Trên 80% người Việt bị viêm nướu, bạn cần làm gì để phòng ngừa?
Bệnh viêm nướu ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhai và sức khỏe toàn thân nhưng nhiều người vẫn chủ quan khiến bệnh diễn tiến nặng, phức tạp hơn. Trong buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân do Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh tổ chức, BS Lê Trung Hiếu đã đề cập đến cách để duy trì một nụ cười rạng rỡ từ thói quen vệ sinh răng miệng tốt, phát hiện bệnh sớm và làm sạch sâu tại nha khoa.
80% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm nướu
BS Lê Trung Hiếu nhấn mạnh, viêm nướu là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh nha chu. Tại Việt Nam, ước tính có trên 80% dân số mắc bệnh viêm nướu. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, bất kỳ độ tuổi nào. Viêm nướu chỉ khu trú ở mô nha chu bề mặt, chưa lan rộng ra hay lan sâu xuống dưới những phần mô xương, dây chằng nha chu.
Chuyên gia cho biết: “Các loại vi khuẩn thường trú ở miệng là nguyên nhân trực tiếp gây viêm nướu khi gặp điều kiện thuận lợi”. Các yếu tố thuận lợi có thể kể đến là:
- Mảng bám răng, chất glycoprotein trong nước bọt tạo nên chất nhờn trên bề mặt men răng. Lớp màng trong suốt này có thể gặp ở tất cả các mặt răng, là nơi trú ẩn rất tốt cho vi khuẩn và bị vôi hóa thành vôi răng nếu không được làm sạch.
- Cầu răng, mão răng, răng giả, răng trám không đúng kỹ thuật hay mang khí cụ chỉnh hình dễ lưu giữ thức ăn, tích tụ mảng bám và vi khuẩn làm nướu răng bị viêm nếu không có kế hoạch, kỹ thuật và công cụ vệ sinh răng miệng thích hợp.
- Các thói quen sinh hoạt như vệ sinh răng miệng không tốt, không đúng cách; hút thuốc lá...
- Thay đổi nội tiết (tuổi dậy thì, kinh nguyệt, thai nghén, đái tháo đường...)
- Thiếu vitamin C.
- Sử dụng thuốc cao huyết áp, chống động kinh, chống thải ghép...
Theo BS Lê Trung Hiếu, đối với nha sĩ, một trong những dấu hiệu đặc trưng để chẩn đoán viêm nướu là dùng cây đo túi nha chu đưa tới đáy túi, sau vài giây sẽ có máu xuất hiện.
Diễn tiến của bệnh viêm nướu là từ mảng bám răng bị vôi hóa thành vôi răng. Mảng bám và vôi răng tiếp tục là nơi tích tủ mảng bám, vi khuẩn. Vi khuẩn có trong mảng bám răng sinh sôi, phát triển nhanh chóng và tiết ra các độc tố gây viêm nướu.
Nướu bị viêm có màu đỏ, sưng, dễ chảy máu khi chải răng. Viêm nướu nếu không được điều trị lâu ngày sẽ trở thành viêm nha chu.
Nguyên nhân và những dấu hiệu đặc trưng của viêm nha chu
Viêm nha chu được định nghĩa là bệnh viêm nhiễm mô nâng đỡ răng (gồm nướu, dây chằng nha chu, xương ổ răng, dây chằng nha chu, xương ổ răng, xê măng) do vi khuẩn đặc hiệu gây ra, dẫn đến phá hủy dây chằng nha chu, xương ổ răng với sự thành lập túi nha chu, tụt nướu hay cả hai.
BS Lê Trung Hiếu giải thích: “Nguyên nhân chính của viêm nha chu là vi khuẩn nhưng phải có tác động của sức đề kháng. Sức đề kháng suy giảm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, viêm nướu có thể bùng lên dẫn đến viêm nha chu”.
Những yếu tố nguy cơ gây viêm nha chu có thể kể đến là:
- Người từng có tiền sử bệnh nha chu sẽ có nguy cơ bị viêm nha chu nhiều hơn;
- Yếu tố tại chỗ: mảng bám thức ăn, vôi răng;
- Yếu tố toàn thân: những bệnh toàn thân hoặc sức đề kháng yếu;
- Yếu tố môi trường và hành vi: Hút thuốc lá, thức ăn không tốt cho nướu;
- Yếu tố di truyền.
Diễn tiến của bệnh viêm nha chu thường chậm, ít đau nên dễ bị bỏ qua. Đến khi có những dấu hiệu rõ ràng như răng lung lay, sưng nướu (thường ở giai đoạn bệnh nặng, nguy cơ mất răng cao và khó điều trị), bệnh nhân mới đi khám.
BS Lê Trung Hiếu khuyên mọi người nên có thói quen đi khám răng định kỳ để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Hậu quả của viêm nha chu là mất răng nếu không được điều trị kịp thời, răng lung lay quá nhiều. Tình trạng viêm nha chu làm răng bị thưa, thiếu răng, vôi răng bám trên mặt ngoài răng kèm theo hôi miệng khiến bệnh nhân mất tự tin khi giao tiếp.
Mất răng còn khiến sức nhai giảm sút, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, làm trầm trọng thêm một số bệnh toàn thân như đái tháo đường, bệnh tim mạch...
Phòng ngừa bệnh viêm nướu và các phương pháp hỗ trợ làm sạch răng miệng
Để phòng ngừa bệnh viêm nướu, BS Lê Trung Hiếu cho biết, cần chải răng thật kỹ, đúng cách ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ buổi tối. Sau khi chải răng, hãy quan sát trên gương để đảm bảo không còn mảng bám.
Ăn đủ chất để răng, nướu được chắc khỏe. Nên ăn rau quả tươi có nhiều sinh tố và chất xơ để làm sạch răng.
Các nha sĩ khuyên dùng sản phẩm hỗ trợ làm sạch kẽ răng sau khi chải răng như chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, tăm nước... Khi bàn chải đã cũ, lông đã mòn hoặc bàn chải đã sử dụng quá lâu thì nên thai bàn chải mới, tốt nhất là chọn loại bàn chải có đầu nhỏ và lông mềm.
Đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần để được hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách, đồng thời có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.
Trong phần trò chuyện, BS Lê Trung Hiếu cũng đã giới thiệu một số phương pháp kiểm soát mảng bám. Đầu tiên là sử dụng chất phát hiện mảng bám (chất nhuộm màu mảng bám) để đánh giá mức độ mảng bám nhiều hay ít.
Thành phần của chất phát hiện mảng bám gồm chất nhuộm màu (màu đỏ - erythropsin, màu xanh - FDC blue, màu tím - tím gentian...), basic fuchsin, ethyl alcohol 95%, nước.
Cách dùng chất phát hiện mảng bám như sau:
- Dạng viên: Nhai nát viên thuốc, dùng lưới đánh qua các bề mặt răng, sau đó súc miệng.
- Dạng dung dịch: Nhỏ 3 giọt thuốc vào 1/3 ly nước để súc miệng.
- Gạng gel: Lấy một lượng nhỏ cho vào bàn chải, chải răng rồi súc miệng.
Chất nhuộm màu mảng bám sẽ nhuộm cả mô mềm và làm đổi màu các phục hồi trong miệng như răng giả, miếng trám composite. Màu nhuộm sẽ lưu lại màu trong nhiều giờ. Có thể sử dụng chất nhuộm này tại ghế nha khoa hay tại nhà.
Các phương tiện hỗ trợ mặt tiếp cận có thể kể đến tăm xỉa răng, chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng, tăm nước... Tăm nước trên thị trường có rất nhiều loại cũng như nhiều mức giá nhưng nguyên tắc hoạt động chung là dùng áp lực nước để đẩy thức ăn ra khỏi những vị trí khó làm sạch, có cả chức năng massage nướu.
Khi sử dụng, nên đặt đầu tăm nước sát vào vị trí cần làm sạch, sau đó kích hoạt tăm nước. Xịt từ xa sẽ khiến tia nước chạm vào nướu, gây đau nhiều hơn.
Nước súc miệng thường được chia làm hai loại: kháng khuẩn gây chết (diệt khuẩn diệt nấm) chứa chlorhexidine, phenol, hợp chất aminium bậc 4 và kháng khuẩn không gây chết (kiềm khuẩn) chứa hexetidine.
BS Lê Trung Hiếu hướng dẫn trình tự chải răng để tránh bỏ sót: “Nên bắt đầu từ mặt ngoài răng cối phần hàm 1 đến phần hàm 2, 3, 4. Sau đó vòng lên mặt trong phần hàm 1 và tiếp tục theo thứ tự. Mặt trong răng cửa chải riêng. Mặt nhai, mặt xa răng khôn chải sau cùng. Chia cung răng thành từng đoạn nhỏ để chải hiệu quả”.
Xử trí bệnh viêm nha chu
BS Lê Trung Hiếu nhấn mạnh: “Khi phát hiện có dấu hiệu của viêm nha chu, bệnh nhân cần đến khám với bác sĩ chuyên khoa nhằm chẩn đoán phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời”.
Nếu phát hiện tình trạng vôi răng, bệnh nhân sẽ được tiến hành lấy sạch mảng bám và vôi răng, sau đó là tiến trình điều trị nha chu chuyên sâu.
Tuy nhiên, hiện có rất ít nơi nhận và điều trị nha chu chuyên sâu. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên gia về nha chu để việc điều trị đạt kết quả như mong muốn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình