Tất cả đã được ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang - Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao suy giảm nhận thức nhẹ thường phát hiện muộn?

Đối với suy giảm nhận thức nhẹ, từ “nhẹ” làm nhiều bệnh nhân chưa quan tâm đúng mức về bệnh. Trên thực tế BS nhận thấy như thế nào về vấn đề này?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Suy giảm nhận thức nhẹ là việc triệu chứng xảy ra rất nhẹ, thoáng qua và có thể hằng định hoặc không hằng định, không ảnh hưởng đến cuộc sông hằng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, việc suy giảm chức năng nhận thức có thể ảnh hưởng đến trí nhớ hoặc chức năng khác của não bộ như ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi hoặc chức năng điều hành.

Người bệnh chỉ có thể chỉ phát hiện thoáng qua và hầu như không tập trung, chú ý đến các triệu chứng. Chỉ đến khi các triệu chứng này diễn tiến và ảnh hưởng nhiều đến công việc, đời sống hằng ngày mới tìm gặp bác sĩ.

2. Suy giảm nhận thức nhẹ là gì và mức độ như thế nào?

Về mặt y học, tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ là gì và được đánh giá mức độ như thế nào?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Suy giảm nhận thức nhẹ đa phần sẽ tập trung vào trí nhớ. Bệnh nhân thường than phiền hay nói trước quên sau, quên chỗ để đồ vật hoặc quên một số việc và cần sự nhắc nhở từ người thân, người chăm sóc xung quanh.

Nếu bệnh nhân không than phiền và không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh lúc đó gọi là triệu chứng suy giảm nhận thức nhẹ, chỉ ảnh hưởng về mặt trí nhớ. Tuy nhiên khi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hằng ngày hoặc công việc, cần có sự hỗ trợ chăm sóc của nhiều người, lúc này không chỉ đặt vấn đề về suy giảm nhận thức nhẹ mà có cả sa sút trí tuệ kèm theo.

Khi nhắc đến suy giảm nhận thức, đa phần mọi người chỉ lưu ý đến trí nhớ. Thực chất, còn nhiều mặt ảnh hưởng khác như giảm khả năng tập trung chú ý, giảm khả năng lên kế hoạch để thực hiện công việc nào đó, giảm khả năng duy trì mối quan hệ hay ghi nhớ để lưu ý sự vật, sự việc, con người. Vì vậy, khi người bệnh than phiền về bất kỳ triệu chứng nào của trí nhớ cũng nên được tầm soát xem có ảnh hưởng chức năng nhận thức hay không.

3. Suy giảm nhận thức nhẹ ảnh hưởng ra sao?

Mặc dù gọi là suy giảm nhận thức nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ, giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày,… Theo bác sĩ, tình hình này đang diễn ra như thế nào?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Khi bệnh nhân đến than phiền về các triệu chứng này, cần làm rõ do bản thân bệnh nhân cảm nhận hay còn vấn đề nào khác. Với người có triệu chứng suy giảm nhận thức, đặc biệt là vấn đề trí nhớ cần kiểm tra kỹ, lên kế hoạch, chiến lược rõ ràng trong quá trình xác định chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị sau đó.

4. Yếu tố nào giúp người thân nhận ra tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ ở bệnh nhân?

Những người xung quanh, người thân thông qua quá trình giao tiếp, sinh hoạt, chăm sóc có thể cảm nhận được vấn đề trên bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ hay không?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Suy giảm nhận thức nhẹ đa phần không ảnh hưởng đến người bệnh và chỉ đến phòng khám để tư vấn khi người thân hoặc người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phát hiện. Những vấn đề than phiền rất rõ như nói trước quên sau, quên đồ vật, quên một sự việc nào đó hoặc không có khả năng duy trì cuộc nói chuyện, không có khả năng lên kế hoạch.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đến do tự cảm thấy trí nhớ thực sự có vấn đề. Ví dụ bệnh nhân chỉ cần suy giảm một số vấn đề nhỏ về trí nhớ đã tầm soát sớm và không đợi đến diễn tiến nặng, ảnh hưởng cuộc sống mới tiếp cận và điều trị.

5. Yếu tố nào gây ra suy giảm nhận thức nhẹ?

Người có suy giảm nhận thức nhẹ chịu tác động từ rất nhiều yếu tố như tuổi tác, bệnh lý nền hay lối sống,… Nhờ BS phân tích kỹ hơn những yếu tố gây ra vấn đề này là gì?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Khi nhắc đến suy giảm nhận thức (hay quên) mọi người thường nghĩ đến sa sút trí tuệ trong bệnh cảnh alzheimer. Đây là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, tuổi tác càng tăng nguy cơ mắc alzheimer càng cao.

Tuy nhiên, khi nói đến suy giảm nhận thức không phải chỉ đơn thuần liên quan đến trí nhớ, alzheimer mà có thể ảnh hưởng các chức năng khác như chức năng điều hành, chức năng thị giác không gian, rối loạn tính cách,… Những bệnh lý khác kèm theo gây bệnh cảnh suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ như đột quỵ não tái phát nhiều lần hoặc các bệnh thoái hóa thần kinh khác như parkinson, sa sút trí tuệ thể lewy, do độc chất hoặc do nhiều yếu tố nguy cơ khác.

Có nhiều yếu tố nguy cơ khác góp phần gây nên tình trạng suy giảm nhận thức như béo phì, bệnh lý mạch máu kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc một số trường hợp bệnh nhân có yếu tố di truyền, đặc biệt liên quan đến đột biến gen.

6. Suy giảm nhận thức nhẹ có diễn tiến thành sa sút trí tuệ?

Một bệnh lý nói chung hay suy giảm nhận thức nhẹ nói riêng liệu có diễn tiến theo thời gian và tăng cấp độ dần lên đến một lúc nào đó trở thành vấn đề sa sút trí tuệ hay không?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ cũng là một thách thức đối với bác sĩ. Vì khi bệnh nhân đến đã có biểu hiện rõ ràng và ảnh hưởng đến cuộc sống, khi đó không còn là giai đoạn suy giảm nhận thức mà chuyển qua giai đoạn nặng nề hơn là sa sút trí tuệ.

Trên lâm sàng, vẫn có những trường hợp biểu hiện nhẹ đến khám và được chẩn đoán suy giảm nhận thức, chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Khi đã nghi ngờ bệnh nhân suy giảm nhận thức phải tư vấn thật kỹ vì không phải lúc nào bệnh cũng chuyển thành sa sút trí tuệ.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, khi bệnh nhân được chẩn đoán suy giảm nhận thức, tỷ lệ chuyển sang sa sút trí tuệ trung bình khoảng 1 - 2% (tỷ lệ rất thấp). Tuy nhiên, có thể diễn tiến hằng định hoặc thoái lui, không nhất thiết phải chuyển biến thành sa sút trí tuệ.

Cần theo dõi sát trên lâm sàng, nhìn nhận lại thông qua những lần thăm khám để từ đó đưa ra chiến lược tư vấn hoặc điều trị thích hợp cho bệnh nhân ở từng giai đoạn.

7. Liệu người bệnh suy giảm nhận thức nhẹ có khả năng phục hồi?

Thường tâm lý của bệnh nhân nếu gặp bác sĩ và nghe nói bệnh này diễn tiến nặng hơn,  không điều trị sẽ dẫn đến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng sẽ rất lo lắng và quan tâm. Tuy nhiên, nếu suy giảm nhận thức nhẹ, có khả năng thoái lui hoặc không diễn tiến nặng hơn thì liệu bệnh nhân có chủ quan hay sẽ hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Khi bệnh nhân suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ, điều đầu tiên phải xác định nguyên nhân. Bởi vì một số nguyên nhân có khả năng đảo ngược như do thuốc, rối loạn chuyển hóa, thiếu vitamin. Hoặc bệnh nhân tổn thương não tiên lượng sẽ khác so với bệnh nhân chỉ suy giảm và không có tổn thương não.

Khi tiếp xúc với bệnh nhân lần đầu luôn là khó khăn nhất vì phải đưa ra chiến lược hoặc kế hoạch điều trị cho bệnh nhân, để không chỉ bệnh nhân mà gia đình người bệnh có niềm tin vào bác sĩ. Từ đó phối hợp điều trị lâu dài, cũng như cung cấp thông tin cần thiết cho quá trình chẩn đoán, tiên lượng bệnh.

8. Sàng lọc và chẩn đoán suy giảm nhận thức được thực hiện thế nào?

Khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ với biểu hiện, triệu chứng thoáng qua việc sàng lọc và chẩn đoán sẽ được thực hiện như thế nào để đưa đến kết quả chính xác nhất cho bệnh nhân, cũng như cho bác sĩ để bắt đầu tiến trình điều trị?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Khi bệnh nhân than phiền một triệu chứng bất kỳ về suy giảm nhận thức có thể ảnh hưởng trí nhớ hoặc các chức năng khác, bác sĩ sẽ có bộ câu hỏi để sàng lọc cho bệnh nhân. Việc sàng lọc không chỉ đơn thuần về chức năng trí nhớ mà còn tập trung đến khả năng tính toán, ghi nhớ những sự kiện mới hoặc biểu hiện về hành vi xem có bất thường hay không, để từ kết quả đó đưa ra hướng chẩn đoán và điều trị.

9. Phát hiện sớm suy giảm nhận thức nhẹ mang lại lợi ích gì?

Tại sao phát hiện sớm suy giảm nhận thức nhẹ lại quan trọng? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh nhân và đối với các bác sĩ?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Khi bệnh nhân than phiền triệu chứng về suy giảm nhận thức có thể đó là triệu chứng thực sự hoặc do chủ quan của bệnh nhân. Nếu đã tìm ra nguyên nhân phải tư vấn chức năng nào của não bộ ảnh hưởng đến bệnh nhân nhiều nhất. Đối với nguyên nhân có thể đảo ngược được và không diễn tiến đến sa sút trí tuệ việc phát hiện sớm, tầm soát sớm và điều trị rất quan trọng vì ảnh hưởng đến tiên lượng.

Suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ là gánh nặng làm người bệnh lo lắng về lâu dài. Trong giai đoạn đầu khi đã có nghi ngờ, việc trao đổi rất quan trọng với bệnh nhân và bác sĩ, cũng như người nuôi bệnh để lên kế hoạch theo dõi và điều trị.

10. Phát hiện sớm suy giảm nhận thức nhẹ vào thời điểm nào là hợp lý?

Theo các bác sĩ điều trị việc phát hiện sớm vào thời điểm nào được xem là hợp lý nhất từ thời điểm bệnh nhân đến gặp bác sĩ với vấn đề đã ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống hay từ giai đoạn nào người thân có thể hỗ trợ để phát hiện ra được vấn đề?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Từ suy giảm nhận thức chuyển sang sa sút trí tuệ là một ranh giới rất mỏng manh. Đối với người yêu cầu, đòi hỏi cao, chỉ suy giảm nhẹ đã cảm thấy ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện sớm giúp không ảnh hưởng quá nhiều, cũng như không là gánh nặng cho người chăm sóc.

Cho đến nay, vấn đề suy giảm nhận thức chưa đưa ra điều trị rõ ràng. Tuy nhiên khi thay đổi, điều chỉnh yếu tố nguy cơ có thể góp phần ngăn chặn không cho suy giảm nhận thức diễn tiến nhanh hơn như thay đổi lối sống, thay đổi hành vi hoặc thay đổi chế độ ăn.

11. Tuổi càng cao, nguy cơ suy giảm nhận thức càng tăng?

Những vấn đề liên quan đến trí nhớ hay suy giảm nhận thức thường được liên tưởng đến người cao tuổi nhiều hơn. Trên thực tế, câu chuyện tuổi tác có liên quan đến suy giảm nhận thức nhẹ không?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Tuổi càng tăng nguy cơ diễn tiến suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ càng tăng. Theo nghiên cứu, tỷ lệ suy giảm nhận thức đối với người từ 70 - 80 tuổi khoảng 10 - 15%, tuy nhiên từ 80 - 90 tuổi tỷ lệ nhiều hơn từ 25 - 30%. Do đó, chỉ công nhận đây là một yếu tố nguy cơ có khả năng với suy giảm nhận thức hoặc diễn tiến sa sút trí tuệ.

Tuy nhiên, suy giảm nhận thức vẫn xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn. Đặc biệt người có yếu tố nguy cơ liên quan đến di truyền sẽ diễn tiến sớm hơn hoặc đối với những bệnh nhân có tổn thương cấu trúc não bộ như sau tai nạn giao thông, sau tai biến hoặc đột quỵ có thể diễn tiến sớm hơn, nhanh hơn những lứa tuổi khác.

Phần 2: Tiêm vắc xin, mắc COVID-19 có gây suy giảm nhận thức?

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Tebonin đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X