Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022: Từ mô hình cấp cứu, đặt stent nội sọ ngừa đột quỵ cho đến phòng ngừa sa sút trí tuệ

Tại Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022, chuyên gia đã thảo luận các vấn đề của đột quỵ: đâu là mô hình cấp cứu lý tưởng, phòng ngừa biến chứng sa sút trí tuệ ở bệnh nhân đột quỵ kèm rung nhĩ, chỉ định stent trong phòng ngừa đột quỵ trên bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ…

Ngày 29/10, Hội Đột quỵ TPHCM tổ chức “Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022” nhằm hưởng ứng. Với sự góp mặt của các “lão làng” trong chuyên ngành Đột quỵ trong và ngoài nước, hội nghị đã đem đến nhiều thông tin mới hữu ích trong cập nhật điều trị căn bệnh gây tử vong hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Con số giật mình: cứ 4 người sẽ có 1 người có nguy cơ đột quỵ

Mở đầu chương trình, TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM đưa ra hàng loạt thông tin rùng mình về thực trạng đột quỵ hiện nay: “Trên thế giới có khoảng 14 triệu ca mắc đột quỵ mới, trong đó có 6 triệu người tử vong do đột quỵ.

Ở một số các quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ đã vươn lên hàng thứ nhất, vượt qua nguyên nhân thường gặp là đột tử. Trong đó, 2 quốc gia có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao nhất đó là Việt Nam và Trung Quốc.

Uớc tính rằng, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở phụ nữ nhiều hơn so với nguyên nhân thường gặp là ung thư vú. Đối với nam giới, đột quỵ gây ra tử vong nhiều hơn ung thư tiền liệt tuyến.

Đến nay, gánh nặng lớn nhất của đột quỵ là có khoảng 80 triệu bệnh nhân trên thế giới đang sống trong tình trạng tàn phế sau đột quỵ.”

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCMTTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM nhấn mạnh rằng, nếu như trước đây cứ 6 người sẽ có 1 người có nguy cơ đột quỵ thì hiện nay cứ 4 người sẽ có 1 người có nguy cơ đột quỵ. Như vậy, nguy cơ đột quỵ đã tăng khoảng 30% so với trước đây.

“Vì vậy, điều mà chúng ta cần làm là cố gắng phát triển mạng lưới điều trị, đồng thời tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về phòng ngừa bệnh cho người dân. Đó là thông điệp mà Hội Đột quỵ TPHCM muốn gửi đến trong ngày Đột quỵ thế giới hôm nay.” – PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.

Điều trị đột quỵ cấp: đâu là mô hình lý tưởng?

Trong bài báo cáo “Tối ưu hoá quy trình chuyển viện “Stroke Pathway” tại Việt Nam”, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhắc đến một mô hình cấp cứu mới trên thế giới được dự đoán là tương lai của điều trị đột quỵ.

Chuyên gia cho biết, hiện nay, mô hình cấp cứu đột quỵ tối ưu nhất chính là mô hình “Mobile stroke unit”, tức điều trị bệnh nhân ngay trên trên cấp cứu lưu động. Đã có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, nếu bắt đầu áp dụng phương pháp rt-PA, chụp CT scan ngay trên xe cấp cứu lưu động sẽ mang lại kết cục tốt hơn rất nhiều so với quy trình đang thực hiện nay đó là đưa bệnh nhân vào bệnh viện rồi mới bắt đầu điều trị.

Dẫn chứng một nghiên cứu, ông cho biết, nếu điều trị đột quỵ trên xe cấp cứu lưu động, có đến 33% bệnh nhân được điều trị trong cửa sổ 60 phút kể từ lúc khởi phát triệu chứng – “thời gian kim cương” trong điều trị đột quỵ.

Trong khi đó, so với quy trình thông thường như hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị trong cửa “thời gian kim cương” chỉ chiếm khoảng 3% (Hoa Kỳ). Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ điều trị trong “thời gian kim cương” dường như là bằng 0 bởi sự cản trở của nhiều quy định khiến cho nước ta không thể thực hiện điều này.

Có thể thấy, với mô hình “Mobile stroke unit”, tỷ lệ bệnh nhân được cấp cứu trong vòng 60 phút tăng từ 3% lên đến 33%, tức gấp 10 lần. Đặc biệt, nghiên cứu còn ghi nhận có đến 28% bệnh nhân được tái thông mạch lớn trước khi đến trung tâm để lấy huyết khối.

Các hiệp hội Đột quỵ của châu Âu và Hoa Kỳ cũng khuyến cáo việc cấp cứu đột quỵ ngay trên xe cấp cứu lưu động cũng mang lại hiệu quả cao hơn. Điều này đã mở ra một chương mới cho tương lai cấp cứu đột quỵ.

Các xe cấp cứu lưu động này có thể thực hiện được rất nhiều phương pháp hiện đại như chụp MRI với chất lượng hình ảnh cao, chụp CT và rt-PA. Ngoài ra, xe cấp cứu còn kết nối với trung tâm điều trị đột quỵ, làm tăng đáng kể việc chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho hay, sau 15 năm, Việt Nam đã thành lập trung tâm đột quỵ đầu tiên từ năm 2006. Hiện nay, nước ta đã có một đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành Đột quỵ, cũng như nhiều đơn vị đột quỵ trong toàn quốc. Tuy vậy, quy trình “lối đi” dành cho bệnh nhân đột quỵ còn khá nhiều bất cập.

“Vai trò điều trị cấp cứu trước viện ngày càng trở nên quan trọng, do vậy việc xây dựng quy trình cấp cứu trước viện là mục tiêu hiện tại, để có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân đột quỵ. Tôi tin rằng, điều trị trên xe cấp cứu lưu động sẽ là bước đột phá thứ 3 trong điều trị đột quỵ tại Việt Nam, sau tiêm thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ.” – chuyên gia kỳ vọng.

Kết thúc báo cáo, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhất mạnh thông điệp “save time is save life!” bởi nếu tiết kiệm được 15 phút thì sẽ giảm được 4% nguy cơ tử vong và tăng 4% cơ hội để bệnh nhân đột quỵ được điều trị tốt.

Một mô hình điều trị cấp mới cũng được đề cập đến trong Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022 do GS Henry Ma (Úc) trình bày trong bài báo cáo “Điều trị đột quỵ cấp: đâu là mô hình lý tưởng?”. Theo GS Henry Ma, mô hình “Drip anh ship” (đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương để thực hiện phương pháp tiêu sợi huyết sau đó mới đến trung tâm chuyên sâu điều trị đột quỵ) là giải pháp đem lại nhiều lợi ích.

GS Henry Ma (Úc) góp mặt tại Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022GS Henry Ma (Úc) góp mặt tại Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022

Ông cho biết, với mô hình cấp cứu như hiện tại, người bệnh phải tốn nhiều thời gian để di chuyển đến trung tâm điều trị đột quỵ chuyên sâu, khiến cho việc điều trị trong “thời gian vàng” bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, rất ít trường hợp bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu lớn nên đôi khi việc chuyển đến trung tâm chuyên sâu là không cần thiết. Trong khi đó, bệnh viện địa phương vẫn có thể điều trị đột quỵ cho bệnh nhân, điều này giúp đảm bảo “giờ vàng”, nâng cao tỷ lệ sống sót và hồi phục cho người bệnh.

Giải pháp giúp phòng ngừa biến chứng sa sút trí tuệ ở bệnh nhân đột quỵ kèm rung nhĩ

Trong bài báo cáo “Đột quỵ qua các tình huống lâm sàng” – PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết, rung nhĩ làm tăng gấp đôi biến cố sa sút trí tuệ sau đột quỵ. Theo ông, có nhiều cơ chế khả thi để giải thích nguy cơ sa sút trí tuệ ở bệnh nhân rung nhĩ, nhưng rõ ràng nhất có lẽ là sự hình thành các hiện tượng thiếu máu não (im lặng hoặc lâm sàng) và giảm tưới máu do kiểm soát nhịp tim kém.

Như vậy, việc sử dụng thuốc kháng đông có hiệu quả (với kháng vitamin K đạt TTR hoặc DOAC) làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở bệnh nhân đột quỵ kèm rung nhĩ.

Đặc biệt, chuyên gia còn cảnh báo ung thư có thể gây thuyên tắc nhiều vùng não (tĩnh mạch lẫn động mạch). Hơn hết, người bệnh ung thư di căn nhiều nơi sẽ có nguy cơ thuyên tắc động mạch càng nhiều. Như vậy, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy trường hợp đột quỵ nhiều vùng chi phối mạch máu (3 vùng trở lên) có thể là chỉ điểm cho nguyên nhân hội chứng tăng đông liên quan đến bệnh lý ác tính ung thư.

Vì vậy, theo TS.BS Nguyễn Huy Thắng, thuốc kháng đông mới (DOACs) được xem là lựa chọn thay thế cho thuốc kháng đông Heparin TLPT thấp trên các bệnh nhân ung thư, đặc biệt tiện dụng khi sử dụng trong thời gian dài.

Bất đồng thuận về chỉ định stent trong phòng ngừa đột quỵ trên bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ

Trước khi Hội nghị diễn ra, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng từng chia sẻ rằng: “Dù stent nội sọ đã bị FDA rút khỏi chỉ định phòng ngừa đột quỵ thứ phát, tuy nhiên tại một số nước châu Á, stent nội sọ vẫn được chỉ định dưới dạng “off label” trong một số trường hợp thất bại với điều trị nội khoa. Do vậy, FDA vẫn tiếp tục cảnh báo về chỉ định này.”

“Vai trò stent động mạch nội sọ trong phòng ngừa đột quỵ thứ phát” là vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, đây cũng là chủ đề được các chuyên gia PGS.TS.BS Lê Văn Trường – Viện trưởng Viện Tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; PGS.TS.BS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai và GS David S.Liebeskind (USA) bàn luận trong ngày đầu tiên của Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022.

PGS.TS.BS Lê Văn Trường - Viện trưởng Viện Tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108PGS.TS.BS Lê Văn Trường – Viện trưởng Viện Tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch MaiPGS.TS.BS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai

GS David S. Liebeskind - Giáo sư Thần kinh học tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) GS David S. Liebeskind – Giáo sư Thần kinh học tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ)

Theo đó, các chuyên gia đều thống nhất rằng, đối với điều trị đột quỵ thứ cấp, điều trị nội khoa là bắt buộc. Trừ những trường hợp điều trị nội khoa thất bại thì mới cân nhắc can thiệp đặt stent.

Trong bài báo cáo của mình, PGS.TS.BS Lê Văn Trường đã trích dẫn Guideline điều trị dự phòng thứ phát trên những bệnh nhân đã có tổn thương đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua (năm 2021). Theo đó, hướng dẫn ghi rõ: “Đối với những bệnh nhân có tổn thương nặng hẹp mạch trong sọ của khu vực bị nhồi máu đã được chứng minh hoặc thiếu máu não qua, không nên xem can thiệp đặt stent là lựa chọn hàng đầu mà cần phải điều trị nội khoa tích cực, đồng thời điều trị các yếu tố nguy cơ và sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép trong một thời gian ngắn.”

Chuyên gia cho biết, khuyến cáo này không hàm nghĩa rằng không được sử dụng stent mà nhấn mạnh không xem can thiệp đặt stent như một lựa chọn đầu tiên. Trên thực tế, các nghiên cứu cũng đã chứng minh điều trị nội khoa đem đến nhiều ưu thế về mặt lâm sàng hơn so với can thiệp đặt stent.

Tại phiên cuối cùng trong ngày 29/10, các chuyên gia cũng đã đưa ra những ưu điểm của nong bóng, đặt stent đối với xơ vữa động mạch. Cụ thể, đặt stent có tác dụng cơ học mở rộng lòng mạch, ép mảng vữa xơ vào thành mạch, giúp phục hồi dòng chảy sớm và đầy đủ. Bên cạnh đó, đây là loại stent không phủ thuốc nên nội mạc hóa rất nhanh. Theo thời gian, lòng mạch được nội mạc hóa, hạn chế các biến cố huyết khối.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa bệnh nhân không có nguy cơ hình thành huyết khối. Nguy cơ này phụ thuộc vào năng lực, trình độ của bác sĩ, cũng như dụng cụ được can thiệp. Hơn nữa, đây là một kỹ thuật có tai biến, biến chứng trong và sau can thiệp. Đồng thời, việc dùng thuốc đáp cũng có thể làm tăng khả năng chảy máu não và nội tạng ở những bệnh nhân có nguy cơ chảy máu cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể gặp biến chứng tái hẹp trong lòng stent và nguy cơ bị đột quỵ ở cùng bên can thiệp.

“Vậy, nếu chúng ta nói rằng là không dùng can thiệp đặt stent trong điều trị đột quỵ thứ phát là một quan điểm cực đoan. Nhưng nếu nói rằng mọi trường hợp đều phải đặt stent thì đó là quan điểm lạm dụng.” – PGS.TS.BS Lê Văn Trường cho hay.

Theo đó, ông đã chỉ ra những điều kiện nên đặt stent trong điều trị đột quỵ thứ phát, bao gồm những trường hợp đột quỵ nhẹ đã điều trị nội khoa tích cực nhưng thất bại, lòng mạch hẹp 70 – 99 %, động mạch bị xơ vữa đã được khẳng định trên DSA, chức năng thần kinh mRS 0-1-2, vào thời điểm 2 – 3 tháng sau đột quỵ, trên nền đã điều trị nội khoa tối ưu.

Không nên chỉ định đặt stent trong vòng 1 tháng đầu sau đột quỵ, chức năng thần kinh mRS > 3, giải phẫu quá phức tạp, kinh nghiệm can thiệp mạch thần kinh chưa đủ hoặc nếu bệnh nhân không đủ khả năng duy trì thuốc đáp liên tục 3 tháng.

GS Hans-Christoph Diener (Đức) - Viện Tin học Y tế, Sinh trắc học và Dịch tễ học, Khoa Y của Đại học Duisburg-Essen, EssenGS Hans-Christoph Diener (Đức) – Viện Tin học Y tế, Sinh trắc học và Dịch tễ học, Khoa Y Đại học Duisburg-Essen, Essen

GS Craig Anderson - Giáo sư Thần kinh học và Dịch tễ học tại Khoa Y tại Đại học New South Wales (Úc)GS Craig Anderson – Giáo sư Thần kinh học và Dịch tễ học tại Khoa Y tại Đại học New South Wales (Úc)


Các phiên thảo luận hết sức sôi nổiCác phiên thảo luận hết sức sôi nổi

Kết thúc phiên cuối cùng trong ngày 29/10, các chuyên gia đều đồng tình rằng điều trị nội khoa vẫn luôn là nền tảng cho những tổn thương xơ vữa động mạch, nhất là ở khu vực trong sọ. Chỉ nên nong và đặt stent cho các bệnh nhân có tổn thương trên 70% có chọn lọc căn cứ theo từng bệnh nhân và phải cá thể hóa trong điều trị.

Bên cạnh đó, không áp dụng một cách máy móc các nghiên cứu của nước ngoài trên người bệnh Việt Nam. Để chứng minh hiệu quả, cần phải tiến hành nghiên cứu số lượng lớn, theo dõi ít nhất 3 – 5 năm trên người bệnh Việt Nam.

Trong ngày đầu tiên, Hội nghị Đột quỵ TPHCM năm 2022 đã thu hút hơn 600 người tham dự trực tiếp tại khách sạn Sheraton (TP.HCM) và 200 người tham dự trực tuyến qua nền tảng zoom.

Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 30/10 với sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài như: GS Hans Christoph Diener, GS David Liebeskind, GS Henry Ma, GS Mark Parsons…

Theo Anh Thi - Benh dotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X