Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm vắc xin, mắc COVID-19 có gây suy giảm nhận thức?

Nhiễm COVID-19 có ảnh hưởng đến suy giảm nhận thức? Có những phương pháp nào hiệu quả trong việc điều trị và ngăn chặn suy giảm nhận thức?... Câu trả lời chi tiết đã được ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang - Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp trong bài viết sau.

1. Tầm soát suy giảm nhận thức tại nhà bằng cách nào?

Thưa BS, có cách nào tự tầm soát suy giảm nhận thức cho người thân, đặc biệt là người cao tuổi ngay tại nhà không ạ?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Đây là mối quan tâm nhiều nhất của bệnh nhân và người chăm sóc. Những biểu hiện người thân thường xuyên thấy rõ ở bệnh nhân và đề cập với bác sĩ khi đến khám như: hay quên, mới làm xong quay lại quên, quên vị trí đặt đồ vật,... Hoặc một số biểu hiện khác như thay đổi tính tình, từ hoạt bát, vui vẻ trở nên ù lì, trầm lặng hay từ người hiền lành trở nên bốc đồng, hung dữ… Đó là những biểu hiện sớm và có khả năng ảnh hưởng đến suy giảm nhận thức.

Nếu người thân hoặc bệnh nhân phát hiện những vấn đề trên, có thể đến gặp bác sĩ để nhận tư vấn và kiểm tra toàn diện. Bác sĩ sẽ xác định người bệnh có bị ảnh hưởng chức năng nhận thức không, đặc biệt là trí nhớ trước khi kết luận bệnh nhân mắc suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ.

2. Những biện pháp nào giúp can thiệp suy giảm nhận thức ở giai đoạn sớm?

Nếu phát hiện suy giảm nhận thức ở giai đoạn nhẹ, liệu có thể đưa ra các biện pháp can thiệp trước khi những tổn thương có thể xảy ra ở các giai đoạn tiếp theo hay không?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Cho đến hiện tại, việc điều trị suy giảm nhận thức vẫn chưa có chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đã mắc chứng suy giảm nhận thức:

- Thứ nhất, chúng ta cần có kế hoạch theo dõi diễn tiến vấn đề nhận thức của bệnh nhân.

- Thứ hai, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ thúc đẩy diễn tiến bệnh trở nặng ngay từ khi phát hiện triệu chứng.

Ví dụ, đối với một số bệnh nhân bắt đầu có các dấu hiệu về suy giảm nhận thức, chúng ta cần lên một chương trình tập luyện nhận thức, đưa ra một số bài tập để bệnh nhân rèn luyện trí não tại nhà; kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì… giúp tránh tổn thương não diễn tiến nhiều hơn…

Ngoài ra, lối sống thụ động, ít giao tiếp, tiếp xúc với môi trường xung quanh… sẽ khiến bệnh nhân trở nên trầm cảm. Từ đó, dẫn tới việc suy giảm nhận thức trở nặng.

Qua đó cho thấy, việc phát hiện suy giảm nhận thức sớm vô cùng quan trọng. Ngăn chặn các yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh nặng hơn sẽ góp phần làm chậm diễn tiến của suy giảm nhận thức.

3. Loại thuốc nào giúp điều trị và ngăn chặn chứng suy giảm nhận thức?

Với những vấn đề bệnh nhân đang gặp phải của suy giảm nhận thức nói chung và suy giảm nhận thức nhẹ nói riêng, liệu có loại thuốc nào giúp điều trị vấn đề này hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh không, thưa BS?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu của suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức. Ngoài việc tập luyện và ngăn chặn các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân luôn mong muốn có các phương pháp điều trị thay đổi để tránh diễn tiến bệnh trở nên nặng hơn.

Việc tập luyện nhận thức trên lâm sàng, bác sĩ đưa ra cho bệnh nhân có dấu hiệu hay quên vô cùng quan trọng. Việc này giúp rèn luyện não bộ, tăng tính bền vững về kết nối trong tế bào thần kinh.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có thể sử dụng một số loại thuốc khác để hỗ trợ, giúp tăng tuần hoàn máu não, tăng cường chất vận chuyển qua thần kinh, làm tế bào tăng cường củng cố các liên kết thần kinh, hỗ trợ một phần trong quá trình bệnh nhân điều trị suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ.

Cho đến nay, rối loạn nhận thức vẫn chưa có loại thuốc điều trị nào đạt hiệu quả rõ ràng để ngăn chặn diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ tăng tuần hoàn máu não, tăng sự liên kết giữa các tế bào thần kinh. Trên nghiên cứu khảo sát lâm sàng đã có những ghi nhận quá trình làm chậm diễn tiến suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ.

4. Giải pháp nào giúp tăng cường trí nhớ, ngăn chặn suy giảm nhận thức?

Thưa BS, liệu có giải pháp nào giúp tăng cường trí nhớ, giảm thiểu vấn đề suy giảm trí nhớ ở giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Thực tế, trong tư vấn lâm sàng, để thuyết phục người bệnh theo dõi, tập luyện nhận thức rất khó. Bên cạnh sự đồng hành của bệnh nhân, phải có sự ủng hộ của người nhà. Điều này vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện theo dõi và tập luyện cho bệnh nhân.

Việc thay đổi chế độ ăn, lối sống, những yếu tố nguy cơ mạch máu sẽ hỗ trợ làm chậm diễn tiến của suy giảm nhận thức. Còn với phương pháp điều trị dùng thuốc, cho đến hiện tại, chưa có khuyến cáo rõ ràng, nhưng một số thử nghiệm lâm sàng vẫn chứng minh có hiệu quả. 

Trên lâm sàng, ngoại trừ việc tư vấn, khuyến khích các bài tập cho bệnh nhân, bác sĩ vẫn có thể sử dụng thuốc để hỗ trợ trong quá trình điều trị.

5. Ginkgo Biloba (EGb761) có vai trò gì trong hỗ trợ tăng cường và ngăn ngừa suy giảm trí nhớ?

Thưa BS, gần đây tôi thấy nhắc đến khá nhiều về hoạt chất Ginkgo Biloba (EGb761). Nhờ BS phân tích giúp em hoạt chất Ginkgo Biloba (EGb761) có vai trò như thế nào trong việc giúp tăng cường trí nhớ và hỗ trợ ngăn ngừa suy giảm trí nhớ?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Trên các nghiên cứu lâm sàng, Ginkgo Biloba (EGb761) là sản phẩm giúp tăng tuần hoàn máu não, tăng cường trí nhớ tập trung. Đồng thời, hoạt chất này có ít độc chất gây độc, tăng cường chuyển hóa tế bào, giảm khả năng gây stress…

6. Làm cách nào để khắc phục chứng hay quên?

Thưa BS, em có tính hay quên và có cách nào khắc phục được hay không? Trước đây trí nhớ của em rất tốt nhưng trong những năm trở lại đây, em rất hay quên, nhà em nói em đụng đâu quên đó. Mong BS sẽ tư vấn giúp em ạ?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Khi bản thân hay quên hoặc người xung quanh nói đến vấn đề này, có nghĩa điều đó đã ảnh hưởng một phần đến sinh hoạt của người bệnh.

Khi người bệnh đến thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi rõ các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống khi gặp các triệu chứng liên quan đến việc hay quên trước khi đưa ra quyết định tầm soát bệnh. Vì vậy, khi nhận thấy điều bất thường liên quan đến suy giảm trí nhớ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để nhận tư vấn hoặc tầm soát.

7. Teo não vùng thái dương hồi hải mã có dẫn đến sa sút trí nhớ?

Thưa BS, nếu mình chụp MRI và được thông báo là teo não ở vùng thái dương hồi hải mã. Đây có phải là một trong những vấn đề dẫn đến sa sút trí nhớ không? Và em có được điều trị để giảm tình trạng bệnh không, thưa BS?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Trên thực tế, người bệnh gặp tình trạng hay quên sẽ nghĩ đến các vấn đề như: u não, tai biến, teo não… Không chỉ bệnh nhân, các bác sĩ khi tiếp cận với những trường hợp nghi ngờ vấn đề liên quan đến suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, ngoại trừ các xét nghiệm máu, tầm soát các nguyên nhân về chuyển hóa, các hình ảnh học về CT scan não hoặc MRI não có thể được thực hiện để chẩn đoán bệnh.

Đối với những bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ, suy giảm nhận thức hoặc những bệnh nhân bình thường, não có thể không teo hoặc teo nhẹ so với cấu trúc theo tuổi. Tình trạng não teo nhẹ còn có thể xuất hiện tại cấu trúc có liên quan đến thùy thái dương. Và trong hình ảnh học, sẽ gợi ý tình trạng trên có khả năng liên quan đến alzheimer.

Ngược lại, khi tuổi càng cao, vấn đề teo não có thể xảy ra ở nhiều vùng khác nhau. Việc này cũng không hoàn toàn nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sa sút trí tuệ. Thực chất, điều này phải tương quan về mức độ suy giảm nhận thức, giai đoạn của suy giảm nhận thức hoặc hình ảnh học. Không thể dựa trên một hình ảnh học để kết luận bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.

8. Giao động nhận thức có ảnh hưởng đến suy giảm nhận thức?

Thưa BS, dạo này em hay quên, trong công việc em còn phải dán giấy ghi chú để nhớ hết những công việc phải làm. Nhưng coi phim thì em lại nhớ hết các tình tiết. Xin hỏi BS, như vậy có phải em đang bắt đầu mắc các vấn đề của suy giảm nhận thức hay không?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Thực tế, nhiều bệnh nhân khi đến gặp bác sĩ thăm khám, không chỉ có các bệnh nhân lớn tuổi, những bệnh nhân ở độ tuổi trung niên cũng  thường đề cập đến vấn đề hay quên, nói trước quên sau, phải ghi chú… Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có khả năng tự chủ về vấn đề bản thân đặt ra như: dán giấy ghi chú, hoàn thành công việc sau khi nhớ lại… khi bác sĩ thực hiện tầm soát thì vấn đề không phải suy giảm nhận thức mà liên quan đến giao động nhận thức trong nghề.

Giao động nhận thức là sự thay đổi tình trạng thất thường nhưng thực chất khi đưa ra bài kiểm tra, các chức năng về nhận thức, trí nhớ… vẫn nằm trong mức giới hạn bình thường. Vấn đề giao động nhận thức thường gặp ở lứa tuổi trung niên hoặc một số nhóm người cao tuổi. Hay một số tình trạng mất ngủ, stress, căng thẳng… vẫn có thể mắc tình trạng giao động nhận thức.

Tuy nhiên, nếu người bệnh cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra và cho ra kết quả chính xác, vì khi nhận được lời tư vấn trực tiếp của bác sĩ, người bệnh sẽ an tâm mà không cần điều trị thêm.

9. Alzheimer ảnh hưởng như thế nào đến suy giảm nhận thức?

Thưa BS, năm nay mẹ em 68 tuổi, hay quên, đặc biệt là mấy tháng nay luôn gặp tình trạng mất ngủ, đi khám ở Bệnh viện Lão khoa được chẩn đoán mắc bệnh alzheimer. BS cho em hỏi, tình trạng này có khắc phục được không? Có những giải pháp, bài tập nào giúp ích cho trường hợp này?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được chia thành hai vấn đề. Thứ nhất, bệnh nhân bị mất ngủ và có điều trị bằng thuốc ngủ. Thứ hai, bệnh nhân có mắc bệnh alzheimer.

Vấn đề người bệnh mắc alzheimer: khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh alzheimer, nghĩa là đã gặp vấn đề về sa sút trí tuệ. Alzheimer làm ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác ngoài trí nhớ như nhận thức, hành vi, thị giác không gian và cả chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, để chẩn đoán, xác định người bệnh suy giảm nhận thức do mắc alzheimer, bác sĩ cần thực hiện kiểm tra. Đồng thời, dựa trên tình trạng ảnh hưởng trí nhớ diễn tiến dần theo thời gian mà người bệnh mắc phải.

Về việc bệnh nhân mất ngủ và sử dụng thuốc ngủ:

Thứ nhất, một số bệnh nhân suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ có thể do những nguyên nhân như rối loạn chuyển hóa, thiếu vitamin… đặc biệt là một số loại thuốc ngủ có thể đẩy mạnh diễn tiến bệnh.

Thứ hai, để xác định nguyên nhân, thứ nhất, cần kiểm tra diễn tiến lâm sàng của các loại thuốc. Xác định loại thuốc gây suy giảm nhận thức cho bệnh nhân. Bởi vì trong một số trường hợp, người bệnh ngưng thuốc, tình trạng suy giảm nhận thức có thể trở về bình thường.

Thứ ba, khi đã loại trừ nguyên nhân gây suy giảm nhận thức không liên quan đến thuốc. Việc chẩn đoán dựa trên mức độ nhẹ, trung bình, nặng để xây dựng bài tập về trí nhớ, nhận thức, tính toán… phù hợp với từng nhóm bệnh nhân.

10. Nhiễm COVID-19 có ảnh hưởng đến suy giảm nhận thức?

Hiện nay, có nhiều bạn trẻ khoảng U40, thường mô tả về hội chứng quên của bản thân. Đặc biệt, nhiều bạn nói rằng, sau 2-3 lần nhiễm Covid, tình trạng suy giảm nhận thức thường gặp hơn. Vậy có phải tình trạng suy giảm nhận thức liên quan đến Covid hay không? Nếu muốn thực hiện các bài test thì cần tìm ở đâu, khám ở khoa nào để được thăm khám chính xác nhất?

ThS.BS Võ Ngọc Chung Khang trả lời: Sau đại dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đến Khoa Thần kinh tăng lên đáng kể, phần lớn đều đề cập đến vấn đề hay quên sau khi chích vắc xin, nhiễm COVID-19.

Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa thể lý giải mối liên hệ giữa nhiễm COVID-19 và tình trạng hay quên. Chúng ta vẫn ghi nhận về các triệu chứng bệnh nhân mắc phải liên quan đến trí nhớ sau khi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng hay quên, mất tập trung… của bệnh nhân sau khi nhiễm covid có thể phục hồi trong vòng từ 3-6 tháng.

Các bệnh nhân đến khám về những vấn đề trên, bác sĩ vẫn cho thực hiện bài test để kiểm tra và theo dõi bệnh nhân trong khoảng thời gian đó trước khi kết luận.

Hiện nay, tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM, các phòng khám về thần kinh, trí nhớ… đều đã có những bộ câu hỏi, bộ test chuyên biệt để tầm soát cho bệnh nhân gặp vấn đề về trí nhớ, suy giảm nhận thức.

Phần 1: Từ suy giảm nhận thức đến sa sút trí tuệ: ranh giới mỏng manh

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Tebonin đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X