Tự nặn mụn, đắp thuốc, cô gái 24 tuổi suýt bị hoại tử mặt
Ngày 14/8/2024, BS.CK2 Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam thông tin về một trường hợp bệnh nhân tự ý nặn, bóp mụn trứng cá vùng mặt bội nhiễm gây biến chứng vô cùng nặng nề. Qua đó cảnh báo cộng đồng về những nguy cơ khi tự ý xử lý mụn viêm.
Theo lời bệnh nhân L.T.T (nữ, SN 2000, ở Đông Anh, Hà Nội), khoảng 7 ngày trước, T thấy trên má nổi đám mụn kèm ngứa, nên đã tự lấy kim chọc, nặn mụn và đắp thuốc đông y hút mủ ở nhà. Sau đó, vết thương bị viêm áp xe vùng má, sưng phù vùng mũi má, sưng phù mí mắt gây ảnh hưởng quá trình sinh hoạt, công việc.
Sau 4 ngày uống thuốc không đỡ, bệnh nhân bị sốt nhẹ, nửa mặt có dấu hiệu sưng phù, mụn mủ căng nhiều và nhức, lan toàn bộ mắt mũi và vùng mặt phải.
T đã đến hiệu thuốc tiếp tục mua thuốc nhằm giảm viêm, giảm đau và đắp thuốc nam hút mủ trong 2 ngày tiếp theo. Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại vùng má ngày càng sưng to, căng tức và vùng mắt, mí mắt sưng nhiều hơn, người mệt mỏi và đau nhức không ngủ được.
Qua thăm khám, bác sĩ thấy bệnh nhân bị tổn thương áp xe vùng má phải. các vùng da xung quanh khu vực áp xe đều sưng nề, lan sang vùng trán, mắt phải.
BS.CK2 Nguyễn Tiến Thành cho biết, trường hợp của bệnh nhân T phải thực hiện các thủ thuật dẫn lưu mủ, vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày. Đồng thời, bệnh nhân cần được sử dụng với sử dụng laser, ánh sáng để giảm viêm hạn chế bị sẹo, kết hợp với thuốc bôi để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.
Sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã thuyên giảm, hết mủ, hết sưng viêm vùng mặt, vùng da tổn thương đã phục hồi trở lại. Vùng áp xe còn thâm và nguy cơ bị sẹo xấu sau này.
Theo BS.CK2 Nguyễn Tiến Thành, nhiều bệnh nhân còn quá chủ quan, nặn mụn không đúng cách và tự ý chăm sóc không chuẩn y khoa…, điều này dẫn đến khối áp xe lan tỏa khá phức tạp, nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn, nặng hơn có thể nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm tính mạng.
Do đó, người bệnh tuyệt đối không tự nặn mụn nếu thấy mụn có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và đau, đặc biệt là vùng giữa mặt, vùng mũi. Nếu tự nặn mụn không đúng giai đoạn cùng với bàn tay không sạch đối diện nguy cơ nhiễm trùng.
Khi nổi mụn nhọt ở vùng mặt, nếu thấy sưng, nóng, đỏ, đau, gây phù nề vùng mô lân cận… người bệnh cần đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa da liễu để khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Đặc biệt, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị. Theo khuyến cáo, để giảm bớt nguy cơ nổi nhọt, hạn chế cho vi khuẩn tiếp xúc với da, cần vệ sinh da sạch và thường xuyên. Không nên tự ý nặn mụn khi còn sưng đau, hạn chế đưa tay lên mặt.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình