Hotline 24/7
08983-08983

Tôi bị trĩ nội cấp độ 1, có nguy hiểm?

Từ ngày sinh bé đầu lòng, tôi luôn cảm thấy đau tức khó chịu nhẹ dưới hậu môn, thỉnh thoảng hay bị táo bón. Khi đi nội soi đại tràng bác sĩ thăm khám, bác sĩ có kết quả là tôi bị bệnh trĩ cấp độ 1...

Câu hỏi:

Từ ngày sinh bé đầu lòng, tôi luôn cảm thấy đau tức khó chịu nhẹ dưới hậu môn, thỉnh thoảng hay bị táo bón. Khi đi nội soi đại tràng bác sĩ thăm khám, bác sĩ có kết quả là tôi bị bệnh trĩ cấp độ 1, cũng không kê đơn thuốc, chỉ dặn là ăn uống điều độ tránh táo bón, không nên ngồi lâu và nhiều, chịu khó tập thể dục. Tình trạng bệnh của tôi có gây ung thư sau này nếu không được điều trị dứt điểm hay không? Cảm ơn nhiều!

Nội soi đại tràng. Ảnh minh họa: Internet
Nội soi đại tràng. Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn,

Theo những gì bạn mô tả, bạn mới bị giai đoạn đầu của trĩ nội và đã nội soi để đánh giá mức độ của bệnh, bạn đang ở giai đoạn nhẹ nhất của bệnh. Chúng tôi sẽ đưa ra nhưng thông tin về bệnh trĩ nội dưới đây để bạn có thể đánh giá khách quan tình trạng bệnh và phương hướng điều trị mức độ bệnh của mình.

Trĩ nội được hình thành như thế nào?

Trĩ nội được sinh ra do tắc nghẽn mạch máu ở ống hậu môn, mao mạch căng phồng tạo thành những đám rối tĩnh mạch. Bề mặt của trĩ nội thô, sáng bóng, thông thường có màu đỏ tươi, niêm mạc mỏng, vì vậy dễ chảy máu.

Cơ chế hình thành búi trĩ là do tĩnh mạch trên trực tràng và nhánh của nó không có van tĩnh mạch, khi đứng, ngồi lâu (thói quen ngồi lâu đọc sách báo, hoặc ngồi nhiều giờ do đặc thù nghề nghiệp) hoặc ngồi xổm dễ làm cho máu ứ lại, lâu dần làm cho hậu môn bị căng lên hay tăng sinh dẫn tới mắc trĩ nội.

Một số yếu tố khác làm cho búi trĩ ngày một tăng lên do táo bón hoặc do cọ xát (quan hệ tình dục qua đường hậu môn) hoặc do chứng viêm nhiễm gây kích thích hoặc do đi đại tiện không đúng giờ hoặc do táo bón kéo dài.

Khi búi trĩ đã được hình thành, nếu tĩnh mạch bị phình, gập, trĩ sẽ bị gấp khúc, phình giãn rất mềm, nếu mạch máu bị phù nề, màu của trĩ đỏ tươi, thô ráp, không bằng phẳng và rất dễ chảy máu. Nếu táo bón, đi ngoài rặn nhiều hoặc ngồi lâu trĩ sẽ thòi ra ngoài.

Trĩ nội có những biểu hiện gì?

Trĩ nội nếu không được chữa trị đúng, kịp thời, bệnh sẽ phát triển thành 4 giai đoạn (gọi là 4 mức độ) khác nhau:

- Độ 1, búi trĩ xuất hiện bên trong lòng hậu môn, người bệnh khó nhìn thấy nhưng dễ chảy máu (ra máu tươi, chảy thành giọt, từng tia hoặc máu dính theo phân). Với độ 1, ít hoặc không đau buốt, tuy vậy có lúc cảm thấy căng tức hậu môn hoặc đi đại tiện khó khăn.

- Độ 2, búi trĩ sa thấp hơn, nằm thập thò ở bên trong hậu môn. Khi rặn hay đi đại tiện, búi trĩ có thể thò ra ngoài sau đó tự thụt vào được chưa cần có sự can thiệp nào.

- Độ 3, búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, khi ngồi xổm hay cả khi đi lại nhiều. Búi trĩ rất khó tụt vào, người bệnh phải dùng tay đẩy búi trĩ mới vào bên trong hậu môn.

- Độ 4, búi trĩ sa ra ngoài khi đi cầu và không thể đẩy búi trĩ tụt vào được. Bị nóng và đau rát sau đi cầu kéo dài khoảng 1 tiếng thì có thể bạn bị nứt hậu môn - có triệu chứng chảy máu khi đi cầu kèm theo là đau rát nóng kéo dài sau đó.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh trĩ, mọi người cần ăn nhiều rau, trái cây và uống đủ lượng nước hàng ngày (nên uống từ từ, chia nhiều lần trong ngày, mỗi ngày khoảng 1,5 lít). Tránh ăn thức ăn cay, kiêng rượu bia. Cần vận động cơ thể hàng ngày, nhẹ nhàng, đều đặn, với mọi hình thức thích hợp cho mỗi người.

Trĩ là bệnh làm giãn, sau đó làm phình mạch, tạo thành từng búi tĩnh mạch vùng hậu môn - trực tràng. Người bị táo bón kéo dài hoặc làm công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều và bị những bệnh làm máu huyết ứ trệ hay mắc bệnh trĩ.

Không chỉ gây đau đớn, phiền toái trong sinh hoạt, bệnh trĩ nếu không chữa trị tốt có thể dẫn đến biến chứng viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối... do búi trĩ chèn thắt lẫn nhau. Trong việc điều trị bệnh trĩ, ngoài dùng thuốc, thắt dây thun, phẫu thuật... người bệnh cần đặc biệt chú ý tới chế độ ăn uống chống táo bón. Có nghĩa là, cần uống nhiều nước, vì nước làm mềm phân, giúp việc đi cầu dễ dàng hơn.

Cần tăng cường chất xơ trong thức ăn vì chất xơ tham gia trữ nước đáng kể trong ruột, làm phân dễ bở ra nên dễ dàng khi di chuyển. Các loại rau quả, ngũ cốc như đậu trắng, ngũ cốc xay, cà rốt, chuối măng, quả mơ, súp lơ, cam, dâu tây... rất giàu chất xơ.

Cùng với đó, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm - thuốc có công dụng trị bệnh trĩ như rau diếp cá (ăn sống hoặc sắc nước uống), hoa hòe (hãm trà uống mỗi ngày), khoai lang luộc; các món ăn từ mướp (cung cấp chất nhầy). Người mắc bệnh trĩ phải cương quyết nói “không” với trà, cà phê, thuốc lá, rượu và gia vị cay nóng, vì các chất này làm bệnh nặng thêm.

Hi vọng các thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn có sức khỏe thật tốt!

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X