Hotline 24/7
08983-08983

Trung Quốc mở cửa có tạo ra đột biến gen SARS-COV-2 nguy hiểm hơn?

Dù mở cửa và giao thương đã lâu nhưng nhiều người dân vẫn lo ngại về tình hình dịch COVID-19 khi có nhiều biến chủng mới xuất hiện. Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh sẽ cung cấp một số thông tin về tình hình COVID-19 hiện nay, khi Trung Quốc vừa mở cửa trở lại.

1. Trung Quốc mở cửa là tín hiệu có thể dần buông lỏng cảnh giác với COVID-19?

Việc Trung Quốc mở cửa khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, sau Tết, làn sóng COVID-19 tại Trung Quốc được các nhà chức trách của nước này cho rằng đã kết thúc.

Đây có phải là tín hiệu cho thấy, chúng ta có thể dần buông lỏng cảnh giác với COVID-19?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Dù có buông lỏng hay không thì vẫn không thay đổi nhiều vì chúng ta đã mở cửa hoàn toàn với thế giới. Đối với chủng omicron, thông thường một đất nước khép kín mở cửa tầm 3 - 6 tháng đã tạo miễn dịch tự nhiên hoặc bệnh nặng, tử vong.

Omicron đến nay có rất nhiều biến chủng, tuy nhiên biến chủng mới nhất là XBB và không ảnh hưởng. Vì vậy việc mở cửa của Trung Quốc là bình thường. Dĩ nhiên trong những nước khép kín nếu mở cửa đột ngột, chắc chắn sẽ có hiện tượng bệnh nặng nhiều và có thể tử vong đối với người lớn tuổi.

2. Giao thương tấp nập trở lại, có tạo ra đột biến gen hay chủng virus mới nguy hiểm hơn?

Trong đợt dịch gần đây tại Trung Quốc không xuất hiện đột biến gen hay chủng virus mới nguy hiểm nào. Tuy nhiên, nếu như mở cửa và giao thương tấp nập trở lại giữa các quốc gia, liệu điều này có thay đổi, tạo ra đột biến gen hay chủng virus mới nguy hiểm hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mặc dù Trung Quốc có 1 tỷ 4 người nhưng so với dân số thế giới 7 tỷ 8 thì có hơn 5 tỷ người đã giao lưu với nhau nhiều. Nếu nói 1 tỷ 4 người Trung Quốc làm biến chủng lây lan nhiều hơn trước khi mở cửa là hoàn toàn vô lý. Khi mở cửa lượng cư dân giao tiếp với nhau nhiều hơn và thông thường khi một biến chủng lây nhanh xuất hiện sẽ ảnh hưởng toàn bộ, không cần đến biến chủng mới.

3. Có phải đại dịch COVID-19 đã gần đi đến hồi kết?

Nhiều chuyên gia đánh giá đại dịch COVID-19 đã gần đi đến hồi kết, nhưng thực tế vẫn xuất hiện thêm nhiều biến thể mới. Điều này nói lên điều gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi nói đến hồi kết phải xác định chủng omicron là corona người và trước đây chúng ta có 4 chủng corona người. Nếu cứ theo dõi sẽ có biến chủng mới. Nhưng khi biến chủng mới không thay đổi về mô hình bệnh thì không có vấn đề, nếu biến chủng đó cao hơn omicron một bậc mới phải bàn đến.

4. Biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn?

Trước Tết, TPHCM đã xuất hiện biến thể phụ XBB. Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron.

- Thực hư thông tin này như thế nào thưa BS?

- XBB có nguy hiểm như chúng ta đang lo sợ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước biến chủng XBB chúng ta có rất nhiều biến chủng nhánh của biến chủng BA như BA.1, BA.2, BA.5,… Rõ ràng các biến chủng trước cũng như biến chủng XBB lần này đều là biến chủng lành tính.

Cần chứng minh rõ, thoát miễn dịch là bao nhiêu. Trong khi XBB tăng rất nhanh và thế giới đã mở cửa nhưng XBB không thể là biến chủng thoát miễn dịch với tất cả mọi người. Nếu mọi người thoát miễn dịch thì tất cả đều phải bị bệnh, trong khi số ca mắc lại rất thấp so với tổng số. Việc nói thoát miễn dịch là trên xét nghiệm một vài ca và không thể chứng minh được toàn bộ đều thoát miễn dịch. Biến chủng XBB lây nhanh là vấn đề hết sức bình thường. Phải lây nhanh mới có thể tạo ra dòng mới, dòng thứ hai không gây bệnh nặng.

5. Biến chủng XBB.1.5 có nguy cơ như thế nào nếu xâm nhập vào nước ta?

WHO dự báo, chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới.

- Hiện XBB.1.5 chưa xuất hiện tại Việt Nam. BS đánh giá như thế nào về nguy cơ biến chủng này xâm nhập vào nước ta ạ?

- Biến chủng XBB.1.5 khác biệt như thế nào với XBB, có đáng lo ngại?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: XBB.1.5 hay biến thể trong tương lai đều là omicron và có thể sẽ lây nhanh hơn XBB. Quan trọng là tỷ lệ người mắc bệnh và biến thể có gây bệnh nặng hay không. Trong các biến chủng trước đây, khi mới ra chúng ta đều đặt câu hỏi này nhưng hoàn toàn bình thường.

Theo dõi biến chủng là việc của nhà khoa học. Còn đối với người dân chúng ta, nếu nó không tạo ra gánh nặng cho ngành y tế thì không phải quan tâm. Tuy nhiên với tình hình hiện tại sẽ không tạo ra gánh nặng vì chúng ta đã mở cửa hoàn toàn.

6. Vắc xin và các loại thuốc liệu có bắt kịp với tốc độ đột biến của SARS-CoV-2?

Vắc xin và các loại thuốc hiện có trong điều trị COVID-19, hiện nay và trong tương lai liệu có bắt kịp với tốc độ đột biến của SARS-CoV-2, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cho đến hiện nay chỉ một vài nghiên cứu, đề nghị nên tiêm ngừa hằng năm. Trên thế giới chưa có nước nào thực hiện, chỉ có nhà sản xuất đề nghị như vậy.

Khi không tiêm ngừa hằng năm thì không cần theo dõi miễn dịch corona. Vì human corona là corona ở người không có nghiên cứu tiêm ngừa hằng năm. Và nếu theo dõi biến chủng có thể chúng ta không chế kịp vắc xin tương ứng với biến chủng của mỗi năm.

7. Chúng ta đã thực sự có thể thoải mái đi lại như trước khi có dịch chưa?

Mặc dù đã trải qua nhiều năm, nhưng nhiều người vẫn e dè khi đến các quốc gia được cho là xuất hiện các biến chủng mới.

- Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta thực sự đã có thể thoải mái đi lại như trước khi có dịch chưa ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đa số mọi người đều đã đi lại tự nhiên, trường hợp e dè chỉ là một vài người. Mặc dù khuyên nên đeo khẩu trang khi lên máy bay nhưng nếu ăn uống trên máy bay sẽ không còn tác dụng.

Khi đã mở của chúng ta có thể giao lưu bình thường. Lưu ý rằng mức độ của biến chủng không gây ảnh hưởng và nền miễn dịch tự nhiên đã đủ cho cộng đồng chỉ xuất hiện những ca lẻ tẻ chứ không xuất hiện trên tất cả.

8. Có thể đến đâu để tiêm bổ sung vắc xin COVID-19?

Đứng trước làn sóng dịch trên nhiều quốc gia, bạn đọc lo sợ và có xu hướng muốn tiêm bổ sung vắc xin. Xin hỏi BS, hiện chúng ta có thể đến đâu để tiêm bổ sung vắc xin COVID-19 ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Lượng vắc xin hiện nay không còn hoàn hảo như chúng ta muốn. Tiêm bổ sung tốt nhất cho đối tượng cần là bivalent (vắc xin lưỡng trị).

Tiêm bổ sung theo định nghĩa là tiêm mũi 4, mũi 5 còn tiêm mũi 2, mũi 3 chỉ là các mũi cơ bản. Muốn ngừa biến chủng thì vắc xin cũ loại một chủng không còn tác dụng và phải cân nhắc tác dụng phụ. Chúng ta có thể liên lạc trạm y tế địa phương nếu có đúng vắc xin mình muốn thì có thể tiêm ngừa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X