"Mắt trái có màu xanh hơn, vì tôi đang đeo con mắt của người Mỹ. Tôi không ngờ có ngày mình nhìn cuộc đời bằng giác mạc của người nước ngoài ...”.
Bỗng dưng bị mù
Tai hoạ xảy đến vào năm 2005, khi anh Chơn đang là nhân viên công ty cấp nước Đà Nẵng. Hai mắt sáng lành mấy chục năm, đột nhiên mắt trái mờ bất thường, có lớp màng trắng đục che phía trước, thi thoảng nhức rưng rức, “Nghĩ chắc do tuổi đã tứ tuần nên mắt mũi bắt đầu tèm nhèm, tôi cũng không lo gì. Ai ngờ đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị đục thuỷ tinh thể, họ bảo đợi thêm thời gian để xem tình hình thế nào. Lúc đó tôi mới bắt đầu thấy sợ...”, anh Chơn nhớ lại.
"Tôi nguyện với lòng, nếu đến hơi thở cuối cùng 2 mắt vẫn còn sáng, tôi sẽ hiến tặng lại cho đời"
Chờ đâu được 1 năm, mắt trái vẫn đau nhức từng cơn, kèm nước mắt chảy không kiểm soát. Linh tính báo tình hình đang xấu đi, anh Chơn lại tìm đến bệnh viện. Lần này, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm giác mạc, cho thuốc về uống, bảo vài ngày sau đến tái khám.
“Nhưng làm gì còn kịp tái khám”, anh Chơn chùng giọng, “Chỉ sau 2 ngày dùng thuốc, con mắt bệnh của tôi từ đau nhức chuyển qua mờ dần rồi mù luôn. Cảm giác lúc đó như đang bị hàng chục mũi kim đâm vào giác mạc mình vậy”. Người nhà chở anh đi nhập viện. “Tôi choáng váng khi nghe bác sĩ báo tin chứng nhiễm trùng đã làm thủng giác mạc mắt trái. Cách cứu vãn lúc này chỉ có thể múc bỏ mắt. Vì để lâu, e con mắt còn lại sẽ bị biến chứng lây…”, anh Chơn kể.
Vợ đưa chồng chạy chữa khắp nơi
Anh Hoàng Ngọc Chơn, năm nay 49 tuổi, đang sống ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) với vợ và một con gái. Hiện anh đã trở lại công việc kỹ sư ở công ty cấp nước Đà Nẵng. Để cảm ơn những người giúp mình tìm lại ánh sáng, anh Chơn đã huy động người thân, họ hàng cùng anh tìm đến một số bệnh viện, tổ chức, tình nguyện đăng ký hiến giác mạc cho những người mù loà bất hạnh. |
Nằm trên giường bệnh, nghe tiếng vợ mình năn nỉ các bác sĩ cứu chồng, lòng anh Chơn đau thắt. Anh Chơn quyết định từ chối cuộc phẫu thuật, rời viện về nhà: "Chẳng hiểu sao tôi lại có niềm tin vẫn còn cách khác để điều trị mà không phải múc bỏ mắt. Nếu mình có quyết tâm thì sẽ tìm ra…”. Không thể tiếp tục công việc cơ quan, cũng không thể đi lại, bởi nhất cử nhất động là cơn đau mắt lại ùn lên. Có đêm đang ngủ, mắt anh Chơn như muốn nổ tung, phải vùi cả mặt mũi vào bể nước cho đỡ.
Để giúp chồng tìm lại nguồn sáng, ròng rã ba tháng trời, từ bốn giờ sáng, chị Ngô Thị Quốc Khánh, vợ anh Chơn, chạy xe gắn máy chở anh đến huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cách nhà 50 - 60 cây số, nhờ thầy châm cứu. Đến 7 giờ, hai vợ chồng lại tranh thủ về nhà để chị còn đi làm. Vậy mà bệnh cũng chẳng thuyên giảm.
Lần nọ, chị Khánh tìm trên mạng, thấy ở Singapore có thể ghép được giác mạc cho người mù, chi phí khoảng 2000 USD, chị định bán nhà, đưa chồng sang chữa trị. Nhưng anh Chơn can ngăn vì nhà bán rồi thì gia đình sinh sống ở đâu?
Không muốn người thân tiếp tục vì mình mà khổ sở, một buổi chiều tháng 10.2006, anh Chơn nói với vợ: “Chắc anh phải nhờ bác sĩ múc bỏ mắt thôi. Nhức quá, anh chịu không nổi nữa rồi...!”. May làm sao, cũng trong buổi chiều ấy, bác sĩ gọi điện thoại thông báo sẽ có một đoàn bác sĩ Mỹ đến Hà Nội và mang theo 10 giác mạc để cấy ghép. Ngay lập tức, anh Chơn thu xếp đồ đạc, bắt chuyến tàu cuối cùng trong ngày đi Hà Nội.
“Tôi sẽ hiến tặng lại cho đời…”
Tại hành lang bệnh viện Mắt Trung ương hôm đó có rất nhiều bệnh nhân đến làm kiểm tra để được ghép giác mạc. Nhưng, từng người bước vào rồi lại ra về với sắc mặt không chút hy vọng. Đến lượt anh Chơn, sau bước kiểm tra tổng quát, các bác sĩ bảo mắt anh có thể thực hiện được, “Tôi mừng như ai cho vàng. Vậy là cuối cùng ông trời cũng đã thương tôi…”, anh Chơn nói.
2 ngày sau, cuộc phẫu thuật ghép giác mạc diễn ra. Chỉ mất độ 30 phút trong phòng mổ và 3 ngày nằm phòng hồi sức, con mắt trái tưởng như mù vĩnh viễn của anh Chơn giờ đã nhìn được vợ con và cuộc sống xung quanh.
Tuy nhiên phải đợi thêm 6 tháng nữa, xem cơ địa anh Chơn có tương thích không, nếu không có biến chuyển bất thường nào, nguy cơ đào thải giác mạc không xảy ra thì mới có thể nói cuộc phẫu thuật thành công. Cầm bằng ngược lại, thì sẽ phải múc bỏ mắt. May mắn là mọi thứ đều ổn.
“Tôi mù một mắt chỉ trong 1 năm mà thấy quá đau khổ rồi, huống gì những người khiếm thị cả hai mắt. Họ chắc phải có nghị lực lắm mới vượt qua được. Cuộc sống đã nhận thì phải cho. Tôi nguyện với lòng, nếu đến hơi thở cuối cùng 2 mắt vẫn còn sáng, tôi sẽ hiến tặng lại cho đời…”, anh Chơn chia sẻ.
Theo Cát Minh - Sài Gòn Tiếp Thị