Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ nhỏ đi du lịch, cha mẹ cần lưu ý điều gì?

Để những chuyến du lịch không trở thành “hành xác” khi có trẻ nhỏ đi cùng, các cha mẹ cần trang bị những kĩ năng để mỗi chuyến du lịch trở nên thú vị và ý nghĩa.

Để chuyến du lịch trọn vẹn, cần chuẩn bị gì?

Trước diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn hiện diện tại nhiều nơi trên cả nước, nhất là những nơi đông người, nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn còn hiện hữu.

Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM, tỉ lệ tiêm chủng cao và người lành bệnh COVID-19 cao cho phép chúng ta cảm thấy lạc quan trước dịch bệnh. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm vắc xin COVID-19 nên đây vẫn là nhóm đối tượng dễ bị dịch tấn công, nhất là ở những nơi đông người.

“Hãy đảm bảo trẻ luôn trong vòng kiểm soát, tạo cho trẻ thói quen đeo khẩu trang và ít đụng chạm những vật dụng không cần thiết mỗi khi đi đến đâu” - BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Để cẩn trọng, nên cho bé đi khám sức khỏe trước mỗi khi đi du lịch. Đặc biệt, không để bị động về việc thiếu thuốc hoặc khó khăn trong việc mua thuốc cho con ở mỗi điểm đến.

Một chiếc xe đẩy có thể gấp gọn có lẽ sẽ hữu ích cho bạn, dù bé đã tự biết đi bộ. Nó có thể trở thành chiếc giường tạm khi bé mệt, cần nghỉ ngơi, hay dùng để chở đồ đạc nếu bạn quá mỏi khi phải tay xách nách mang.

Trang bị kĩ càng cho trẻ và chu đáo các vật dụng trong mỗi chuyến du lịch sẽ đỡ được nhiều phiền toái

Trẻ em đặc biệt dễ bị mất nước, chủ yếu bởi các bé thường chỉ uống khi thật sự khát. Bởi thế, nếu bé còn bú mẹ, bạn hãy uống thật nhiều nước để có đủ sữa - dù loãng cho bé bú, thậm chí cho bé uống thêm nước. Với trẻ lớn, cũng cần nhắc bé uống nước thường xuyên, đặc biệt là nước dừa. Ngoài ra nên kiểm tra nước tiểu của con, nếu nó có màu sậm hơn hoặc nặng mùi, cần cho bé uống thêm nước.

Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa mẫn cảm và chưa hoàn thiện so với người lớn. Do đó, cơ hội cho con thử nhiều món mới lạ có thể chờ thêm một thời gian khi bé yêu đã lớn hơn. Tốt nhất, bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thường ngày của bé (sữa, bột ăn dặm,…).

Nếu bé con đã lớn hơn một chút, bạn có thể cho con ăn cơm, thịt, trái cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (như đồ ăn trong khách sạn).

Cha mẹ nên để cho mỗi bé (lớn hơn 2 tuổi) tự làm quen với việc mang một balo xách tay riêng của mình (dù chỉ đựng 1 - 2 món đồ tư trang quần áo). Thói quen này sẽ giúp con làm quen với việc khi đi du lịch là tự giác với mọi việc của cá nhân mình, tập cho con tự xử lý với đồ của mình khi cần thay, tắm giặt hoặc những đồ cá nhân cần thiết mang ra dùng và để con có trách nhiệm với điều đó. Từ đó, bé có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị những đồ dùng của mình trong những chuyến du lịch sắp tới.

Ngoài ra, những thứ cần thiết chuẩn bị đó là:

- Quần áo theo mùa. Hãy xem nơi mình đến đang nóng hay lạnh, mưa hay nắng để chuẩn bị đồ đem theo hợp lý

- Mũ đi mưa nắng

- Kính mát

- Kem chống nắng

- Một chai nước rửa tay khô

- Khăn ướt, giấy ăn khô

- Vài món đồ chơi nho nhỏ mà bé yêu thích, chẳng hạn như búp bê hoặc chú gấu bông mà ở nhà bé vẫn hay ôm, ẵm.

- 1 - 2 quyển sách tranh mỏng mà bé thích, quyển tô màu với bút chì màu (với các bé đã biết tô màu)

Túi sơ cứu y tế - vật cứu cánh thường bị bỏ quên

Theo BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, túi sơ cứu y tế thường bị đánh giá thấp bởi ít khi được dùng đến nên nó hay bị bỏ quên ở nhà. Đôi khi chỉ một vết cắt nhỏ, hay phồng rộp cũng có thể gây ra khó chịu, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu bị uốn ván mà không được sơ cứu kịp thời.

Một túi sơ cứu y tế thường được chuẩn bị những đồ dùng không thể thiếu sau:

- Băng Urgo. Đây là loại để dành cho các vết thương nhỏ, không chảy máu nhiều. Mục đích chính là để vết thương không hở ra, tránh nguy cơ nhiễm trùng.

- Băng cuộn y tế: Có thể sử dụng trong rất nhiều trường hợp: Băng bó vết thương hở kích thước lớn, vết thương chảy nhiều máu, đặc biệt là với các vết thương chạm động mạch thì nó còn có thể được sử dụng làm băng ép. Có thể buộc cố định tay nếu như không may bị trật khớp/ gãy tay.

- Miếng gạc, miếng dán cổ chân dành cho những người đi bộ quá nhiều và mang giày chật, nhằm tránh bị trầy xước nơi tiếp xúc viền giầy và cổ chân.

- Các loại thuốc khác nhau như: Thuốc giảm đau hay hạ sốt; Kem bôi vết thương do côn trùng cắn; Thuốc chống tiêu chảy; Thuốc nhỏ mắt; Thuốc trị bệnh say tàu xe; Các thuốc cho bệnh cá nhân...

- Găng tay y tế: Khi không may có sự cố xảy ra, mang găng tay sẽ giúp nhanh chóng kiểm tra vết thương, tránh nhiễm trùng, cầm máu hiệu quả; một vai trò quan trọng nữa là tránh việc không may bị phơi nhiễm các bệnh truyền qua đường máu.

- Túi nhựa lớn để đựng băng và các vật dụng y tế đã sử dụng qua

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X