Trẻ bị táo bón, chậm đi cầu cần làm gì?
Táo bón là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn chưa thể phân biệt được con có thực sự đang mắc vấn đề này hay không. Vấn đề này sẽ được ThS.BS Hồ Quốc Pháp - Khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Tính chất của phân như thế nào gọi là táo bón?
Đối với trẻ em, đi ngoài như thế nào là bình thường? Tính chất phân như thế nào được gọi là táo bón?
ThS.BS Hồ Quốc Pháp trả lời: Các vấn đề về táo bón ở trẻ được rất nhiều cha mẹ, ông bà và người chăm sóc quan tâm.Táo bón là một trong những triệu chứng hoặc bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi.
Theo định nghĩa Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, Hội tiêu hóa Gan Mật Bắc Mỹ hoặc Châu Âu, đi phân cứng hoặc kéo dài, số lần đi vệ sinh tầm 2 đến 3 lần trên một tuần, tức là em bé bị táo bón. Tuy nhiên, một số đứa trẻ đi vệ sinh 2 đến 3 ngày từ nhỏ đến lớn. Những em bé đó có thể kéo dài 4 đến 5 ngày, thậm chí 6 ngày đi cầu một lần.
Khi xảy ra trường hợp trên, chúng ta mới nghĩ đến tình trạng táo bón. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào cơ địa của em bé, không phải em bé nào đi vệ sinh 2 đến 3 ngày bị táo bón. Một số trẻ đi vệ sinh từ 3 đến 4 lần trong 1 ngày. Bất ngờ một ngày, em đi vệ sinh 1 lần/ngày và phân cứng hơn bình thường. Lúc đó mình có thể nghĩ về tình trạng táo bón.
Đối với định nghĩa y khoa, đi vệ sinh 2 đến 3 lần/tuần và phân có xu hướng cứng hơn bình thường. Trên mạng và các phương tiện truyền thông, ba mẹ có thể tìm hiểu bảng phân như thế nào là táo bón. Bảng có phân chia nhiều mức độ, chúng ta có từ 7 đến 8 mức độ. Các bậc phụ huynh có thể nhìn bảng và so sánh.
Ví dụ, người đó có liên quan đến y khoa hoặc làm bác sĩ, nhìn vào bảng chúng ta vẫn hiểu. Người ngoài ngành hoặc chăm sóc cho bé bình thường, bác sĩ không khuyến cáo sử dụng bảng đó. Chúng ta cần ghi nhớ, nếu trẻ đi vệ sinh 2 đến 3 lần/ tuần hoặc phân đang sệt sệt bỗng dưng bị cứng hơn bình thường, bé phải rặn khi đi vệ sinh. Quý phụ huynh cần nghĩ ngay đến táo bón.
2. Trẻ dưới 6 tháng tuổi, lâu ngày không đi vệ sinh liệu có nguy hiểm?
Một số phụ huynh của các bạn nhỏ dưới 6 tháng tuổi hỏi rằng: “Con mình 5 đến 6 ngày, thậm chí 10 ngày mới đi vệ sinh một lần”, trường hợp này có đáng lo ngại hay không?
ThS.BS Hồ Quốc Pháp trả lời: Chắc chắn các trường hợp trên là đáng lo ngại vì ngày nào trẻ cũng phải đi vệ sinh. Trẻ đi vệ sinh 2 đến 3 lần/ngày, đó là em bé bình thường. Một số em bé có cơ địa đi vệ sinh 5 đến 6 lần/ngày hoặc đi vệ sinh 1 lần trong 2 đến 3 ngày.
Đối với trường hợp trẻ đi vệ sinh 1 lần trong 5 đến 7 ngày, thậm chí 10 ngày. Thậm chí, một số trường hợp bác sĩ đã gặp trên lâm sàng là đi ngoài 1-2 tháng/lần. Cha mẹ phải bơm, trẻ mới có thể đi vệ sinh, chắc chắn không phải là một em bé bình thường. Lúc đó, chúng ta cần đưa bé đi gặp chuyên gia ngay.
3. Trẻ dưới 6 tháng tuổi, tính chất phân như thế nào phải đi khám BS?
Tính chất phân như thế nào thì chúng ta có thể yên tâm với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trường hợp nào chúng ta cần cho trẻ đi khám, thưa BS?
ThS.BS Hồ Quốc Pháp trả lời: Nếu em bé đó bú sữa mẹ bình thường hoặc bú sữa công thức. Từ nhỏ đến lớn, em bé không bị triệu chứng gì, chế độ ăn không thay đổi. Bé không bị nhiễm siêu vi dẫn đến mất nước khiến phân cứng lại.
Bất ngờ hôm nay, phân cứng lại, bụng bí chướng nhẹ. Bình thường trẻ đi phân sợi, 2 đến 3 lần/ngày. Cả ngày chúng ta không thấy trẻ đi vệ sinh, bụng bị chướng nhẹ, đặc biệt là những em bé đi phân viên như phân dê. Ông bà ta gọi thằng nhỏ đi giống như phân con dê. Đó là các triệu chứng chúng ta cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ sớm để tìm ra nguyên nhân. Nếu điều trị nhanh cho em bé, nguy cơ sẽ giảm.
4. Theo thời gian, nguyên nhân khiến trẻ đi vệ sinh chậm thay đổi ra sao?
Các nguyên nhân nào khiến trẻ đi vệ sinh chậm? Chúng có thay đổi theo thời gian hay không?
ThS.BS Hồ Quốc Pháp trả lời: Người ta có câu nói “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”. Câu đó muốn nói với mỗi độ tuổi, tình trạng bệnh sẽ khác nhau. Táo bón ở trẻ 1 tháng tuổi khác trẻ 2 tháng tuổi. Tình trạng táo bón ở trẻ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi cũng khác. Táo bón ở trẻ 6 tuổi đến 9 tuổi cũng khác, 12 đến 15 tuổi khác.
Với mỗi giai đoạn tuổi khác nhau của trẻ, nguyên nhân sẽ khác nhau. Trẻ 2 đến 3 tháng tuổi trải qua giai đoạn táo bón cơ năng, tức là khi em bé đến tháng thứ hai hoặc thứ ba hay các bé 6 tháng tuổi chuyển sang giai đoạn ăn dặm.
Ví dụ, uống sữa chuyển sang ăn dặm có thể bị táo bón. Tuy nhiên, cần lưu ý trong độ tuổi sơ sinh, nếu em bé bị táo bón kéo dài có tiền căn phân su âm tính.
Phân su âm tính là trong 24 - 36 giờ đầu, em bé không đi được phân nâu, xanh dẻo, trong y khoa gọi là phân su.
Khoảng vài ngày sau, bụng em bé càng chướng lên và bị căng. Bệnh lý nguy hiểm của táo bón là phình đại tràng bẩm sinh. Có một đoạn đại tràng không hoạt động dẫn đến tình trạng táo bón, chướng bụng kéo dài. Đó là các tình trạng nguy hiểm và cần phát hiện sớm để được điều trị, đặc biệt là em bé dưới 6 tháng tuổi.
Riêng đối với em bé dưới 12 tháng tuổi, chủ yếu là do chế độ ăn. Tiêu hóa có mối quan hệ mật thiết với chế độ ăn.
Từ 6 đến 12 tháng rưỡi, trẻ đã thay đổi. Trẻ đang uống sữa bỗng dưng chuyển sang ăn dặm, không phải ba mẹ nào cũng biết cách nấu ăn dặm cho trẻ. Đặc biệt là những người lần đầu làm cha mẹ. Họ bắt đầu tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng, đọc sách, đôi lúc cha mẹ nấu sai, cho trẻ ăn dặm chưa tốt… Chính điều đó dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Bệnh lý này có nhiều vấn đề khác nhau. Một trong các loại bệnh thường gặp ở trẻ 6 đến 12 tháng tuổi là táo bón.
Đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi, nếu cha mẹ phải đi làm sớm hoặc mẹ không được nghỉ từ 12 đến 18 tháng. Em bé có thể đi nhà trẻ sớm hơn bình thường. Nhiều em chưa biết đi nhưng đã đi nhà trẻ, thay đổi chế độ sinh hoạt nên không được chăm sóc kỹ hơn. Các em bé lớn hơn đã được đi mầm, chồi, lá, tiểu học cũng thay đổi về chế độ ăn, tâm lý.
Đặc biệt là những em bé trong độ tuổi tiểu học. Ở nhà thì vệ sinh rất sạch sẽ, nhưng khi lên trường các em học sinh tiểu học sẽ nhịn và đợi về nhà rồi mới đi vệ sinh. Chính động tác này gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa dẫn đến tình trạng táo bón. Thậm chí nó có thể kéo dài hay nặng lên.
Những em bé từ 6 đến 9 tuổi, thậm chí 12 tuổi trở lên uống ít nước, ngồi một chỗ nhiều hoặc ít vận động, xem truyền hình nhiều cũng gây ra tác động. Mỗi nhóm tuổi sẽ có nguyên nhân và đặc tính riêng, quý vị chỉ cần nắm những nguyên nhân thường gặp nhất. Chúng ta không phải là chuyên gia về y khoa nên không nhất thiết nắm toàn bộ giống bác sĩ, chỉ cần nhớ tầm 1 đến 3 bệnh lý đối với mỗi độ tuổi.
5. Chậm đi ngoài sinh lý và táo bón được phân biệt ra sao?
Đối với trường hợp chậm đi ngoài sinh lý, chúng ta có thể phân biệt với táo bón như thế nào? Làm sao để con cái đi vệ sinh nhanh hơn, thưa BS?
ThS.BS Hồ Quốc Pháp trả lời: Cụm từ "chậm đi ngoài sinh lý" không phổ biến, vì vậy rất ít người biết tình trạng bệnh khi nghe cụm từ này. Chậm đi ngoài sinh lý là đường ruột của em bé đến 1 giai đoạn phát triển từ tháng thứ ba đến tháng thứ tư, có nhiều thay đổi để thích nghi với chế độ ăn và môi trường mới. Vì vậy, dẫn đến triệu chứng chậm đi ngoài hơn so với bình thường.
Tình trạng này do sinh lý, cơ địa, em bé sẽ tự hết. Tuy nhiên, phụ huynh không được chủ quan, cần nghĩ đến bệnh lý để tìm ra dấu hiệu cảnh báo.
Bệnh ở trẻ nhỏ có xu hướng cảnh báo bên trong. Thứ nhất trẻ bị táo bón có những triệu chứng đi kèm như bụng chướng lên. Thứ hai, táo bón kéo dài tức là lâu lâu bị một lần. Sau đó tình trạng đó lặp lại 2 đến 3 lần rồi hết. Một vài tháng sau trẻ mới bị lại.
Táo bón có liên quan đến bệnh lý toàn thân do thay đổi chế độ ăn mới được gọi là táo bón đi kèm hoặc táo bón sinh lý. Còn trong trường hợp táo bón kéo dài, bụng chướng lên kèm theo ói nhiều, đau bụng, em bé cứ quấy khóc.
Trong một số trường táo bón gây giảm cân. Đó là lúc chúng ta cần đi gặp chuyên gia sức khỏe, khoan nghĩ đến chậm đi ngoài sinh lý. Sau khi kiểm tra hết nguyên nhân và làm xét nghiệm, hiện tượng này không có gì đặc biệt mình nghĩ là đau bụng sinh lý, tình trạng này sẽ hết.
Mình cần theo dõi tình trạng đau bụng sinh lý một thời gian, đau bụng sinh lý sẽ đỡ trong thời gian ngắn. Tình trạng được cải thiện trong vài tuần hoặc vài tháng. Nếu các chuyên gia chẩn đoán đau bụng sinh lý kéo dài, tình trạng đó gọi là bệnh lý.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình