Cụ bà ho khan suốt 3 tháng do viêm phổi tăng mẫn cảm, hết ho chỉ sau 2 tuần điều trị
Cụ bà 72 tuổi phát hiện viêm phổi tăng mẫn cảm khi thăm khám tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh do các triệu bất thường kéo dài. Sau hơn 2 tuần điều trị, bà hết ho, hết khó thở và CT phổi cải thiện rõ rệt.
Bà N.T.D. (72 tuổi) cho biết, trước đó xuất hiện các triệu chứng ho khan kéo dài 3 tháng, sốt nhẹ, mệt khi gắng sức. Bà đã đi khám và điều trị nhiều nơi, có hết sốt và không còn sụt cân nhưng ho khan không thuyên giảm.
Bên cạnh đó, ngày càng có cảm giác nặng ngực, khó thở khi ho, bà đi chụp X-quang phát hiện có bất thường ở phổi. Sau đó, bà D. được giới thiệu đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh để kiểm tra.
Tại đây, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc chỉ định kiểm tra CT phổi phát hiện tổn thương đường kính mờ đông đặc rải rác phổi phải, ưu thế thùy trên, thùy giữa và đám tổn thương kính mờ phân thùy S1+2 (T).
Kết quả tầm soát lao và bệnh lý tự miễn trong giới hạn bình thường. Qua khai thác tiền căn gia đình ghi nhận có nuôi chó và gia cầm. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm phổi tăng mẫn cảm.
Sau hơn 2 tuần tuân thủ điều trị, bệnh nhân hết ho, hết khó thở và hình chụp CT phổi cải thiện rõ rệt.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, sáng lập Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, viêm phổi kẽ quá mẫn (viêm phổi tăng mẫn cảm hay viêm phế nang dị ứng ngoại sinh) là hội chứng bao gồm ho, khó thở, mệt mỏi do nhạy cảm và dị ứng muộn với các kháng nguyên của môi trường (thường do môi trường làm việc hoặc trong gia đình).
Đặc trưng của bệnh bởi tình trạng viêm mô kẽ cấp tính, phát triển thành u hạt sau đó xơ hoá khi tiếp xúc kháng nguyên lâu dài.
Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông hoặc đầu mùa xuân và thường xảy ra ở những người làm công việc tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng, hít các chất này vào phổi như: lông và chất thải các loài thú cưng, gia cầm; nấm mốc từ máy điều hoà hoặc chăn drap gối nệm nhiều ngày không dọn vệ sinh…
Theo vị chuyên gia, có hơn 300 kháng nguyên đã được xác định là tác nhân gây viêm phổi kẽ quá mẫn, 75% là các kháng nguyên gặp phải qua chăn nuôi, gia cầm hoặc ô nhiễm nguồn nước
Khi chẩn đoán viêm phổi kẽ quá mẫn, cần hỏi tiền sử kỹ lưỡng, bao gồm: Triệu chứng bắt đầu sau khi chuyển sang một công việc hoặc nhà mới; bệnh phổi không điển hình tái phát; thay đổi nguồn nước tiếp xúc như bồn tắm, bể bơi hoặc ống nước trong nhà bị hư; nuôi chó, mèo, chim, thú cưng, gia cầm…; đợt cấp và đợt giảm triệu chứng xuất hiện liên quan đến các tình huống tiếp xúc cụ thể.
Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm máu thường không có tăng bạch cầu ái toan; các thử nghiệm test da tìm kháng nguyên không hữu ích. X-quang phổi không nhạy cảm và không đặc hiệu ở giai đoạn cấp. Giai đoạn mạn tính có thể thấy kính mờ dạng lưới hoặc nốt và hình ảnh tổ ong, tương tự như xơ phổi tự phát.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc thông tin, hiện nay, CT phổi độ phân giải cao (HRCT) được coi là tiêu chuẩn để đánh giá sự thay đổi nhu mô trong viêm phổi kẽ quá mẫn.
Hình ảnh HRCT điển hình với nhiều tổn thương vi hạt ở trung tâm tiểu thùy hoặc có thể chỉ là tổn thương kính mờ nhu mô phổi trong giai đoạn cấp và bán cấp, giai đoạn mạn tính có tổn thương dạng lưới hoặc tổ ong.
Đánh giá chức năng hô hấp có thể thấy hội chứng tắc nghẽn, hạn chế hoặc hỗn hợp, giai đoạn tiến triển có thể giảm thể tích phổi, giảm khả năng khuếch tán phế nang mao mạch (DLCO) và giảm oxy.
Xét nghiệm sâu hơn được chỉ định khi cần hỗ trợ thêm cho chẩn đoán hoặc để phát hiện các nguyên nhân khác của bệnh phổi kẽ.
Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hô hấp, chẩn đoán hình ảnh, cơ sở được trang bị kỹ thuật cao, cùng ứng dụng phân tích định lượng trên CT phổi giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình